(VietNamNet) - Ray đã từng nói “Âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi, giống như dòng máu chảy trong huyết quản, như đồ ăn, thức uống hàng ngày”. Nhưng thật buồn làm sao, tối thứ 5 vừa qua, dòng máu âm nhạc ấy đã ngừng chảy ở cột mốc 73, ngắt quãng cuộc đời của một trong những nghệ sĩ âm nhạc da đen tài năng nhất nước Mỹ thế kỷ 20, người đem đến cho Soul, cho Jazz, cho Rock & Roll, cho R&B và cho cả Country một hương vị mới…
|
Ray Charles. |
Người đời chọn cho ông một cái tên dễ nhớ, “Thiên tài”. Bởi chỉ có cái cái tên đó mới lột tả hết sức mạnh trong ông. Bởi lẽ ông là hiện thân của âm nhạc, hiện thân của tinh thần “dám là mình” mà không sợ những tinh thần xung quanh lấn át và trên hết ông biết cách đem tinh thần đó đến cho con người bằng tài năng âm nhạc bẩm sinh. Kỳ diệu hơn, tuy ánh sáng mặt trời chưa bao giờ tỏa sáng trên con ngươi nhưng ông lại gần như là ánh sáng của biết bao người có đôi mắt lành lặn khác. Ông đem đến cho họ thứ âm nhạc qua cách cảm nhận của một người mù, đem đến cho họ một thế giới lung linh muôn ngàn màu mà nào ai cũng có thể nhìn thấu được. Trong thế giới ngồn ngộn một màu đen của thứ ánh sáng sinh học, Ray Charles cảm nhận màu sắc bên ngoài bằng 10 đầu ngón tay lướt trên phím dương cầm, hít thở hương vị thanh xuân bằng đôi tai mở rộng và cảm nhận những tiếng cười trong trẻo, những gương mặt thân quen bằng hai bán cầu não làm việc hết mình.
|
Ray Charles nhận từ tay Billy Joel giải thưởng thành tựu suốt đời của Hội đồng Hàn lâm Âm nhạc Hoa Kỳ. |
“Mù” trong đời sống âm nhạc thường được trân trọng xem là một trong nhiều thứ “tật”, có tài và có “tật” thường đem lại những sản phẩm làm người khác giật mình, bởi nó mới lạ và có những cảm xúc xưa nay hiếm. Ray Charles “thiên tài” biết hóa trộn những cảm xúc mà ông nghe và cảm thành một, cộng thêm tài năng âm nhạc bẩm sinh ông cho ra đời thứ âm nhạc mang đậm phong cách của riêng ông. Thomas Thompson, tay kèn clarinet nổi tiếng đã nhận xét “Nhiều người nghĩ rằng Ray Charles là tay Blues kiệt xuất? Đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ tay này còn rất xuất sắc trong giai điệu của Jazz, của Rock n’ roll, Gospel và Country. Ông ta biết lôi kéo người nghe từ tinh thần của những dòng chảy này và từ đó tạo ra một nhánh khác mà chỉ có mỗi mình ông ta khám phá được”. “Nhánh khác” theo cách ví von của Thomas là một chút phá cách của Gospel với những đoạn tự trào không theo khuôn nhạc, là những hợp âm được biến đổi liên tục, là cách ứng ngẫu đầy cảm xúc. Đó còn là một chút khoáng đạt của Jazz, chút cô độc của Blues, ngúng nguẩy của Rock ‘n roll và man mác của Country.
