Thời của piano kỹ thuật số?
05:19' 29/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Công nghệ số hóa đang chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống. Ngay tại Việt Nam, cây đàn piano phổ thông cũng đang có nguy cơ bị chiếm lĩnh bởi đàn piano kỹ thuật số.

Nghệ sĩ chuyên nghiệp (Mỹ Thanh) biểu diễn với đàn piano kỹ thuật số. Ảnh: VT

"Dù 10, 20 năm nữa hay đến cuối thế kỷ này chưa thể biết trước, nhưng tôi có thể khẳng định rằng piano kỹ thuật số sẽ dần thay thế piano cổ điển", GS.TS.NSND Quang Hải đã khẳng định như thế trong cuộc hội thảo mini Vì sao đàn digital piano ngày càng trở nên phổ biến? tại Nhạc viện TP.HCM hôm 27/5. Phát biểu của GS.Quang Hải - một người đã nghiên cứu đàn piano kỹ thuật số trên dưới 10 năm nay - hoàn toàn có cơ sở vì những ưu thế thấy rõ của dòng đàn piano thế hệ mới này.

Để sở hữu một cây đàn piano chất lượng tốt, âm thanh hay, không có cách nào khác hơn là phải bỏ ra một số tiền lớn, thậm chí rất lớn. Điều này không phải cá nhân nào cũng làm được, bởi chỗ của loại đàn chất lượng cao - đại dương cầm, concert grand piano - là ở các nhạc viện, trường nhạc lớn. Trong khi đó, giá cả của những chiếc digital piano khá mềm, phù hợp với nhiều đối tượng. Đáng nói là giá thành hạ nhưng chất lượng không giảm mà ngược lại, nó có nhiều tính năng vượt trội piano cổ điển (acoustic piano). Ngoài việc có chất lượng âm thanh tương đương đàn grand piano vì thu lại mẫu âm của loại đàn này, piano kỹ thuật số hội đủ các yếu tố của một cây đàn hoàn hảo: tiếng hay, phím nhạy, dáng đẹp và siêu bền.

Một yếu tố kinh tế nữa khiến nhiều người chọn piano kỹ thuật số là không phải mời thợ lên dây định kỳ cho đàn hàng tháng với những chi phí không nhỏ. Với một cây dương cầm số hóa, những  yếu tố như thời tiết, độ ẩm và cả tâm lý người chơi, chẳng là gì cả. Thế nhưng nó không bị máy móc hóa đến độ xơ cứng mà ngược lại, độ cảm ứng phím của đàn tạo cảm giác như đang chơi trên một cây đại dương cầm.
                                                                                                

Khách hàng đang thử đàn digital piano. Ảnh: VT

Theo anh Đinh Minh Phú, chuyên viên của công ty chuyên về nhạc cụ, phòng thu Việt Thương: "Thng kê ở Mỹ, Australia, Canada... cho thấy sinh viên mau tiến bộ hơn với đàn digital piano. Bởi người ta có thể tự học trên loại đàn này bằng các phím sáng hướng dẫn đánh theo, tập với headphone để không ảnh hưởng người xung quanh...". Với dương cầm kỹ thuật số, nó còn có thể tạo ra được cả một hợp âm tương tự như cả một dàn nhạc đang chơi, thậm chí nó còn hát bè được cho ca sĩ!

Tuy nhiên, người ta đã quen với hình ảnh những chiếc dương cầm bề thế trong các buổi biểu diễn, không thể một sớm một chiều có thể chấp nhận chiếc đàn piano nhỏ, nhẹ có thể ôm gọn trong tay kia. Digital piano có thể đang dần chiếm lĩnh trong những người chơi đàn phổ thông, còn đối với giới chuyên nghiệp như nghệ sĩ biểu diễn, giảng viên, sinh viên trường nhạc thì mức tiếp cận của nó có khó khăn hơn. Theo GS.Quang Hải: "Nếu người ta vượt qua được hai vấn đề, một là về âm thanh, kỹ thuật..., hai là về tâm lý, thì piano kỹ thuật số sẽ thay thế piano cổ điển".

Để tiến đến được mức độ đó, hoàn toàn không đơn giản. Song cũng theo lời GS.Quang Hải, nếu Việt Nam vượt qua được những rào cản này, sẽ là một trong những nước sớm tiếp cận với công nghệ mới, bằng không sẽ chậm trễ và tụt hậu.

  • VT
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vẫn những gương mặt cũ! (27/05/2004)
Chiến thắng thuộc về người da màu! (27/05/2004)
Ðại nhạc hội ghi-ta toàn quốc 2004 (26/05/2004)
Usher tại vị, Hip Hop vẫn chiếm ngôi đầu (24/05/2004)
Mở cửa Ngân hàng dữ liệu Âm nhạc (24/05/2004)
Nhật thực 2: Đêm không có lửa! (22/05/2004)
''Nối vòng tay bạn bè khắp nơi!'' (21/05/2004)
Đòi tác quyền cho "Cây đàn sinh viên" (19/05/2004)
Đêm của giai điệu Na Uy sâu lắng... (18/05/2004)
Avril Lavigne và những trưởng thành trong album mới (17/05/2004)
Eurovision 2004: Bất ngờ lớn từ đất nước Ukraine! (17/05/2004)
Khóc, cười chuyện nhạc "ăn theo"! (14/05/2004)
''Quy mô nhất từ trước đến nay'' (12/05/2004)
''Âm nhạc và những người bạn'' tháng 5: Rock Sài Gòn (12/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang