- Rất nhiều người đã, đang và sẽ tiếp tục thắc mắc: Người đẹp Việt so với thí sinh các nước, nhan sắc đâu đến nỗi nào. Nhiều người có danh hiệu trong nước, chiều cao không thua kém (có người trên 1m80), ngoại ngữ của Mai Phương Thúy, Thiên Lý, Hà Anh, Kiều Khanh... cũng không còn là chuyện rào cản. Vậy thì tại sao cho tới nay, người đẹp Việt vẫn chưa có sự đột phá ở đấu trường sắc đẹp quốc tế? Phải chăng một trong những lý do đáng kể nhất của sự mờ nhạt chính là trang phục? Để đến nỗi, thay cho "người đẹp vì lụa", lại là "người… xẹp vì lụa"!
>> “Tăng Thanh Hà mặc hàng nhái” - NTK Hoàng Hải kiện?
Đưa gì mặc nấy
Ở nhiều quốc gia trên thế giới trước mỗi cuộc thi sắc đẹp quốc tế, các đại diện tham dự được chính phủ hỗ trợ kinh phí cho trang phục hoặc các nhà thiết kế nổi tiếng bỏ tiền ra thực hiện những mẫu thiết kế độc đáo, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được bản sắc của từng quốc gia. Thậm chí, một số quốc gia còn đưa mẫu thiết kế “trưng cầu dân ý”. Trường hợp bị phản đối kịch liệt, họ sẵn sàng chỉnh sửa hoặc thay thế trang phục khác.
Chiếc váy Trần Thị Quỳnh (bên phải) mặc ở HHQT 2009 do NTK Hoàng Hải làm được các chân dài mặc trước đó ở một số show thời trang và diện chụp ảnh báo. |
Nguyễn Thị Huyền - đại diện Việt Nam dự Hoa hậu Thế giới 2004 từng tâm sự: "Nghe điện thoại của đại diện Elite báo: "Sáng mai 9h bay rồi đấy!", tôi cuống cuồng chuẩn bị. Nhiều quần áo trang phục thậm chí phải đi mượn để mang đi. Đến khi gặp các hoa hậu từ hơn 100 quốc gia trên thế giới tại hòn đảo Sanya, sống gần họ cả tháng trời, tôi mới nhận ra, mình mang 3 vali nhỏ quần áo, đồ trang điểm là quá ít. Bởi các hoa hậu khác đều mang 7-10 thùng quần áo lớn. Người đẹp vì lụa có khác!".
Chiếc đầm khiến Hương Giang bị già và không tôn lên vẻ đẹp cơ thể ở cuộc thi Hoa hậu Châu Á 2007. |
So với thời điểm Nguyễn Thị Huyền "mang chuông đi đấm" ấy, tính chuyên nghiệp về sau được cải thiện hơn. Nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nhà thiết kế mà đơn vị có bản quyền đưa người đi thi lựa chọn. Việc đưa những chính kiến cá nhân vào các mẫu trang phục của người mặc gần như không có.
Họ luôn ở thế thụ động, đơn vị đưa đi thi gợi ý gì thì mặc nấy. Trong khi bản thân các nhà thiết kế và các hoa hậu, người mẫu nhiều khi còn chưa đủ thời gian "hiểu" nhau để có thể có được sự "bắt nhịp" cần thiết. Và trên thực tế, không phải nhà thiết kế nào cũng có thể hợp gu với từng người đẹp, ngay cả khi có điều kiện tiếp xúc trước đó. Thiếu đi sự đồng cảm, có thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự mất tự tin của người thể hiện trang phục trên một sàn diễn nhiều áp lực, lắm đối sánh.
Thế nên không ít lựa chọn đã bị chê là "quê", rối rắm và nhìn đuối hẳn so với trang phục lộng lẫy của các thí sinh đến từ nhiều quốc gia khác. Ví như trang phục của Hương Giang ở Hoa hậu Châu Á 2007. Những chiếc váy, dạ hội của nhà thiết kế Sơn Collection khiến cô trông hơi bị "chững chạc", trong khi cuộc thi Hoa hậu châu Á lại ưa phong cách trẻ trung, thậm chí là hơi... teen. Hay như trang phục của Đặng Minh Thu ở Hoa hậu Thế giới 2007, nhiều bộ đơn giản đến đơn điệu. Và nhất là những trang phục của Kiều Khanh vừa qua tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010.
