221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
860750
Lịch in sai, trách nhiệm chính thuộc về ai?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Lịch in sai, trách nhiệm chính thuộc về ai?
,

(VietNamNet) - Cuốn lịch "Bách trúng kinh" khắc in thời Lê và cuốn "Khâm định vạn niên thư" được khắc in thời Tự Đức (1850); mỗi cuốn chỉ có 3 lỗi nhỏ.

  >Lịch Việt Nam: hiểu thế nào cho đúng ?
  >
Nên bỏ cơ chế "Xin - Cho" số liệu lịch
  > Lịch 2007: Các NXB đang mò mẫm và tự bảo vệ mình
  >
Lịch 2007: Các tiết Trung Hoa được Việt hoá như thế nào?
  > Lịch bloc 2007: Tự do hay "Cá lớn nuốt cá bé"?
  > Không thể tuỳ tiện trong cách tính lịch
 > Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo"?

Soạn: HA 946183 gửi đến 996 để nhận ảnh này
PGS-TS Lê Thành Lân.

Sau một loạt bài viết về sự cố lịch của các tác giả Nguyễn Phúc Giác Hải, Nguyễn Chuyên, Dương Trung Quốc trên VietNamNet tôi thấy có 2 điều bức xúc lớn: Một là, về các số liệu lịch Âm (gọi đúng là lịch Âm-Dương) Việt Nam, đây là nội dung chính của bài viết này. Hai là, số lượng lịch Blốc sẽ được in cho năm tới. Vấn đề này cũng được bàn đến, nhưng chỉ lướt qua, vì ngoài tầm của các cử tọa của cuộc tọa đàm này.

Trước đây, chỉ có 4 hay 5 Nxb được in lịch Blốc với số lượng được duyệt định từ trước. Từ vụ lịch năm nay, các Nxb đều được tham gia in và con số đăng ký in lên đến 116 triệu bản! Nhiều báo chí đã bàn: con số đó quá lớn, nhưng là con số ảo. Do biết như vậy, nên các Nxb bản sẽ tự điều chỉnh, không ai dại gì in đúng như họ đã đăng ký và cùng bí mật về con số thật. Ông Trần Tấn Ngô, Tổng giám đốc Công ty Phát hành sách Việt Nam cho rằng, tất nhiên sẽ có hiện tượng thừa lịch Blốc, sẽ có Nxb thua lỗ, có Nxb bản lãi lớn. Theo cơ chế thị trường, điều đó không tránh được và phải chấp nhận.

Giờ đây vụ lịch mới dường như đã bắt đầu, nhưng còn lâu ta mới biết kết quả chung cục. Lịch Blốc sẽ có sự cạnh tranh về hình thức và nội dung. Về nội dung, có một phần thuộc các số liệu lịch Âm (nói chặc chẽ là lịch Âm-Dương) của Việt Nam là phần phải tuân thủ số liệu chuẩn của Nhà nước, còn các thông tin khác như các danh ngôn, các thông báo về thời vụ, các lễ hội, các ngày đáng ghi nhớ, các tranh ảnh... là tùy sự “sáng tạo” của từng Nxb, không có sự ràng buộc chặt chẽ và cũng là phần để các Nxb “thi tài” cạnh tranh với nhau. Các số liệu về các loại lịch khác không phải bàn, vì chúng có quy luật chặt chẽ mà ai cũng biết.

Nhà nước cần quản lý gì về số liệu lịch?

Xin viết ngay rằng cần quản lý CÁC SỐ LIỆU LỊCH ÂM CỦA NƯỚC TA. 

Điều này tưởng như không cần viết ra, vậy mà vẫn phải nhấn mạnh. Trong cuộc Tọa đàm về lịch ngày 23/8 tại Hà Nội, có một vài ý kiến chê một câu trong một văn bản cấp Bộ đã viết không chuẩn là: “Thứ, ngày, tháng, năm dương lịch theo Bảng lịch Nhà nước Việt Nam do Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam công bố”.

Ta biết trong 2 loại lịch chính thường dùng là lịch Dương và lịch Âm, thì lịch Dương không phải là nội dung của “Bảng lịch Nhà nước Việt Nam”. Nó được dùng trên Thế giới từ năm 1582 với các quy tắc rất ngắn gọn: Các năm không nhuận có 365 ngày: các tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày, tháng 2 có 28 ngày, 7 tháng còn lại có 31 ngày; riêng năm nhuận có 366 ngày do thêm 1 ngày vào tháng 2 để có 29 ngày. Cứ 400 năm có 97 năm nhuận. Các năm chia hết cho 4 (chẳng hạn như năm 2008) là năm nhuận; trừ những năm cuối thế kỷ (có 2 số 0 ở cuối [**00]) không chia hết cho 400 như 1700, 1800, 1900, 2100 ... là không nhuận. Như vậy, các năm cuối thế kỷ như 1600 và 2000 vì chia hết cho 400 nên nhuận.

