Điện ảnh đương đại Việt Nam - vì sao quá tệ:
Bài cuối: Một "núi thóc" trơ xương chờ... gỉ!
20:25' 05/04/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - 2,6 tỷ đồng vào những năm đầu thập niên chín mươi có thể mua được cả "núi thóc" lớn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước vẫn quyết định đổi số thóc đó lấy một cái máy làm kỹ xảo điện ảnh để mong mỏi và đòi hỏi điện ảnh phát triển mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa... So với kỹ thuật điện ảnh thế giới lúc đó, cái máy này quả không tệ vì nó có rất nhiều công dụng giúp cho trí tưởng tượng của các đạo diễn đỡ... ngây ngô. Tưởng như các đạo diễn phải đổ xô đến "vật báu" này nhưng hơn mười năm qua chỉ có ba bộ phim có dùng "chút xíu" kỹ xảo từ báu vật này... Hỏi ra mới biết các đạo diễn hầu như không biết sử dụng máy!

Kỹ xảo điện ảnh là một phần không thể thiếu của nền điện ảnh hiện đại. Thực ra, xét về nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ không tìm nổi cách diễn đạt tự nhiên mà phải dùng đến kỹ xảo thì đó đã là một thất bại. Tuy nhiên do sự tiếp nhận mỹ cảm của công chúng từ điện ảnh hoàn toàn khác với các loại hình nghệ thuật khác nên kỹ xảo điện ảnh được nhìn nhận ở hướng tích cực hơn. Điện ảnh dành cho công chúng sự cảm nhận và hiểu bộ phim gần như tức thời nên "hiện thực" nhiều khi phải vượt quá giới hạn của mình để "đập" thẳng vào tâm hồn công chúng.

Các đạo diễn cứ than thở về kỹ thuật làm phim của nước nhà lạc hậu nhưng họ quên, hay họ không được biết đến một cái máy kỹ xảo vẫn nằm chờ phim ở Hãng phim truyện Việt Nam. Chắc chắn là họ biết rất rõ vì đồng nghiệp của họ, đạo diễn của các phim Tình Yêu Thần Nước, Dã Tràng Xe Cát... đã dùng chiếc máy này. Trước khi biết câu chuyện "lạc loài" về chiếc máy, chúng ta cùng trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nam, kỹ sư kinh tế điện ảnh và vô tuyến truyền hình, giám đốc Hãng phim truyện VN.

-...Thưa ông, tạo sao các bộ phim của chúng ta không dùng tới máy kỹ xảo trong khi điều đó có thể giúp các đạo diễn bớt những cảnh quay vụng về?

- Thứ nhất là không phải bộ phim nào cũng cần đến kỹ xảo. Thứ hai làm kỹ xảo mất nhiều tiền lắm, kinh phí ở đâu ra. Hơn nữa, nếu có kinh phí thì ai biết dùng cái máy này!

- Các nhà làm phim chứ ai?

- Không phải ai cũng biết dùng cái máy này để làm ra các cảnh kỹ xảo. Khó lắm. Ví dụ trong phim Dã Tràng Xe Cát, đạo diễn dùng máy để làm cảnh Dã tràng từ từ xuống nước và phía dưới sủi bọt lên.

- Kỹ xảo như thế thì bất cứ đoạn phim quảng cáo nào chẳng làm được, cần gì đến máy kỹ xảo.

- Quảng cáo là dùng đến kỹ thuật video và máy tính, còn đây là phim truyện nhựa kia mà.

- Nhưng tại sao chúng ta không đào tạo một đội ngũ chuyên dùng cái máy kỹ xảo này?

- Đào tạo thế nào. Không phải ai đào tạo cũng có thể làm kỹ xảo điện ảnh được. Các đạo diễn cũng có lúc cần đến cái máy này nhưng không biết cách tạo ra các cảnh kỹ xảo. Cuối cùng, bây giờ nó chỉ làm nhiệm vụ là làm tiêu đề phim!

... Điều mấu chốt trong cuộc nói chuyện này là các đạo diễn không dùng đến cái máy này vì hai điều cơ bản; thứ nhất họ sợ kinh phí làm phim sẽ bị "đội" cao và như thế công sức của họ (tính theo tiền) bị giảm xuống đáng kể, thứ hai là hầu hết trong số họ đều không biết dùng chiếc máy này để tạo ra những cảnh kỹ xảo.

