(VietNamNet)- Bản năng của một nhà văn sẽ bị vắt kiệt sau một khoảng thời gian nào đó. Nếu không “đổ xăng” bằng cách đọc, hẳn việc viết lách cũng sẽ dừng lại.
> Nhà văn trẻ nghĩ gì, hiểu gì về văn chương?
Đọc những gì và đọc như thế nào?
Inrasara: - Đọc thơ đương đại là chính - Việt, Anh, Mĩ và Pháp. Từ hai năm qua, tôi theo dõi các trào lưu (lí thuyết) văn chương mới; bên cạnh các tác phẩm triết học mới. Vài tên tuổi cũ tôi luôn trở lại: M.Heidegger, Ludwig Wittgenstein, Jacques Derrida, Michel Foucault, và phần nào đó F.Nietzsche.
Thuận: - Tôi cố gắng đọc nhiều thể loại khác nhau. Chất liệu để tạo nên văn chương không nằm đâu khác ngoài cuộc sống. “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” là quan niệm rất đáng bị xóa sổ. Một tác phẩm văn chương thất bại khi hiện thực trong đó đông cứng. Thông thạo tiếng La-tinh và Hy Lạp nhưng không phân biệt nổi thịt gà với thịt bò thì có thể làm được nhiều điều nhưng đừng nên viết văn.
Trần Thu Trang: - Tôi đọc đủ loại sách. Thông thường, một tuần, tôi cố gắng đọc vài cuốn sách văn học và một vài cuốn thuộc dạng không-hư-cấu, chẳng hạn như sách về PR, marketing, luật hay hồi ký của các nhân vật lịch sử, thậm chí cả sách hướng dẫn sử dụng điện thoại di động. Tôi quan niệm đọc tức là học.
Nguyễn Danh Lam: - Thể loại tôi đọc nhiều nhất là văn học. Trung bình một tuần tôi đọc xong một cuốn khoảng 300- 400 trang. Ngoài văn học, tôi có đọc triết học, nhưng lãnh hội được rất ít, đọc theo kiểu... vô thức-nhìn chữ! (…) Về sau, khi nhận ra đọc triết xong phải có độ lùi, tôi chỉ để lúc nào thật tĩnh tâm mới dám đọc lại triết học. Ngoài triết là tôn giáo, lịch sử, chính trị... tôi mê cả địa lý, thiên văn học, vật lý vũ trụ... Đọc là để học - dĩ nhiên, hơn nữa, đọc để duy trì cảm hứng viết. Không đọc, không thể viết lâu dài. Bản năng của một nhà văn sẽ bị vắt kiệt sau một khoảng thời gian nào đó. Nếu không “đổ xăng” bằng cách đọc, hẳn việc viết cũng sẽ dừng lại.
Yêu thích nhà văn nào, tác phẩm nào, tại sao?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: - Tôi thích O. Rolin với sự phân mảnh, xáo trộn trong Thế giới trong một ngày, thích A. Jelinek với sự trần trụi tự nhiên, tự trào đến táo tợn trong Cô gái chơi dương cầm, thích nỗi hoang mang vô nghĩa trong tâm thế sống của những nhân vật Murakami Haruki trong Biên niên ký chim vặn dây cót, thích P. Coelho ở những suy tưởng da diết đẹp về tâm thế hư vô đương đại trong Nỗi ám ảnh, thích những ám tượng mạnh mẽ trong nhiều tác phẩm của Marquez, Kafka, thích sự táo bạo và khoa học trong cấu trúc cuốn Từ điển Khazar của M. Pavic và mới đây, cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq đầy phản tỉnh về nền văn minh thế giới chúng ta khiến tôi rúng động và choáng váng. Và nhiều nữa. Mỗi người thích một ít. Không thích ai trọn vẹn. Không có ý định chịu ảnh hưởng ai trọn vẹn.
Nguyễn Danh Lam: - Thời mới lớn tôi “nhồi” nhiều văn học Nga, Pháp cổ điển. Một trong những cuốn khiến tôi choáng nhất, trở thành bản lề của một thời, là Octavio Paz- thơ văn và tiểu luận. Trải qua thời sinh viên, tôi tiếp cận J-P. Sartre, A. Camus, F. Nietzsche cùng triết học và văn học hiện sinh. Tiếp theo là F. Kafka, G. Grass... Nói chung, cứ có tác phẩm văn học nước ngoài nghiêm túc nào được in ở Việt Nam là tôi đọc ngay, hầu như không bỏ sót. Nhưng ngẫm lại, tôi nghĩ những tác giả khiến tôi rung động sâu xa nhất là A. Camus, F. Kafka, E. Hemingway, F. S. Fitzgerald, R. Carver... và gần đây là H. Murakami. Ngoài ra, tôi rất thích Trang Tử cùng Đức Phật - ở góc độ triết học chứ không phải tôn giáo. Tâm thế của tôi có phần “cổ điển”.
