Tháng Giêng, mưa phùn mát lạnh. Trời đất rì rầm những câu chuyện về sinh nở. Mầm cỏ khẽ mọc trong vườn núi nhà tôi. Khóm hoa dành dành ngoài hiên đêm qua lặng lẽ nở hai bông trắng muốt. Niềm vui và những cảm nghĩ tươi sáng đã trở lại, và tôi lắng nghe.
|
Nhạc sĩ Dương Thụ |
Lắng nghe là biết sống bằng tai, nhưng sống như thế lắm lúc rất mệt. Ví dụ như khi ông hàng xóm lắp đặt cả một xưởng bao bì ngay sát vách phòng ngủ nhà mình, tiếng máy in cứ xầm xập trong cả giờ nghỉ trưa, nghỉ tối và cả ngày chủ nhật, khiến tôi phải dời chỗ làm việc lên canteen vườn sau dinh Độc Lập cho yên tĩnh. Mỗi khi về nhà, nghe tiếng máy, cái tai nhạy cảm làm tôi thót người lại, cảm giác bồn chồn và bất an của một cuộc sống không thể tự vệ, không được ai bảo vệ lại mơ hồ hiện ra.
Sống bằng tai nhiều lúc rất mệt. Ví dụ, dãy phòng trọ đối diện thỉnh thoảng hứng lên lại tổ chức karaoke. Hát mà như hét, như một kẻ say rượu điên khùng, lại hát đúng nửa đêm. Thế nên cái tai nhạy cảm của tôi không chịu đựng được, nó hành hạ tôi, làm tôi mất ngủ luôn. Nói thế kể ra cũng hơi quá đáng. Sống ở đất nước hồn nhiên như nước ta, thì chuyện làm phiền nhau là đương nhiên, phải quen chứ. Tôi ở bùng binh Cộng Hòa, xe cộ ầm ĩ suốt từ 3 giờ sáng tới 12 giờ đêm, vẫn ngủ ngon có sao đâu. Bày đặt. Muốn yên tĩnh vào rừng sâu mà ở. Tôi biết mình không phải, mình có lỗi, dám sống ở mức cao hơn nhân dân. Nhưng lỗi này không phải là lỗi của tôi, mà là tại cái tai nhạy cảm. Sao mày không điếc đi tai ơi?
Tuy thế, sống bằng tai nhiều khi cũng có cái hay. Ngồi taxi không máy lạnh, lại đúng lúc đang bực mình, nhưng khi nghe tiếng cô điều hành giọng Huế nhẹ nhàng nói trong máy bộ đàm, lòng tôi dịu hẳn. Sao mà giống như hát thế. Rồi cái tai nó tưởng tượng ra con người, cái người nói ấy, để mà mơ.
Sống bằng tai là thế. Tôi rất dễ bị xỏ mũi bởi cái giọng nũng nịu của đàn bà (trước kia), và bây giờ là của vợ. Chỉ cần thế thôi, tôi sẽ làm tất cả những gì cô ấy muốn, kể cả nửa đêm lội nước triều cường để đi mua một tô hủ tiếu.
Sống bằng tai còn có thể nảy ra nhiều điều kỳ diệu. Ví dụ có trưa nghe thấy tiếng chim hót, nhưng chung quanh thì chẳng có con chim nào, tự dưng nghe thấy tiếng vợ nheo nhéo mà giật nẩy mình, mặc dù cô vợ lúc ấy đang ở chỗ cách mình cả nghìn cây số. Tiếng chim hót, tiếng vợ nheo nhéo ở đâu ra? Chính ở ký ức của cái tai, bởi cái tai không chỉ nghe, mà nó còn nhớ.
Cái tai nhớ cũng hay vẽ chuyện. Rõ ràng nghe cô ấy nói mà cô ấy lại bảo rằng không. Không là thế nào, 100% đấy. Nhưng 100% ấy là tưởng tượng. Cái tai nhớ rất giàu tưởng tượng. Nó bất lợi trong việc tranh cãi với vợ nhưng lại rất có lợi cho việc viết lách, bởi không tưởng tượng thì làm sao mà viết?
Sống bằng tai, nhất là sống bằng ký ức của cái tai đối với một người làm việc như tôi là vô cùng quan trọng, bởi âm thanh, tiếng động là cái hồn của đời sống. Nhớ về nó là nhớ quãng đời đã sống qua, những buồn vui hệ lụy, những khoảnh khắc, những con người ta yêu dấu và thù hận.
(Theo Thời trang trẻ) |