(VietNamNet) - "Một tác phẩm giá trị không cứ gì phải câu nệ vào việc người ta đánh giá nó qua nhãn mác, được đóng chuẩn “trong luồng” hay “ngoài luồng” mà phải thông qua giá trị của nó - phẩm chất đích thực của văn học" - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Anh nhận xét gì về văn chương trên mạng?
- Tôi thấy xuất bản mạng khá hào hứng. Thời gian đầu, các địa chỉ websites được những người viết trẻ chúng tôi chuyền tay nhau và cập nhật từng ngày, một phần vì hiếu kỳ, phần đáp ứng được “nhu cầu thực tế” là cần tự do, cởi mở trong giới thiệu tác phẩm, quan điểm văn học, cái mà cơ chế xuất bản (báo chí và sách) chính thống chưa đáp ứng được.
- Độ tin cậy của văn bản trên báo giấy/sách in so với trên mạng?
- Tôi chưa từng tin vào văn chương trên mặt báo. Vì hiện nay cả nước có hơn 600 tờ báo, hầu hết đều có trang dành cho văn chương, nhưng người cầm bút trẻ, những người say mê thể nghiệm vẫn chưa có đất để giới thiệu sáng tác của mình đến bạn đọc. Nếu có xuất hiện trên báo thì tác phẩm của họ cũng được mài giũa, cắt xén một cách... “đúng chủ trương”. Những nhà văn danh tiếng ngồi các ghế biên tập bây giờ thử hỏi mấy người chịu đọc, chịu học để tiếp nhận hay ủng hộ cái mới, cái “khác gu” với mình?
Gần đây, trong môi trường xuất bản, sự xuất hiện của nhiều công ty sách tư nhân khá mạnh tay, cộng với những cựa quậy về cơ chế in ấn, đang cho thấy những dấu hiệu khả quan trong việc xuất bản sách (cả văn học dịch lẫn văn học trong nước). Nhưng một khi sự cởi mở của môi trường xuất bản sách báo chính thống chưa đáp ứng được mong đợi thì tôi vẫn chọn văn chương trên mạng để đặt hy vọng. Hy vọng món “hàng độc” trong những ổ cứng của các nhà văn máu mê cách tân sẽ xuất hiện trên mạng trước khi nó được chấp nhận trong môi trường xuất bản chính/ truyền thống.
Anh gửi tác phẩm đến các trang web văn học hay báo giấy? Tại sao?
- Tôi nghĩ trước hết là sự tự do và sự chấp nhận tính phong phú, đa phong cách, đa chiều quan điểm, thể hiện khá rõ trên hầu hết trang web văn học mạng. Trước đây, khi văn học mạng mới xuất hiện, khuấy động môi trường viết và đọc, tôi cũng gởi cho vài trang web văn học mạng trong và ngoài nước. Sau này thì tôi... lười công bố hơn trước, cả báo lẫn mạng. Tôi thích để những tác phẩm riêng lẻ trong máy tính, khi thấy cần thì gom lại in thành những cuốn sách mới hoàn toàn.
Anh có cho rằng văn chương trên mạng đang có những cây bút thực sự đáng chú ý nhưng nằm ngoài “vùng phủ sóng” của giới phê bình?
- Tôi dám chắc là có. Vì tôi đã đọc họ, những nhóm viết, những cây bút rất đáng chú ý; tuy nhiên giới phê bình “chính thống” hoặc mang thiên kiến, mắc chứng chậm cảm, hoặc bị tê liệt bởi quan niệm, lý luận cũ kỹ, thiếu trang bị để tiếp nhận và sống chung với cái mới, thiếu can đảm nhìn nhận và bảo vệ cái mới; thiếu sự dự cảm và tiên đoán; hoặc có khi đơn giản chỉ là… không biết lên mạng để tìm đọc, nên không biết đến họ. Tuy nhiên, không có các nhà phê bình, các tác giả đó vẫn làm công việc của họ là viết. Một tác phẩm hay đích thực không phải chỉ sống, được biết đến nhờ có sự quan tâm của các nhà phê bình.
- Theo anh, những nhược điểm và mặt trái chủ yếu của văn học trên mạng, nếu có, là gì?
- Chính sự tự do vừa là mặt phải vừa là mặt trái của văn chương mạng. Mặt phải là, anh chấp nhận mọi nỗ lực tìm kiếm, không thiên kiến. Nhưng mặt trái là, khi chấp nhận tất cả, đồng thời anh cũng sẽ chấp nhận những thứ phế phẩm, những “đứa con tật nguyền”... Chính vì thế, ở góc độ bạn đọc, tôi luôn đọc và tiếp nhận văn học mạng với thái độ sòng phẳng, khá “lạnh đầu”, tiếp nhận những thứ cần cho mình và biết loại bỏ những gì không quan tâm. Không phải thứ gì trên những website văn học cũng là sáng tác văn học.
- Theo anh, liệu có chăng một xu hướng coi văn học trên mạng là “không chính thống”, “ngoài luồng”, từ đó có một thái độ dè dặt, nghi kỵ đối với văn học trên mạng?
- Cấm và không cấm trong cơ chế chúng ta xưa nay đã làm nảy sinh bi kịch: tác phẩm chính thức và không chính thức, trong luồng và ngoài luồng... Nếu chúng ta chỉ loay hoay với những “nhãn mác” kiểu xã hội học như vậy thì có lẽ văn học Việt không lớn, không hội nhập nổi là chuyện dễ hiểu. Tôi thấy rõ ràng có sự phân biệt và nghi kỵ. Một tác phẩm giá trị không cứ gì phải câu nệ vào việc người ta đánh giá nó qua nhãn mác, được đóng chuẩn “trong luồng” hay “ngoài luồng” mà phải thông qua giá trị của nó - phẩm chất đích thực của văn học. Khốn nỗi, bây giờ trong giới sáng tác có nhiều người mượn danh cái “ngoài luồng” để tự hào vênh váo, lại cũng có những kẻ chứng tỏ sự “đúng đường lối” của mình bằng những cách rất “trong luồng” để kiếm cái danh. Chung quy đều xuất phát từ não trạng hẹp hòi và sự mặc cảm, tự ti của một đời sống văn học đơn điệu, ít sự kiện lại nhiều quy định; tự hoài nghi đồng thời hay chụp mũ. Nó cứ quằn quại trong những đồn thổi không đâu.
- Liệu văn học xuất bản chính thức và văn học mạng có thể cùng tồn tại không?
- Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận bình đẳng và thấy được phần đóng góp của nó vào việc thúc đẩy, kích thích môi trường tự do sáng tạo trong bối cảnh nước ta. Xuất bản mạng hay trên giấy truyền thống chẳng qua chỉ khác nhau về phương tiện, kênh truyền tải tác phẩm. Không nên có sự phân biệt văn học xuất bản chính thức và văn học mạng. Đến khi nào chúng ta coi tất cả đều chính thức và tự do thì sẽ khuyến khích cho sự minh bạch, công khai. Từ đó, chúng ta không phải bận tâm đến những hội chứng nhãn mác nữa mà sẽ có thì giờ, tâm huyết đầu tư cho những giá trị mới đích thực của một nền văn học đang đứng trước nhiều điều cần tự vấn để hội nhập.
-
Thụ Nhân thực hiện
Các bài trong chuyên đề "Văn chương trên mạng":