(VietNamNet) - Các cơ quan hữu quan đã để nhiều cuốn lịch vạn niên dịch từ lịch Trung Quốc xuất hiện trên thị trường mà không thông tin đầy đủ với độc giả, điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
LBT- Sau khi VietNamNet đăng tải bài tường thuật Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo" chúng tôi đã nhận được bài viết bày tỏ quan điểm của ông Trần Tiến Bình hiện đang làm việc tại Ban lịch Nhà nước. Xin giới thiệu cùng độc giả.
>Nên bỏ cơ chế "Xin - Cho" số liệu lịch
> Lịch 2007: Các NXB đang mò mẫm và tự bảo vệ mình
> Lịch 2007: Các tiết Trung Hoa được Việt hoá như thế nào?
> Lịch bloc 2007: Tự do hay "Cá lớn nuốt cá bé"?
> Không thể tuỳ tiện trong cách tính lịch
> Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo"?
Ông Trần Tiến Bình (trái) |
Thời gian qua đã có nhiều ý kiến trên báo chí, trên mạng internet, thậm chí có cả thư gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Âm lịch ở nước ta. Điều này dễ hiểu bởi vì lịch là một hệ thống, tổ chức ghi chép thời gian dùng cho cả một cộng đồng dân cư hoặc toàn quốc gia nên bất cứ một sự trục trặc nào cũng gây ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Mặt khác lịch Âm Dương Việt nam (thường gọi là Âm lịch) đã gắn bó với dân tộc ta từ hàng nghìn năm nay, giữ một vai trò đặc biệt trong văn hoá cổ truyền của dân tộc, cả trong sinh hoạt đời sống thường nhật lẫn trong các thực hành Cổ phương Đông học khác nhau.
Các ý kiến phản ảnh khác nhau của độc giả tập trung quanh một số điểm sau:
- Sự chênh lệch số liệu trong các ấn bản phẩm về lịch lưu hành trong nước.
- Nghi ngờ về sự tồn tại của một lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc.
- Sự hiểu biết không thống nhất về Âm lịch và nghi ngờ về tính đúng đắn của Âm lịch do cơ quan Nhà nước soạn.
Sau đây là ý kiến của chúng tôi về các vấn đề trên.
Cơ sở pháp lý và khoa học của lịch Việt Nam:
Trong lịch sử do các nguyên nhân khác nhau mà ở Việt Nam nhiều lần đã tồn tại một lịch khác với lịch Trung Quốc. Riêng giờ pháp định ở nước ta (hay ở từng miền) đã bị thay đổi tới 10 lần trong thế kỷ 20 tuỳ theo ý định của nhà cầm quyền, có lúc nhà đương cục quy định múi giờ 7, có lúc lấy múi giờ 8 và thậm chí còn lấy cả múi giờ 9 (khoảng thời gian ngắn sau khi Nhật đảo chính Pháp). Việc quy định múi giờ được bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1906, lúc chính quyền Pháp xây xong Đài Thiên văn Phủ Liễn, và đến ngày 1 tháng 5 năm 1911 thì các nước Đông Dương dùng chung múi giờ 7 sau khi nước Pháp ký hiệp ước quốc tế về múi giờ. Lần cuối có sự chuyển đổi về múi giờ xẩy ra ở nước ta là ngày 13 tháng 6 năm 1975, khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra quyết định miền Nam trở lại múi giờ 7 thống nhất trong cả nước.
Hiện tại cơ sở pháp lý cho lịch Việt Nam là Quyết định số 121/CP do Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 8/8/1967 (bắt đầu có hiệu lực từ năm 1968 và mới đây đươợc tái khẳng định trong Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 do Phó Thủ tơướng Phạm Gia Khiêm ký). Theo Quyết định trên thì giờ chính thức ở Việt Nam là múi giờ thứ 7 và Âm lịch dùng ở nước ta là Âm lịch được tính toán theo múi giờ chính thức này. Đây là quyết định sáng suốt của Chính phủ trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, việc chọn múi giờ 7 là hoàn toàn chính xác về mặt khoa học vì hầu hết đất liền nước ta nằm dọc theo múi giờ 7, tức kinh tuyến 1050 đông đi qua gần Hà Nội.
Tại sao lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc?
Lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc được tính theo cùng một quy tắc và chỉ khác nhau ở múi giờ tham chiếu, cụ thể quy tắc đó được phát biểu như sau:
1. Ngày đầu tháng là ngày Sóc (Không Trăng).
2. Năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng.
3. Ngày Đông chí luôn rơi vào tháng 11.
4. Trong năm nhuận tháng không có Trung khí là tháng nhuận. Nếu trong năm nhuận có 2 tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí được coi là tháng nhuận.
5. Tính toán dựa trên kinh tuyến pháp định (ở Việt Nam là 105 độ đông và ở Trung Quốc là 120 độ đông).
Dựa trên quy tắc này và áp dụng các mô hình thiên văn hiện đại thì bất cứ ai có kỹ năng lập trình đều có thể tính chính xác lịch Âm Dương Việt Nam hay Trung Quốc đang lưu hành hiện nay. Cần phải dùng các mô hình tính toán thiên văn phù hợp vì việc tính lịch được quy về bài toán xác định chính xác vị trí của Mặt trăng và Trái đất trên quỹ đạo vốn luôn bị ảnh hưởng nhiễu loạn từ các hành tinh khác, nhiều lúc chỉ lệch một vài phút cũng cho kết quả lịch hoàn toàn sai.
Chính múi giờ pháp định khác nhau đã tạo nên sự chênh lệch giữa hai lịch, chẳng hạn ta lấy điểm Sóc rơi vào 23 giờ 14 phút ngày 17 tháng 2 năm 2007, đây chính là mồng 1 tết Đinh Hợi sắp tới ở Việt Nam, nhưng thời điểm này ở Trung Quốc đã sang ngày hôm sau và vì vậy tết Nguyên đán của hai nước lệch nhau 1 ngày. Ngày đầu tháng khác nhau đã làm cho lịch hai nước khác nhau cả tháng tiếp theo từ 17/2 đến 18/3/2007 và hai tháng liền kề (tháng chạp và tháng 1) có độ dài thiếu đủ khác nhau.
Với tiết khí cũng như vậy, cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc đều có cùng một định nghĩa: Thời điểm bắt đầu một Khí (Tiết khí hay Trung khí) là thời điểm mà Hoàng kinh biểu kiến (Apparent Longitude) của Mặt trời bằng 00, 150, 300,…,3450, tương ứng với các tiết Xuân phân, Thanh Minh, Cốc vũ… Kinh trập. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ngày chuyển tiết ở lịch Việt Nam và Trung Quốc giống nhau, chẳng hạn vào năm 2007 thời điểm chuyển tiết Hàn lộ và Tiểu tuyết rơi vào 23 giờ 12 phút ngày 8 tháng 10 và 23 giờ 51 phút ngày 22 tháng 11 theo giờ Việt Nam và như vậy sẽ lệch với tiết khí của lịch Trung quốc 1 ngày (tiết Hàn lộ và Tiểu tuyết của lịch Trung Quốc sẽ là 9/10 và 23/11).
Tiết khí có định nghĩa khoa học chính xác và là một phần cấu thành không thể thiếu của Âm lịch, mọi sự "thay đổi, cải tiến tiết khí" vô hình chung sẽ phá vỡ Âm lịch mà chúng ta đang sử dụng từ hàng ngàn đời nay, còn việc Việt hoá nếu không thận trong sẽ làm nghèo thêm tiếng Việt như nhà sử học Dương Trung Quốc nói !
