(VietNamNet) - Bế tắc thơ, tôi quay sang văn xuôi hoặc làm nghiên cứu, phê bình. Không nổi nữa thì tôi dịch hay lang thang qua các xóm làng để ghi chép - Inrasara
> Nhà văn trẻ nghĩ gì, hiểu gì về văn chương?
> Nhà văn trẻ hôm nay đọc gì, nghĩ gì?
Nhà văn có đang... viết văn?
Nguyễn Danh Lam: - Tôi vẫn viết và nghĩ về công việc viết lách đều đặn mỗi ngày, mỗi giờ... Đang lấp đầy một tập truyện ngắn, có lẽ khoảng cuối năm nay tôi sẽ in. Để sống, tôi làm báo. Công việc “để sống” này thật cực nhọc. Mất thời gian vô cùng! Nhưng tôi luôn luôn có vài ba “tứ” truyện trong đầu. Hở ra vài giờ là viết ngay. Tôi tranh thủ thời gian ghê gớm lắm. Nhưng tôi nghĩ mình chẳng là thánh tướng gì, sống thì phải có nghĩa vụ hoàn tất mọi thứ công việc liên quan, đôi khi là những thứ công việc hài hước, quái gở nhất.
Thuận: - Tiểu thuyết tôi đang viết bắt đầu bằng đám tang của Guillaume Dustan - cái tên trụ cột của dòng văn học đồng tính đương đại Pháp. Ngay từ ngày chưa cầm bút, tôi đã bị ám ảnh bởi số phận các nhà văn, nhưng không có đủ niềm tin vào các phương tiện thông tin đại chúng. Một sự tình cờ đã cho tôi gặp rồi trở nên thân thiết với Lisa, mẹ của Guillaume. Về anh ta tôi biết cả một kho chuyện, nhưng phải đợi đến đám tang của Guilllaume, tôi mới được làm quen, mà cũng nhiều phần giả tạo, bàn tay giơ mãi cũng chỉ chạm lớp gỗ áo quan. Hoa hồng, nước mắt, điếu văn, truyền hình… Ông bố từng bỏ rơi gia đình ba mươi năm trước thút thít “Guillaume, cha vẫn nghĩ nếu con không thành nhà văn thì con sẽ là một Che Guevara”. Lisa không khóc, câu đầu tiên nói với tôi: “May quá, tìm được miếng đất ngay cạnh mộ Duras, đúng như nguyện vọng của Guillaume”. (…)
Nhưng Guillaume Dustan chỉ là cái cớ để tác phẩm bước vào một bi kịch khác…Tôi sẽ không viết thật nhanh như trước mà định hai năm cho tác phẩm này. Hai năm để xem kế hoạch ban đầu thay đổi tới tận đâu.
Inrasara: - Vẫn đang viết. Bế tắc thơ, tôi quay sang văn xuôi hoặc làm nghiên cứu, phê bình. Không nổi nữa thì tôi dịch hay lang thang qua các xóm làng để ghi chép. Tôi vừa xong tiểu luận Song thoại với cái mới. Và bắt đầu dấn vào cuốn tiểu thuyết thứ hai. Dĩ nhiên tôi vẫn tiếp tục các tập tiếp theo của bộ Tủ sách Văn học Chăm gồm 10 tập.
Tự vẽ chân dung sau 10 năm?
Trần Thu Trang: - Nói là dự định thì cũng không hẳn nhưng hiện giờ tôi đang “nhăm nhe” học thêm kỹ năng viết kịch bản phim. Sở dĩ tôi muốn vậy vì có rất nhiều bạn đọc nói với tôi, họ muốn được thấy tiểu thuyết của tôi trở thành một câu chuyện trên màn ảnh. Đây cũng là hướng đi tôi xác định từ đầu, viết truyện, sau đó thì tìm cách biến truyện của mình thành phim. Tôi không dám nghĩ đến tôi của 10 năm sau đâu, phụ nữ sợ già, sợ xấu, sợ cũ, ngay cả trong văn cũng không ngoại lệ.
