1.Lê Hoàng Hoa trở lại với điện ảnh
2.DV Kim Huyn Joo: Tôi mong có sự hợp tác giữa điện ảnh HQ và VN
3.Phương Thanh: ''Ngay cả khi ghen, tôi cũng rất lãng mạn''
4.Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2004
5.NSND Trần Hiếu: ''Tôi đã tìm thấy đường đi từ dân ca''
|
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (giữa) cùng diễn viên Bình Minh, Anh Thư |
Lê Hoàng Hoa trở lại với điện ảnh
Đạo diễn của bộ phim vang danh Ván bài lật ngửa, ông Lê Hoàng Hoa, vừa từ Ba Lan về thăm quê nhà. Ông đi lại nhanh nhẹn, ăn nói rổn rảng, khó ai ngờ đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi”.
“Điện ảnh đã ăn sâu vào máu - đạo diễn Lê Hoàng Hoa mở đầu câu chuyện - Cuộc đời tôi mà không làm phim sẽ rất buồn tẻ”.
* Kế hoạch làm phim của ông tại VN?
- Ngày 13-10, tôi sẽ bắt đầu quay thử một bộ phim truyện ngắn khoảng 5 phút. Vừa quay phim nhựa, vừa quay phim kỹ thuật số HD. Chúng tôi muốn thử xem ở VN lần này có thể làm được kỹ thuật phim bằng vi tính CGI - “Computer Graphic Image” - hay không. Xưa nay ở VN, theo tôi biết, hễ đụng đến CGI thì người ta lại phải đem phim đi nước ngoài để nhờ làm 100%. Mặt khác, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến thiết kế âm thanh surround Dolby 5.1. Âm thanh rất, rất quan trọng, tôi muốn nhấn mạnh như thế.
* Tên bộ phim là gì? Có những ai tham gia, thưa ông?
- Tôi tạm thời đặt tên là Một nửa phía bên kia. Quay phim có Trinh Hoan, diễn viên có Anh Thư, Bình Minh, Ngọc Lan, Hoàng Cẩm... Vào đầu năm 2005 tôi sẽ bấm máy một bộ phim nhựa dài.
* Vì sao ông chọn thời điểm này để nhập cuộc lại?
- Tôi thấy hiện giờ khán giả VN đang quay lại với phim VN, với trình độ thưởng lãm cao hơn. Tôi đặt hi vọng vào sự quay lại ấy. Nhóm chúng tôi cũng đã đi đến vài hãng phim lớn trong khu vực để tham khảo kỹ thuật và thăm dò thị trường lẫn khả năng hợp tác. Chúng tôi muốn thực hiện một kiểu làm mới, đó là thuê mướn các chuyên viên nhà nghề từ nước ngoài qua VN làm việc theo hợp đồng. Bằng cách này chúng ta sẽ học được công nghệ điện ảnh hiện đại tại chỗ.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Diễn viên Kim Huyn Joo: Tôi mong có sự hợp tác giữa điện ảnh Hàn Quốc và VN
Diễn viên điện ảnh Hàn Quốc Kim Huyn Joo (vai chính trong bộ phim Giày thủy tinh) đến VN nhân dịp Công ty S-Fone chào mừng sự kiện số thuê bao thứ 100.000.
Ngay trong ngày đầu tiên ở VN, cô diễn viên khả ái này đã ký tặng fan hâm mộ cả ngàn bức ảnh chân dung của mình. Kim Huyn Joo đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động.
. Phóng viên: Chị có thể cho biết cảm xúc của chị khi đến VN?
- Kim Huyn Joo: Tôi rất xúc động và thích thú khi được đến thăm đất nước của các bạn. Tôi đã đến nhiều quốc gia và nhận được tình cảm của khán giả dành cho tôi. Những tình cảm đó đều khác nhau. Ở VN, tôi được đón nhận trong sự nhiệt tình, thân thiện và tự hào. Dù không hiểu được ngôn ngữ của người hâm mộ VN nhưng tôi cảm nhận được tình cảm, sự ưu ái của các bạn. Tôi tự hào là một diễn viên, người đại diện cho đất nước Hàn Quốc đến để gặp và giao lưu với khán giả VN.