Đã mấy trăm năm, cả Thế giới đều biết như vậy và thống nhất cùng dùng nên ta không cần quản lý, cung cấp, “xin – cho” số liệu lịch Dương. Đáng tiếc là có những phóng viên không chú ý nghe, thành ra hiểu lầm rồi lặp lại cái sai của văn bản đó mà viết trên VietNamNet, ngày 23-8-06 và trên tờ Tin tức, ngày 25-8-06 cho rằng: “Tất cả các ý kiến đều phải thừa nhận rằng số liệu lịch (lịch Dương) của Ban lịch Nhà nước từ nay cho đến năm 2010 là hoàn toàn chính xác”.  Ngoài sự thiếu logic là chưa ai có thể biết các số liệu mà Ban lịch sẽ cung cấp trong những năm tới “mặt mũi” ra sao, nên chẳng ai dám thừa nhận rằng nó chính xác, còn có một cái sai lớn là đã nhấn mạnh vào số liệu chỉ của lịch Dương.

Nhân đây, tôi cũng xin được viết thêm rằng: trong bài viết trên VietNamNet ngày 23-8, ngoài điều không chính xác mà tôi vừa nhắc đến, còn có nhiều chỗ viết sai. Chẳng hạn, tác giả đã đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà viết sai rằng tôi nói: “Các NXB luôn luôn cho ra đời các cuốn lịch ... chỉ là rác, không có tác dụng gì cho người đọc”. Quả thật, có một lần tôi dùng từ “rác” khi nói tới một cuốn lịch chưa được xuất bản, nên chẳng liên quan đến một nhà xuất bản nào. Đó là một bản thảo về lịch vào khoảng mấy nghìn trang dày cỡ độ 2 gang tay mà một Hội đồng khoa học gồm 9 thành viên đã bỏ phiếu theo 4 tiêu chí (9 X 4 = 36 lần hạ bút) với thang điểm 3 mức: A, B, và C; thì có đến 35 lần cho điểm C (thấp nhất), chỉ có 1 lần cho điểm B. Tôi đã nói: “nếu cho in cuốn đó thì chỉ là một đống rác” và sau đó lập tức xin phép cử tọa cho được rút bỏ ngay cái từ “rác” có vẻ hơi nặng nề đó.           

Trong cuộc tọa đàm, nguyên Trưởng Ban lịch Nhà nước Nguyễn Mậu Tùng đã nói rõ: theo tinh thần các văn bản của Nhà nước như Quyết định số 121-CP ngày 8-8-1967 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chỉ thị 354-CT ngày 19-10-1984 của Phó chủ tịch HĐBT Tố Hữu là không cho in lịch Âm của nước ngoài. Chính vì thế mới sinh ra Ban lịch Nhà nước để QUẢN LÝ nhằm đảm bảo các lịch in ra ĐÚNG SỐ LIỆU LỊCH ÂM CỦA NƯỚC TA. Nếu như ai muốn in lịch nào thì in, thì cần gì phải quản lý và có lẽ cũng không cần có một Ban lịch Nhà nước!!! Cho đến đầu năm 2006, chưa có một văn bản nào phủ nhận nội dung này. Trong thời gian khoảng gần 30 năm ông Mậu Tùng làm Trưởng Ban lịch Nhà nước và cả 5 năm tiếp theo, khi không tồn tại Ban lịch Nhà nước, điều đó luôn được tuân thủ một cách nghiêm túc. Chỉ từ đầu thế kỷ này tinh thần của các văn bản đó mới bị vi phạm.  

Ta biết rằng lịch là một trong những “thước đo thời gian”. Đã là công cụ đo lường thì cần có sự quản lý của Nhà nước để sử dụng thống nhất trong cả nước. Ngoài “thước đo thời gian” chung của toàn Thế giới là lịch Dương, còn “thước đo thời gian” riêng của ta là lịch Âm Việt Nam. Điều đó có tính PHÁP ĐỊNH. Ngày xưa, nghi lễ ban lịch hàng năm rất long trọng, với ý nghĩa nhà vua thay mặt Trời đất ban tiết khí cho thần dân và thể hiện một tinh thần độc lập, tự chủ. Lịch Việt Nam từ năm 1968 đến năm 2000 và từ năm 2001 đến năm 2010 đã được xét duyệt và công bố rất nghiêm túc.

