(VietNamNet)- Nếu ta quyết định dùng mô hình cũ của Trung Quốc, như ông Tùng, thì ông Dũng đúng ở Tiết khí Đại hàn, sai ở Cốc vũ. Nếu ta dùng mô hình hiện đại của Văn phòng kinh độ Paris, như ông Bình, thì ông Dũng đúng ở Tiết khí Cốc vũ, sai ở Đại hàn. Chỉ cần sai một Tiết khí đã là sai rồi - PGS Lê Thành Lân.
Số liệu lịch năm 2008 đang phát ra là cọc cạch?
PGS-TS Lê Thành Lân. |
Về lịch Âm thì ổn, nhưng Tiết khí thì có vấn đề.
Hiện nay có 2 bộ số liệu lịch khác nhau của năm 2008:
Một bộ số liệu cũ do Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng công bố trong cuốn Lịch Việt Nam 1901-2010, Nxb KH&KT, 1992 (trang 242-244).
Một bộ số liệu khác, mới hơn do Thạc sĩ Trần Tiến Bình công bố trong cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2100), Nxb Văn hoá – Thông tin, 2005 (trang 415-417) được tính toán theo mô hình của Văn phòng Kinh độ Paris.
Về các ngày Tiết khí thì có 2 chỗ khác nhau, cụ thể là ở Tiết khí Đại hàn và Cốc vũ. Để các độc giả dễ nhận ra, tôi lập bảng:
Tiết khí |
Nguyễn Mậu Tùng |
Trần Tiến Bình |
Đoàn Dũng |
Đại hàn |
21-1-2008 |
20-1-2008 |
21-1-2008 |
Cốc vũ |
20-4-2008 |
19-4-2008 |
19-4-2008 |
Bộ số liệu của ông Tùng được tính toán theo mô hình của Trung Quốc dùng để soạn lịch cho các năm từ 1959 đến 2020 in trong cuốn Nhị bách niên lịch biểu. Lịch của ông Tùng đã được Hội đồng nghiên cứu và xét duyệt lịch nhà nước thông qua ngày 26/6/1992.
Bộ số liệu của ông Bình chưa được duyệt bởi một Hội đồng khoa học có thẩm quyền. Tuy vậy, với thời gian cách nhau hàng chục năm, mô hình mới hiện đại hơn, công cụ máy tính mạnh hơn, khoa học hơn, nên chính xác hơn.
Đáng lẽ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tốt nhất là lấy ý kiến của một Hội đồng khoa học để chọn 1 trong 2 phương án trên thì Giám đốc TTTTTL, Tiến sĩ Đoàn Dũng không làm thế và đã dựa vào tư vấn của Trưởng Phòng Nghiên cứu lịch (PNCL) Trịnh Tiến Điều để đưa ra một bộ số liệu cọc cạch (xin xem cột cuối của bảng trên).
Giả sử: Nếu ta quyết định dùng mô hình cũ của Trung Quốc, như ông Tùng, thì ông Dũng đúng ở Tiết khí Đại hàn, sai ở Cốc vũ. Nếu ta dùng mô hình hiện đại của Văn phòng kinh độ Paris, như ông Bình, thì ông Dũng đúng ở Tiết khí Cốc vũ, sai ở Đại hàn. Chỉ cần sai một Tiết khí đã là sai rồi. Không có một lý do khoa học nào khả dĩ để biện minh cho bộ số liệu cọc cạch của ông Điều và ông Dũng, bởi nó không phù hợp với một mô hình nào.
Hiện nay, ông Dũng đã cung cấp bộ số liệu cọc cạch này cho nhiều nhà xuất bản.
Như vậy là sẽ có 3 bộ số liệu. Tất nhiên khi dùng lịch, sẽ có người phát hiện ra sự sai lệch này, bởi 2 cuốn lịch kia vốn đã có sẵn, và còn bởi ngày nay nhiều người biết các mô hình tính toán (chẳng hạn như ông Hồ Ngọc Đức ở CHLB Đức đã công bố trên Website của mình) và việc lập trình cũng không phải là quá khó. Lúc đó ông Dũng – người “phát ngôn chính thức của nền lịch pháp Việt Nam” sẽ ăn nói như thế nào trước công luận? Nếu theo 1 trong 2 bộ số liệu có sẵn thì may ra còn có lý để biện minh một chút, còn với bộ số liệu cọc cạch này sẽ rất khó ăn khó nói, khó biện minh cho trình độ khoa học của nền lịch pháp Việt Nam.
Chắc các độc giả đã hình dung thấy nguy cơ của một sự đổ bể với mười mấy triệu bloc lịch in sai, đến lúc đó hoặc phải hủy bỏ tất cả, hoặc chịu tai tiếng. Tạm tính: tối thiểu 15 triệu bloc lịch với giá từ 3.000 đ đến 160.000 đ, lấy trung bình là 70.000 đồng / 1 bloc. Vậy là vào khoảng một nghìn tỷ đồng. Đến lúc lịch đã in chuyện này mới vỡ lở mà nếu đem hủy thì lấy đâu lịch cho dân dùng?
