- 2/4 nghệ sĩ khi được hỏi về những vấn đề họ quan tâm và muốn giải quyết trong Đại hội Hội điện ảnh sắp tới có chung một câu trả lời: "Không còn gì để nói"!
NSƯT Minh Châu cho biết bà đang bận rộn với rất nhiều dự án phim nên có lẽ sẽ không tham gia Đại hội Hội điện ảnh diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21 và 22/7 tới. Diễn viên Minh Châu cũng từ chối đưa ra ý kiến về kỳ Đại hội sắp tới với một câu duy nhất: "Chẳng có gì để nói và không còn gì để nói".
NSƯT Minh Châu chỉ quan tâm đến việc đóng phim.
Trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên trước buổi quay, NSƯT Minh Châu tâm sự bây giờ bà chỉ chuyên tâm vào việc đóng phim, lấy đó làm vui và chán không muốn đưa ra ý kiến gì.
Cùng chung quan điểm này với NSƯT Minh Châu, Đạo diễn Hà Sơn nói: "Tôi là hội viên hội điện ảnh nhưng tôi nói trước là sẽ không dự Đại hội Hội điện ảnh vì không còn gì để nói nữa. Và có họp thế, họp nữa cũng không làm được cái gì cả. Mặc dù Hội đối với tôi rất tốt nhưng từ lâu tôi đã không tham gia đại hội. Hội Điện ảnh không cần thiết, không còn hiệu quả nữa".
Tuy vậy cũng có những vấn đề "nóng" mà nhiều hội viên muốn giải quyết ngay trong kỳ Đại hội tới.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nhiều thứ phải thay đổi!
Trong năm nay có rất nhiều đại hội nhưng có lẽ nóng bỏng nhất là đại hội Hội nhà văn với nhiều ý kiến hay, nhưng trước thềm đại hội Hội Điện ảnh thì vẫn im lìm. Sau mỗi kỳ đại hội, mong muốn của các hội viên cũng như tôi là có một sự thay đổi vì không khí mới bao giờ cũng thích hơn không khí cũ.
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Hội Điện ảnh, tôi nghĩ có nhiều thứ phải thay đổi. Cơ cấu BCH chắc sẽ có nhiều người mới nữa chứ không thể những người cũ rích như chúng tôi ngồi mãi được. Công việc của hội cũng phải mới vì bây giờ nó rất im lìm dù vẫn có trại sáng tác, vẫn đầu tư nhưng nó chỉ có thế thôi trong khi có thể xới lên rất nhiều việc có thể tập hợp được những người làm điện ảnh trẻ.
Trong nhiệm kỳ vừa qua rạp chiếu phim của CLB Hội Điện ảnh cũng không khai thác hết, việc chiếu phim mới thường niên từ lâu rồi cũng không chiếu nữa. Mà nếu không chiếu phim thì có thể sử dụng phòng chiếu của hội cho rất nhiều sinh hoạt khác, không nên để không như hiện nay, rất lãng phí. Tôi nghĩ phải thay đổi, phải có không khí mới và công việc mới, xốc lên một đời sống mới trong sinh hoạt của Hội Điện ảnh VN.
Về BCH mới, tôi nghĩ ai muốn vào trước hết phải nhiệt tình với công việc của hội, thứ hai là phải có uy tín nghề nghiệp. Nhiệm kỳ vừa rồi có 10 người nhưng có phải cả 10 uỷ viên BCH đều làm việc hết đâu. Một số đi chơi, một số chẳng làm gì. Anh Vương Đức là chủ tịch hội đồng nghệ thuật chẳng hạn nhưng cả 5 năm có xuất hiện với vai trò chủ tịch đâu. Anh Nguyễn Thanh Vân phụ trách ban sáng tác thì mải mê đi làm phim. Anh Nguyễn Hồ trong Nam thì còn chẳng buồn ra họp.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Ngành mình gần đây nhiều "rác" quá!
Lâu nay khán giả Việt Nam đâu có biết định hướng thẩm mỹ của Điện ảnh VN là thế nào bởi Hội Điện ảnh và các cơ quan quản lý về Điện ảnh không làm việc đó, mà để cho báo chí làm giúp. Nếu là tờ báo tử tế thì họ định hướng tốt, còn nếu rơi vào báo lá cải thì ngay cả những bài viết về phim cũng làm cho nhiều phóng viên văn hoá khó chịu. Những tuyên bố lộng ngôn của một vài nghệ sỹ làm cho khán giả lầm tưởng như đó mới là phim… Ngành mình gần đây nhiều "rác" quá. Những thứ đó lâu nay vô hình trung chi phối cả một nền Điện ảnh nước nhà.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (phải) hy vọng BCH mới sẽ được trẻ hoá.
Cũng chính vì vậy mà vai trò của Hội điện ảnh trong việc định hướng thẩm mỹ phải rất rõ ràng vì Hội có cơ hội làm việc đó thông qua kỳ trao giải Cánh diều hàng năm. Việc quyết định giải thưởng phải mang tính thẩm mỹ, để giới làm nghề hiểu được đâu là giá trị đích thực của một tác phẩm điện ảnh. Có không ít những thông tin mỗi kì trao giải khiến báo chí phải vào cuộc, công chúng cười, nghệ sĩ hoang mang. Những người làm phim trẻ không biết đi theo hướng nào. Điện ảnh nước nhà có phát triển được cũng phải nhờ vào những định hướng thẩm mỹ của những nhà làm phim.
Kỳ Đại hội Điện ảnh sắp tới, tôi hy vọng BCH mới sẽ không phải là những người muốn tìm chỗ nghỉ ngơi mà là những người thực sự vẫn còn đang muốn làm việc, những người vẫn còn máu nghề, đang sung sức. Điều tôi muốn nói ở đây là BCH phải trẻ hoá, không phải trẻ ở tuổi tác mà phải trẻ ở tư tưởng. Vai trò của Hội đến đâu trong việc quản lý và thúc đẩy Điện ảnh phát triển? Điện ảnh của chúng ta đang ở đâu? Tôi nghĩ, đã đến lúc nên nhìn vào hiện tại.
-
Hoàng Vy