. Điều gì để lại ấn tượng đặc biệt trong chị khi chị đến VN?
- Tôi đặc biệt thích món phở của VN. Ngay khi chuẩn bị đến VN, tôi đã đến ăn món phở Hòa ở Hàn Quốc. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân Hàn Quốc rất thích món ăn này. Đặc biệt là những người đàn ông, họ thường xuyên ăn phở để giải nhiệt sau mỗi lần uống rượu Hàn Quốc.
. Ngoài vai trò là một diễn viên, chị có tham gia vào một hoạt động nghệ thuật nào khác không?
- Tôi rất thích hát nhưng tiếc là tôi chưa có cơ hội tiếp cận với lĩnh vực này.
. Gần đây, điện ảnh VN có thực hiện một số bộ phim theo công nghệ điện ảnh của Hàn Quốc (thu hình, thu tiếng đồng bộ, ghi hình cùng lúc 3 máy,...), chị có nhận xét gì về việc này? Chị đã từng nghe hoặc xem một bộ phim nào của VN chưa?
- Tôi rất ủng hộ. Hơn thế nữa, tôi mong có sự hợp tác giữa điện ảnh Hàn Quốc và VN như sự hợp tác giữa điện ảnh Hàn Quốc với Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... trong thời gian vừa qua. Tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ giúp hai nước hiểu và gần gũi nhau hơn. Với mối quan hệ của hai nước, tôi mong mỏi sự hợp tác không chỉ giữa các hãng phim mà cả những diễn viên Hàn Quốc với VN. Tôi không rõ lắm về điện ảnh VN nhưng nếu có sự hợp tác giữa hai nước thì tôi sẽ có nhiều cơ hội xem và hiểu rõ hơn về điện ảnh VN.
. Chị có thể cho biết vai diễn của chị trong bộ phim sắp tới không?
- Tôi chuẩn bị vào vai một cô dâu với cá tính mạnh mẽ và nhiều tham vọng, cô dâu đã không có mặt trong ngày hôn lễ của mình. Giống nhiều bộ phim khác, đây là một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
|
Phương Thanh | Phương Thanh: " Ngay cả khi ghen, tôi cũng rất lãng mạn"
"Trong tình yêu, tôi luôn lãng mạn, hết mình và say đắm như khi đang hát. Có đôi lúc tôi ghen đến mức khiến người ta sợ. Nhưng ngay cả khi ghen, tôi cũng… lãng mạn và hết mình lắm đó", ca sĩ Phương Thanh nói về mình như vậy.
* Có thông tin sau khi hoàn thành bộ phim "Khi đàn ông có bầu", chị sẽ tiếp tục tham gia "Nữ tướng cướp" của đạo diễn Lê Hoàng. Thực tế thế nào?
- Tôi cũng có nghe và đang hồi hộp chờ anh Lê Hoàng có gọi điện mời tôi đóng vai nữ tướng cướp hay không. Tôi rất thích những vai hoàn toàn khác với con người thật của mình. Hy vọng là nếu đọc được bài báo này, tôi và anh Lê Hoàng sẽ có dịp cộng tác với nhau.
* So với trước đây, niềm đam mê diễn xuất điện ảnh của chị còn bao nhiêu?
- Vẫn nhiều đấy chứ, nhưng tôi cần những vai diễn hay, có sức thuyết phục.
* Cảm giác của chị thế nào khi xem xong "Gái nhảy", "Lọ lem hè phố", "Những cô gái chân dài"?
- Hai phim của anh Lê Hoàng tôi có xem, còn phim sau thì chưa. Nói chung là ổn vì đó là những bộ phim được đầu tư và biết hướng đến công chúng. Có thể xem đây là niềm vui nho nhỏ của điện ảnh Việt Nam.
* Chị có suy nghĩ gì về chuyện các ca sĩ nổi tiếng được mời đóng phim?
- Với những người khác thì tôi không biết thế nào, nhưng với riêng tôi thì rất vui. Với điện ảnh, tôi có cơ hội thể hiện một niềm đam mê khác ngoài âm nhạc.
