Gần Vàng Anh, nghe nó nói đủ thứ trừ văn chương và Chế Lan Viên. Khác với nhiều người con cái nhà văn lớn, nghệ sĩ lớn hễ mở mồm là ông cụ tôi thế này bà cụ tôi nói thế kia, nó tuyệt nhiên không.
Chim vàng anh |
Mình quen Vàng Anh (Phan Thị Vàng Anh) từ năm 1996, khi tổ chức phi chính phủ CARE (Úc) kết hợp với Đài truyền hình VN sản xuất phim truyền hình Gió qua miền tối sáng. Đây là phim truyền hình dài tập đầu tiên ở nước ta, nên dù chỉ có 23 tập, mỗi tập chỉ 30 phút, mà người ta điều động gần chục anh tài tham gia viết kịch bản: Lê Phương, Lê Hoàng, Mường Mán, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Minh Tuấn, Thùy Linh và mình, trong đó tất cả mình đều quen biết từ trước, trừ Vàng Anh.
Mình không hề biết mặt Vàng Anh, nó cũng vừa mới nổi sau cuốn Khi người ta trẻ, nghĩ bụng nó còn con nít lại nghe nói không xinh lắm nên chả quan tâm, hi hi. Hôm đầu tiên gặp mặt nhóm biên kịch mình đến hơi muộn, đang lơ ngơ đi dọc hành lang tầng hai kiếm phòng để vào thì va phải Vàng Anh cũng đang lơ ngơ kiếm phòng. Nó cười rất tươi, nói anh Lập hả. Mình cũng biết ngay đó là Phan Thị Vàng Anh, nhìn nó cười cười, nói tưởng không xinh hóa ra kháu phết. Nó kéo mình vào phòng họp, nói thong thả đã rồi tán, gì mà vội thế. Từ đó anh em thân nhau, suốt mấy tháng trời ở CARE ngồi đâu cũng kè kè bên nhau như là bồ bịch.
Nhà văn là vậy, người ta nói văn kì thanh quả không sai. Biết tiếng nghe tên nhau, đọc nhau mãi rồi đến khi gặp nhau cứ như quen nhau từ vạn kiếp, nói chuyện với nhau bỗ bã như người nhà. Mấy tháng làm ở CARE anh em chọc ghẹo nhau đủ thứ chuyện trên đời, rất vui. Có những nhà văn nữ mà người ta rất sợ phải đốp chát với họ, cũng không dám chọc ghẹo gì, như Phan Thị Vàng Anh. “Mẹ Đốp” văn chương Việt này thông minh trời sợ, đàn ông râu quặp chẳng ai dám ho he. Nhưng mình không sợ, vẫn đốp chát chạnh chọe. Mình độp một nó độp một, chơi tay bo luôn chẳng ngán gì cái ông trời sợ, đến Nguyễn Khải còn ngán nhưng nó chẳng ngán.
Có cảm giác người ta vừa mở mồm là nó đã hiểu người ta định nói gì rồi. Ngồi thảo luận đề cương với bà biên kịch người Úc tên gì quên mất rồi, chỉ nhớ bà biên kịch phim Trở lại Eden rất nổi tiếng, nó đề xuất một ý được bà khen nức nở. Tưởng mũi nó phồng lên như hai quả cà, ai dè đương khi bà nói thì nó rỉ tai mình, nói anh Lập chờ nhé, bà sắp but (nhưng) rồi đấy. Quả nhiên sau đó bà chê, bác bỏ hoàn toàn đề xuất của nó. Nó cười hi hi lại rỉ tai mình, nói đó, thấy chưa, thấy chưa.
Một hôm mình nheo mắt nhìn nó rồi đọc bài Mèo con đi học nó viết từ thời bé con, vừa đọc vừa sờ mép Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một chiếc bút chì/ Và mang một mẩu bánh mì con con. Nó cười hì, nói anh định nói sự nghiệp thơ ca của Phan Thị Vàng Anh chỉ mỗi bài đó, đúng hông. Em ngang với Ngô Văn Phú nhé, Ngô Văn Phú chỉ mỗi bài này thôi: Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/Mấy cô má đỏ hây hây/Đội bông như thể đội mây về làng, thế mà thành nhà thơ đấy, biết chưa!
Hoa vàng anh |
Mình ngồi biên tập kịch bản với nó hai ba tháng, chưa một lần nó nhìn mình âu yếm, chỉ chực mình đề xuất cái gì để cãi lại. Nó cãi cái gì mình thua cái đó, sao nó lắm lý thế không biết, chuyện có lý hẳn hoi, nó nói loanh quanh một hồi mình trở thành thất lý, tức kinh. Mình chọc nó, nói yêu là ngộ nhận, nhờ lừa nhau mà thành, em ranh như cáo thế đàn ông có thằng nào lừa nổi em. Nó cười cái hậc, thì em lừa chúng nó. Lừa quách cho xong, nghe chúng lừa chán chết, vừa sến vừa quê bực cả mình.
