- “Tại sao Trung Quốc có hàng chục bộ phim lịch sử kỳ vĩ mà chúng ta – đất nước của hàng ngàn năm lịch sử lại không thể có được những bộ phim như vậy?” – Rất nhiều những câu hỏi “tại sao” liên quan đến chuyện phim ảnh và vấn đề “xuất khẩu văn hóa” đã được ông Trịnh Văn Sơn – tác giả kịch bản, cũng đồng thời là nhà sản xuất bộ phim “Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long” (sẽ được trình chiếu trên VTV trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội) hào hứng đặt ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thưa ông Trịnh Văn Sơn, dù muốn hay không muốn thì vẫn phải thừa nhận rằng phim lịch sử Trung Quốc đang có một sức hút mãnh liệt đối với những người yêu điện ảnh thế giới, trong đó có người Việt Nam?
Á hậu Thụy Vân - vai Thanh Liên trong "Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long" |
- Vâng, điều này đã được người ta nói đến nhiều. Và cũng vì nó được nói tới nhiều mà những người làm phim Việt Nam nhiều lúc không tránh khỏi cảm giác tức anh ách. Ở đây, tôi không có ý so sánh lịch sử Việt Nam với lịch sử Trung Quốc, nhưng tôi dám khẳng định rằng lịch sử hàng ngàn năm của chúng ta có rất nhiều những sự hỷ - nộ - ái - ố có thể dựng thành những bộ phim đặc sắc và lôi cuốn. Và trong trí nhớ của tôi thì chúng ta cũng đã từng có những phim lịch sử có chất lượng, mà điển hình là phim “Đêm hội Long Trì”. Nhưng phải nói thật, nếu hỏi rằng những bộ phim ấy đã đạt tới đẳng cấp quốc tế hay chưa, thì câu trả lời là “chưa”.
Theo ông, lý do của cái “chưa” ấy nằm ở chỗ nào?
- Người ta vẫn nói muốn có phim lịch sử hay thì phải có kịch bản hay – cái đó dĩ nhiên rồi, và là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của bộ phim rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng trong điện ảnh hiện đại, một yếu tố vô cùng quan trọng tác động tới sự thành – bại của một bộ phim chính là công nghệ làm phim. Bạn muốn nói trời nói biển gì, nhưng phim của bạn không đẹp, chỉ là cái đẹp ở phương diện hình thức thôi nhé thì nó cũng rất khó thuyết phục người xem.
Mà đụng tới chỗ này thì chúng ta sẽ nhìn ra vô số khó khăn. Đơn cử nhé, muốn làm một bộ phim lịch sử hoành tráng thì bạn phải có một trường quay chuyên dụng cho nó. Nhưng ở Việt Nam chúng ta làm gì có những trường quay như vậy. Trong khi ở Trung Quốc những trường quay chuyên dụng cho thể loại phim lịch sử có rất nhiều. Không những thế nó còn được nhà nước khuyến khích bằng hình thức cho phép hoạt động miễn thuế. Tôi cho rằng đấy chính là lý do quan trọng giúp các bộ phim lịch sử Trung Quốc thành công, và từ đó việc quảng bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài cũng thành công.
Nói như ông thì chúng ta chỉ có thể có được một bộ phim lịch sử hoành tráng khi có một trường quay chuyên dụng. Và hiện nay, khi không có được những trường quay như vậy thì chúng ta bất lực?
- Tôi cho rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa có những trường quay tầm cỡ, thì chúng ta cần phải liệu cơm gắp mắm bằng việc đi thuê trường quay nước ngoài, thậm chí mời cả những nhà làm phim nước ngoài cùng hợp tác. Tất nhiên, làm được như thế, bạn phải có kinh phí và một sự quyết tâm to lớn.
Thú thật là tôi thấy cách đặt vấn đề của ông không thật hợp lý. Vì đã gọi là phim lịch sử Việt Nam thì dĩ nhiên phải quay ở Việt Nam và tạo ra được một không khí Việt Nam. Chứ một phim lịch sử Việt Nam mà lại đi quay ở trường quay nước ngoài thì còn đâu cái chất Việt Nam cần phải có?