* Sau một số phim cũng như qua các video clip đã đóng, chị tự "chấm" mình bao nhiêu điểm diễn xuất?
- Với những diễn xuất trong video clip, tôi cho mình 8 điểm. Riêng phim, do chưa có một vai diễn hay để tôi thử thách nên chưa thể nhận xét được.
* Sau nhiều năm Phương Thanh vẫn được xem là một ca sĩ "ăn khách". Cảm giác của chị ra sao?
- Tôi cũng đang đặt dấu hỏi tại sao gần 8 năm qua tôi vẫn được mọi người đánh giá là một ca sĩ "ăn khách". Tôi vui lắm. Chắc là vì tôi luôn nhiệt tình, sống hết mình, sống thật với âm nhạc và mọi người.
* Các ca sĩ nước ngoài đến một lúc nào đó sẽ nói lời chia tay với khán giả dù họ đang nổi tiếng. Chị hình dung thế nào khi đến ngày chính mình sẽ từ giã nghề ca hát?
- Không thể nói trước chuyện gì. Nếu có chia tay với khán giả, tôi chọn thời điểm mà khán giả sẽ cảm thấy lưu luyến, chứ không đợi đến lúc người ta không còn muốn nhìn thấy mình nữa mới nói lời chia tay. Tôi muốn nói rằng sau khi không đi hát nữa, vào mỗi sáng thức dậy, tôi đều nhận… 999 đoá hoa hồng của người hâm mộ gửi tặng trước sân nhà mình. (Hình như tôi hơi tham phải không?)
* Khán giả hâm mộ đang chờ liveshow thứ 2 của chị. Bao giờ chị sẽ tổ chức?
- Live show thứ hai sẽ diễn ra vào đầu năm sau để kỷ niệm 15 năm ca hát. Dĩ nhiên, chương trình sẽ có nhiều cái mới, cái lạ nhưng tình cảm thì bao giờ cũng giống nhau.
* Album vừa rồi của chị doanh thu ra sao?
- Bán hơi bị chạy, mới 3 tháng đã trên 20 nghìn bản.
* Người ta đồn Phương Thanh đang yêu. Sự thật thế nào?
- Đúng hơn là lúc nào tôi cũng yêu. Tình yêu là năng lượng, là cảm xúc sinh ra và mất đi được truyền từ người này sang người khác, bao gồm cả tình bạn.
* Là một ca sĩ tên tuổi, khi yêu chị gặp khó khăn gì?
- Khó khăn nhiều hơn tôi tưởng. Khi quen ai, tôi vẫn bị đối phương e dè… Vì tôi là người của công chúng nên đến với tình yêu khá khó khăn và mất thời gian.
* Chị định bao giờ sẽ kết thúc cuốc sống độc thân vui tính của mình?
- Có lẽ tôi sẽ kết thúc cuộc sống độc thân trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến tháng 3 năm sau. Ai đến đúng thời điểm đó và hỏi tôi làm vợ, tôi sẽ đồng ý ngay.
* Thời gian gần đây chị thường có mặt trong những hoạt động từ thiện. Điều gì khiến chị nhiệt tình như vậy?
- Tôi làm những gì mà bản thân cảm thấy đúng và cần thiết. Nếu suy nghĩ mình làm vì động cơ nào đó thì tốt nhất đừng làm. Như vậy là tính toán.
* Chị sẽ thế nào nếu bị người khác hiểu lầm những việc làm của mình?
- Đôi lúc tôi cũng sợ. Song nếu mình sợ thì sẽ chẳng làm được gì cả.
* Kỉ niệm nào làm chị nhớ nhất trong những chuyến đi?
- Mỗi lần đi xa tôi lại cảm thấy được giá trị của những người thân và khán giả đối với tôi thật quan trọng. Bởi vậy, cứ sau mỗi chuyến đi, tôi lại hát "sung" hơn, hay hơn bình thường.
* Chị muốn nhắn gửi điều gì với các bạn trẻ khi họ đang đứng trước "cơn lốc" của cuộc đời vốn nhiều ước mơ, và cũng lắm cạm bẫy?
