(VietNamNet) - Hai cha con nhạc sĩ Hoàng Vân và Nhạc trưởng Lê Phi Phi đã có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây với VietNamNet, tại căn nhà cổ ở phố Hàng Thùng nhạc sĩ Hoàng Vân đã nói vui rằng: "Tôi bị liệt vào nhạc sĩ thuộc dạng B...ướng. Bởi vì cứ mỗi lần một tác phẩm của tôi không được dùng thì ngay lập tức tôi sẽ sáng tác ba tác phẩm khác!" và ông đã đưa cho chúng tôi xem bản "Đất nước và người lính" còn mới nguyên mùi giấy coppy, đây là bản mà ông và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đồng tác giả.
Mời bạn bấm vào đây để nghe bài "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng vân
Bấm vào đây để nghe bản RADEZSHKY MARSCH của J.STRAUSS do nhạc sĩ Phi Phi chỉ huy |
Cho tới nay, mặc dù sức khoẻ của ông không còn được "sung sức" nhưng niềm đam mê sáng tác trong ông vẫn cháy bỏng. Sẽ không ai quên được những bài ca trữ tình nhưng cũng đầy hào hùng của ông về một thời bom đạn như: "Quảng Bình quê ta ơi!", "Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Hai chị em", "Tình ca Tây Nguyên", "Nổi trống lên núi rừng ơi"...Bên cạnh đó ông còn là một nhạc sĩ rất có duyên trong sáng tác những ca khúc về nghành nghề. Đặc biệt, những ca khúc đó lại vượt qua được biên giới của một khu vực, một phạm vi nghành nghề bé nhỏ, vang lên như những bản tình ca không chỉ cho riêng một..nghành nghề nào mà là cho tất cả mọi người, rồi đến với tình yêu trong mỗi trái tim như: "Tôi là người thợ lò", "Bài ca người giáo viên nhân dân", "Bài ca giao thông vận tải"...
|
Nhạc sĩ Hòang Vân | Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân yêu âm nhạc hơn tất thảy và tình yêu ấy luôn hiện diện ở trong ông, trong tất cả những tình yêu khác. Ngay cả với thư pháp, một thể loại mà ông rất ham - ông đã từng có triển lãm ở Hồng Kông - cũng thế, khi ông đặt những nét bút đầu tiên vào trang giấy, trong ông như đang reo lên những tiếng nhạc thanh cao. Hay trong những đêm ngồi đốt đèn ngắm những cổ vật của gia đình để lại, những âm thanh tinh khiết nhất của đêm cũng như luôn vang động đâu đó...Đấy có thể là tất cả những gì của Hoàng Vân hôm nay. Thế mà ông nói rằng, ngày trước, khi còn trẻ, ông đã từng là một Hoàng Vân...bướng bỉnh thực sự (?)
Khác với sự trầm tĩnh của cha Lê Phi Phi lại là một nhạc trưởng trẻ trung và đầy dí dỏm, với truyền thống "cha truyền con nối" anh cũng đi theo con đường mà cha và chị gái anh đã đi. Và với tâm niệm: "Sẵn sàng tử vì đạo", tức là đã làm nghệ thuật là làm hết mình chứ không vì tiền cát - xê hay vì địa điểm biểu diễn mà bị chi phối đến phong cách biểu diễn anh đã có được những thành công mà không ít người trong nghề mơ ước.
|
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và gia đình. |
Với những thành tích đáng nể, sau khi tốt nghiệp nhạc viện "Traikovsky" anh đã được mời về làm việc cho dàn nhạc giao hưởng của đất nước Macedonia. Hiện anh đang sinh sống cùng vợ, chị Lidia - cũng là một nghệ sĩ biểu diễn, chị chơi đàn violon trong dàn nhạc của anh và con trai tại đất nước này.
Trước khi được cử sang Nga học tập anh đã học 7 năm sơ cấp, đàn Piano. Sau đó học trung cấp học lý luận chỉ huy (học giáo sư Nguyễn Trọng Bằng) tại nhạc viện Hà Nội và năm1987 anh được chọn sang Liên Xô học, học ở trường Moscow Conservatotry "Traicovsky" tại đây anh đã tốt nghiệp môn chỉ huy.
Trong thời gian học tại nhạc viện "Traicovsky" anh đã được học thầy Lconid Ni Kolaer, một nhạc trưởng nổi tiếng của Nga. Cũng trong thời gian này anh đã tham dự hai cuộc thi lớn dành cho các nhạc trưởng trẻ tại Nga và Pháp là: Procdfiev và Besancon. Đồng thời anh cũng dự thính nhiều lớp của các nhà giáo sư nổi tiếng như: P.Freeman (Mỹ), H.Rilling (Đức), Rozhestrensky, Kitaenlco (Nga).
Suốt từ năm 1992 tới nay, kể từ khi tốt nghiệp nhạc viện "Traicovsky", anh vẫn luôn giữ cương vị là chỉ huy dàn nhạc nước Cộng hoà Macedonia (nằm trong Liên hiệp Nam tư cũ), tại thủ đô Skopie. Bên cạnh đó anh còn là khách mời chỉ huy của tất cả các dàn nhạc dây thính phòng của Đài phát thanh và truyền hình Macedonia. Ngoài ra anh cũng đi lưu diễn ở nước ngoài rất nhiều, tất cả các vùng xung quanh như: Croatia, Slovenia, Ý, Pháp, Serbia, Bulsavia, Pháp, Ý, Đức...
Với anh, dường như không có lúc nào nghĩ đến...khó khăn vì cả một biển công việc luôn cuốn anh đi. Lần này về Việt Nam, anh sẽ tham gia cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, chương trình "Chào năm mới" - sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 15/1 và 16/1 tới này. Có thể anh sẽ trực tiếp tham gia dựng tác phẩm "Chiến thắng Điện Biên" của cha mình trong chương trình nhạc Hoàng Vân, có tựa đề "Trở lại Điện Biên" - dự kiến sẽ diễn ra vào 7/5 tới.
Trong không khí đầu xuân đầm ấm này, xin mời các độc giả VietNamNet hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với cha con nhạc sĩ Hoàng Vân về âm nhạc, về tình yêu lớn của họ về cuộc sống và những tác phẩm của họ mà các bạn quan tâm!
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
NGUYEN VAN NAM - Nam 24 tuổi - HUE - Theo nhận định của giới chuyên môn như các anh thì nền âm nhạc trẻ Việt Nam hiện hành có một giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật thật sự chưa? Phải chăng nghệ sĩ đang thiếu trầm trọng sự rung động, và thiếu cả trình độ để thể hiện những cảm xúc? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Nghề chính của tôi là chỉ huy nhạc giao hưởng, cho nên về mảng âm nhạc trẻ của Việt Nam thì tôi cũng không...chuyên sâu để có được một nhận xét quá chi tiết.
Nếu nói về sự rung động của người làm âm nhạc ở Việt Nam nói chung thì không thể nói là: "thiếu trầm trọng" được. Bằng chứng là trong mấy buổi tập vừa qua với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thì tôi có một nhận xét là sự rung động và cảm xúc với âm nhạc của các nhạc công là rất cao. Về mặt trình độ thì tôi luôn luôn tự hào là người Việt Nam ta cũng không thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới và tôi có thể khẳng định với bạn về điều này.
Bùi Quốc Duong - Nam 37 tuổi - Thành Phố Hạ Long - Là môt người sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, từ nhỏ đã được nghe bài hát " Tôi là người thợ mỏ" của nhạc sĩ. Bài hát đã làm say mê bao thế hệ và co lẽ những nốt nhạc hào hùng nhưng cũng đầy cảm xúc vói tình yêu quê hương ngấm vào tôi biết bao năm qua.Mặc dù đang lam gì nhưng cứ nghe giai điệu của bài hát la tôi lai cố gắng nghe cho kỳ hết.Xin được hỏi một vài kỷ niệm sâu sắc của nhạc sĩ đối với Quảng Ninh va cảm xúc của nhạc sĩ khi sáng tác bài hat naỳ? Nhạc sĩ có bao nhieu bài hát sáng tác về Quảng Ninh? NS Hoàng Vân: - Viết về Quảng Ninh tôi có một tập khoảng 10 bài hát. Xuyên suốt những bài hát đó, tôi là gười đi tìm kiếm vẻ đẹp của những con người vùng mỏ và thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng Đông Bắc nước ta. Việc truy tìm cái đẹp ấy là mục tiêu bất biến trong nhiều năm dù có nhiều khi thời gian hạn hẹp. Bài hát Tôi là người thợ mỏ là đỉnh điểm hội tụ sự thăng hoa, tôi đi tìm vẻ đẹp của người lao động chân tay cực nhọc nhất, đó là người thợ mỏ. Với việc đi tìm cái đẹp thì một bài hát chắc không đủ, mà đó là xúc cảm nội tâm của mình đối với những người lao động vất vả.
Quang Dao - Nam 50 tuổi - TP Vinh, Nghe An - Thưa nhạc sĩ! Người ta bảo, trước đây có lần được cử đi chiến trường, ông đã hỏi lại cấp trên rằng: Đã cần xuất xe chưa? Chuyện đó có đúng không? Và ông đã sáng tác bài "Quảng Bình quê ta ơi" trong hoàn cảnh nào? NS Hoàng Vân: - Chuyện đó là một chuyện có thật nhưng không diễn ra theo tinh thần như ngày nay người ta truyền lại. Vì hồi đó, tức là cách đây 40 năm, trong việc nói chuyện với cấp trên cần có tinh thần thẳng thắn thật, nhưng thẳng thắn mà vẫn nghiêm túc. Còn kể như vừa rồi thì nghe có vẻ đùa vui quá!
Còn về bài Quảng Bình quê ta ơi, khi người ta hỏi tôi, ông đi Quảng Bình nhé. Tôi nói, vâng, tôi thích Quảng Bình. Tôi nghĩ đi đâu làm gì, nhất là việc sáng tạo nghệ thuật thì cần nhất là viết cho hay. Tôi đã hết mình như chưa bao giờ nỗ lực đến như vậy để thể hiện mình, rằng mình nói là làm chứ không phải nói tào lao.
Đỗ Hoàng Long - Nam 22 tuổi - HN - Chào Anh Phi.Vào thứ 7 tới này tôi sẽ đến xem chương trình hòa nhạc mừng năm mới của dàn nhạc giao hưởng VN do anh chỉ huy ở nhà hát lớn.Xin chúc cho chương trình sẽ thành công rực rỡ.Tôi cũng là 1 người quản lý 1 CLB những người yêu nhạc cổ điển trên mạng TTVNOnline(http://www.ttvnol.com/ncd.ttvn).Sắp tới chúng tôi có buổi nói chuyện với chủ đề là "Tại sao nhạc cổ điển không được nhiều người biết đến?".Rất mong anh cho vài ý kiến về câu hỏi naỳ.. Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Trước hết xin cảm ơn về lời chúc cho chương trình sắp tới của tôi với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam! Về câu hỏi của anh thì tôi có một số suy nghĩ như sau: Kể cả ở các nước trên thế giới, nhạc cổ điển cũng được coi là một loại hình nghệ thuật "bác học" và như thế thì nhạc cổ điển luôn luôn "kén chọn" khán giả của mình. Nói một cách khác không phải ai cũng đi nghe và yêu thích nhạc cổ điển.
Chỉ có một điều khác: Về mặt tổ chức và chọn chương trình để phù hợp với từng nhóm khán giả đối với họ là một điều rất quan trọng. Ở Việt Nam thì rất nhiều người nghĩ rằng nhạc cổ điển tức là...nhạc nặng nhưng hoàn toàn không phải thế và tôi tin rằng có rất nhiều người biết đến nhạc cổ điển ở Việt Nam. Điều quan trọng nhất cũng như trên tôi đã nói là phải biết cách tổ chức quảng cáo và thành lập các chương trình sao cho phù hợp với các tầng lớp khán giả khác nhau. Nếu làm được như vậy thì tôi hy vọng là sẽ có nhiều khán giả muốn đi nghe nhạc cổ điển nhiều hơn.
Bằng chứng là chương trình sắp tới của tôi vào thứ bảy, chủ nhật (15, 16/1) là một chương trình hoàn toàn "nhẹ" gồm các tác phẩm nổi tiếng và được yêu chuộng (popular) trên thế giới và tôi nghĩ với một chương trình như thế thì bất kỳ ai cũng nghe được. Nói như vậy không phải là mình phủ định các chương trình có tính bác học khác. Như câu lạc bộ của anh là một hình thức rất tốt để quảng bá nhạc cổ điển đến mọi người. Tôi xin chúc cho câu lạc bộ của anh càng ngày càng có nhiều thành viên hơn và ở Việt Nam ta sẽ có thêm nhiều câu lạc bộ như vậy.
Lê Nam - Nam 58 tuổi - Hà Nội - Nhạc sỹ Lê Phi Phi có thích Macedonia không? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Rất thích! Nhưng Việt Nam vẫn thích nhất!
Hoàng anh - Nam 28 tuổi - TP HCM - Bác Hoàng Vân, cháu nghe nói bác rất thích chơi đồ cổ. Vậy bác có bỏ nhiều công sức để sưu tầm đồ cổ không? Bác thích nhất đồ cổ thời naò, của nền văn minh naò? Cháu đuợc biết mỗi món đồ cổ gắn liền với một câu chuyện đầy lý thú. Bác có thể kể một vài câu chuyện đáng nhớ nhất về những món đồ bác đang sở hữu không? NS Hoàng Vân: - Chơi đồ cổ là một cái thú rất tao nhã và cao cấp của người Hà Nội. Gia đình tôi có một gia phong là thích sưu tầm đồ cổ, mặc dù cha tôi chỉ là một nhà giáo. Chơi đồ cổ không phải cứ ai muốn chơi là được vì nó đòi hỏi nhiều điều kiện. Điều đầu tiên là tôi được kế thừa một phong tục của gia đình là chơi đồ cổ. Cha tôi không nổi tiếng lắm nhưng anh trai tôi thì là một người sưu tầm đồ cổ của Tây Tạng có tiếng ở HN.
Các anh tôi cũng chỉ là thầy giáo dạy học chứ không phải các nhà tư bản. Do đó các đồ sưu tầm được mới có giá trị và thuyết phục hơn cái đồ của ông trưởng giả nhiều tiền đi mua. Những đồ quý tôi có hiện nay là của đời Lý, cùng thời với đời Tống ở phương Bắc. Tôi chơi ít nhưng có chất lượng. Mà điều kiện tài chính của mình cũng chỉ được có vậy. Đó là công việc của một người tự giác tôn thờ cái Đẹp.
Xuân Thắng - Nam 23 tuổi - Hà Nội - Em chào anh Phi Phi, em đã đuợc nghe bản Radezsky Marsch do anh chi huy - qua mạng VietNamNet - em rat thich, bởi những âm sắc tuơi vui, em không biết những tiếng vỗ tay đệm theo là của khán giả hay là một phần đệm của bản nhạc. Anh có thể nói qua cho em biết về tác phẩm này và cách thể hiện của anhảơ đây đuợc không ạ?. Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Đây là bản Radezsky Marsch của nhạc sĩ Áo Johann Strauss thường được biểu diễn trong các chương trình năm mới (New Year's Concert). Đây là một tiết mục Bis nên thường có sự vỗ tay chung của khán giả. Đây là bản thu thẳng từ Concert của anh với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam năm 1995.
Hoang Phuong - Nữ 25 tuổi - TEDI_WECCo - Kính chào nhạc sĩ Hòang Vân! Trong các ca khúc của Nhạc sĩ thấm duợm tình yêu quê huơng, tình yêu đât nuớc, niềm tụ hào dân tôc nhu " Quảng Bình quê ta ơi", "Hà nôi-Huế -Sài gòn"... rồi cả tình yêu nghê nghiệp nũa " Tôi là nguời thợ lò" rôi " Bài ca người giáo viên nhân dân". Vậy tình yêu đôi lứa thì sao ạ? Nhạc sĩ có viết tặng bác gái bài hát nào để thể hiện tình yêu của mình không? Hay Nhạc sĩ lại gủi tình yêu đó qua tình yêu đất nuớc ạ NS Hoàng Vân: - Trước khi tôi "cưa" đổ bà xã nhà tôi bây giờ thì đã thì đã có hai bài hát nổi tiếng viết cho bà: Nhớ và Bài ca tâm tình người thuỷ thủ. Hai bài này đều được giải trong một cuộc thi sáng tác bài hát đơn ca, nhưng sau đã bị cấm (không có văn bản). Chính ca sỹ Quý Dương của Hà Nội lúc đó còn rất trẻ đã thành danh nhờ hai bài hát này.