Việc Trung Quốc chọn múi giờ 8 (1200 kinh Đông), Việt Nam chọn múi giờ 7 (1050 kinh Đông) là có tính khoa học do vị trí địa lý từng nước như ông Nguyễn Chuyên đã nêu trong bài viết trên VietNamNet ngày 22-8-06. Trước đây, Trung Quốc dùng lịch tính theo kinh tuyến đi qua Bắc Kinh (11604’ kinh Đông) trong cuốn Vạn niên thư soạn sẵn cho đến những năm đầu thế kỷ 21. Năm 1959 Đài thiên văn Tử Kim Sơn soạn lại lịch theo kinh tuyến đi qua chính giữa múi giờ 8 (1200) là múi giờ có chứa Bắc Kinh cho đến năm 2020. Mặt trời dịch chuyển từ kinh tuyến giữa múi giờ 8 (lịch mới của Trung Quốc) đến kinh tuyến qua Bắc Kinh (lịch cũ của Trung Quốc) mất 15 phút, từ kinh tuyến Bắc Kinh đến kinh tuyến giữa múi giờ 7 của ta mất 45 phút, từ múi giờ 8 đến múi giờ 7 mất 60 phút.

Mốc tính lịch cũ và lịch mới của Trung Quốc chỉ lệch nhau 15 phút mà họ tính lại lịch. Mốc tính lịch của ta lệch với lịch cũ Trung Quốc 45 phút, với lịch mới của Trung Quốc 60 phút, nên ta tính lấy một lịch riêng là hợp lý và khoa học. Với sự giúp đỡ của Đài thiên văn Tử Kim Sơn, năm 1967, tổ làm lịch do KS Nguyễn Mậu Tùng tính lịch Việt Nam theo múi giờ 7 cho các năm từ Mậu Thân (1968) đến Canh Thìn (2000) in trong cuốn Lịch thế kỷ XX, Nxb Phổ thông, 1967. Trước khi nghỉ hưu, năm 1992, KS Mậu Tùng đã soạn tiếp lịch cho đến năm Canh Dần (2010) in trong cuốn Lịch Việt Nam 1901-2010, Nxb KH&KT.

Việt Nam có một lịch Âm riêng là một TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ.  Trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam, Paris năm 1982, Học giả Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh và kết luận: lịch Việt Nam ta có hai giai đoạn dài khác hẳn lịch Trung Quốc, đó là vào thời Lý, thời Trần từ 1080 đến 1300 và vào cuối thời Lê, thời Tây Sơn, đầu thời Nguyễn từ 1644 đến 1801. Tôi đã phát hiện ra số liệu lịch Việt Nam từ năm 1544 đến 1903, trong đó có 171 năm có 2 lịch song hành (ở Đàng Trong và Đàng Ngoài) chủ yếu trong hai cuốn lịch cổ là Bách trúng kinh, được in vào thời Lê, hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Hán Nôm và cuốn Khâm định vạn niên thư,  được in vào đời Tự Đức, hiện lưu giữ tại Thư viện Trung ương và lịch trong khoảng hơn chục năm dưới thời Tây Sơn trong cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, được Viễn Đông bác cổ Pháp cho chép vào thập niên đầu thế kỷ 20, hiện lưu tại Thư viện Viện Hán Nôm. Các lịch này đều khác hẳn lịch Trung Quốc và các cuốn cổ sử của ta đều ghi chép các sự kiện theo các lịch này. Chúng tôi công bố các kết quả nghiên cứu này trong cuốn Lịch và niên biểu lịch sử 20 thế kỷ (0001-2010), Nxb Thống kê, năm 2000.

Cần chú ý gì khi quản lý số liệu lịch Âm?

Về hình thức, có nhiều loại lịch: lịch blốc, lịch tờ (lịch phơi), lịch để bàn, lịch bỏ túi, agenda ... Trước đây, nhà quản lý chỉ chú ý quản lý lịch blốc cả về số lượng lẫn nội dung có lẽ bởi lợi nhuận của nó lớn, số lượng của nó nhiều và chỉ có 4, 5 nhà xuất bản được phép làm. Sơ xuất nhất của nhà quản lý là không quan tâm đến nội dung của các cuốn LỊCH VẠN NIÊN, tức là tích niên lịch, in lịch của nhiều năm.