- Phải thật bình tĩnh và tự xác định khả năng của mình
(Theo Sức trẻ)
Về đầu trang
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2004
Chiều nay (9/10), tại 16 Ngô Quyền đã chính thức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2004. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp vào lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2004).
96 tác phẩm tham gia triển lãm đã thể hiện được sức sống mới bằng hình thức tạo hình đa dạng, nội dung chủ đề phong phú, hình thái sinh động, tiêu biểu cho một trình độ thẩm mỹ có giá trị biểu cảm sâu lắng, đầy bản sắc của vùng đất Thăng Long - Hà Nội gần 1000 năm tuổi.
Các tác phẩm điêu khắc năm nay đã có những bước tiến đáng kể: nhiều tranh có kích thước lớn, điêu khắc được thể hiện trên các chất liệu bền vững. Ngoài kích cỡ có nhiều sự thay đổi lớn, chất lượng của các bức tranh cũng đã đạt được giá trị nhất định. Các nghệ sĩ năm nay đã có những đầu tư cả về thời gian và chất xám, chăm chút cho từng tác phẩm nghệ thuật để gửi tới tham dự triển lãm. Đã có 2 giải B, 5 giải C và 10 giải thưởng được trao cho các tác phẩm xuất sắc. Giải B được trao cho Ngô Bá Thảo với tác phẩm "Người mẹ", Nguyễn Xuân Thành với tác phẩm "Hà Nội năm 1946 - mốc son lịch sử".
Các tác phẩm năm nay phần lớn nghiêng về mô tả về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thắng lợi to lớn: Giải phóng Thủ đô, đó là các tác phẩm mang vẻ đẹp của ngày chiến thắng, là những niềm vui, phấn khởi của những anh bộ đội và những người dân đất Hà thành hân hoan chào đón ngày toàn thắng, tác phẩm "Có một ngày về" của Đỗ Hữu Huề, tác phẩm "Ngày về chiến thắng" của Nguyễn Bá Việt...
(Theo HNM)
Về đầu trang
NSND Trần Hiếu: "Tôi đã tìm thấy đường đi từ dân ca"
"Giọng của tôi đấy" tật "so với chuẩn của nghề hát chuyên nghiệp... Sau nhiều thử nghiệm, tôi chọn cho mình dòng nhạc khôi hài, và tôi đã tìm thấy đường đi từ kho tàng dân ca giàu có của đất nước mình"... Đó là những tâm sự của NSND Trần Hiếu sau gần 50 năm theo "nghiệp hát".
+ Thưa NSND Trần Hiếu, ông thường nghĩ gì khi nhìn lại gần 50 năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp của mình?
- Tôi thấy thanh thản. Nếu coi tiếng hát như tấm chứng minh thư cuộc đời, thì điều lớn nhất tôi làm được là giữ gìn cho "tấm chứng minh thư" ấy sau gần trọn đời người vẫn không bị tì vết. Tôi hài lòng, vì bằng những lao động trung thực và đầy gian nan tôi đã trở thành một Trần Hiếu như ngày hôm nay.
+ Để giọng hát không có tuổi và luôn nuôi giữ được những cảm xúc trong lành hẳn là mơ ước của bất cứ ca sĩ nào. Điều gì giữ cho giọng hát của ông luôn bền bỉ?
- Tôi vốn không được trời phú cho một chất giọng ngon lành. Giọng của tôi nhiều khiếm khuyết và đầy "tật" so với chuẩn của nghề hát chuyên nghiệp. Tốt nghiệp thanh nhạc xong, tôi hát, bạn bè còn giễu là "Hiếu Tây Gỗ", vì giọng tôi đơ quá, khán giả thì kêu là "hát như bò".
Ông thầy tôi bảo: "Cậu là cục gỗ lim trong rừng, muốn óng chuốt thì phải chịu đau đớn mà tự cắt vào mình".
Sau nhiều thử nghiệm, tôi quyết định chọn lối riêng cho mình là dòng khôi hài. Con Voi chính là bài hát đánh dấu phong cách "tay hề trên sân khấu ca nhạc" của tôi.
Tôi luôn băn khoăn với câu hỏi: Người Việt mình nghe nhạc thì yêu cái gì? Hát như thế nào thì phù hợp với cách tiếp cận của tâm hồn họ? Và tôi đã tìm ra đường đi ở dân ca.