Inrasara: - Có thể kể tên: Ariya Glơng Anak (tác phẩm cổ điển của Chăm), Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Hưng Quốc, Đức Phật, Long Thọ, M.Heidegger, F.Nietzsche, J.Krishnamurti, R.Maria Rilke, W.Faulkner, Y.Bonnefoy, và vài tác giả khác. Ảnh hưởng nhập nhằng giữa tư tưởng và cách viết, khó phân biệt. Tư tưởng thâm trầm được thể hiện qua bút pháp phiêu lãng; họ xây dựng được thế giới ngôn ngữ riêng và nhất là viết văn rất đẹp - một cái đẹp đa chiều! Có tác giả chưa đạt được cả ba, nhưng không thể dưới hai trong ba tố chất đó.
Thuận: - Một tác phẩm hay có khả năng làm thay đổi không chỉ độc giả mà cả những người cầm bút khác. Tôi cũng không thoát được cái qui luật ấy. Các văn tài, cùng thời hay đã đi trước, luôn đem lại cho tôi nhiều ý tưởng. Cách vừa viết vừa phân tích của Kundera, chẳng hạn, là một giải pháp hữu hiệu để bỏ qua lối viết kể lể đến bây giờ vẫn vô cùng thịnh hành. Hoặc Camus giản dị mà phức tạp, trong sáng mà day dứt, viết mà như không… hẳn phải nhuyễn lắm mới đạt được mức ấy. Còn Coetzee thì cực kỳ hiện đại, ngay câu đầu tiên đã là một câu đố, đọc xong mệt nhoài, không biết nên vui hay buồn, đã hiểu hay chưa, xù xì hay tinh tế, tầm thường hay thông minh… Houellebecq lại làm nên những nghịch lý khác: vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa sắc sảo vừa ngây thơ, vừa tuyệt vọng vừa mơ màng, vừa gần gũi vừa xa xôi, vô cùng khôn ngoan lại cũng hết sức chân thành, cô đơn, nhục cảm… cùng khả năng thấu hiểu phi thường con người và xã hội phương Tây đương đại.
Tuy vậy, đó mãi mãi chỉ là những gợi ý, là lý thuyết không hơn không kém. Khâu thực hành quan trọng hơn nhiều. Kundera, Camus, hay Coetzee, Houellebecq… không thể đọc chính tả để chúng ta cứ ngồi yên mà chép, cũng không thể đến bên cạnh lấy thước kẻ đánh vào tay: “đoạn này kém lắm!” hay vỗ vai thân tình: “được đấy, tiếp tục đi!”. Họ chỉ lâu lâu đưa ra vài cái nháy mắt, ai nhạy cảm thì chớp được, ai có tài thì biết biến chúng thành của cải.
Nguyễn Ngọc Thuần: - Tùy theo từng thời điểm, họ đè nặng lên suy nghĩ của tôi rất lâu, và cho đến tận bây giờ một vài điều vẫn còn đọng lại nguyên giá trị. Đầu tiên là cái đẹp của Kawabata trong Trăng soi đáy nước. Tiếp đó là Trong rừng trúc, của Nhật, không nhớ rõ tác giả, về sự đa diện của những ý nghĩ cũng như cấu trúc kỳ lạ của nó. Kịch Trong khi chờ Godot. Cách sử dụng ngôn ngữ xưa xưa của Kinh thánh in trước 75 qua bản dịch tiếng Việt...
Quan tâm đến những trường phái, xu hướng, chủ nghĩa...nào?
Inrasara: - Có, nhiều nữa là khác. Bằng thái độ trân trọng và cầu thị. Đành là chủ nghĩa hay trường phái chưa chắc làm nên tác giả lớn, nhưng các trào lưu có khả năng làm văn đàn sôi động và làm giàu văn chương. Chúng mở ra nhiều hướng mới cho một nền văn học tù đọng.
Thuận: - Theo cách hiểu của tôi, hậu hiện đại không chỉ mở ra một lối đi mới cho nghệ thuật, mà thay đổi trọng tâm của nghệ thuật. Nó vứt bỏ các đại tự sự để đi vào các vấn đề cá nhân. Nó từ chối vai trò độc quyền của tác giả để đưa độc giả tham gia vào tác phẩm. Làm nghệ thuật không còn đồng nghĩa với tạo niềm tin mà là gây ngờ vực, ngay cả với chân lý, ngay cả với thần tượng. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Hoàng Ngọc Tuấn có rất nhiều công sức trong việc mang lý thuyết hậu hiện đại đến với công chúng văn chương Việt Nam. Bản thân tôi từng bị một bài viết của anh “xô đẩy” hoàn toàn. Và Chinatown đã ra đời ngay sau đó.
