Có gì tuyệt vọng hơn khi một người mẹ bị tuột đứa con gái khỏi tầm tay giữa làn đạn chết chóc vung vãi và những đoàn người nháo nhào bỏ chạy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Có gì bất lực hơn khi cô gái nhỏ suốt bao năm chỉ nhớ được hình ảnh mẹ cứ nhỏ dần, xa dần trên chiếc tàu với chiếc áo màu trứng gà, hai bàn tay đưa ra vẫy trong vô vọng. Có gì cô độc hơn khi một người đàn ông lập bàn thờ với hai tấm bảng hai bên ghi chữ “Cha”, “Mẹ”...
Giây phút trùng phùng của gia đình chị Trang. Niềm hi vọng của bà mẹ sau gần 40 năm đã thành hiện thực - Ảnh: Saigon Mornings
Chiến tranh đã gây nên những cảnh thắt lòng ấy, và chiến tranh cũng sẽ là lý do hợp lý để người ta cho phép mình lướt qua những nhớ thương, trăn trở để tiếp tục sống, bởi nếu cứ sống cho những nỗi niềm ấy thì sẽ đâm đầu vào tuyệt vọng.
Chiến tranh mà.
Ấy vậy mà không.
Người mẹ ấy suốt bao năm cứ dành dụm được chút tiền là lại quảy chiếc giỏ lác về nơi bến cũ để tìm người chủ ghe năm ấy, mang theo hình ảnh đứa con gái thích mặc áo trắng với váy xanh, thích cột tóc hai bên với chiếc nơ đỏ. Bà bảo chết thì thôi, còn sống là còn nhớ, còn đi tìm.
Trong gia đình đầm ấm của bà, từng sở thích, từng đặc điểm của cô con gái vẫn được nhắc đến mỗi ngày, như là cô chưa từng thất lạc, chưa từng lớn, chưa từng thay đổi suốt bao năm. Bà đoan chắc là cô còn sống trong bom rơi đạn nổ, trong ly loạn chiến tranh với một niềm tin giản dị: “Tôi đã bảo nó nằm xuống rồi, chắc không trúng đạn. Ông chủ ghe chắc cũng không nỡ bỏ nó, chắc sẽ có ai nuôi con tôi”.
Và bà ước: “Mong ai đó không đối xử tệ với nó, không đánh đập nó. Con bé có bệnh yếu tim, ở nhà tôi không ai dám nặng lời, lớn tiếng với nó”. Những lý lẽ trong câu chuyện của bà nghe có vẻ ngây thơ và dễ bị vùi dập bởi chiến tranh, ấy vậy mà nó lại có cái lý không ngờ của một người mẹ...
Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phát lên màn hình hình ảnh một phụ nữ. Chị nghẹn ngào kể câu chuyện không theo kịp cha mẹ lên một chiếc tàu, và từ Đà Nẵng chị đã lưu lạc vào tận Cà Mau theo đường công tác của những cán bộ nhận nuôi chị, được cho ăn học, được dựng vợ gả chồng...
Câu chuyện của chị kể đến đâu, trước màn hình, bà mẹ và mấy cô con gái nức nở đến đó. Bàn tay gầy gò, nhăn nheo của ông bố 86 tuổi vươn sang vỗ vỗ vào lưng vợ. Hai ông bà nhoài người về phía trước, cố thu vào đôi mắt đã mờ nhòa của mình hình ảnh cô con gái: “Trang, Trang, đúng là nó rồi...”.
Buổi phát sóng thứ 32 của Như chưa hề có cuộc chia ly trên VTV tối 3-7 có tới bốn cuộc hội ngộ trong nước mắt như vậy. Anh Phương đã được thay hai chữ “cha, mẹ” trên bàn thờ nhà mình bằng hai tấm huy chương kháng chiến của ông Nguyễn Văn Sâm và bà Nguyễn Thị Tùy. Chị Lan đã tìm lại được Hiền, người em gái thất lạc năm nào. Anh Dũng đã gặp lại được người cậu suýt soát tuổi thường cùng anh tranh giành quả chuối...
Câu chuyện trở về nguồn cội của “những chiếc mũ rơm” trong cuộc sơ tán “đại trường chinh” ở Vĩnh Linh năm nào đã kết thúc có hậu như thế. Nhưng tập hồ sơ của Như chưa hề có cuộc chia ly vẫn dày ngồn ngộn, vẫn còn bao người đang khắc khoải mong chờ. Thế mới biết những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành miệng dù đã ba, bốn mươi năm. Thế mới biết sức mạnh nối kết của truyền thông và sự kỳ diệu của lòng người, những người tử tế đã sẵn lòng cưu mang người khác để sau này cuộc đời còn có những cuộc hội ngộ. Và thế mới biết sự hữu ích của lời khuyên tưởng như chỉ là đầu môi: “Đừng bao giờ nguôi hi vọng”, dù là hi vọng trong cảnh huống tưởng chừng như vô vọng là chiến tranh...
Hi vọng có lẽ là lý do duy nhất của những người thực hiện chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly và những người tìm đến nó.
Theo Tuổi trẻ
(Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ câu chuyện hòa giải và yêu thương với chúng tôi qua địa chỉ hoagiaiyeuthuong@vietnamnet.vn)