Xuân Thắng - Nam 23 tuổi - Hà Nội - Em chào anh! Em là Mai Linh, bạn của Thắng, bọn em đang tranh nhau nghe bản nhạc của anh chơi. Quả thật đây là lần đầu tiên em nghe nhạc giao huởng, anh đừng cuời nhé, nhưng chắc chắn từ bây giờ em sẽ nghe nhiều. Em muốn hỏi nếu em thích nghe nhạc của anh thì em sẽ mua ở đâu, anh có sản xuất CD không? Anh nói cho em biết sơ qua về cách nghe nhạc cổ điển đi. Ở Việt Nam chưa có tờ báo nào hay một chuơng trình nào nói về nhạc cổ điển cả, chỉ mới là các buổi biểu diễn tác phẩm thôi.Bởi thế mà em có thích cũng chẳng hiểu gì mà nghe cả, chán nhỉ? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Rất tiếc là nhạc của anh thì chưa phát hành ở Việt Nam nhưng nếu em muốn bắt đầu vào thế giới của nhạc cổ điển thì em nên liên hệ với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (Hết dốc Cầu Giấy - bên tay phải) để xin quyển chương trình biểu diễn trong năm 2005 và em chọn ra những chương trình có tính chất lễ hội, giải trí thì nó sẽ phù hợp với những người "chập chững" như em. Ngoài ra anh mời em và các bạn đến xem chương trình của anh sắp tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào thứ bảy, chủ nhất tới. Đảm bảo không ngủ gật!
Việt Anh - Nữ 27 tuổi - Hàn Quốc - Cháu chào bác Hoàng Vân! Cháu cũng muốn dành câu hỏi này cho bác: Bác nghĩ sao khi lớp trẻ ở nuớc ngoài luôn nghĩ rằng: Nền âm nhạc Việt Nam chỉ có ca khúc? NS Hoàng Vân: - Đây là một sự tất yếu xảy ra khi nền âm nhạc VN không đựơc quảng bá trên thế giới. Còn tôi nghĩ thời nào thế ấy, thời nào cũng có những người ưu tú và những tác phẩm hay. Chỉ có điều sự đổi mới của mình mạnh mẽ, lớn rộng quá. Người ta chưa đủ thì giờ để làm các việc đổi mới như thế nào, và quan niệm của người nghe còn đang biến động trong một thời kỳ quá độ nào đó. Và tất yếu chúng ta sẽ đạt đến đỉnh cao của thời kỳ đổi mới trong thời gian không xa. Những thách thức ta đang gặp trong nền âm nhạc bây giờ chính là những thách thức của sự trưởng thành và chúng ta sẽ vượt qua.
Nguyễn Thị Thuận - Nữ 22 tuổi - 23/337 Cầu Giấy - Thưa nhạc sỹ Hoàng Vân, cảm giác của bác thế nào khi cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất thích bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" và cho đó là một trong những bài hát có ca từ hay nhất của Việt Nam? NS Hoàng Vân: - Lại nói về tôi và Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi quen anh Sơn từ năm 1975 lúc anh còn ở Huế, và từ đó, giữa anh và tôi có một sự đồng cảm chung trên sự thừa nhận chung cái phương châm gọi là 'vị đắng của sự nổi tiếng'. Trước đó, tôi cũng từng có những người bạn giao du rất gần cũng vì đồng điệu như thế. Đó cũng là điều tôi nghĩ và từng nói với Văn Cao. Sơn thích vẽ và thích chơi đồ cổ, đó là những điều rất giống tôi.
Tôi là một trong những người đầu tiên ở miền Bắc khen Trịnh Công Sơn là một trong những tài năng lớn của nền âm nhạc VN và tôi cũng không bao gờ nói điều đó với Sơn cả. Tôi chắc là lời khen của Sơn đối với tôi cũng như mọi người thôi, khi mình làm được một sáng tạo có ích thì sẽ được lưu ý.
Đoàn Ngọc Sơn - Nam 22 tuổi - Sinh viên Đại học Thuơng Mại (Hà Nội) - Em chào anh Phi Phi! Em rất khâm phục "bản thành tích" của anh. Nhưng điều khiến em thích thú nhất là đuợc nghe trực tiếp tác phẩm của anh thể hiện - qua mạng VietNamNet - em muốn hỏi: Anh đã từng học trong nuớc và nuớc ngoaì, anh có sự nhận xét thế nào về cách giảng dạy và truyền đạt của giảng viên nuớc mình và nứoc ngoài? Em nghe nói ở nuớc ngoài nguời ta chú trọng tới thực hành nhiều hơn ạ? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Anh là một sinh viên ra đi từ nhạc viện Hà Nội và khi sang đến Moscow (Nga) anh là sinh viên duy nhất trong số sinh viên ngoại quốc đến từ khắp các quốc gia trên thế giới được tuyển chọn vào nhạc viện Traikovsky - một nhạc viện nổi tiếng thế giới. Như vậy thì em thấy hệ thống giảng dạy ở Việt Nam về mặt trình độ, theo anh không thua kém so với hệ thống giảng dạy ở nước ngoài đâu.
Còn về thực hành thì không phải là người ta chú trọng hơn mình mà là người ta có điều kiện hơn mình. Khi anh học ở Nga, để phục vụ cho các sinh viên học chỉ huy, nhạc viện có một dàn nhạc và hợp xướng chuyên nghiệp để thực hành từ năm thứ nhất. Như vậy thì sinh viên khi tốt nghiệp ra đã có một số kinh nghiệm nhất định và như thế có thể đứng "lên bục" làm việc ngay với các dàn nhạc chuyên nghiệp. Anh hy vọng là trong tương lai gần thì ở Việt Nam mình cũng sẽ đạt điều kiện như vậy! Còn khi đã học thì lý thuyết và thực hành phải luôn luôn song hành với nhau - theo ý anh!