Nguyễn Danh Lam: - Tôi rất quan tâm, trong khả năng tiếp cận của mình. Thái độ của tôi là... biết vậy nhưng đành chịu! Bởi tôi biết, mượn chữ của F. Lyotard, mình chưa đủ “điều kiện hậu hiện đại”. Khi mới đọc J. Borges, M. Kundera, M. Pavic, I. Calvino... ruột tôi cồn lên, rằng mình... cũng sẽ viết được như vậy. Nhưng đối diện với chính mình, tôi phát hiện ra, tôi chỉ là kẻ vừa ngước cổ nhìn lên một cái máy bay, trong khi đang ngồi trên yên của một chiếc Wave Tàu! Tích lũy văn hóa chưa đủ, môi trường xã hội (độ nén cần thiết) cũng chưa hề hậu hiện đại. Tôi không ảo tưởng - đây không phải là một thái độ tự ti, yếm thế, chỉ là “đối diện với sự thật” mà thôi.
Nguyễn Danh Bằng: - Thật ra chủ nghĩa hậu hiện đại là gì vậy? Nó có đúng là một chủ nghĩa riêng biệt, hay thật ra là một cố gắng bao gộp tất cả các trào lưu cũ một cách ham hố, bằng những biện minh về thái độ chấp nhận những điều nan giải? Dù cụm từ “hậu hiện đại” đã được dùng khá phổ biến, nhưng theo riêng tôi, nó chỉ là những cố gắng của các nhà lý luận hòng thoát khỏi thời kỳ huy hoàng bùng nổ của chủ nghĩa Hiện đại ở nửa đầu thế kỷ trước, dù chẳng có một phát hiện nào mới mẻ, tất cả đều lặp lại, họa chăng là thái độ bàng quan hơn. Sự khai phóng cá nhân và tự do sáng tạo đã mang lại việc bùng nổ trong thế kỷ trước dường như đang bão hòa.
Ở đây, cái tôi muốn nói là, trên cả sự mong muốn đi ra ngoài và hội nhập với các trào lưu hiện đại ở phương Tây, cần có một thái độ bình tĩnh. Thay vì cứ tiếp tục hội nhập bắng cách vay mượn hoàn toàn, sẽ có một cơ may nào đó chăng nếu đặt vấn đề khác đi so với phong trào giải phóng cá nhân mà văn hóa phương Tây đã đem lại và thành công? Liệu chăng phương Đông vẫn có những tiềm năng nào đó đủ để đặt lại vấn đề, ở mức độ căn bản hơn? Hay chúng ta, cũng như ở khắp nơi, đang trong một thứ chu trình đồng nhất văn hóa nào đó, một chiều, không thể cưỡng được? Với tôi đó là một hình ảnh đáng sợ. Thú thật tôi không biết, nhưng là người Việt Nam, đó là điều tôi nghĩ tới một cách nghiêm túc hơn so với cứ tiếp tục lăn xả với những lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Nguyễn Thúy Hằng: - Nếu đã tự tìm được một lối viết và phong cách riêng thì không nhất thiết phải theo xu hướng hoặc lý thuyết nào. Tôi chỉ đọc để hiểu về nó, chứ không áp dụng vào tác phẩm, và thú thật, tôi cũng rất dị ứng với trường phái hậu hiện đại.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: - Tôi không tôn sùng những trường phái, lý thuyết, hay xu hướng nào, kể cả hậu hiện đại vốn đang là mode ở xứ mình. Tôi thích nhìn các chủ nghĩa hay phương pháp sáng tác như một quá trình vận động tâm thế hơn là những thứ thuần kỹ thuật.
Nguyễn Thế Hoàng Linh: - Tôi có quan tâm. Nhưng không nhiều. Một là, chưa có điều kiện chậm rãi đọc. Hai là, thông qua những tiểu thuyết/ bộ phim đương đại được đánh giá cao, tôi có cảm giác mình không quá xa lạ với bầu không khí sáng tạo của văn chương thế giới. Vì chính mình đang sống trong thế giới hậu hiện đại mà (nếu quả thật có văn chương hậu hiện đại).
Nguyễn Ngọc Thuần: -
Xu hướng nào cũng có những cuốn sách hay. Nhưng một cuốn sách hay không nhất thiết phải nằm ở xu hướng nào. Trong những gì tôi đã đọc, những cái làm tôi nhớ mãi là do tự bản thân nó, chứ không phải do nó là hiện đại hay hậu hiện đại. Có những cái hậu hiện đại đọc phát mệt, và tôi quên nó nhanh đến nỗi chưa kịp đọc xong.
Trần Thu Trang: - Tôi không phải người nghiên cứu văn chương nên dù muốn quan tâm thì cũng bị hạn chế về trình độ nhận thức. Vì vậy, thái độ của tôi với những trường phái, lý thuyết ấy là kính nhi viễn chi. Tôi quan tâm đến thực tế cuộc sống, lĩnh vực này có vẻ vừa sức tôi hơn.
-
Thụ Nhân thực hiện