Nguyễn Danh Lam: - Dự định của tôi là, cứ đều đặn khoảng 2 năm cho in một đầu sách mới. Xen kẽ truyện ngắn và tiểu thuyết. Và nếu vậy, trong vòng 10 năm nữa, tôi sẽ có thêm 4- 5 đầu sách. Tôi dám làm tính nhân như vậy đấy. Bởi tôi đã đi với một vận tốc đều đặn, lì lợm như vậy suốt nhiều năm, trước khi viết văn xuôi là làm thơ. Tuy chỉ đủ điều kiện in một tập, nhưng tôi làm thơ rất đều. Chỉ trừ khi có một biến cố tiêu cực nào đó, khiến tôi không thể cầm bút, tôi mới dừng lại. Còn một biến cố tích cực, ví như một sự nhảy vọt chẳng hạn, tôi đã nói rồi, không thể có! Tôi biết mình là ai.
Nguyễn Ngọc Thuần
: - Cũng vẫn vậy. Nhưng văn chương sẽ khác đi, đơn giản hơn, những ý nghĩ rắc rối, rườm rà sẽ không còn, viết khoảng 5 cuốn sách. Và mọi thứ cố sao thật giản dị.
Chọn đề tài như thế nào?
Nguyễn Danh Bằng: - Tôi không nghĩ Việt Nam có nhiều đề tài phong phú cho nhà văn so với những nơi khác. Nhưng hiển nhiên, nếu người viết là người Việt, chắc chắn Việt Nam và những vấn đề thời sự của nó là gần gũi nhất. Càng đi xa, cọ xát với thế giới bên ngoài, bạn càng nhận thức được rằng dân tộc và quốc gia là những yếu tính căn bản trong mỗi con người. Điều đó là chắc chắn. Bạn mang theo những ảnh hưởng nhất định của lịch sử, dù hay hay dở, của dân tộc mình. Tất cả mọi cố gắng chối bỏ, vì bất cứ lý do gì, chỉ càng làm bạn bất ổn! Vì thế một nhà văn Việt, sẽ tìm được nhiều đề tài hơn nếu viết về Việt Nam.
Thuận: - Đã là sáng tạo thì mọi đề tài đều bình đẳng như nhau. Thách thức của nhà văn không nằm ở viêc lựa chọn đề tài mà ở khả năng sáng tạo trên đề tài ấy. Nông thôn có lẽ chiếm hơn nửa số trang viết của các nhà văn Việt, từ Tự lực văn đoàn tới Hiện thực xã hội chủ nghĩa, cả Đổi mới lẫn Hậu đổi mới. Nhưng chỉ với Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Con gái thủy thần… thì người nông dân mới hiện ra lạ lùng đến thế.
Theo cách đánh giá của tôi, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam đầu tiên mang tư tưởng Hậu hiện đại, mặc dù bản thân tác giả có thể cũng không ý thức được điều ấy. Các tác phẩm thời kỳ đầu của anh, với cấu trúc mở, cùng rất nhiều câu hỏi, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, khiến tôi nhiều lần đọc lại vẫn không hết bối rối. Theo tôi, nét độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp nằm ở đó chứ không phải “phê phán xã hội” hay “thâm trầm sâu cay” như người ta vẫn đóng khung. Tiếc rằng chính Nguyễn Huy Thiệp về sau cũng bị cái khung đó bao vây.
Nguyễn Danh Lam: - Tôi nghĩ, đề tài không có biên giới không gian và thời gian, nó luôn phong phú, ở đâu cũng vậy. Chưa chắc anh đề cập ngay cái “sôi sục” thời anh đang sống mà đã ra đời một tác phẩm hay. Cần có một độ lùi, một sự chiêm nghiệm, một cái nhìn lắng qua lăng kính văn hóa... lúc ấy mới có một có tác phẩm chín muồi, đủ sức lay động và tồn tại sâu xa. Khi anh có được một cách nhìn “phía sau đôi mắt” rồi, thì ngó đâu cũng ra đề tài. Vì vậy, vấn đề của tôi hiện nay vẫn là phải tích lũy văn hóa, được tới đâu hay tới đó.