Hi hi, hèn gì Lê Hoàng nói năm bốn lăm thế kỷ trước Mỹ ném một quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Nửa thế kỷ sau tổng thống Mỹ hối hận, ông tuyên bố đáng ra không cần ném bom mà chỉ ném Phan Thị Vàng Anh xuống cũng đủ làm cho Nhật đầu hàng. Mình hỏi nó, nếu ném Phan Thị Vàng Anh lên giường Lê Hoàng thì tình hình thế nào nhẩy. Nó cười hơ hơ hơ, nói thì Lê Hoàng kéo cờ trắng đầu hàng khẩn trương, còn thế nào nữa.
Đàn ông trêu chọc nó chỉ bằng thừa, đố ai làm được nó đỏ mặt. Ngồi với đám mày râu văn chương, tục tĩu phun tràn cung mây mặt nó cứ tỉnh bơ không xí hổ cũng chẳng giả đò ngượng ngùng e lệ như mấy mự nạ dòng tiểu thị dân. Một hôm mình với thằng Tiến (Phạm Ngọc Tiến) tắm ở phòng tắm gác hai Trung tâm nghe nhìn, ngó xuống thấy nó với Thùy Linh đi dưới sân, hai thằng chõ mồm qua cửa sổ hét vang vang, nói Vàng Ảnh Vàng Anh… có phải vợ anh… chui vào buồng tắm. Nó giơ nắm đấm lên đe, nói này này, đừng có ba hoa, em chui vào phát là mấy ông teo cơ hết lượt đó nghe chưa.
Những năm chín mươi thế kỷ trước phong trào bia ôm phát triển rầm rộ, đàn ông ít ai không một lần chui vào quán bia ôm. Thời này thịnh hành bài hát nhại theo bài Đâu có giặc là ta cứ đi của Đỗ Nhuận, ngồi đâu cũng nghe đám đàn ông gào thét: Thời bia ôm có rất nhiều mới lạ/không phải bồ không phải vợ mà ôm/mấy năm trước sống cơ cực rượu bia không có uống/ Đời chúng ta không quán nào là không có ôm. Hồi đó tụi mình còn trẻ khỏe, hễ kiếm được chút tiền là rủ nhau đi bia ôm. Hôm CARE thanh toán cho một mớ tiền, mình rủ cả hội đi bia ôm, Vàng Anh chạy theo kêu ơi ới, nói anh Lập anh Lập... cho em đi theo với.
Mình trợn mắt quát, nói việc của đàn ông đàn ang em theo làm cái gì, thích ôm à. Nó xuống giọng năn nỉ, nói thì em viết văn không lẽ không biết bia ôm là gì, đụng may phải viết mấy thứ đó thì viết làm sao. Nghe nó nói bùi tai mình cho nó theo. Đến nơi nó ngồi một mình nhấp ly bia vếch mày nhìn mấy ông anh vừa uống vừa vọc gái, mặt mày nó cứ tỉnh như không, như đang ngồi xem phim vậy. Tan cuộc, mình nói em thấy thế nào, nó bĩu môi hất mặt lên, nói chời chời, bây giờ mới biết đàn ông các anh quê mùa đến thế nào, nhạt như nước ốc thế mà đổ cả đống tiền mua vui, ngu quá là ngu.
Gần Vàng Anh, nghe nó nói đủ thứ trừ văn chương và Chế Lan Viên. Khác với nhiều người con cái nhà văn lớn, nghệ sĩ lớn hễ mở mồm là ông cụ tôi thế này bà cụ tôi nói thế kia, nó tuyệt nhiên không. Cũng chưa bao giờ nghe nó nói về văn nó. Còn như hỏi nó sắp tới viết gì thì bị nó coi như câu hỏi ngu nhất mọi thời đại.
Nó thuộc diện cả thèm chóng chán, đang khi người ta bàn tán xôn xao hai tập truyện ngắn Khi người ta trẻ và Hội chợ của nó thì nó bỏ đi làm báo. Nó viết cho báo Thể Thao Văn Hóa, mục Tôi xem nghe đọc thấy với cái tên Thảo Hảo, tập hợp lại thành cuốn sách Nhân trường hợp chị thỏ bông. Đang khi người ta đang nức nở cuốn sách này, coi như một tập tản văn đặc sắc thì nó bỏ đi làm thơ. Tập thơ Gửi VB của nó được giải Hội nhà văn, người khen kẻ chê rầm trời, nó kệ, lại bỏ đi làm phim. Nó tự quay và dựng bộ phim tài liệu Trong phường Thành Công, có làng Thành Công, kể chuyện làm loa phường rất độc đáo. Mình nhớ hình ảnh cuối cùng cái loa phường nằm trơ trọi giữa chợ đời, một hình ảnh độc không chê vào đâu được.
Hiếm có nhà văn nữ nào lại biết mình là ai, đang ở đâu, phải làm gì như nó. Nó tự làm tự biết, thiên hạ tha hồ bàn tán, thích là nó làm chẳng sợ gì sất. Đại hội nhà văn lần thứ VII nó trúng Ban chấp hành, mình gặp nó cười toe toét, nói chời chời, Vàng Anh cũng vào Ban chấp hành hà bay. Nó cười hì hì, không vào sao biết nó là cái gì. Viết đến đây mình gọi điện cho nó, nói sắp đại hội nhà văn rồi, đã chán Ban chấp hành chưa. Nó lại cười hì hì...
Theo Nguyễn Quang Lập, Thanh Niên