Hầu hết các cuốn lịch vạn niên đã xuất bản là lịch của Trung Quốc được dich và in mà không ghi rõ chúng khác lịch Việt Nam, không ghi chú rõ những chỗ khác nhau. Điều này tiềm ẩn những thông tin sai lệch. Xét cho cùng, làm thế là trái với các văn bản của Nhà nước nêu trên. Tệ hơn nữa, có mấy cuốn, rõ ràng là in lịch Trung Quốc nhưng người dịch lại tự nhận mình là tác giả hay “người biên soạn” (với ngầm ý là tác giả). Sự lạm nhận này rất dễ làm cho độc giả nhầm lẫn đó là lịch Việt Nam.  

Là ấn phẩm, ngoài những lịch trong luồng, còn các LỊCH NGOÀI LUỒNG, không phải là thương phẩm, không đem bán, thường chỉ để biếu, để tặng do các đơn vị in nhằm giới thiệu cơ quan, quảng bá thương hiệu, ngoại giao ... Tôi thường được tặng những tờ lịch này, ở đó không ghi nhà xuất bản, nhà in, không giấy phép, không nộp lưu chiểu. Các đơn vị cho in những lịch này nghĩ một cách đơn giản là mình không đem bán, nên không làm các thủ tục xin phép.

Thường thì mỗi đơn vị chỉ in vài trăm cuốn, nhưng có thể có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đơn vị cùng in, nên tổng số trở nên rất lớn. Đây cũng là kẽ hở mà những người quản lý không tính đến. Các đơn vị này không xin số liệu từ Ban lịch, tiện thấy số liệu về lịch ở cuốn lịch vạn niên nào thì chép theo cuốn đó. Như vậy dễ mắc vào cái bẫy nguy hiểm! Mọi năm thì không sao, vì 8 năm liền từ 1988 đến 2005 lịch 2 nước hoàn toàn giống nhau.

Nhưng năm nay, lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc, mà lịch vạn niên thì không ghi chú gì, các đơn vị cứ thế sao chép, nếu gặp phải cuốn lịch vạn niên in lịch Trung Quốc thì lịch tờ của họ bị sai. Thế là cai sai “một” của lịch vạn niên thành cái sai “mười” ở lịch tờ với số lượng nhiều hơn và thường được treo ở ngay trước mặt mọi người.   

Người dân khi cần đến lịch, có lịch nào dùng lịch ấy; như khi cần chọn ngày cưới xin, ma chay, tổ chức làm giỗ ... cần tra cứu lịch; lúc đó họ không bóc blốc lịch ra để xem mà dùng các lịch tờ, các lịch vạn niên, khi khớp với các “đối tác”, chẳng hạn hai bên thông gia gặp nhau họ mới thấy có các lịch khác nhau. Khi đó họ lúng túng và thắc mắc, họ không thể biết lịch nào đúng, lịch nào sai, không phân biệt lịch họ dùng là lịch ngoài luồng hay trong luồng.

Sự trục trặc đã xảy ra vào năm nay và có thể còn cả vào đầu năm tới nếu không có sự tuyên truyền thỏa đáng ngay từ giờ.

Từ cuối năm trước, chúng tôi đã lường trước sẽ có chuyện trục trặc trong việc dùng lịch năm nay, nhưng vì là một người “ngoại đạo”, người nghiên cứu độc lập, nên chẳng làm được nhiều. Nhân trả lời các câu hỏi của độc giả về vấn đề lịch nói chung do báo Lao động (ngày 4-2-06: Vì sao năm 2006 lại là năm nhuận?) và báo Khoa học và đời sống (ngày 17-2-06 Lệch pha tra lịch) chuyển đến, tôi đã thông báo ngắn về sự kiện lịch khác nhau này; vào giữa năm, khi tạp chí Khoa học và Tổ quốc đặt bài, tôi mới có dịp viết đầy đủ hơn (kỳ 2 tháng 5: Năm nay, lịch đang sai?). Tôi cũng có dịp góp ý cho phóng viên báo Nhân dân để sửa lại một bài viết về sự kiện này trước khi đăng. Nhiều phóng viên đến phỏng vấn ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng Ban lịch Nhà nước, nhưng những bài trả lời của ông thường khiên cưỡng  (“gió Đông thổi bạt gió Tây”, hay “ưu tiên miền Tây” ...) thiếu cơ sở khoa học (“tháng cồng chiêng”, “mưa lũ” ...) hoặc không cặn kẽ, nên không thuyết phục; ngược lại còn gây thêm thắc mắc, như ông Nguyễn Chuyên đã phân tích trên VietNamNet ngày 7-8-06 và 22-8-06.