Nguyễn Ngọc Thuần: - Làm thế nào để thoát khỏi sự rườm rà trong cách nghĩ và viết, đó là điều tôi quan tâm. Tôi không phải là nhà văn hiện thực; hiện thực gần như không có giá trị gì trong tác phẩm của tôi. Trọng tâm của tôi là con người chung chung, không hẳn Việt Nam cũng không hẳn nước ngoài. Hiện thực ở đâu, đối với tôi cũng vậy thôi.
Bao giờ văn chương Việt Nam có được tác phẩm lớn?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: - Khi leo núi, cảm giác vui thích thú nhất là trải nghiệm và thích ứng với hiểm nguy. Người viết văn ở Việt Nam có lẽ cũng như những người leo núi, chỉ mon men lên tới đỉnh Fansipan là đã giăng cờ. Ít ai biết đó là một ngọn núi có độ cao và yếu tố thời tiết thay đổi quá dễ dãi; chưa đáng để dân leo núi thứ thiệt thế giới chọn luyện tập. Ở Việt Nam, nếu so sánh nghề văn với tập tính của người leo núi, chúng ta tự huyễn hoặc mình là chính. Thay vì dành thì giờ trang bị thể lực, kỹ năng và tập dự cảm cho một cuộc leo núi hiểm nguy dài ngày nhưng bền bỉ bằng chính sức mạnh, ý chí và sự hy sinh, chúng ta lại dành thì giờ để đi may cờ, chuẩn bị người chụp ảnh cho mình và… mua vé máy bay. Chúng ta hình dung cái đích trên đỉnh núi khá an toàn và phô trương. Thế nên chúng ta không có những cuộc chinh phục lớn.
Inrasara: - Thế nào là tác phẩm lớn? Chúng ta vẫn chưa rốt ráo trả lời câu hỏi đó. Vấn đề nền tảng nhất với nhà văn mọi thời là hắn thường xuyên lưu trú nơi vùng ngoại ô của Quê hương. Nói theo ngôn ngữ của M.Heidegger: cư trú gần bên Nỗi chết. Hoặc quyết liệt như Đức Phật: Vô bố úy. Hay cụ thể và gần gũi hơn - W.Faulkner: nhà văn thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Chỉ khi đó hắn mới nói đến sáng tạo.
Nguyễn Danh Lam: - Để có một tác phẩm lớn, ngoài phần ý thức có thể thu xếp được, tôi nghĩ còn một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là “vô thức tập thể”. Nó như một thứ cấu hình được cài đặt sẵn tự khi sinh ra trong cỗ máy tính là mỗi nhà văn. Bề dày trầm tích này không phải “đi tắt đón đầu” mà có được. Nó như thể dầu mỏ, phải tích lũy dài lâu dưới đáy sâu từng vỉa văn hóa. Và cá nhân mỗi người làm nghệ thuật, cùng những yếu tố liên đới, sẽ góp phần bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Nguyễn Thúy Hằng: - Có lẽ ngoài yếu tố tài năng, tính chuyên nghiệp, vv… thì hiện nay nhà văn không cần bỏ quá nhiều năng lượng và sự quan tâm cho giới phê bình. Nghĩa là, một tác phẩm không nhất thiết phải có vài nhà phê bình nào đấy nhắc đến và viết phân tích chỉn chu thì mới được gọi là “tác phẩm lớn”. Thực tế cho thấy nhà phê bình đã không làm nổi công việc ấy. Vì vậy, tác phẩm lớn càng phải hội tụ nhiều yếu tố. Theo tôi, tính tự quyết và tự khẳng định về giá trị nghệ thuật của mình là một yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn.
Trần Thu Trang: - Đây là cả một vấn đề lớn, có thể viết thành một bản luận văn được, tôi khó có thể trả lời trong dăm ba câu. Văn học thuộc về kiến trúc thượng tầng, nó được quyết định bởi cơ sở hạ tầng. Cá nhân tôi cho rằng một nước đã nhỏ về địa lý yếu kinh tế, dân trí lại thấp thì khó có thể có tác phẩm lớn. Có lẽ nên đợi đến một lúc nào đó Việt Nam ta phát triển hơn chăng.
-
Thụ Nhân (thực hiện)