Thuý Hằng - Nữ 22 tuổi - Sinh viên khoa Thuơng Mai Quốc Tế - ĐH Thuơng Mai - Anh Phi a, em chưa từng đuợc nghe nhắc đến tên anh ở Việt Nam, nhưng lần đầu tiên nghe nhạc của anh em đã bị chinh phục! Hoá ra nhạc cổ điển không buồn ngủ như em tuởng(!). Vì sao anh không về nuớc sinh sống và công tác? vì sao anh ít xuất hiện trong các chuơng trình nhạc thính phòng Việt Nam? Chắc bởi ở Việt Nam không có "đất" cho anh bay bổng và đời sống thì còn nhiều vất vả? Anh rất thích nơi anh đang sinh sống phải không? Trong tuơng lai anh chắc anh chỉ về Việt Nam biểu diễn thôi nhỉ? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Ở trên thế giới người làm nhạc cổ điển luôn luôn "vất vả" chứ không cứ ở Việt Nam đâu em. Anh vẫn luôn có cộng tác biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam từ năm 1995 nhưng chắc là chưa có ai nhớ ra là phải...cho nên mạng qua VietNamNet thì thính giả mới "được" biết đến tên anh.
Anh nghĩ đây là một bước khởi đầu tốt để thính giả Việt Nam được biết đến những công việc của anh ở Việt Nam. Trong tương lai gần (...?) thì chắc chắn là anh sẽ về Vịêt Nam bỉêu diễn nhiều hơn vì về sinh sống hẳn thì còn phụ thuộc vào công việc và cuộc sống của anh tại nước Cộng hoà Macedonia nơi mà anh có "một nửa" thứ hai của cuộc đời!
Nguyen Thanh Phong - Nam 48 tuổi - Ta Uyen, P15.Q.5.TP/HCM - Kính thưa NS Hoàng Vân! Dù không phải người Hà Nội, nhưng tôi đặc biệt yêu bài hát "Tình yêu Hà Nội" của ông. Người Hà Nội sẽ rất tự hào khi hát lên bài hát này. Thay mặt những người Sài Gòn, tôi xin đặt hàng NS 1 bài hát về TPHCM để khi hát lên, chúng tôi được thấm đẫm niềm tin yêu, tình cảm và tự hào như "Tình yêu Hà Nội", được không ạ? NS Hoàng Vân: - Tình yêu Hà Nội là một bài hát tôi rất thích và đặt vào đó nhiều tâm huyết, gần đây cũng đạt được giải thưởng Hồ Gươm. Nhưng nó cũng không phải thông đồng bén giọt lắm vì khi ra đời có nhiều dị nghị: Có người hỏi "trí tuệ xanh" trong bài là gì, không biết họ nghĩ gì còn ý tôi thì "trí tuệ xanh" đơn giản là "trí tuệ trẻ".
Còn về TPHCM, tôi cũng đã viết một bài và đưa vào phim truyện nhựa mang tên Giải phóng Sài Gòn (ĐD Long Vân) sẽ ra mắt vào dịp 30/4 năm nay. Bài đó vừa được thu thanh: "Thành phố của tôi, đẹp tiếng đàn tranh và tiếng dương cầm. TP anh hùng, đau thương tột cùng, hạnh phúc tuyệt vời, Sài Gòn ơi, Người bước vào kỷ nguyên Hồ Chí Minh..."
Phú Tâm - Nam 30 tuổi - Sydney, Úc - Thưa NS Hoàng Vân, trong các NS trẻ hiện nay, NS thích phong cách của ai nhất? Ai là ngươì đủ khả năng tiếp bước thế hệ của NS, thế hệ đã làm nên những bài ca bất tử? NS Hoàng Vân: - Cách đây 10 năm tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự của báo Lao động, và tôi nói một cách giản dị, đó là Trần Tiến, một Nhạc sỹ mà bài hát của ông vang lên ở khắp thôn quê, thành thị, khắp các miền của đất nước.
Ngô Anh Hoa - Nữ 24 tuổi - Lĩnh Nam - Hà Nội - Anh Phi Phi thân mến, tôi rất mê nhạc giao huởng, tôi muốn anh giải thích tại sao nguời Việt chúng ta không có nhạc giao huởng (Ý của tôi là nhạc giao huởng mang tinh thần dân tộc Việt). Liệu có phải hợp xuớng, giao huởng xuất phát từ tôn giáo không? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Người Việt Nam ta có rất nhiều các tác phẩm giao hưởng và tên các tác giả thì tôi không thể liệt kê hết được. Như vậy thì không thể nói là Việt Nam ta không có nhạc giao hưởng mang tinh thần dân tộc Vịêt vì tôi được biết có rất nhiểu tác phẩm giao hưởng được viết bằng quy luật giao hưởng cổ điển Châu Âu mang đậm tính dân tộc Việt Nam.
Cũng không thể nói hợp xướng, giao hưởng xuất phát từ tôn giáo cũng như nhạc chèo, quan họ, cải lương...không phải là bắt nguồn từ đạo Phật. Theo tôi, mỗi loại hình nghệ thuật là sự phản ánh để truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc bất kể thuộc tôn giáo nào.
Nguyễn Kim Oanh - Nữ 28 tuổi - Ngân hàng Vietcombank, Hà Nội - Thưa nhạc sỹ Hoàng Vân, gần đây ngươì yêu nhạc VN không được nghe các sáng tác mới của bác. Bác không tìm được người thể hiện tác phẩm của mình, hay bác sợ giới trẻ không yêu các sáng tác của bác ạ? NS Hoàng Vân: - Trước hết tôi phải nói các sáng mới không phải chỉ xuất hiện trên vô tuyến và phát thanh. Tôi vẫn sáng tác nhưng không phải bài nào người ta cũng phát trên đó. Tôi thấy bạn nói đúng: Tôi đã cao tuổi rồi, mà người cao tuổi thì hay có tình cảm ông cháu, tôi viết nhiều nhạc thiếu nhi, những bài này người ta chơi trong các trường học và các cung thiếu nhi nhiều hơn.
