- Đọc trên báo VietNamNet, thấy bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ rất hay, chỉ tội cái ảnh trông hơi…hình sự. Tôi bỗng muốn…hình sự thêm cho không khí Đại hội nhà văn sôi nổi trước giờ G.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tác giải bài thơ nổi tiếng "Hương thầm" |
Rất may là tôi đã kịp thời rút lui, đúng lúc được đại hội khối nhà văn Hà Nội đề cử là 1 trong 3 người sẽ vào danh sách bầu cử BCH tại đại hội Hội nhà văn Việt Nam, nên tôi phát biểu, không e là sẽ có người cho rằng cá nhân chủ nghĩa, mà hoàn toàn vô tư!
Khóa trước, theo tôi biết, hầu như BCH chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh là làm việc trực tiếp ở Hội, tức là anh lo hết mọi việc, nào đối nội đối ngoại, nào là gặp gỡ và giải trình với cấp trên, nào là nhận và giải quyết đơn từ kiện cáo, rồi tổ chức hội thảo, xin tiền trợ cấp sáng tác cho các nhà văn, thăm hỏi ốm đau, dự tang lễ và viết điếu văn cho các nhà văn, nhà thơ cao tuổi, đi nước ngoài và các vùng miền trong nước để dự các cuộc gặp gỡ, hội thảo, trao đổi văn chương… Tất nhiên là có việc, có lúc các vị trong BCH cùng làm với anh, nhưng nghe nói, cũng có lúc, nội bộ cái ban này vô cùng lủng củng, vì… trên bảo dưới không nghe!
Cho nên, gần đến đại hội, vẫn như các lần trước, vấn đề nhân sự từ Nam đến Bắc, cứ gọi là vô cùng căng thẳng và hào hứng!
Tôi thấy, trong BCH khóa tới, nên có đủ 15 người. Chúng ta đã từng có BCH tới hơn 40 người có sao đâu? Tôi đồng ý là trước hết, đó phải là các vị tên tuổi trong làng văn, chứ không phải như một bạn đã viết, là trong chủ tịch đoàn của một đại hội cơ sở, bạn không biết ai ngoài một nhà thơ và một… nhà hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh! Mới ở khối cơ sở đã thế rồi, vậy BCH trung ương Hội thì sao? Nhìn lại hoạt động của Hội 5 năm qua, tôi thấy có những tồn tại khó chấp nhận...
Đúng là trong việc kết nạp hội viên mới, có thể anh Thỉnh không biết hết, có các “nhà văn, nhà thơ xịn” ở ngay Hà Nội, như nhà thơ Việt Phương (vừa được kết nạp năm 2010 khi anh đã ngoài 80 tuổi) và hai người nữa đến nay cũng chưa vào Hội, là nhà văn Trần Chiến và nhà thơ Giáng Vân.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn giờ chỉ ham thể dục thể thao, chị đang chuẩn bị khiêu vũ ở sàn của các ông bà già |
Trong cuốn chân dung văn học “Sự cực đoan đáng yêu” vừa xuất bản của mình, tôi có nhắc đến Trần Chiến, một nhà văn đã có hai tác phẩm được dựng phim truyền hình dài tập, trong đó “Đèn vàng” rất được khen, nhưng anh nộp đơn đã rất lâu, mà không được xét, nên anh rút đơn về, không chờ xét nữa!
Thế rồi cuốn sách của tôi, tuy không được tặng, nhưng phóng viên các báo An ninh Thủ đô, Thể thao Văn hóa, rồi Đài truyền hình Việt Nam… đã đến tận nhà phỏng vấn và sau đó đưa tin, rồi các blog và các báo khác như Văn nghệ Quân đội, Sức khỏe và Đời sống… đều có nói đến, mà các báo và mạng của Hội nhà văn Việt Nam, thì cho đến nay, vẫn không một dòng giới thiệu, dù tôi đã tặng sách cho hầu hết các vị có trách nhiệm.
Tôi muốn nói một chút việc của bản thân, để công nhận ý kiến của một bạn đã phát biểu, là các cơ quan ngôn luận của hội hiện rất chậm chạp và thiếu năng động. Trang web của Hội nhà văn VN thì ôi thôi, chậm như sên bò, mấy ngày sau lễ kỷ niệm 100 năm bác Nguyễn Tuân vẫn còn nguyên tấm ảnh chụp hôm đó, chưa thay bài khác!
Tôi mong là, ngoài những người kỳ cựu, có uy tín văn chương và kinh nghiệm lãnh đạo Hội, BCH mới sẽ có thêm lớp người trẻ tuổi, công tâm, vô tư, giỏi ngoại ngữ và vi tính tham gia điều hành công việc. Những người này cũng đòi hỏi phải có tên trong làng văn, đã có tín nhiệm trong việc quản lý, chứ không phải là các bác già đến mức như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ yêu cầu, là phải có giấy chứng nhận sức khỏe tốt!...
Tôi rất nghi ngờ ý kiến của ai đó nói rằng Hội nhà văn không cần sự bảo trợ của nhà nước, hãy thành lập một hội độc lập, tự trang trải kinh phí và tập hợp những anh em nào sẵn sàng viết chỉ vì mục đích cao cả của văn chương! Tôi e rằng, cuối cùng, cái “hội độc lập” đó lại phải xin tiền của một nhà tài trợ nào đó, và sẽ… lại viết theo yêu cầu của họ!
Còn nữa, tôi thấy, không có sản phẩm nào đáng thương hơn sản phẩm của các nhà văn, nhà thơ, như tôi, mấy chục năm làm báo, viết sách, mà cuốn “Sự cực đoan..” vẫn phải bỏ thêm tiền mua tặng bạn bè, tức là không có 1 xu thu nhập nào! Vậy thì các nhà văn biết sống bằng cách nào đây? Nếu nhà nước không quan tâm và có sự động viên, thì chúng ta sẽ chỉ có thể có các loại văn chương chạy theo thị trường thôi!
Tôi ủng hộ một Hội nhà văn, như tất cả những hội văn học nghệ thuật khác, là một hội nghề nghiệp do nhà nước bảo trợ. Và tôi mong muốn, BCH Hội khóa tới, ngoài sức khỏe, trình độ ngoại ngữ và vi tính, khả năng sáng tác vượt trội, còn phải có một gia đình hòa thuận, yên ấm với thu nhập trên trung bình, ví dụ, có ô tô riêng, như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ hoặc nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, càng hay! Bởi vì, một người, theo tôi, đã không có được một gia đình yên ấm, tức là không “tề gia”, thì cũng thật khó lòng “trị hội” (!); một người đã không lo nổi cho bản thân và vợ chồng, con cái có đủ những tiện nghi bình thường nhất, thậm chí, còn thiếu ăn, thì làm sao có đủ khả năng lo cho hàng ngàn con người trong một Hội nghề nghiệp sáng tạo?
- Phan Thị Thanh Nhàn