Mùa làm lịch đã đến, không thể chần chừ được nữa.
Bàn thêm về việc này
Lịch là một trong các “công cụ đo lường” của từng nước, cần thống nhất trong cả nước. Nó có quan hệ đến các vấn đề chính trị, xã hội, quốc kế, dân sinh, khoa học, sản xuất, không thể coi thường được. Số liệu lịch của một năm không nhiều, ngày nay với máy tính hiện đại và phổ biến, việc tính toán không còn khó; thực tế nhiều người đã tự tính được. Chẳng hạn, ông Hồ Ngọc Đức như đã viết ở trên.
Số liệu lịch cần chính xác tới mức tuyệt đối. Các đơn vị vật lý thiên văn không tròn trịa, nhưng đơn vị lịch như năm, tháng, ngày và giờ cần tròn: một năm Âm có 353, 354, 355 ngày, một năm Dương có 365, 366 ngày, một tháng Âm có 29 hay 30 ngày … Vì vậy phải tính toán xấp xỉ, rồi làm tròn. Có nhiều cách tính (mô hình) xấp xỉ khác nhau mà người ta càng ngày càng tìm được những mô hình chính xác hơn, hiện đại hơn.
Dùng mô hình nào là do quyết định của Nhà nước và tùy thuộc vào trình độ khoa học đương thời. Theo Đại Nam thực lục, vào năm Tự Đức thứ hai, Kỷ Dậu - 1849; sau khi biết lịch được in ra từ năm trước căn cứ theo Vạn niên thư đã tính sẵn là không chính xác, vua Tự Đức đã ra lệnh sửa lại cho đúng. Lịch sai, in từ năm trước còn được chép lại trong cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, đang lưu giữ ở Thư viện Viện Hán – Nôm; lịch đúng – do đã sửa lại, được in trong cuốn Khâm định vạn niên thư, đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia.
Đáng lẽ khi có 2 bộ số liệu lịch khác nhau của ông Tùng và ông Bình thì cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào ý kiến của một Hội đồng khoa học mà quyết định. Đằng này ông Dũng chỉ theo tư vấn của ông Điều mà tự ý quyết định mà lại quyết định không theo một bộ số liệu đã có sẵn nào là một việc làm khinh xuất.
Câu chuyện từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay
Ngày 7/8 và 22/8/2006, ông Nguyễn Chuyên đã viết bài trên VietNamNet nêu rõ những yếu kém về chuyên môn của ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng Ban lịch Nhà nước (BLNN). Ngày 5-11-2006, tôi đã viết bài trên VietNamNet nêu rõ nhưng việc làm tắc trách của ông Điều. Ngày 27/11 và 30/12/2007, tôi lại viết bài trên VietNamNet nêu rõ những hành vi thiếu trung thực của ông Điều.
Tôi đã viết nhiều thư lên các cấp quản lý từ năm 1999 và gần hơn nữa là ngày 20/11, 26/11, 11/12/2006 để phản ảnh và kiến nghị về những yếu kém chuyên môn, làm việc tắc trách, hành sử thiếu trung thực của ông Điều – Trưởng ban BLNN.
Nhưng các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng và thư phản ảnh đều không được trả lời. Tất cả đều rơi vào im lặng.
Ngày 2/4/2007 tôi gửi thư tố cáo đầu tiên về sự không trung thực của ông Điều, thì mới thấy hơi “chuyển động” một chút, nhưng chậm lắm.
Tới nay, tôi được biết một cách không chính thức rằng, vào khoảng đầu năm nay có quyết định với nội dung:
+ BLNN được đổi tên thành “Phòng Nghiên cứu lịch (PNCL)” (hoặc “PNCL Việt Nam” – như biển đề ở trước phòng ông Điều?).
+ Cử nhân Trịnh Tiến Điều, nguyên là Trưởng ban BLNN được bổ nhiệm làm Trưởng phòng PNCL.
+ Ông Điều không được phát ngôn về lịch.
+ Tiến sĩ Đoàn Dũng, GĐ TTTTTL toàn quyền phát ngôn về lịch.
Việc đổi tên phòng, thay người phát ngôn sẽ chẳng ích gì khi các số liệu về lịch 2008 lại sai và cọc cạch như vậy.
Hà nội, ngày 19/5/2007
-
PGS-TS Lê Thành Lân, lethanhlan@yahoo.de
Chuyên đề Lịch:
> Ban lịch Nhà nước và những chuyện thật như đùa!
> Lịch in sai, trách nhiệm chính thuộc về ai?
> Lịch Việt Nam: hiểu thế nào cho đúng ?
> Nên bỏ cơ chế "Xin - Cho" số liệu lịch
> Lịch 2007: Các NXB đang mò mẫm và tự bảo vệ mình
> Lịch 2007: Các tiết Trung Hoa được Việt hoá như thế nào?
> Lịch bloc 2007: Tự do hay "Cá lớn nuốt cá bé"?
> Không thể tuỳ tiện trong cách tính lịch
> Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo"?
Ý kiến của bạn?