Tôi có 3 bài hát mới, là Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olimpia, Ở nhà chủ nhật viết cho các chương trình cùng tên trên truyền hình. Còn một số bài khác nữa thì cũng có một lý do như bạn nói là không phải ai cũng thích hát những bài hát của người cao tuổi. Nhưng đến lúc nào đó chúng sẽ được công bố. Tôi không định công bố một cách bừa bãi vì cái gì cũng thế, xuất hiện đúng lúc đúng chỗ sẽ được thiện cảm hơn
Thêm vào đó, mấy năm gần đây tôi cũng viết nhiều nhạc giao hưởng, thính phòng và nhạc phim hơn là ca khúc. Trong đó có 2 tác phẩm được giải thưởng của hội NS VN là bản giao hưởng số 2 và 3 viết về những kỷ niệm đẹp trong thời chiến tranh. Nhạc thính phòng cũng có mọt số bài nhưng thường chỉ diễn ở các thính phòng ít người nghe, đó cũng là một nhược điểm của Nhạc giao hưởng thính phòng VN, quảng bá rất kém.
Việt Anh - Nữ 27 tuổi - Hàn Quốc - Em chào anh Phi Phi! Bây giờ em mới đuợc biết nguời nhạc sĩ mà bố em rất nguỡng mộ lại có một "cậu con trai"...đáng yêu thế naỳ! Em rẩt thích nghe nhạc cổ điển nhưng khi em ra nuớc ngoài theo dõi tin tức âm nhạc Việt Nam thì chỉ thấy nói đến nhạc nhẹ thôi, rất ít những bài viết về nhạc cổ điển, có nguời nói rằng: Nền âm nhạc Việt Nam chỉ có ca khúc thôi? Anh nghĩ sao? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Ca khúc chỉ là một mảng của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng tất nhiên trong giai đoạn này thì nhạc ca khúc có vẻ chiếm ưu thế hơn nhạc giao hưởng. Anh không biết là em ra nước ngoài đã lâu chưa nhưng anh thấy khoảng năm năm trở lại đây nhạc cổ điển ở Việt Nam đã có một bước phát triển nhanh.
Bằng chứng là các chương trình biểu diễn trong nước cũng như nước ngoài của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Hà Nội - thuộc nhạc viện Hà Nội. Về các tác phẩm viết cho nhạc giao hưởng thì anh cũng đồng ý với em là: Không nhiều nhưng vẫn có. (Nếu em là một nhà kinh tế thì em thử tìm ra sự khác nhau giữa viết một tác phẩm giao hưởng và một ca khúc như thế nào...)
Bùi Tuấn Anh - Nam 40 tuổi - Vũng tàu - Thưa nhạc sĩ Hoàng Vân! Cháu rất biết ơn và kính trọng thế hệ của nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc hay, trữ tình, trong sáng....mang đậm dấu ấn dân tộc. Những ca khúc của các nhạc sĩ có tâm huyết như chú đã thổi hồn nhạc vào những nguời như chaú. Cháu có 2 con gái, cháu lớn năm nay 12 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi. Rất may, khi đuợc hỏi, con gái lớn cháu trả lời thế này: "Con chỉ thích nghe những bài hát cách mạng mà ba gài trong vi tính. Con cũng thích nghe hát cheò, còn cải luơng vọng cổ thì cũng tùy bài". Cháu xin hỏi nhạc sĩ một câu: Truớc tình hình một số nhạc sĩ chạy theo thị hiếu tầm thuờng của đại bộ phận công chúng trẻ trong miền nam, chú và những nguời nhạc sĩ như chú có cách gì để ngăn bớt những dòng thị hiếu tầm thuờng đó, để con cháu chúng cháu sau này cũng tiếp tục yêu mến dòng nhạc mà thế hệ các chú, hoặc những nhạc sĩ có cùng quan điểm với các chú đã sáng tác? NS Hoàng Vân: - Chỉ có một cách là sáng tác nhiều bài hay, như thế những bài dở sẽ bị 'đánh bạt' đi. Bài hát chỉ hay khi nhạc sỹ đã thấm nhuần, nhuần nhuyễn, 'tiêu hoá' thật sự những rung động từ thực tiến rồi mới viết ra. Thật ra, trong những người sáng tác trẻ hiện nay cũng có những người khá, nhưng chưa đến mức như Trần Tiến mà tôi vừa nói thôi. Nhiều người quá bi quan về nền âm nhạc VN cũng là hơi cực đoan.
Phan Hồng Lam - Nam 16 tuổi - Hà Đông - Hà Tây - Anh Phi Phi có thể làm một phép so sánh giữa âm nhạc Việt Nam và các nền âm nhạc khác không? Anh có thấy tự hào về nền âm nhạc VN không?, vì sao? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Không thể so sánh được vì mỗi một nền âm nhạc của một dân tộc đều mang bản sắc riêng của mình. Điều quan trọng là người nghệ sĩ thể hiện như thế nào. Anh tự hào là người Việt Nam được làm âm nhạc cả ở trong nước và nước ngoài vì đây là một cơ hội rất tốt để quảng bá cho nền âm nhạc Việt Nam ở trên thế giới.
Tố Nga - Nữ 20 tuổi - TT Đại học Ngoại Thuơng - Chùa Láng - Hà Nội - Có khi nào đứng chỉ huy dàn nhạc anh bị run không? Nếu trong dàn nhạc có một cây chơi thiếu cảm hứng thì anh xử lý thế nào? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Khác với người độc tấu (Soloist), nhạc trưởng khi ra chi huy là không đánh nhạc cụ mà chỉ "múa" thôi, nếu có "run" thì cũng không ảnh hưởng đến...tiếng đàn! Tất nhiên là anh có "run" một chút nhưng ở mức độ cho phép vì người ta nói rằng: Đó là cái "run" nghệ thuật vì nếu hoàn toàn không run thì sẽ thành "thợ đàn" chứ không phải nghệ sĩ. Còn nếu trong dàn nhạc có một cây chơi thiếu cảm hứng thì anh sẽ phải bằng mọi cách để người ta có cảm hứng cao hơn (nếu là một nữ nhạc công thì sẽ dễ hơn!)
l - Nam - Đặng Tiến Đông, Đống Đa - Hà Nội - Anh Vân ơi, được biết anh không những là nhạc sĩ mà còn là một nhà thư pháp viết chữ Nho rất đẹp. Tôi muốn biết giữa âm nhạc với thư pháp có mối liên hệ nào không? NS Hoàng Vân: -Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp và chơi những chữ đó, treo lên như tranh vậy. Xưa có câu "Nhất chữ nhì tranh tam sành tứ sứ". Thư pháp là cái thú chơi tế nhị của nhà Nho, vừa uyên thâm sâu sắc vừa thể hiện sự tài hoà của người viết.