Theo tôi dự đoán, nếu không tổ chức tuyên truyền tốt ngay từ bây giờ, thì đến Tết này, khi “động chạm” đến ngày nghỉ Tết, có thể lại nảy sinh nhiều thắc mắc.

Những sai sót này có nguồn gốc từ trước!

Đã 8 năm liền, từ năm Mậu Dần (1998) đến năm Ất Dậu (2005) lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc hoàn toàn giống nhau. Tất nhiên trong thời gian đó, người dân không có thắc mắc gì. Nhưng, những người quan tâm đến vấn đề lịch thì đã nhận thấy mầm mống sai sót từ lâu. Năm 1999 có bản dịch đầu tiên Lịch vạn niên Trung Quốc của Hồ Thị Lan, Nxb Văn hóa dân tộc. Năm 2000 xuất hiện cuốn Lịch vạn niên thực dụng 1898-2018 của hai tác giả Việt Nam Nguyễn Hoàng Điệp và Nguyễn Mạnh Linh, Nxb Văn hóa – thông tin, nhưng in lịch Trung quốc.  

Tiếp sau đó là một vài cuốn Lịch vạn niên và lịch thế kỷ của Trung Quốc được dịch và xuất bản, như các bản dịch của Ông Văn Tùng, Lê Khánh Trường ...

Dễ gây nhầm lẫn nhất là các cuốn lịch Trung Quốc mà tác giả Việt Nam như cuốn Lịch vạn niên thực dụng vừa kể trên và các cuốn Lịch vạn niên phổ thông (Đối chiếu lịch pháp Đông Tây) 1900- 2043  của Huỳnh Ngọc Chiến Nxb Văn hóa dân tộc, 2002; Lịch và lịch vạn niên – Âm lịch – Dương lịch đối chiếu 1780-2060 Nxb Văn hoa dân tộc, 2001 của Lê Quý Ngưu, Nghiên cứu lịch vạn niên - Tra cứu Âm dương lịch vạn niên 121 năm (1900-2020) Nxb Tự điển bách khoa, 2005 của Nguyên Mạnh Linh.

Trầm trọng nhất là cuốn Lịch vạn niên Âm Dương lịch đối chiếu từ năm 0001 đến năm 2060 dày khoảng 5000 trang chia 3 tập Nxb Văn hoá thông tin, năm 2004 của Lê Quý Ngưu; phần lịch bố trí không nhất quán, phần niên biểu có nội dung không tốt, phủ nhận lịch sử dân tộc như chúng tôi đã viết trên báo Khoa học và Tổ quốc tháng 5-2006, nay vẫn đang được lưu hành.

Ngay từ năm 2000 và 2001 đã có một số bài phê bình phản ánh tình trạng in lịch không được lành mạnh. Đáng tiếc việc phê bình đó không được cho tiến hành thảo luận đến cùng để làm rõ đúng sai, nên tình trạng xuất bản lịch ngày càng xấu hơn.

Nguyên nhân và trách nhiệm

Lịch sai, nguyên nhân quan trọng nhất là do việc đã duy trì quá lâu cơ chế “xin-cho” về số liệu lịch Âm Việt Nam. Thực ra số liệu về lich Âm Việt Nam cho đến năm 2010 đã được công bố công khai từ năm 1992 trong cuốn Lịch Việt Nam 1901-2010 của KS Nguyễn Mậu Tùng. Người tinh ý biết nó ở đó và không có gì là bí mật cả. Vậy mà các nhà quản lý lâu nay cứ úp mở làm như nó bí mật và ghê gớm lắm.

Tình trạng đó cùng với việc thiếu sự tuyên truyền giải thích thỏa đáng về lịch Việt Nam đã dẫn đến hiện tượng có các lịch in sai và nảy sinh những thắc mắc. Biết trước được lịch Việt Nam năm Bính Tuất (2006) khác lịch Trung Quốc; nếu như vào vụ lịch năm 2005, chuẩn bị lịch cho năm 2006, các nhà quản lý sớm công khai số liệu lịch năm 2006, đồng thời tiến hành giải thích cặn kẽ từ trước thì chắc đã giảm thiểu được những thắc mắc không đáng có, sẽ tránh được tình trạng lịch tờ ngoài luồng in sai và đặc biệt người dân biết được có các cuốn lịch vạn niên in lịch Trung Quốc, không nên dùng.