|
"Mù" từ bé nhưng âm nhạc của Ray Charles đã đem lại ánh sáng cho biết bao nhiêu người. |
Ray Charles sinh ngày 23/9/1930 trong một gia đình da đen nghèo hèn vùng Albany, Georgia. Bị mù năm lên 7 và mồ côi khi tròn 16, ông là ví dụ tiêu biểu của một chuẩn “American dream”, từ khốn khó đến giàu sang, từ tăm tối vụt lên rực sáng. Noi gương “ông trùm” Nat King Cole, ông quyết lập nghiệp bằng con đường âm nhạc. Năm 18 tuổi, với 600USD dành dụm được, Ray một mình đơn thương đến vùng Seattle xa lạ tìm chút ánh sáng. Tại đây ông lập ra nhóm tam tấu Maxim (cùng chơi nhạc theo kiểu Nat King Cole và Charles Brown). Một năm sau, tam tấu Maxim tìm được chút danh tiếng khi "Confession Blues" leo được lên bảng tổng sắp R&B. Từ đây, Ray Charles nhận được nhiều lời mời biểu diễn chung, đáng kể là với ca sĩ Blues nổi tiếng Lowell Fulson và giữa họ đã có 2 hits góp mặt trên bảng tổng sắp "Baby Let Me Hold Your Hand" và "Kiss Me Baby". Nhưng càng đi và càng tìm hiểu Ray mới hiểu mình không nên là ai cả nếu muốn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người nghe, phải là một cái gì đó đặc trưng Ray Charles, không mô phỏng, rập khuôn. Từ bỏ phong cách “Nat King Cole”, Ray trở về với cội rễ Georgia, lấy Blues làm chủ đạo, phủ thêm vài lớp Gospel cùng một giọng hát trầm khàn vùng sông nước và từ đây ông bắt đầu chinh phục mọi người.
|
Ray Charles qua nét vẽ sơn dầu. |
“Từ lúc bị mù tôi không còn được chiêm ngưỡng cảnh người ta nhảy múa, vui đùa vì thế tôi mong ước mình sẽ sáng tác những bài ca mà khi nó cất lên có thể khiến tôi nhảy suốt ngày” , ông đã từng bảo thế. Và năm 1961, “Hit the road Jack” của ông đã ngập tràn trong các sàn nhảy, quán bar. Không những thế, người ta mang nó ra nhảy ở ngoài đường, ở chốn công cộng, từ già đến trẻ, ai cũng bị thôi thúc bởi giai điệu tươi vui, dồn dập của nó. “Hit the road Jack” cũng được xem như là một trong những ca khúc “lôi con người ra ngoài đường”, tránh những nhàm chán thường gặp trong 4 bức tượng rặt đầy những khuôn phép gia đình kiểu Mỹ. Và năm ấy, ở tuổi 31 ông đã giành tượng vàng Grammy thứ 4 trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Cùng thời điểm đó, Ray cũng có một ca khúc tuy chỉ đứng hạng 9 Top Single và không giành được tượng vàng nào nhưng sức ảnh hưởng của nó đến thời điểm hiện tại vẫn hết sức mạnh mẽ. “Unchain my heart” được xem như khúc tình ca muôn đời đã làm rực sáng tên tuổi Ray Charles và cả Joe Cocker sau này. Đã có rất nhiều nghệ sĩ cover lại nó với cảm xúc trân trọng nhất, ở Việt Nam cũng đã từng có nhiều nghệ sĩ thể hiện lại bài hát này, trong đó có cả nghệ sĩ Jazz Tuyết Loan, rocker Nguyễn Đạt …
|
Cùng với thời gian, âm nhạc của ông sẽ luôn sống mãi... |
73 tuổi, giành được 12 tượng vàng Oscar và vô số những giải thưởng thành tựu khác, ảnh hưởng không ít đến nhiều thế hệ ca sĩ, từ The Beatles cho đến Stevie Wonder, từ Loretta Lynn cho đến Joe Cocker… có lẽ cũng đủ để Ray Charles Robinson hài lòng với những gì mình đã đạt được. Âm nhạc của ông vẫn luôn nhận được sự trân trọng của người nghe mọi giới, mọi màu da, tên tuổi ông được xem như tài sản quốc gia. Những “I can’t stop loving you”, “I gotta woman”, "Busted", “Crying time”, “Living For the City", “You are my sunshine”, “What’d I say”… đến nay vẫn sống và vẫn là những cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Hy vọng ánh sáng mặt trời sẽ lại đến với ông ở bên kia thế giới và những mong mỏi vẫn còn dang dở của ông sẽ tiếp tục được hoàn thành và trái tim ông, dù ở bất cứ nơi nào, cũng sẽ không bao giờ ngừng đập…
|