Tôi có may mắn được sinh ra trong một gia đình Nho giáo, ông tôi là cụ đồ, cha tôi là giáo sư dạy Hán Học trong các trường sư phạm. Tôi viết thư pháp cũng như giữ một nếp nhà, để cho con cháu thấy gốc gác nhà mình là Nho giáo. Tôi cũng thực sự thấy nó đẹp, như đã nói tôi là người truy tìm và tôn thờ cái Đẹp. Tôi viết như một bản năng, từ năm 6 tuổi đã được mài mực cho ông nội, cầm bút lông viết từ năm 6 tuổi, học từ nét chấm, nét phảy, nét mác...
Thư pháp được coi là 1 trong 2 môn học của những nước sử dụng chữ Hán (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ...). Đây là mối liên hệ giữa thơ và nhạc, xưa có câu thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu nhạc. Tôi là người cũng biết vẽ đôi chút. Phải có chút năng khiếu về hội hoạ thì mới viết thư pháp được.
Hoàng Hải Vân - Nam 22 tuổi - Hoàng Văn Thụ; Quận Phú Nhuận - TP.HCM - Em nghe nói nghệ sĩ các anh nếu gặp tri âm thì dễ mê nhau lắm, nếu trong dàn nhạc do anh chỉ huy có một cô gái chơi nhạc rất hay thì anh có rung động không? Anh có dám kể thật lòng một kỷ niệm về chuyện này không? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Kỷ niệm thì nhiều lắm không kể được. Còn "tri âm" thì đã có một nữ nghệ sĩ violon thành "tri kỷ" rồi. Thế là quá đủ rồi, không thì..."dàn thiên lý" đổ mất.
Ngọc Ngân - Nữ 35 tuổi - TP Huế - Anh Phi Phi, sinh gia trong một gia đình có truyền thống âm nhạc "cha truyền con nối", anh có huớng các con của anh phát triển theo truyền thống gia đình? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Hiện nay mới có một cháu trai, cháu có tiếp nối truyền thống gia đình hay không là do cháu quyết định. Còn bản thân anh và chị rất muốn như thế.
Hoàng Nguyên Vũ - Nam 24 tuổi - Hà Nội - Bác Hoàng Vân ơi, cháu là nguời đuợc bác tặng bức thư pháp do bác viết có tên là "Tâm vô luỵ"( trái tim không vướng bận, mệt moỉ vì bất cứ chuyện gì). Cháu muốn hỏi mùa xuân năm nay nếu tặng cho tất cả những nguời đang giao lưu cùng bác ở đây một bức thư pháp, bác sẽ tặng bức thư pháp có tên là gì? NS Hoàng Vân: - Nhà thư pháp được định nghĩa như một người đầy sáng tạo. Một bức thư pháp hay có 2 ý chính, một là nội dung, hai là tính cách của người viết được thể hiện rõ nét, độc đáo, đa dạng trên chữ. Sở dĩ những nhà thư pháp chuyên nghiệp bây giờ không viết những chữ Tâm, Đức, Nhẫn, Thọ... vì chúng có thể mua được dễ dàng ngoài chợ, không có ý vị gì mấy. Vậy các nhà thư pháp phải sáng tạo ra những chữ mới.
Năm nay tôi đã nghĩ ra một số chữ để tặng bạn bè, nhưng chưa viết. Đối với độc giả VietNamNet hôm nay, có lẽ chữ Phát hoặc Hưng là thích hợp.
Le MINH - Nam 30 tuổi - Viet nam - Trong thời gian làm việc tại Macedonia,anh chủ yếu dàn dựng các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng hay cả lĩnh vực opera và ballet? Nếu được, anh có thể cho khán giả được biết Repertoire của anh trong quá trình lao động nghệ thuật? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Repetoire của anh ngoài các tác phẩm giao hưởng thì anh đã dàn dựng các tác phẩm opera như:Aida,Turandot, Traviata, Rigoletto, Cây sáo thần...và các Ballet như: Hồ thiên nga, Hạt dẻ (Traikovsky), Mùa xuân thần thánh (Stravinsky)...và rất nhiều các Ballet hiện đại khác.
Nguyễn Thị Thuận - Nữ 22 tuổi - 23/337 Cầu Giấy - Thưa anh Phi Phi, anh đã bao giờ có ý định chuyển thể những tác phẩm của bố mình sang thể loại giao hưởng không ạ? Em đã nghre "Bản giao hưởng số 9" của Bethoven chuyển thể sang rock và thấy nó rất hay. Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Nếu anh có chuyển thì không phải chỉ là sang nhạc Rock mà có thể còn sang Hip - Hop nữa
Nguyễn Hiền - Nam 40 tuổi - Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - Gởi Nhạc truởng Lê Phi Phi:. Chừng nào anh về sống và làm việc ở Việt Nam? Tôi rất bức xúc khi thấy những nguời giỏi cứ mãi "ở tận đẩu tận đâu", ví như Đặng Thái Sơn, ví như anh. Thế thì Việt Nam đuợc lợi gì? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Rất cảm ơn anh vì sự "bức xúc" này. Ngày mùng 2/12/2004 anh Đặng Thái Sơn vừa có một Concert với Lê Phi Phi tại Tp Skopie - nước CH Macedonia - chứ không ở "tận đẩu tận đâu" đâu và những người như chúng tôi luôn luôn có một quan hệ mật thiết với Việt Nam chứ không đến nỗi như anh nghĩ đâu. Tất nhiên nếu được sống và làm việc hẳn tại quê huơng thì về mặt tinh thần vẫn là tốt hơn nhưng tôi nghĩ không phải cứ ở Việt Nam thì mới làm được nhiều điều tốt cho thính giả Việt Nam hơn là ở nước ngoài.
