(VietNamNet) – Cơn sốt album Duy Mạnh bắt đầu từ cuối năm 2004 với bài hát Kiếp đỏ đen đã từng được giới thiệu trên VietNamNet vẫn còn tiếp tục kéo dài...
Duy Mạnh và những ngày lang thang
|
Ca sĩ - Nhạc sĩ Duy Mạnh |
Sinh năm 1975, h ọc Nhạc viện TPHCM khoa piano, biết thổi Flute và Saxo, nhưng cái tên Duy Mạnh chỉ có chút ít tiếng tăm qua vài lần kết hợp với nhạc sĩ Vũ Quốc Việt. Việt hát, Duy Mạnh đàn piano và bè. Sự kết hợp này mau chóng tan rã chẳng với lý do gì. Một Duy Mạnh ca sĩ tưởng chừng chấm hết.
Khoảng một năm sau, cái tên Duy Mạnh thỉnh thoảng xuất hiện trong vai trò nhạc sĩ. Rồi tự nhiên, từ Đàm Vĩnh Hưng, Lý Hải, đến các ca sĩ trẻ và ca sĩ mới bỗng nhiên nháo nhào tìm mua bài của Duy Mạnh. Từ Hải Phòng, Duy Mạnh bán nhạc qua điện thoại và chạy ra chạy vào giao bài. Những bài hát của Duy Mạnh như Giây phút chia xa, Về đi thôi em hỡi, Tình đã đổi thay... giúp ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục toả sáng sau một thời gian tưởng như chỉ có thể ngụp lặn trong việc cover các bài hát cũ.
Tự tin với khả năng sáng tác, một ngày cũ còn chưa xa lắm, Duy Mạnh từng bay vào Sài Gòn với lưng vốn chục bài hát. Quanh quẩn chuyện tiền phòng, sinh hoạt phí, sáng tác… nên vài ngày cuối năm, anh chỉ có trong tay 50.000 đồng. Ngủ vùi để quên cơn đói và chờ đến giờ hát ở một quán bar vắng vẻ, Duy Mạnh bị trộm viếng luôn số tiền cuối cùng. Tối đó, quán bar vắng, chủ quán huỷ show và Duy Mạnh tưởng không qua nỗi đêm đó. Bây giờ, trong những lúc vui vẻ, anh thường nhớ lại dĩa trái cây bà chủ nhà đã cho trong cái đêm cuối năm đói rách mà tự tin vào cuộc sống. Nhưng ít ai biết rằng, gia đình anh khá giàu có đã mở hẳn một vũ trường ở Hải Phòng. Bản tính lãng tử đã khiến Duy Mạnh ra đi theo tiếng gọi vô định, rồi sau đó tay không trở về nhà…
Vì sao album Duy Mạnh trở thành cơn sốt?
Ý định thực hiện album Tình em là đại dương của Duy Mạnh chỉ đơn giản là muốn kỷ niệm thời tuổi trẻ sống hết mình cho đam mê, để sau này về già còn có chút kỷ niệm với con cháu. Chút kỷ niệm này khi làm xong đã ngốn gần 150 triệu đồng của chàng lãng tử ca hát lang thang, nên chỉ dám in 2.000 đĩa gọi là góp mặt thị trường băng đĩa cho vui.
Khi Duy Mạnh mang album giới thiệu cho báo chí, nhiều người vẫn chưa biết Duy Mạnh… từ đâu ra. Chỉ đến khi bài hát Kiếp đỏ đen của Duy Mạnh được VietNamNet giới thiệu, anh mới thật sự được để ý đến như một giọng ca có phong cách riêng.
Nếu đã gặp Duy Mạnh, chắc chắn không ai nghĩ rằng một thanh niên cao to và nam tính như anh lại có giọng hát boléro mà người miền Nam thường gọi là sến. Nói anh sến thì hơi quá. Giọng của Duy Mạnh không quá sến như các ca sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc này, cũng không quá màu sắc như các ca sĩ khác thường cố gắng gồng mình chứng minh. Nói đơn giản hơn, giọng hát của Duy Mạnh lúc mới nghe thì chán và... buồn ngủ, nhưng nghe nhiều và nghe hoài thì... ngấm. Nhiều người cho rằng, với sức hút ẩn chứa trong giọng hát hơi nhừa nhựa đó, album của Duy Mạnh sẽ phát huy tối đa tác dụng nếu dùng để… ru ngủ.