NSND Trần Hiếu từng tuyên bố, ông sẽ giữ phong độ cho giọng hát mình tới tận... 80 tuổi. Ông rời xa Hà Nội cách đây gần ba năm, vì khí hậu ẩm và lạnh của miền bắc có ảnh hưởng không tốt tới "dây thanh đới" đã có tuổi của ông. Hiện nay, NSND Trần Hiếu đang sống tại TP Hồ Chí Mình ông giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc thỉnh thoảng "hát cho vui" cùng ca sĩ Trần Thu Hà - con gái ông, Trần Hiếu vẫn xuất hiện trong những chương trình ca nhạc chính thống và chứng tỏ đẳng cấp của một trong những giọng opera nam đẹp nhất Việt Nam.
Trên sân khấu dân ca Việt Nam chưa từng có giọng trầm, tôi đã dành 30 năm cặm cụi tìm hiểu về kho tàng dân ca giàu có của đất nước mình. Tôi đến lao động, sống trong đời sống của những người nông dân để cái tình của dân ca ngấm vào tâm hồn mình. Tôi đã áp dụng dân ca vào lối hát hiện đại để làm thứ âm nhạc châu Âu vốn hoành tráng được mềm mại đi và gần gũi với người Việt khi họ nghe, nhận ra những âm sắc "quen biết" của tâm hồn mình.
Tôi tin rằng mình vẫn còn hát được bền lâu, bởi ở tôi có sức mạnh của sự tự phủ nhận. Tôi chưa bao giờ hài lòng với tiếng hát của mình. Điều này cứ như một hối thúc: Mình phải khai phá những con đường mới, những mạch ngầm mới, phải can đảm bước qua những thành quả của chính mình.
+ Ông chịu ảnh hưởng lớn từ ai?
- Đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Có những giai tôi bị hẫng hụt vì những bài hát mới không "gây men" nổi cho mình. Tôi đã tính chuyện dừng hát vì thấy mình không còn say mê. Chính Trần Tiến là người đã cứu tôi khi tung ra một loạt bài nghe yêu quá: Cô gái Sầm Nưa, Người bạn bình thường, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Ngọn lửa cao nguyên...
Tôi vẫn thầm nghĩ là tôi ơn Tiến lắm, những lúc tôi định rời sân khấu thì Trời lại "xui" thằng em xuất hiện. Hơn cả mọi sự ảnh hưởng, nhạc của Trần Tiến đã làm giọng hát tôi sống lại và trẻ. Ngày xưa Trần Tiến bắt đầu với nghề ca sĩ nhưng hát bài nào cũng ra "Trần Hiếu tập 2", cậu ấy bực mình mà quay ra sáng tác. Sau này Tiến thường nói đùa "Vì vướng ông anh mà Trần Tiến phải làm nhạc sĩ". Tôi lại nghĩ đó là số phận, điều Trần Tiến đang làm lớn hơn tôi rất nhiều...
+ Ông có buồn không khi ca sĩ Trần Thu Hà luôn phủ nhận sự ảnh hưởng từ bố?
- Tôi thấy hài lòng. Nghệ thuật không thể đúc khuôn. Điều đặc biệt ở Hà là nó tin vào mình đến cực đoan, tính độc lập cao. Hà không nhợt nhạt mà luôn mới mẻ. Đấy là phẩm chất đầu tiên của người làm nghệ thuật. Tôi cũng không muốn con tôi liên quan đến bóng trùm của những người thân.
+ Mỗi người tìm thấy tự do cho đời sống tinh thần của mình theo một cách khác nhau. Còn ông, ông có cảm giác thật sự tự do khi nào?
- Khi tôi đối diện với chính mình, trong những giấc mơ đơn lẻ không biết bày tỏ cùng ai. Không chịu được cảm giác cô đơn - bạn sẽ không có sức mạnh đâu, tôi tin thế. Cô đơn đối với tôi như một quà tặng, một nhu cầu - tôi tìm thấy tự do trong những khoảng riêng ấy.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Về đầu trang |