Lê Văn Tân - Nam 22 tuổi - quy nhơn - Chào anh Phi , theo anh một người nhạc trưởng cần có những tố chất gì quan trọng để trở thành một nhạc trưởng lớn. Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Ăn nhiều hơn!
Nguyen Hai Anh - Nữ 36 tuổi - Dai Truyen Hinh TP.HCM - Xin nhạc truởng Lê Phi Phi cho biết, trong dịp Tết sắp tới đây anh có dự kiến vào TP.HCM biểu diễn không?Hoặc đầu năm sau?Có những fan cũ của anh từ Nga sẽ dành cho anh sự bất ngờ đấy! Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Hải Anh ơi, cho Phi qua VietNamNet gửi lời thăm với tất cả các bạn cũ thời sinh viên ở Nga và Phi luôn luôn nhớ tới những kỷ niệm đẹp của chúng mình. Rất tiếc đợt này Phi không vào Tp Hồ CHí Minh nhưng hẹn gặp lại. Dosvidanya!
Linh Béo - Nữ 24 tuổi - Hà Nội - Chào anh Phi. Anh có nghĩ là một nguời không hiểu nhiều về giao huởng thính phòng có nên xem chuơng trình sắp tới của Anh không?. Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Rất nên xem và sẽ hiểu thêm được rất nhiều.
Hoang Phuong - Nữ 25 tuổi - TEDI_WECCo - Anh Phi Phi ơi, anh là Nhạc trưởng của cả một dàn nhạc lớn, vậy trong gia đình, chị ấy là nhạc trưởng hay là anh? Có khi nào anh nhầm vị trí nhạc trưởng trong gia đình (vì bệnh nghề nghiệp) không? Khi đó anh xử lý như thế nào? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Trong gia đình chúng tôi là một cặp Duo, không ai chỉ huy ai cả mà chỉ hoà tấu cùng nhau!
ngo thi phuong anh - Nữ 35 tuổi - 15 nguyen gia thieu - Chao bac Hoang Van va anh Phi Phi, em vua doc bai gioi thieu cua 2 nguoi. Em muon hoi anh Phi Phi. Em yeu thich nhac tay, nhung cang ngay lai cang thay nhac dan toc la cua minh. Khi anh hoc nhac tay thi van hoa Vietnam, nguoi Vietnam co anh huong gi den qua trinh hoc cua anh khong? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Anh là một "sản phẩm" kết hợp tây - ta nhưng anh vẫn sống đấy chứ! Nếu mà biết kết hợp tây - ta một cách hợp lý thì là một điều lý tưởng cho bất kỳ một nghệ sĩ nào.
phạm mạnh tiến - Nam 22 tuổi - hà nội - Thưa chú Phi Phi, cháu muốn được hỏi chú có ý định trở về Việt Nam để giảng dạy về âm nhạc không? Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Rất muốn!
Nguyen Thanh Phong - Nam 48 tuổi - Ta Uyen, P15.Q.5.TP/HCM - Chào anh Lê Phi Phi! Tôi hiểu môi trường của Việt Nam không có nhiều đất dụng võ đối với nghề nghiệp chuyên ngành của anh. Nhưng có phải vì thế mà anh nhất thiết phải sống và làm việc ở nước ngoài không? Theo tôi nghĩ, với trình độ của anh, nếu anh muốn tiếp bước cha mình thì anh hoàn toàn có thể bước thêm sang lĩnh vực sáng tác ca khúc để có được "những ca khúc để đời" như NS Hoàng Vân. Chúc anh sức khỏe! Nhạc trưởng Lê Phi Phi: - Tôi sống ở nước ngoài trong giai đoạn hiện nay chỉ vì đã có một...cô Macedonia...cướp mất hồn. Còn trong tương lai về Việt Nam là kế hoạch của gia đình tôi.
Phuong Thao - Nữ 30 tuổi - Ha Noi - Thưa NS Hoàng Vân, xin ông cho biết cụ thể hơn về chương trình sẽ diễn ra vào ngày 7.5. Đó là chương trình của riêng NS hay kết hợp với nhiều NS khác? Chủ đề của chương trình là gì ạ? NS Hoàng Vân: - Chủ đề của chương trình 7/5/2005 là kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay chương trình mới thu thập được 1 tác phẩm của tôi, là một trường ca dài có cả dàn nhạc giao hưởng, mang tên Điện Biên Phủ. Các tiết mục chi tiết trong phần còn lại của chương trình thì Nhà hát đang tiến hành, tôi chưa được biết. Điện Biên Phủ của tôi là tác phẩm lần đầu tiên ra mắt, nhận được sự tài trợ hết sức khảng khái và vô tư của báo điện tử VietNamNet. Nhân dịp này tôi cũng xin biểu lộ tình cảm rất tốt đẹp với các anh chị ở VietNamNet.
Bây giờ đã là 12h45' , còn gần 100 câu hỏi của độc giả vẫn chưa được trả lời và các câu hỏi khác cũng đang được chuyển về ngày càng nhiều. Hai vị khách mời rất cảm động trước tình cảm của độc giả VietNamNet dành cho mình nhưng thời gian đã được sắp xếp kín đến nỗi không thể kéo dài hơn được nữa. Chúng tôi sẽ chuyển các câu hỏi chưa được trả lời tới 2 vị khách mời và chân thành cám ơn các bạn đã tham gia chương trình giao lưu thú vị này.
|