Đáng tiếc việc đó đã không được làm. Ý kiến cho rằng: cần công khai số liệu lịch được đăng trên VietNamNet ngày 9-8-06 và 22-8-06 là một sáng kiến, đáng hoan nghênh. Đọc bài đó rồi chờ mãi không thấy hôi âm từ những người quản lý, tôi đã công bố giúp họ số liệu lịch Âm năm Đinh Hợi (2007) tới trên VietNamNet ngày 19-9-06. Nếu năm tới, nhà quản lý không làm được việc này, đầu năm tôi sẽ tiếp tục giúp họ cung cấp cho độc giả những số liệu lịch năm Mậu Tý (2008), coi như một món quà ngày tết. Năm đó lịch ta cũng khác lịch Trung Quốc.

Ngay từ đầu thế kỷ này các nhà quản lý đã buông lỏng để cho in nhiều lịch vạn niên không phải là lịch Việt Nam. Ở các cuốn lịch này, người ta không ghi chú rõ những chỗ khác với lịch Việt Nam, thậm chí cũng không viết rõ rằng nó không phải lịch Việt Nam. Nói cho cùng điều này trái với tinh thần Quyết định số 121-CP ngày 8-8-1967 và Chỉ thị 354-CT ngày 19-10-1984. Các cuốn sách in lịch Trung Quốc mà “tác giả” là người Việt Nam lại càng sai hơn. Các cuốn lịch này tiềm ẩm một nguồn thông tin sai về lịch mà khi có điều kiến nó sẽ phát huy tác hại trực tiếp khi người dân dùng chúng để tra cứu và gián tiếp khi người in lich tờ tham khảo chúng.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là các nhà quản lý đã sơ hở không để ý đến việc có lịch tờ ngoài luồng; vì vậy đã không có những văn bản thật rõ ràng chỉ đạo việc in lịch này nên dẫn đến năm nay có lịch tờ in sai.

Rõ ràng là: Lịch sai là do lỗi của các cơ quan quản lý về lịch mà trước hết là Ban lịch Nhà Nước, như thạc sĩ Trần Tiến Bình đã viết trong bài Lịch Việt Nam: hiểu thế nào cho đúng? (VietNamNet, 24/8/06). Nói cho cùng, Ban lịch chỉ có 2 người, trách nhiệm chính đối với việc xuất hiện lịch sai là của Trưởng Ban lịch Nhà nước, người có chức vụ cao và chỉ làm công tác quản lý.

Xuất phát từ một cách nghĩ lệch lạc về công việc do mình quản lý, đặc biệt là từ những động cơ hoàn toàn cá nhân, ông Điều với tư cách là Trưởng Ban lịch Nhà nước đã viết Lời tựa cho cuốn Lịch vạn niên thực dụng 1898-2018 của hai tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Nguyễn Mạnh Linh, Nxb Văn Hóa - Thông tin, năm 2000 – là cuốn lịch đầu tiên do tác giả Việt Nam, Nxb lớn của Việt Nam nhưng lại in lịch Trung Quốc. Đây là một việc làm tắc trách, coi thường các văn bản của Nhà nước. Đó là chưa nói đến những khiếm khuyết trong kiến thức của ông Điều khi viết Lời tựa này mà ông Nguyễn Chuyên đã nêu trên VietNamNet, 22/8/06. 

Có vài cuốn lịch Trung Quốc của tác giả Việt Nam, thì ông Điều đã đứng ra viết Lời tựa cho một cuốn, viết Lời giới thiệu và hiệu đính cho 1 cuốn khác, mà cả hai cuốn đều rất không ổn. Về cuốn Lịch vạn niên thực dụng 1898-2018, xin độc giả xem các bài phê bình của Lưu Nam trên báo Diễn đàn doanh nghiệp số 50 ngày 21-24/9/2000; Nguyễn Văn Việt trên báo Nhân dân, ngày 23-9-2000, trên báo KH&TQ số 21 (154) ngày 5-11-2000, số 23 (156) ngày 5-12-2000; Thường Dân  trên Trí thức trẻ số 69, 3/2001 ...