Tháng nhuận được xác định dựa trên việc so sánh hai đại lượng là các điểm Sóc và Trung khí xem tháng nào không chứa Trung khí nên một khi hai đại lượng này lệch nhau (giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc) sẽ dẫn đến việc tháng nhuận trong lịch hai nước có thể khác nhau. Chẳng hạn năm 1984 lịch Việt Nam không có tháng nhuận còn ở lịch Trung Quốc có tháng 10 nhuận, hay năm 1987 ở lịch Việt Nam có tháng 7 nhuận, còn với lịch Trung Quốc là tháng 6 nhuận…
Trong công trình Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XXI (1901 - 2100) do NXB Văn hoá Thông tin phát hành năm 2005 chúng tôi liệt kê tất cả các ngày tháng, tiết khí, tết Nguyên đán, tháng nhuận khác nhau giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc kể từ khi có Quyết định của Chính phủ (1968) đến năm 2100.
Lịch Việt Nam được soạn như thế nào?
Tổ soạn lịch Nha Khí tượng được chuẩn bị thành lập từ năm 1959 dưới sự chỉ đạo của GS. Nguyễn Xiển. Vào năm 1967 (sau khi có Quyết định của Chính phủ) Nha Khí tượng công bố lịch Âm Dương Việt Nam soạn theo múi giờ 7 cho các năm từ 1968 đến 2000 (sách Lịch Thế kỷ XX). Sau đó Ban Lịch do ông Nguyễn Mậu Tùng phụ trách tiếp tục biên soạn lịch Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2010 in trong cuốn Lịch Việt Nam 1901 - 2010 (Nhà XB KHKT, 1992).
Khi chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới chúng tôi (Ban Lịch Nhà nước được tái thành lập năm 1998) đã tiến hành tính toán lịch Việt Nam thế kỷ 21 trong khuôn khổ một đề tài khoa học. Không biết các đồng nghiệp ở Đài Thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc) làm như thế nào nhưng chúng tôi đã sử dụng các mô hình thiên văn hiện đại và thu được kết quả đáng tin cậy.
Cụ thể đó là các mô hình VSOP82 (Variations Séculeires des Orbites Planétaires) và ELP-2000/82 (éphemérides Lunaires Parisiennes) của Văn phòng kinh độ Pari (Bureau des Longitudes, Paris), số liệu tính toán đã được so sánh với các dữ liệu của Đài Thiên văn Naval (Hoa Kỳ) và cho kết quả hoàn toàn khớp. Công trình của chúng tôi đã được một Hội đồng khoa học thông qua phần đầu và in trong quyển sách Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XXI (1901-2100) (NXB Văn hoá Thông tin, 2005), trong quyển sách này chúng tôi cũng công bố số liệu về Nhật thực trông thấy ở các địa phương thuộc lãnh thổ Việt Nam trong thế kỷ 21.
Nguyên nhân các bất cập trong quản lý lịch
Việc xẩy ra lộn xộn xung quanh việc sử dụng Âm lịch không phải chỉ xẩy ra gần đây mà đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến năm nay dư luận quan tâm nhiều hơn vì từ năm 1998 đến năm 2005 giữa hai lịch Việt Nam và Trung Quốc không có khác biệt gì đáng kể ngoại trừ một số ngày chuyển tiết. Theo chúng tôi để những bất cập này xẩy ra là do các nguyên nhân sau:
- Ban Lịch Nhà nước không làm tròn bổn phận và trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cấp lãnh đạo. Ban Lịch đã chậm trễ trong việc công bố một lịch chuẩn quốc gia, sự chậm trễ này không hề phụ thuộc vào công tác chuyên môn mà hoàn toàn do các cản trở hành chính. Nhân đây tôi muốn nói thêm là khi nhận lỗi về mình, tôi không hề phát biểu hay viết một dòng nào (trong bài tham luận gửi cho các đại biểu) là cần giải tán Ban Lịch Nhà nước như trong bài tường thuật về buổi toạ đàm Lịch in tuỳ tiện.
- Các cơ quan hữu quan đã để nhiều cuốn lịch vạn niên dịch từ lịch Trung Quốc xuất hiện trên thị trường mà không thông tin đầy đủ với độc giả, điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc này có cả lỗi của các Nhà xuất bản và Ban Lịch (xẩy ra trường hợp người trong Ban Lịch đã viết lời giới thiệu cho một vài sách lịch vạn niên)! Về việc xuất bản các sách lịch vạn niên nhiều người bào chữa rằng đây là sách tham khảo, thậm chí có cuốn sau khi chép nguyên xi một số trang lấy từ sách của tác giả Việt Nam (nhưng không hề ghi chú !) thì toàn bộ bảng lịch được dịch từ sách Trung Quốc! Theo ý kiến của chúng tôi một cuốn sách mà chủ yếu là bảng số liệu để người dân tra cứu thì không thể dùng số liệu lịch của nước ngoài. Chí ít thì các tác giả và NXB hãy sửa lại phần số liệu lệch nhau cho đúng với lịch Việt Nam !
- Chúng ta đã không kịp thời phổ biến để mọi người hiểu đúng về Âm lịch, một di sản văn hoá do cha ông để lại và gắn bó hàng ngày với đời sống của người dân. Điều này nằm trong bối cảnh chung là kiến thức thiên văn hiện không được giảng dạy trong trường phổ thông. Sự thiếu hiểu biết kiến thức cơ bản đã dẫn tới việc có người tự in hàng nghìn trang giấy trong nhiều năm về việc cải tiến Âm lịch lẫn Dương lịch rồi đem gửi đi khắp nơi, đến cả các vị lãnh đạo trong và ngoài nước! Rốt cục Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải mất thời gian và tiền bạc để bác bỏ một công trình hoàn toàn vô bổ, không đúng một chút nào về mặt khoa học!
Và thời đại hiện nay một người ham thích môn vật lý hoàn toàn có thể tính được Mặt trời đi qua thiên đỉnh (Chính ngọ) tại địa phương mình mà không cần phải mất công đóng cọc đo bóng Mặt trời! - (trong cuốn sách của mình kể ở trên chúng tôi cũng công bố thời điểm Mặt trời mọc, lặn và đi qua thiên đỉnh ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh tại thời điểm 24 tiết trong năm). Hoặc nhiều người đã hiểu nhầm là "Ngày trăng tròn vẫn phải là ngày 15 của tháng âm lịch"…
Thực ra trong khi tính lịch người ta chỉ cố định ngày đầu tháng là ngày Sóc (Không trăng), còn ngày Trăng tròn không phải luôn rơi vào ngày 15, thí dụ ngày Trăng tròn tháng 7 (cả tháng 7 nhuận) và tháng 8 Âm năm nay đều rơi vào ngày 16, còn ở tháng 6 Âm trước đó thì lại rơi vào ngày 17… ! Chúng tôi có thể kể ra đây các thời điểm Trăng tròn trên để bạn đọc yêu thích thiên văn tham khảo: 10 giờ 01 phút ngày 11/7/2006 (tương ứng 17 tháng 6 Âm), 17 giờ 53 phút ngày 09/08/2006 (tương ứng 16 tháng 7 Âm), 01 giờ 41 phút ngày 08/09/2006 (tương ứng 16 tháng 7 nhuận Âm) và 10 giờ 12 phút ngày 07/10/2006 (tương ứng 16 tháng 8 Âm)… Chúng tôi hy vọng có dịp hoặc ai khác sẽ xuất bản một cuốn sách về các thuật toán thiên văn để đông đảo các bạn trẻ có thể tự mình tính toán, kiểm chứng Âm lịch, xác định vị trí các hành tinh cũng như các hiện tượng thiên văn thông thường khác.
Ý kiến của bạn?