Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh:
"Khi mở Hanoi Jazz Club, nhiều người nói tôi điên!"
16:30' 05/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Jazz, dòng nhạc bình dân nhưng kén người nghe đang nóng lên trong giới trẻ Việt Nam. Không ngoa khi nói rằng nó đã trở thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc nước nhà. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh được mệnh danh là "bố già" của Jazz Việt Nam (Grandfather of Jazz).

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh.

- Thời gian gần đây nhạc Jazz đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới trẻ VN. Theo ông, điều gì đã làm nên hiện tượng đó?

- Tôi nghĩ không khí sôi động của 3 liên hoan nhạc Jazz châu Âu tại Việt Nam đã nhen lên ngọn lửa Jazz. Liên hoan nhạc Jazz châu Âu là một sân khấu không dễ tổ chức vì kinh phí khá lớn nhưng có lẽ họ đã nhìn thấy tiềm năng của các nhạc sĩ chơi Jazz VN và muốn thông qua Festival này để hỗ trợ cho các nghệ sĩ VN. Thêm nữa, khi Pop đang ở giai đoạn bão hòa còn giới trẻ Việt Nam lại khá năng động và sẵn sàng tiếp nhận âm nhạc theo nhiều hướng khác nhau. Đó là những cơ sở để những người chơi Jazz VN có thể hy vọng. Qua 3 liên hoan nhạc Jazz châu Âu tôi nhận thấy không khí yêu Jazz đang nóng lên và chắc chắn LH nhạc Jazz lần thứ 4 được tổ chức vào tháng 11 tới sẽ tác động không nhỏ đến khán giả Việt Nam.

- Là một trong những người tiên phong đưa Jazz vào VN và cũng là người đầu tiên mở một CLB Jazz ở HN khi khán giả còn khá xa lạ với nó, cơ sở nào khiến ông thực hiện một dự án phiêu lưu như vậy?

- Ý tưởng thành lập một Jazz Club của tôi cũng đơn giản thôi. Sau các chương trình độc tấu vào năm 1988, 1999 và đặc biệt là tại Nhà hát Lớn HN năm 1994, tôi nhận ra rằng thành công trong âm nhạc không có cơ may mà chỉ dành cho những người lao động chăm chỉ mà thôi. Lúc đó tôi có một niềm tin rất lớn rằng, mình sẽ làm mọi cách để đưa Jazz vào VN. Ngày 3/2/1997, tôi được phong NSƯT và định làm một chương trình độc tấu chơi các bài jazz quốc tế phân ra các thời kỳ khác nhau cùng những bài có âm hưởng dân gian. Tuy nhiên ý tưởng này đã bị gác lại và thay thế bằng một CLB Jazz. Mục đích của tôi là tập hợp những nghệ sĩ chơi dòng nhạc này vào Hanoi Jazz Club (phố Lương Văn Can), đào tạo một đội ngũ chơi Jazz trưởng thành để đón đợi những khán giả thực sự yêu thích nó dù phải mất nhiều năm.

- Thời gian đưa Jazz đến với khán giả VN của ông có hoàn thành trước thời hạn?

- Ban đầu tôi nghĩ phải mất 10 năm, có khi lên đến 15 năm để có một đội ngũ chơi Jazz chuyên nghiệp và đưa Jazz đến với khán giả. Nhưng đến thời điểm này, sau 7 năm tạo dựng Hanoi Jazz Club tôi đã có thể yên tâm về điều đó. Khi thành lập câu lạc bộ Jazz nhiều người đã nói tôi... điên vì bỏ những hợp đồng biểu diễn béo bở để theo đuổi một dự án phiêu lưu. Tôi không đặt nặng vấn đề kinh doanh và tiền bạc lên đầu. Có khi quán chỉ có 10-12 khách chúng tôi vẫn chơi bình thường.

- Jazz là dòng nhạc khá kén người nghe. Ở phương Tây, nó gần như là món ăn tình thần hàng ngày và đã có hơn 100 năm tuổi nhưng với khán giả Việt Nam nó còn khá xa lạ. Theo ông, nó có liên quan đến trình độ nhận thức và cảm thụ âm nhạc như nhiều người nói...

Các nghệ sĩ VN tại Liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần thứ 2 (2002).

- Tôi cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do thói quen. Nhiều người vẫn quen với những tác phẩm âm nhạc có lời dẫn. Đó là thói quen nghe nhạc rất thực dụng dẫn đến sự cảm nhận âm nhạc thấp đi nhiều. Công chúng Việt Nam đa số chỉ nghe còn hiểu Jazz thì chưa. Nếu muốn hiểu nó thì phải chịu khó đi nghe. Tôi tin chắc một khi khán giả nghe Jazz, hiểu Jazz, nắm được luật chơi của nó thì họ sẽ thích và tự tìm đến với Jazz. Với tôi, một người Việt Nam đến nghe Jazz còn quý hơn 10 người nước ngoài vì đó là những người thực sự muốn đến với Jazz. Mình khác khán giả ngoại quốc ở chỗ họ được đào tạo cơ bản và có thói quen đến bar và các tụ điểm giải trí vào buổi tối. Rất nhiều người vì đọc trên báo thấy giới thiệu về chương trình Jazz này, ban nhạc Jazz nọ thì tìm đến xem. Đôi khi họ còn có ý nghĩ, nếu ban nhạc địa phương chơi thì chắc không hay.

- Ông nhận xét như thế nào về trình độ của các nhạc công Việt Nam? Khoảng cách giữa họ và thế giới?

- Việc đào tạo những nhạc sĩ chơi Jazz chuyên nghiệp là điều rất khó và mất thời gian. Phải thừa nhận thẳng thắn rằng, nếu chơi các bản Jazz đậm chất dân tộc là điều không khó nhưng với quốc tế thì các nghệ sĩ VN chưa đạt. Nếu so sánh các nghệ sĩ Việt Nam và châu Âu sau 3 kỳ liên hoan xét về trình độ thuần túy thì nhiều ban nhạc đến từ châu Âu cũng không phải là xuất sắc và chuẩn mực.

- Theo ông, cần bao lâu nữa Jazz mới có thể thực sự phổ cập? Sau 7 năm, Jazz Việt Nam có những bước tiến đáng kể nào?

- Tất nhiên là lượng người đến với Jazz có sự thay đổi, nó không chỉ dành cho người nước ngoài nữa. Cách thưởng thức dòng nhạc này của khán giả HN và TP.HCM cũng có sự khác biệt do môi trường và cách sống. Cách đây không lâu tôi có dịp vào Sài Gòn và nhận thấy Jazz đang thực sự nóng lên chính ở sự gần gũi và ngẫu hứng của nó. Bên cạnh Dragon Bar, YoKo Cafe, Bop Jazz cũng đang là địa chỉ yêu thích của những người mê Jazz. Đặc biệt Wild Horse trên đường Thái Văn Lung cũng đã chơi Jazz... Tôi không sợ sự cạnh tranh, càng nhiều club càng hay, vấn đề là làm thế nào để Jazz thực sự phát triển. Tôi cho rằng cần ít nhất là 3 năm nữa để khán giả VN đón nhận Jazz thực sự nhưng để làm được điều đó thì cần nhiều yếu tố: người chơi chuyên nghiệp, sự hòa nhập và hiểu biết của người nghe... nếu không Jazz chỉ dành cho 1 nhóm người mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!

  • B.H (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vĩnh biệt cây đại thu nhạc Jazz Latin Don Tosti (05/08/2004)
Ca sĩ Trường Thanh tố cáo NS Đỗ Đình Phúc? (05/08/2004)
Bài hát ''Vẫn nhớ'' được đấu giá đến 2.000 USD! (04/08/2004)
Gặp lại Blue... (02/08/2004)
Một đêm R'n'B đầy hào hứng (31/07/2004)
Sao Mai điểm hẹn show 4: Hát duyệt như thi thật (30/07/2004)
"Tôi luôn sống trong bài hát mà mình thể hiện" (30/07/2004)
Ca sĩ Lưu Hương Giang: Tôi đang tìm nét riêng cho mình (29/07/2004)
Trao giải cho khán giả dự đoán đúng SMĐH số 1, 2 (29/07/2004)
“Phong cách Rock” định hình từng thí sinh (27/07/2004)
Lời tri ân từ "Tiếng đàn đêm" (27/07/2004)
Ca sĩ Việt kiều Tuấn Ngọc: Về nước làm CD (26/07/2004)
Bellefire: nhóm nhạc cũ, hiện tượng mới (26/07/2004)
Nhập cảm cùng 12 phong cách Rock (24/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang