- “Một mình Hà Nội không thể tự bảo vệ kiểu khoanh vùng, phân biệt mình với cả nước, mà cái hay cái đẹp của thủ đô còn phụ thuộc vào bức tranh toàn cảnh vùng miền, đất nước… Bồi đắp giá trị văn hóa là việc phải làm hàng ngày, đấy là một loại tập thể dục, từ những ý thức có vẻ “nhỏ nhặt”, ngày nào cũng phải tập.”
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tác giả Nguyễn Trương Quý |
Đó là những lời chia sẻ của một người Hà Nội, viết về Hà Nội với một tình yêu dịu dàng mà da diết, bộc trực mà mạnh mẽ, khẳng định như tựa đề cuốn sách Hà Nội là Hà Nội – tác giả Nguyễn Trương Quý.
Có phải do cảm hứng từ Cuộc vận động “Hướng đến 1000 năm Thăng Long” mà anh đã cho ra mắt kịp thời cuốn sách này hay vì một lý do nào khác?
- Đây là những ghi chép trải dài từ nhiều năm nay của tôi về đời sống Hà Nội - những gì hiện lên trước mắt ở Hà Nội, có cái là hậu quả, có cái là mới nảy sinh, nhưng là những gì “đương thời” nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống xung quanh của tôi. Cuốn sách được viết ra như một nhu cầu viết của một người sống ở Hà Nội.
Khi bàn về văn hóa Hà Nội, có người chọn cách khẳng định, ca ngợi, có người chọn cách phản biện, thậm chí phê phán. Có thể thấy ở cuốn sách của anh, cảm hứng phản biện nhiều hơn là khẳng định. Anh có thể cho biết tại sao lại như vậy?
- Khi viết, tôi muốn nhìn mọi sự ở góc độ hài hước toát lên từ những vẻ nghịch dị của đời sống. Mà đời sống Hà Nội thì luôn đầy ắp những chất liệu như vậy. Nếu có phản biện thì cũng là để xây dựng và khẳng định một giá trị tốt đẹp mong muốn.
Lại nữa, có người bàn về văn hóa ở cấp độ vĩ mô, nhưng ở cuốn sách của mình, anh hay bàn về văn hóa trong những biểu hiện vi mô, tức là về những cái thường ngày, qua đó mà toát lên các thẩm định văn hóa. Vì sao anh lại lựa chọn cách làm này ?
- Văn hóa của Hà Nội hay ở đâu cũng thế, thể hiện qua những cái thường ngày, là những thứ chúng ta va chạm từ khi mở mắt ra buổi sáng cho đến lúc nhắm mắt lại đi ngủ. Những điều nhỏ nhỏ ấy, từ lời ăn tiếng nói, lối ứng xử, đi lại cho đến tham vọng của cư dân, tất cả là những mảnh ghép cho bức tranh văn hóa lớn của đô thị. Tôi hy vọng những thứ “vi mô” ấy là thứ giữ chân người đọc – những người có nhiều chia sẻ với mình.
Trong cuốn "Hà Nội là Hà Nội", có cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một thành phố tưởng như đã định hình nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa. Đó đơn giản là những liên tưởng của anh hay những gì anh “mắt thấy tai nghe” trong cuộc sống thực tại?
Hà Nội là một đối tượng quan sát có khả năng mở rộng ra vô số những ngóc ngách liên tưởng, như những con ngõ đâm trổ vào nhau tưởng không quy hoạch mà thực tế thể hiện một cách hữu cơ lối ứng xử của người Hà Nội với không gian sống cũng như giữa con người với nhau. Tìm kiếm giá trị văn hóa ở Hà Nội cũng như đi trong mạng lưới những ngóc ngách ấy, vừa là cái bề nổi đập vào mắt, vừa khiến ta muốn tìm hiểu sâu hơn cái bên trong. Những điều ấy gây cho chúng ta những mối liên tưởng cái nọ xọ cái kia, đó chính là điều đặc biệt của Hà Nội.
Đã có rất nhiều nhà văn viết rất hay về Hà Nội. Đến lượt anh, anh có chịu áp lực này không? Và anh “thoát khỏi” những “bóng đè” ấy bằng cách nào?
Hà Nội có 6 triệu dân, nghĩa là có chừng ấy góc nhìn, ngoài ra còn bao triệu người nơi khác nhìn Hà Nội nữa. Với tôi, nhìn để viết về Hà Nội trước hết là về những gì mình thích, mình quan tâm, và mình có gắn bó.
Hà Nội là Hà Nội là cuốn sách thứ ba trong bộ ba sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý, gồm: Tự nhiên như người Hà Nội (tiểu luận, 2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (tản văn, 2008), Hà Nội là Hà Nội (tản văn, 2010). |
Ngày xưa các tác giả viết về Hà Nội khi đó là một thành phố thay đổi rất ít từ không gian cho đến nếp nghĩ. Cho đến tận những năm 1990, độc giả của Thương nhớ mười hai vẫn còn có thể chia sẻ với cảm xúc những năm 60 của Vũ Bằng khi ông hồi tưởng lại Hà Nội những năm tháng 1940 xưa cũ. Độc giả đầu thế kỷ XXI đối diện với một thực tế khác hoàn toàn, chẳng hạn như những địa danh Vũ Bằng nhắc đi nhắc lại đã không còn như trước.