Những bài hát trong album Tình em là đại dương phần nào nói lên phong cách nửa Hoa nửa Việt. Đặc biệt, những bài Tình em là đại dương, Hãy về đây bên anh, Kiếp đỏ đen, Ta đâu có say… rõ ràng bị ảnh hưởng nhạc Hoa. Quan niệm của Duy Mạnh về nhạc bình dân cũng khá thông thoáng và táo bạo: “Sáng tác của tôi tất nhiên phải có ngẫu hứng và cả thị hiếu nữa. Ví dụ bài "Kiếp đỏ đen" có giai điệu dễ nghe, có thể nói rất bình dân, nhưng chuyển tải một đề tài xã hội. Khán giả sẽ lắng nghe những giai điệu dễ nghe và suy ngẫm một cách nghiêm túc về một vấn đề của xã hội. Viết đề tài xã hội mà không dễ nghe cũng chẳng có tác dụng tuyên truyền gì ”.
Trong thời gian ngắn chưa đến một tháng, bài hát Kiếp đỏ đen đã thu hút sự chú ý của khán giả một cách kỳ lạ. Bất cứ nơi đâu mở lên bài Kiếp đỏ đen, từ quán café, cửa hàng băng đĩa, đến xe đò… đều gây tò mò với câu hỏi: "Ai hát vậy?"
Một đồn mười, mười đồn trăm, thế là trong thoáng chốc, 2.000 đĩa đầu tiên của Duy Mạnh bán sạch sẽ vào những ngày cận tết Ất Dậu. Mùng 6 Tết, ngày Lễ Tình Yêu, khi các cửa hàng băng đĩa vừa mở cửa khai trương, cơn sốt Duy Mạnh đã trở lại. Thấy đĩa hút hàng, có cửa hàng đã thét với giá 75.000 đồng/album gốc. Còn đĩa chép thì tăng cường thêm cái “Best collection” tất cả những bài do Duy Mạnh sáng tác từ trước đến nay. Đến mùng 10 Tết, đĩa tái bản của Duy Mạnh có mặt mới giúp giá thành thoát khỏi cơn sốt. Vừa có đĩa, vài cửa hàng đã vội treo bảng: “Đã có đĩa Duy Mạnh” để thông báo. Và đến nay, bài Kiếp đỏ đen đã thành nhạc chuông điện thoại di động và vẫy vùng khắp các tỉnh miền Tây, các quán rượu bia bình dân...
Đến thời điểm này, theo thống kê của chúng tôi, chỉ mới có 2-3 tờ báo nhắc đến tên nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh. Trong khi đó, ở những thành phố lớn, chỉ bước chân ra đường là nghe Duy Mạnh hát. Tự nhiên nhớ đến nhiều “ngôi sao giấy” gần đây, được không ít tờ báo và đài truyền hình cố công bơm thổi và đẩy lên thành những giọng ca đặc biệt, ngôi sao trẻ, hình tượng mới… Bước ra khỏi những trang báo, các “ngôi sao giấy” trở lại với sự lặng thầm và thờ ơ của công chúng, bất kể họ có thực tài hay không. Thậm chí, giọng ca trẻ Hồ Quỳnh Hương, được báo chí đánh giá cao, đoạt liền hai giải thưởng trong năm, cũng chẳng làm khán giả hồ hởi bỏ tiền ra mua vé, chứ chưa nói đến bước ra khỏi những thành phố lớn.
Năm 2005, Duy Mạnh vừa tròn 30 tuổi. Liệu Duy Mạnh có phải là hiện tượng nhất thời hay không? Còn phải chờ xem những album tiếp theo của anh với những bài như Phải chăng tôi đang yêu hai người, Giây phút chia xa và những đề tài xã hội của anh có tiếp tục… ru ngủ khán giả nữa không?
|