Vừa mới rồi, ông Điều với danh nghĩa Trưởng Ban lịch Nhà nước lại viết Lời giới thiệu và làm người hiệu đính cho cuốn Nghiên cứu lịch vạn niên - Tra cứu Âm dương lịch vạn niên 121 năm (1900-2020) của tác giả Nguyên Mạnh Linh, Nxb Tự điển bách khoa, 2005. Lần này ông Điều còn đứng ra hiệu đính, tức là kiểm tra, sửa chữa những thiếu sót của cuốn lịch này. Dùng danh nghĩa Trưởng Ban lịch Nhà nước ở đây, là “đóng dấu bảo đảm” cho một cuốn lịch rởm! Ông Chuyên đã viết, kiến thức của ông Điều rất đáng ngờ. Sai sót được nêu dưới đây xác nhận điều nghi ngại đó là có cơ sở.

Chúng tôi chỉ tạm nêu hai chỗ sai không thể chấp nhận được ở cuốn lịch này. Một xảy ra vào năm 1968: ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Mùi là ngày 29-1-1968 (trang 315); ngày mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Thân cũng là ngày 29-1-1968 (trang 316). Thế là lịch Dương có 2 ngày 29-1 liền nhau. Xảy ra sai sót này vì năm Đinh Mùi của Nguyễn Mạnh Linh là lịch Trung Quốc, năm Mậu Thân là lịch Việt Nam. Lịch các năm Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985) cũng sai.

Ngoài những sai sót lặt vặt, có 2 sai sót lớn về lịch pháp, mà một người không chuyên cũng có thể nhận ra: 2 tháng nhuận liên tiếp quá gần nhau: Năm Giáp Tý (1984) mới nhuận vào tháng Mười (trang 349), mà đầu năm sau - Ất Sửu (1985) đã nhuận vào tháng Hai (trang 350), chỉ cách nhau 4 tháng! Ta biết thông thường 2 tháng nhuận liên tiếp phải cách nhau vào khoảng 30 – 32 tháng. Đây chính là chỗ “đầu Ngô, mình Sở”, vì lịch Trung Quốc nhuận tháng Mười năm Giáp Tý (1984), lịch Việt Nam nhuận tháng Hai năm Ất Sửu (1985). Ngạc nhiên hơn nữa là ở cuốn lịch này, năm Ất Sửu (1985) không có tháng Giêng, và do đó tất nhiên không có ngày Tết nguyên đán!!!

Hai chỗ này thuộc về quá khứ lịch sử, chẳng phải tính toán gì, chỉ việc chép đúng từ các cuốn lịch đứng đắn (chẳng hạn cuốn Lịch thế kỷ XX) là ổn, vậy mà cũng sai ở những điều sơ đẳng. Thật ra phần Chương 3: Bảng lịch vạn niên 1900-2020 từ trang 179 đến 421 là lịch đã in trong cuốn Lịch vạn niên thực dụng 1898-2018 của hai tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Nguyễn Mạnh Linh năm 2000, đem bỏ đi một vài tiêu chí (chẳng hạn giờ chuyển Tiết khí – là chi tiết rất cần) thêm vào 2 năm 2019 và 2020 (4 ngày cuối cùng đáng lẽ thuộc tháng 2 Dương thì in là tháng 6 Dương. Xin xem  trang 421).

Chương 4: Lịch vạn niên bát quái gồm 72 trang từ trang 434 đến trang 505 cũng đã in trong sách vừa dẫn. Chúng tôi lấy làm lạ rằng 5 năm trước chương này in mắc khoảng 150 lỗi về tên gọi trùng quái; vậy mà sau nhiều lần tái bản, nay đưa vào sách này vẫn còn trên 150 lỗi. Chẳng lẽ 5 năm qua các tác giả, bạn bè, người thân... độc giả không ai dùng đến bảng này để gặp hiện tượng sai sót này mà nhắc nhở tác giả để lần này sửa đi hay sao??? 

Nhân đây cũng xin mách nhỏ điều này: chỉ cần 1 trang (nếu in nhỏ) hoặc 2 trang theo dạng bảng (phương án 1) hay dạng đồ thị (phương án 2) của chúng tôi, độc giả dễ dàng tra ngay ra 64 trùng quái này mà không sợ sai tên gọi như ở sách này.