Lý do thứ hai thật đáng kinh ngạc. Chúng ta mua đổ một "núi thóc" ra và trang trọng, háo hức, hy vọng "rước" một cái máy kỹ xảo về để chấn hưng nền điện ảnh hiện đại. Nhưng các đạo diễn - những nhân tố quyết định sự hưng vượng ấy lại không biết... dùng  nó như thế nào. Tuy nhiên đó là mặt kỹ thuật, chúng  ta có thể học được. Nhưng ngay điều đó các nhà quản lý cũng không nghĩ tới và có nghĩ tới thì cũng ngần ngại nói rằng, không phải ai học rồi cũng tìm ra cách dùng máy kỹ xảo điện ảnh!

Công chúng có nhớ đã từng xem hai bộ phim dùng kỹ xảo kể trên không! Chắc chắn câu trả lời là không. Một núi thóc đổ ra và chỉ giúp làm vài cảnh "sủi bọt" ở một hai bộ phim "không ai còn nhớ'', không có tác động nào vào đời sống điện ảnh nước nhà thì quả là chúng ta đã "chơi sang". Nhưng nếu đó là tiền của cá nhân thì là chuyện khác, ở đây ai cũng biết, cái máy đó là tài sản quốc gia. Như vậy, trước khi chúng ta long trọng "rước" tiếp một hệ thống máy móc nào về, mong rằng các cơ quan chức năng phải biết rõ nó sẽ đạt hiệu quả tới đâu và ai dùng nó. Đây chỉ là một bài học trong vô số bài học khác mà các nhà quản lý điện ảnh, các nhà làm phim phải học lại.

Nhưng tôi cho rằng lý do thứ hai không quan trọng lắm. Thậm chí không tồn tại lý do này. Kỹ thuật phát triển. Ngay một người bình thường, trên máy tính cá nhân của mình cũng có thể tạo ra vô số các cảnh "kỹ xảo" ly kì không kém các bộ phim hiện đại. Họ chỉ thua kém các nhà làm phim là không biết thể hiện ý tưởng nghệ thuật rõ ràng, mạch lạc thôi. Chúng ta không thể nói rằng các đạo diễn không biết dùng máy kỹ xảo được. Đó là điều phi lý và nực cười (Tôi có hỏi một số đạo diễn, họ cười phá lên và... im lặng). Như vậy lý do mà cái máy nằm chờ... gỉ nằm ở chỗ khác.

Chúng ta chẳng phải cất công 'lặn lội" tìm đâu xa vì lý do đó chính là lý do thứ nhất. Nếu làm kỹ xảo thì bộ phim sẽ "gọn gàng" hơn, "khớp" hơn, tưởng tượng bớt ngô nghê hơn. Nhưng như ông Giám đốc hãng phim truyện VN đã nói và dù không nói, chúng ta cũng biết, tiền bạc ngăn không cho chiếc máy này "kết duyên" với các bộ phim.

Như vậy, trong nhiều điều làm cho nền điện ảnh hiện đại Việt Nam tẻ nhạt thì chúng ta thấy rõ rằng, những người hiến thân thực sự vì nghệ thuật điện ảnh quá ít mà chủ yếu là những người làm công ăn lương. Mà đã làm công ăn lương thì  "lương "càng cao càng tốt chứ sao! Điện ảnh Việt Nam đành chờ một thế hệ mới "hiến thân" vì nghệ thuật thực sự vậy.

  • Phương Thảo
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Gái nhảy'' - giá trị tiền bạc hay... ? (28/03/2003)
Về sự ăn khách của bộ phim "Gái nhảy" (26/03/2003)
Bài 5: Đạo diễn không chỉ cầm và chia tiền? (19/03/2003)
Pierce Brosnan làm mới mình (19/03/2003)
'Lưới trời' và 'Của rơi' tìm cách thu hút công chúng (19/03/2003)
Bài 4: Lý luận điện ảnh - Xin ảnh và nhả... tơ (15/03/2003)
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay" (13/03/2003)
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang