(VietNamNet) - Nằm trong tour diễn xuyên Việt, tối 22/10, Nhật thực 2 của Ngọc Đại đã ra mắt khán giả thành phố Hải Phòng. So với đợt trình diễn hồi tháng 5 ở Hà Nội thì lần này có sáng hơn.
|
5 dòng kẻ với ca khúc mở màn Cỏ trắng. |
Hơn một tuần từ 14 -21/10, khán giả Hải Phòng được ngập chìm trong nghệ thuật với những buổi biểu diễn của các đoàn tham dự Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc 2004. Có lẽ vì thế mà lượng khán giả có mặt trong đêm diễn duy nhất của nhạc sĩ Ngọc Đại mang tên Nhật thực 2 không nhiều: Chỉ đủ lấp một nửa khán phòng Cung Văn hoá Hữu Nghị Việt Tiệp.
Ca sĩ Khánh Linh - người suýt nữa bị ''bỏ rơi'' không được tham gia chương trình này - thể hiện ca khúc Đợi chờ theo một phong cách rất riêng. Lời của bài hát này được viết lại từ Dệt tầm gai của Nhật thực 1. Vẫn là những câu quen thuộc như ''đợi chờ anh... đến bao giờ...'', hay ''.. ngày anh dốc bão bỏ mê tình em điên mê...'', nhưng người nghe thấy sự miên man, lạ lẫm, chẳng giống ai qua cách thể hiện của Khánh Linh. Tắm đêm, Hết duyên, Thinh không là các ca khúc mà Khánh Linh trình bày trong chương trình. Nhưng xem ra chỉ có Tắm đêm Khánh Linh thể hiện ''nuột'' và xúc cảm nhất, còn Hết duyên và Thinh không chỉ ở mức ''thường thường bậc chung''.
|
Thanh Lam trong đêm diễn. |
Viết cho anh, Tựa thu, Hoa gạo, Tiếc nuối là 4 bài hát mà Ngọc Đại giao cho ca sĩ Thanh Lam thể hiện ở Nhật thực 2 này. Không phải nhìn giấy hát như đợt diễn hồi tháng 5 tại Hà Nội, Thanh Lam tự tin trình diễn các tác phẩm của Ngọc Đại theo một cảm nhận rất riêng. Nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn - người đệm đàn guitar cho Thanh Lam ca khúc Hoa gạo và Tiếc nuối đã thực sự làm thay đổi không khí đêm diễn. Chính anh cũng là người giúp Thanh Lam thể hiện thành công 2 bài hát đó và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ phía khán giả. Hơn một tháng là khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không quá ngắn để Thanh Lam ''ngấm'' hơn những sáng tác của Ngọc Đại. Và cô được nhiều khán giả ''bầu'' là ''ngôi sao'' sáng nhất trong đêm diễn quả cũng không ngoa!...
Tùng Dương - gương mặt mới nổi từ sân chơi Sao Mai điểm hẹn là người mà Ngọc Đại bỏ nhiều thời gian ''chăm bẵm'' nhất. Có lẽ khoảng thời gian bên ''thầy'' đã giúp cho ''trò'' hiểu được đôi chút con người và phong cách nên Dương hát không hề bị phô hay sượng. Người xem thấy Dương phiêu trong Mơ, rồi miên man ở Cuối đêm. Nhưng riêng với Tự tình, Dương hát chưa đạt. Nếu so sánh giữa Tùng Dương ở Nhật thực 2 với Trần Thu Hà trong Nhật thực 1 thì vẫn là một 8 một 10!.
|
Tùng Dương với ca khúc Cuối đêm. |
Nếu như Nhật thực 2 ở Hà Nội nhiều bài có nhóm hát bè, dùng dàn dây lớn, chuông, cồng, chiêng, các âm sắc lạ thì ở Nhật thực 2 diễn tại Hải Phòng các bài hát được ''lột tả'' bằng phương pháp múa minh hoạ nhiều hơn cả. Sân khấu đơn giản, không có gì ấn tượng và bắt mắt, cả chương trình chẳng có MC dẫn, nhưng sự xuất hiện của các ca sĩ tự nhiên và không bị lộn xộn như trước. Cách sắp xếp bài hát và ca sĩ thể hiện cũng hợp lý hơn! Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một vài hạt sạn. Cả đêm đêm diễn, tất cả có 13 tiết mục thì có đến 7 tiết mục kèm múa minh hoạ. ''Quá nhiều, so với cần thiết!'' - khán giả Thu Ngọc nói sau đêm diễn -''Bởi khi múa lấn lướt quá nhiều thì những người xem tôi chỉ tập trung đến phần nhìn không để ý đến phần nghe và như vậy thì vai trò của ca sĩ bị mờ đi và hiệu quả tiết mục không cao''. Điểm thứ hai, trang phục của các nghệ sĩ múa ở một hai tiết mục không hợp với những động tác mềm ẻo, uyển chuyển. Điều này được thể hiện rõ nhất ở ca khúc Đợi chờ, hai nghệ sĩ múa mặc quần bò, áo sơ mi (tất nhiên là khác màu nhau) bỏ thõng, trông không hợp cho lắm!
|
Khánh Linh với ca khúc Tắm đêm. Ảnh: HS |
Chương trình nào cũng thế, điều khen chê là lẽ đương nhiên, xét ở góc độ nghệ thuật, Nhật thực 2 tại Hải Phòng đã làm tốt hơn những gì Ngọc Đại ''trưng trổ'' trong Nhật thực 2 ở Hà Nội. Xin mượn lời của khán giả Trung Hướng, 28 tuổi, Công ty Chế tạo và Thiết bị đóng tàu Hải Phòng, để thay cho lời kết: ''Nhạc của Ngọc Đại không phải là dạng dễ cảm nhận. Đây là lần đầu tôi trực tiếp xem nên cũng thấy thích thích. Chỉ thấy lạ một điều tại sao chương trình này lại thu hút ít khán giả đến thế. Phải chăng người tổ chức chỉ làm để ''trả'' hợp đồng với nhà tài trợ mà quên mất khâu tiếp thị và quảng bá trước đó?..''.
|