Thí dụ bài Ngày xuân tìm hiểu về lịch bát quái vĩnh cửu, tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 1+2 9158+159) – 2001, trang 59-60; bài Lục thập tứ quái vĩnh cửu, trong Thông báo Hán Nôm học năm 2000, Hà Nội, 2001, trang 219-227; bài Toán đồ để lập 64 trùng quái. Tạp chí Tin học và Điều khiển học. T.19, S2 (2003), 110-116…

Những sai sót trên chỉ là do chúng tôi "kiểm" nhanh vào những chỗ đáng ngờ, chứ chưa có điều kiện xem xét kỹ toàn cuốn sách. Để có cơ sở so sánh mức độ sai sót, chúng tôi chỉ nói thêm: Cuốn lịch Bách trúng kinh khắc in thời Lê và cuốn Khâm định vạn niên thư được khắc in thời Tự Đức (1850); mỗi cuốn chỉ có 3 lỗi nhỏ. Xin đọc 2 báo cáo khoa học của chúng tôi: Vận dụng tóan học để hiệu đính cuốn lịch cổ Bách trúng kinh. Trong Báo cáo toàn văn Hội nghị khoa học: Một số vấn đề thời sự trong công nghệ thông tin và ứng dụng toán học. Bộ Quốc phòng, Học Viện Quân sự, Hà Nội, 10/2006, trang 65-72. Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Khâm định vạn niên thư. Trong cuốn Hội nghị khoa học lần thứ 20. Nxb Bách khoa Hà Nội -2006. Phân ban Điện, trang 273-278. 

Một Trưởng Ban lịch Nhà nước tiến hành hiệu đính mà để nhiều sai sốt về lịch như vậy, làm sao có thể làm tốt được phận sự của mình? Vậy ông Điều đã không làm tròn chức trách của Trưởng Ban lịch Nhà nước và chính ông vi phạm tính pháp quy của lịch Việt Nam mà ông có nhiệm vụ phải bảo vệ.

Ngay từ đầu năm 2001 (Trí thức trẻ 3-2001), tác giả Thường dân,  đã phân tích rất rõ tác hại của việc ông Điều làm: “Trước hết, đó là sự tín nhiệm của người dân đối với các Cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và về lịch nói riêng. Niềm tin này đã ăn sâu vào trong ý thức và trở thành một thứ vô thức, thường xuyên hiện diện và chi phối hành vi của người dân bình thường. Khi bỏ tiền ra mua, thông thường người dân sẽ nghĩ: một cuốn lịch do một Nhà xuất bản lớn về văn hóa của Việt Nam ấn hành, lại được ông Trưởng Ban lịch Nhà nước viết lời tựa, ắt phải là lịch Việt Nam chứ không thể là lịch nước ngoài!

Và một suy nghĩ rất tự nhiên là: Ban lịch Nhà nước của Việt Nam có nhiệm vụ quản lý cả các thứ lịch của nước ngoài? Cho dù Ban lịch có đảm nhiệm thêm cả việc nghiên cứu lịch nước ngoài, thì việc thẩm định một cuốn lịch như cuốn Lịch vạn niên thực dụng có lẽ vượt quá khả năng cho phép ... Lời tựa chỉ viết “ban lịch Nhà nước hoan nghênh Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cho thẩm định trước khi xuất bản cuốn Lịch Vạn niên thực dụng (1898-2010) ... Hai chữ “hoan nghênh” cần “hiểu ngầm” như lời khẳng định?”      

Những bài góp ý phê bình của độc giả mấy năm trước cũng như những góp ý của chúng tôi trước đây gửi tới Ban lịch và các cấp lãnh đạo cấp trên của ông Điều đã không đủ thức tỉnh ông, càng ngày ông càng phạm thêm nhưng sai lầm lớn hơn khiến cho công việc quản lý số liệu lịch nước ta càng ngày càng tồi tệ. Nếu vừa qua không có một Trưởng Ban lịch như thế, chắc chắn công việc quản lý số liệu lịch sẽ sáng sủa hơn, giống như trước đây, ngay cả giai đoan từ 1993 đến 1997, khi không có Ban lịch.

Cũng cần viết thêm rằng, là Trưởng Ban lịch Nhà nước ông Điều còn có nhiệm vụ tìm cách để sớm duyệt được lịch Việt Nam từ năm 2011 trở về sau để công bố. Nhưng, ông đã không làm gì cho việc thực hiện nhiệm vụ này, nếu không nói rằng, ông là vật cản; rõ ràng ông đã không hoàn thành nhiệm vụ này. Tất nhiên, việc chậm trễ này còn có phần trách nhiệm của các cơ quan cấp trên. 

Tôi xem trên đây là bản TÓM LƯỢC MỘT PHẦN nội dung cuộc Tọa đàm, phần mà tôi đặc biệt quan tâm mà hôm nay mới có dịp gửi tới độc giả.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,