- Đại diện Cục Điện ảnh cho biết năm nay Việt Nam không chọn phim nào để gửi đi Oscar vì không đủ tiêu chuẩn.
Người tiếc, người mừng
Nhiều người cho rằng "Chơi vơi" có nhiều khả năng đi Oscar năm tới nhưng cuối cùng đã không phim nào được chọn. |
Thông tin từ Cục Điện ảnh khẳng định năm nay Việt Nam không chọn phim nào để gửi đi dự tranh đề cử Oscar 2011. Lý do được đưa ra không phải vì các phim được xét không đáp ứng được yêu cầu của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ.
Nhiều phim mới sản xuất lại chưa được chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liên tiếp trong khoảng thời gian từ 1/10/2009 đến 30/9/2010. Phim thoả mãn yêu cầu này lại được sản xuất từ các năm trước.
Chính vì phim không đủ tiêu chuẩn nên cũng không cần thiết tiến hành xét duyệt. Thêm một thực tế tréo ngoe nữa là có không ít phim đáp ứng đủ yêu cầu của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ đề ra nhưng lại không được làm hồ sơ gửi đến Hội đồng tuyển chọn phim đi Oscar nên cũng không được nằm trong danh sách xét duyệt. Đơn cử trong số này là Công chúa teen và ngũ hổ tướng, bộ phim đại thắng về doanh thu của mùa phim Tết vừa qua.
Nhà sản xuất Phước Sang cho biết hãng phim của anh có nhận thông báo gửi phim tới Cục điện ảnh để xét duyệt phim đi Oscar nhưng hãng phim Phước Sang đã từ chối. Lý do Công chúa teen và ngũ hổ tướng không được gửi đi là vì nhà sản xuất đã xác định đây là phim thị trường, không thuộc dòng phim nghệ thuật. Có không ít phim cũng ở trong tình trạng tương tự bởi phim xác định gửi đi mà không được chọn thì chỉ mất thời gian.
Lê Bảo Trung, đạo diễn phim Tết "Nhật ký Bạch Tuyết" cho hay anh cũng hoàn toàn không biết phim của mình có được hãng phim làm hồ sơ gửi tới Hội đồng chọn phim đi Oscar hay không. Trước thông tin năm nay Việt Nam không chọn phim nào gửi dự tranh đề cử Oscar 2010 Phim nước ngoài hay nhất, Lê Bảo Trung cho rằng nguyên nhân có thể do Việt Nam chưa đủ tự tin để gửi phim tham dự và cũng có thể không chọn được phim hay mặc dù có phim đủ điều kiện.
Nhiều phim giải trí không làm hồ sơ để gửi hội đồng tuyển chọn phim đi Oscar. |
Dù cơ hội có mỏng manh, nhỏ nhoi nhưng cũng là cơ hội. Dù có được đề cử Oscar hay không thì việc một bộ phim Việt Nam được gửi đi cũng là một sự tự hào, cho thấy sự có mặt của Việt Nam trên diễn đàn điện ảnh thế giới".
Tuy nhiên, đạo diễn của "Trăng nơi đáy giếng" lại có suy nghĩ khác. Nguyễn Vinh Sơn cho biết ông không quan tâm đến việc phim của mình có được lựa chọn hay không vì đó chỉ là hình thức. Đạo diễn cho biết "Trăng nơi đáy giếng" sản xuất năm 2008 nên không đủ tiêu chuẩn xét duyệt nhưng giả sử nó có được chọn thì ông cũng lên tiếng phản đối, can ngăn vì việc làm đó vừa tốn tiền, vừa mất công lại vừa làm trò cười cho thiên hạ.
"Giả sử như nếu phim của mình mà đã đoạt giải tại LHP Cannes, Venice... mà vì không kịp làm thủ tục gửi đi Oscar thì mới tiếc. Chuyện một hội đồng ngồi lại chọn một phim để gửi đi Oscar chỉ là thủ tục và không có giá trị gì cả. Tôi nghĩ việc bộ phim Cánh đồng bất tận được chọn tranh giải ở hạng mục Phim mới ở LHP Pusan mới là giá trị", đạo diễn chia sẻ.
Ít cơ hội
Xem ra sân chơi Oscar ngày càng xa vời và thiếu thực tế trong bối cảnh phim Việt hiện nay. Nhiều người cho rằng việc chọn phim gửi đi Oscar là không cần thiết bởi vừa mất công, mất thời gian, tốn tiền mà lại không hiệu quả. Nhận định này cũng rất có cơ sở vì Việt Nam đã nhiều lần gửi phim đi Oscar nhưng đều không vào nổi danh sách 5 phim đề cử. Đừng đốt, Áo lụa Hà Đông, Mùa len trâu, Chuyện của Pao cùng chung số phận và đều phải dừng bước trước những đối thủ lớn.
Những năm gần đây, nhiều phim "made in Vietnam" nổi lên tại các LHP uy tín trên thế giới như một điểm sáng. Đặc biệt, liên tiếp hai bộ phim Việt Nam là Chơi vơi và Bi, Đừng sợ đã giành được những giăi thưởng đáng chú ý tại LHP Venice 2009 và Cannes 2010. Phim Việt đang gây được những tiếng vang nhất định tại các LHP trong khu vực và thế giới như một nền điện ảnh nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, Oscar dường như vẫn ở ngoài tầm tay. Ít nhất, hy vọng có tên trong danh sách đề cử hạng mục Phim nước ngoài hay nhất 2011 đã không còn.
"Aftershock" sẽ ra rạp VN từ 15/10 tới. |
Chưa hết, bộ phim cảm động của đạo diễn Phùng Tiểu Cương mang tên "Aftershock" (Đường Sơn đại địa chấn) cũng là đối thủ đáng gờm đến từ Trung Quốc. Đây là bộ phim thành công nhất từng được sản xuất tại thị trường nước này. "Aftershock" thậm chí còn đánh bại bộ phim Chuyện tình cây táo gai (Under the Hawthorn Tree) của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu để giành chiếc vé duy nhất của Trung Quốc đi Oscar năm tới.
Trong lịch sử hạng mục Phim nước ngoài hay nhất bắt đầu được trao từ năm 1947 đến nay, chiến thắng vẫn chủ yếu rơi vào các nền điện ảnh châu Âu với 51/62 lần trao giải Oscar. Trong khi đó châu Á mới chỉ được nếm mùi chiến thắng 5 lần.
-
Hạnh Phương