Thậm chí, có những trang phục còn được mặc ở một số show diễn hoặc trong những buổi chụp hình cho báo nhưng vẫn được các nhà thiết kế đưa cho thí sinh mang ra đấu trường sắc đẹp quốc tế, bất kể tiêu chí cuộc thi đó thế nào. Có thể kể ra một vài ví dụ như: Trang phục dạ hội của Thái Hà ở cuộc thi Nữ hoàng du lịch quốc tế 2009, trang phục của Trần Thị Quỳnh ở Hoa hậu Quốc tế 2009. Cá biệt, một số trang phục của Thái Hà tại cuộc thi Nữ hoàng du lịch quốc tế còn bị cư dân mạng đặt nghi án là "đạo" mẫu thiết kế của Elie Saab…
Tất nhiên, cũng có những bộ trang phục được đầu tư công phu và ít nhiều gây được thiện cảm tại đấu trường quốc tế như trang phục mặc thường ngày và chiếc đầm dạ hội của Công Trí làm cho Hoàng Yến tại Hoa hậu Hoàn vũ 2009, Phạm Thùy Dương ở Hoa hậu quốc tế 2007 do Kelly Bùi thiết kế hay của Thiên Lý do Công Trí kỳ công thực hiện ở Hoa hậu Thế giới 2009. Cũng chính từ những thiện cảm về mặt hình ảnh mà Thùy Dương và Thiên Lý đã trở thành chủ nhân của giải phụ "Hoa hậu được khán giả yêu thích nhất" của hai cuộc thi nhan sắc mang tầm quốc tế.
Hoàng Yến với chiếc đầm dạ hội mặc ở HHHV 2009 |
Quá lạm dụng chiếc áo dài?
Thi thoảng chúng ta vẫn thấy đại diện của xứ sở hoa Anh Đào mặc kimônô diễm lệ trên đài vinh quang, đại diện của Hàn Quốc không kém cạnh khi chọn hanbok để quảng bá văn hoá đất nước mình, các người đẹp Trung Quốc cũng thể hiện nét đẹp quyến rũ thông qua xường xám. Nhưng đó là những năm về trước. Khi thấy việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua trang phục không còn tầm ảnh hưởng trên toàn cầu thì người đẹp các nước hạn chế việc mặc đồ truyền thống tham gia các cuộc thi sắc đẹp.
Chiếc áo dài màu đen thêu rồng nặng nề á hậu Hoàng Yến mặc ở HHHV 2009. |
Nhưng với Việt Nam, áo dài vẫn luôn được coi là lựa chọn an toàn số 1. Từ Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thuý, Minh Thu, Hương Giang, và gần đây nhất là Kiều Khanh tại cuộc thi hoa hậu thế giới hay Thùy Lâm, Thiên Lý, Hoàng Yến ở Hoa hậu Hoàn vũ... Đấy là chưa kể một số người đẹp khác tham gia ở các cuộc thi nhỏ lẻ của khu vực và châu lục. Như vậy có thể nói người đẹp Việt Nam quá lạm dụng chiếc áo dài chăng?!
Đấy là chưa kể đến có những chiếc áo dài khiến cho một vài người đẹp bị già đi khi hiện diện ở những đêm thi quan trọng. Ví như chiếc áo dài màu đen của thương hiệu ABC thêu rồng trông quá nặng nề, không hợp với phái yếu mà á hậu Hoàng Yến mặc ở Hoa hậu Hoàn vũ 2009 tổ chức tại Bahamas.
May sao có Chung Thục Quyên, thay vì áo dài, trang phục truyền thống được chọn lại là chiếc áo tứ thân và nón quai thao của nhà thiết kế Thuận Việt. Hình ảnh lạ mắt này ngay lập tức gây được sự chú ý cho BGK. Cũng vì thế mà cô đã trở thành người đẹp duy nhất (tính tới thời điểm này) giành giải phụ Trang phục dân tộc đẹp nhất ở cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2009.
Lẽ dĩ nhiên, không loại trừ, mỗi cuộc thi đều có tính may rủi và những tiêu chí khó lường của nó, tùy thuộc vào gu của BGK hay tương quan lực lượng của cuộc thi năm đó. Tuy nhiên, sau rất nhiều phép thử thất bại hay tạm thời thu được thành công bước đầu, việc lựa chọn trang phục cho các người đẹp Việt đi thi quốc tế giờ đây rõ ràng phải được chuyên nghiệp hóa hơn lên, bằng những cố gắng đầu tư chất xám cũng như thời gian chuẩn bị, quy trình "tháp tùng" thí sinh...
- Sơn Hà