Hay là mới mấy năm trước, khi tôi phỏng vấn nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh có kể rằng đôi khi anh rất muốn viết về những cửa ô Hà Nội. Anh có một quan sát rất tinh tế: đường tàu điện ngày xưa khi ở trong nội ô thì nằm bằng cốt mặt đường, nhưng khi ra khỏi các cửa ô thì đường ray nổi lên trên, lộ ra những thanh tà vẹt… Sự khác biệt khá mơ hồ những cũng đủ để làm nên đặc trưng tính cách trong một thời gian dài.
Tôi chọn cho mình cách viết về một Hà Nội mà tôi đã và đang sống cùng, một Hà Nội có lẽ gây cảm giác hơi “chóng mặt”. Cái hơi thở nóng bỏng của cuộc sống hôm nay, những gì gay gắt, những gì nhốn nháo, cũng là những gì mình thực nhận được. Hà Nội ngày nay không còn dễ khiến người ta có nỗi buồn chán u uẩn, mà mỗi ngày sống ở đây dường như mọi sự thúc tất cả chạy.
Có thể cái hối hả cuống quýt của người Hà Nội ngày nay còn xơi mới sánh được với cái căng thẳng của đô thị phương Tây, nhưng Hà Nội ngày nay biến đổi mau lẹ đến mức cái hôm qua được ghi lại, hôm nay đã có khi bốc hơi. Tôi viết những gì về Hà Nội có lẽ trước hết là một phương cách cho mình sống thêm một lần với thực tại lúc nào cũng có nguy cơ mất sạch dấu vết.
Theo anh, Hà Nội nên làm gì để bảo tồn trọn vẹn văn hóa và các “nấc thang giá trị” của Thủ đô?
Hà Nội có những giá trị phải bảo vệ, điều đó ai cũng rõ và đã nói nhiều. Có điều hình như cách thực hiện có vẻ chưa đến nơi đến chốn, chưa mấy chứng tỏ sự quyết tâm của người triển khai. Thêm vào đó, một mình Hà Nội không thể tự bảo vệ kiểu khoanh vùng, phân biệt mình với cả nước, mà cái hay cái đẹp của thủ đô còn phụ thuộc vào bức tranh toàn cảnh vùng miền, đất nước.
Bộ 3 cuốn sách về Hà Nội của tác giả trẻ Nguyễn Trương Quý
Gần đây, một người bạn tôi ở phố Hàng Đào, có lần thấy một người bạn gái thuở nhỏ mua một món hàng rong trên đường. Người này có thái độ chê bôi dè bỉu, chưa mua mà đã dìm hàng người ta (“cái này ăn có ra gì không đấy?”). Anh rất buồn và nghĩ, hình như cái Hà Nội mà anh vẫn yêu thương, vẫn đắm đuối đã không còn rồi, nhất là cái sự tha hóa ấy lại hiển hiện ở người mình thân thiết. Dẫu thái độ như của người phụ nữ kia chỉ là thứ phản ứng nhiều khi “hồn nhiên” nhưng nó làm nên tính cách văn hóa của cư dân. Vì thế, việc bồi đắp giá trị văn hóa là việc phải làm hàng ngày, đấy là một loại tập thể dục, từ những ý thức có vẻ “nhỏ nhặt”, ngày nào cũng phải tập.
Một số dự án xây dựng để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội đang được “xây một cách ào ào”, với tư cách là một kiến trúc sư, lại là người luôn dành nhiều quan tâm tới Hà Nội, anh nghĩ thế nào về việc này?
Tôi ước ao Hà Nội không chỉ trong dịp lễ lạt, mà bền vững lâu dài, sẽ là một thành phố với những con đường phẳng lì rợp bóng cây xanh, nhà cửa ngay ngắn, để mỗi khi ai về hay đến Hà Nội cũng rộn ràng tự hào “ồ, về Thủ đô rồi đấy”. Chúng ta nhớ lại mà xem, từng có những năm tháng chúng ta làm thơ, vẽ tranh, ca hát, ước mơ kiến thiết “anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc”. Hà Nội quả thực đã từng làm người ta yêu mà chỉ với những cơ sở vật chất giản dị, khiêm nhường chứ nào có to tát gì. Chẳng hạn, điều người ta nhớ về Hà Nội là tinh thần hào hoa, lối ứng xử nhã nhặn, con người dù xuất xứ từ đâu nhưng về đến Hà Nội thì cũng trở nên lịch lãm.
- Tuyết Hạnh (thực hiện)