Trường quay Hoành Điếm - Trung Quốc |
- Thuê trường quay nước ngoài và mời những đạo diễn nước ngoài chẳng qua chỉ là cách chúng ta tận dụng công nghệ điện ảnh của họ mà thôi. Còn cái ruột của một bộ phim thì phải là một cái ruột Việt Nam thuần túy chứ. Xin ví dụ như bộ phim “Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long” mà công chúng Việt Nam sắp được xem ở VTV tới đây, nó là một bộ phim được chúng tôi thực hiện ở trường quay Hoành Điếm bên Triết Giang Trung Quốc. Đạo diễn chính của bộ phim này cũng là một người Trung Quốc. Nhưng kịch bản của nó được viết bởi người Việt Nam, với sự cố vấn của những nhà sử học Việt Nam, chẳng hạn như giáo sư Lê Văn Lan.
Trang phục được sử dụng trong phim cũng được thiết kế trên ý tưởng của một nhà nghiên cứu trang phục lịch sử Việt Nam, tiến sĩ Đoàn Thị Tình. Tất cả những lý do đó giúp cho bộ phim vừa có được một công nghệ điện ảnh như của phim lịch sử Trung Quốc, nhưng lại vừa có được một cốt cách Việt Nam không lẫn đi đâu được.
Với một cách làm như vậy, ông có nghĩ rằng bộ phim này sẽ vào được thị trường Trung Quốc hay không?
- Bên Trung Quốc họ qui định một bộ phim lịch sử nước ngoài chỉ được chiếu ở Trung Quốc khi có những cảnh quay nhất định được thực hiện ở Trung Quốc. Điều này, chúng tôi đã đáp ứng được. Một yếu tố quan trọng khác, đó là tôi tin bộ phim với những tình tiết rất lôi cuốn và kịch tính cũng sẽ chinh phục được khán giả Trung Quốc. Đến thời điểm này, có thể khẳng định chắc chắn là bộ phim sẽ được phát ở Trung Quốc.
Cứ cho là những bộ phim lịch sử Việt Nam trong tương lai sẽ vào được thị trường Trung Quốc để tạo ra một sự tương thích nhất định trong vấn đề “xuất khẩu điện ảnh” giữa hai quốc gia. Nhưng về lâu dài, thì dĩ nhiên một bộ phim lịch sử Việt Nam không chỉ có mỗi cái nhiệm vụ là đi chinh phục thị trường Trung Quốc?
Làm phim lịch sử thật hay để xuất khẩu văn hóa Việt ra nước ngoài |
- Tôi nghĩ rằng điều cản bản và trước tiên nhất của một bộ phim lịch sử là nó giúp cho người dân hiểu hơn và thấy kiêu hãnh hơn về lịch sử của dân tộc mình. Nói theo ngôn ngữ của triết học thì những bộ phim như thế sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp cho người ta trả lời câu hỏi: “Dân tộc mình là ai”.
Nếu chúng ta làm được nhiều phim lịch sử thật sự có chất lượng thì cũng có nghĩa là người Việt Nam sẽ có thêm một công cụ, một góc nhìn để hiểu và yêu tổ quốc Việt Nam mình.
Đấy chính là lý do đầu tiên và tiên quyết nhất của những bộ phim thể loại này. Còn những lý do tiếp theo thì như chúng ta đã nói rồi đấy: phim lịch sử chính là một cách để chúng ta “xuất khẩu văn hóa” ra nước ngoài.
Nói một cách hình ảnh thì những bộ phim lịch sử Việt Nam vẫn đang nợ lịch sử Việt Nam rất nhiều. Ông có nghĩ rằng trong tương lai, những món nợ đó sẽ dần dần được đáp trả một cách xứng đáng?
- Bất luận là chúng ta có đáp trả được hay không thì chúng ta cũng cần phải luôn nỗ lực và tâm niệm về việc phải hoàn thành nó. Sách Kinh Thi nói, khi bạn phụng dưỡng bố mẹ bạn thì bạn mới dừng lại ở mức hạ hiếu, khi bạn luôn nghĩ về bố mẹ bạn, và sẵn sàng hy sinh vì họ thì bạn mới ở mức trung hiếu. Còn khi bạn làm bố mẹ mình được vẻ vang thì mới là đại hiếu.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có một nền lịch sử vẻ vang, cho nên nếu không thực hiện được cái trách nhiệm “đại hiếu” thì chúng ta là những người có tội với cha ông, bố mẹ mình.
-Xin cảm ơn ông!
- Huyền Anh (thực hiện)