Lỗi trên phim truyền hình:
NSND Hải Ninh: "Lỗi lớn nhất thuộc về đào tạo"
15:27' 16/04/2003 (GMT+7)
Một cảnh trong phim truyện truyền hình ''Hẻm sâu''.

"Thật vô lý khi truyền hình Việt Nam đã qua mấy thập niên rồi mà vẫn không có lấy một trường đào tạo" - NSND Hải Ninh, vị trưởng ban giám khảo phim truyền hình của mấy kỳ giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam, đã phát biểu như vậy khi "mổ xẻ" về những lỗi phổ biến trên phim truyền hình nước ta.

Lời tuyên bố của NSND Hải Ninh làm khối người sửng sốt nhưng đó là sự thực. Ngoài giới phim ảnh, ít ai ngờ được Hãng Phim truyền hình Việt Nam mỗi năm sản xuất tới mấy trăm tập phim nhưng từ giám đốc tới nhân viên đều không "bằng cấp". Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các hãng phim truyền hình khác. Những đạo diễn đầu tiên của truyền hình Việt Nam đều từ điện ảnh đầu quân sang, những kiến thức về truyền hình đều là học lỏm từ một vài bộ phim nước ngoài chiếu trên màn ảnh nhỏ.

Khải Hưng - một trong những đạo diễn thuộc thế hệ đầu tiên của phim truyền hình Việt Nam nhớ lại. Ông cùng các đồng nghiệp đã lần mò từ những phim 1, 2 tập sau mới dám đi dần lên những phim 4, 5 tập. Sợ cũng phải làm, thiếu tự tin cũng phải làm vì nếu không sẽ không có phim phát sóng. Thêm vào đó, hãng phim Truyền hình mỗi năm phải hoàn thành mấy trăm tập phim chỉ tiêu. Vậy nên, một loạt đạo diễn trẻ được tung vào cuộc và chỉ hơn lớp nghệ sĩ đàn anh ở chỗ có những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm, cái gì không biết thì tự mò mẫm mà làm.

Đạo diễn Khải Hưng cũng thừa nhận, mãi sau này khi những bộ phim nước ngoài chiếu trên màn ảnh nhỏ ngày một nhiều và có dịp đàm luận thêm với các chuyên gia quốc tế ông mới biết lâu nay mình làm phim truyền hình mà không phải phim truyền hình bởi một bộ phim truyền hình phải dài trên 10 tập.

Đạo diễn Thanh Hải, một trong những đạo diễn trẻ thành công nhất hiện nay khi tham gia khoá học về làm phim truyền hình tại Học viện châu Á - Thái Bình Dương đã vô cùng ngỡ ngàng trước những kiến thức mà mình chưa bao giờ được học như phải cấu trúc một kịch bản dài tập như thế nào rồi lên hệ thống tuyến nhân vật ra sao... Tất cả đều mới mẻ và quá bài bản so với cách anh và các đồng nghiệp vẫn làm. "Lúc ấy tôi mới nhận ra cái lỗi mà phim truyền hình Việt Nam hay mắc phải là ở kết cấu. Trong khi cấu trúc phim truyền hình phải rất chặt chẽ, mỗi tập là một câu chuyện, với một tình huống được đặt ra và giải quyết, đồng thời gợi mở một tình huống mới thì rất nhiều phim của chúng ta mới chỉ kể một câu chuyện từ đầu đến cuối với diễn biến dàn trải và kết mỗi tập rất thoải mái khi thấy đủ số phút".

Dễ hiểu vì sao không ít đạo diễn điện ảnh xuất sắc đã thất bại ở phim truyền hình. Theo như cách nói của đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì họ đã "mở khóa" được phim truyền hình và rất sai lầm khi nghĩ rằng cứ bê nguyên cả cách xử lý điện ảnh sang là ổn. Cũng hiểu được một phần nguyên do khiến phim truyền hình của ta không theo kịp các nước trong khu vực cả về mặt chất lượng lẫn sức hút nhất là phim về đề tài lịch sử.

Theo NSND Hải Ninh, trong tình trạng mà luật điện ảnh còn chưa có, đào tạo và kiến thức còn thiếu như hiện nay thì tồn tại được đã là giỏi lắm rồi! Với tư cách là một người lâu năm trong nghề, ông khẳng định: "Tôi tin chỉ cần có đào tạo, 10 năm sẽ thấy ngay sự khác biệt". Nhưng trong thời gian chờ điều ấy thành sự thật thì các đạo diễn vẫn phải "mò mẫm" mà làm.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tiểu thuyết ''Chồng con'' lên phim truyền hình (15/04/2003)
James Cameron lại gây tiếng vang với "hậu" Titanic (13/04/2003)
Cuộc "Cách mạng" của Nhà hát truyền hình! (10/04/2003)
Phim "Thời xa vắng" sẽ có nhiều nét mới (08/04/2003)
Bài cuối: Một "núi thóc" trơ xương chờ... gỉ! (05/04/2003)
''Gái nhảy'' - giá trị tiền bạc hay... ? (28/03/2003)
Về sự ăn khách của bộ phim "Gái nhảy" (26/03/2003)
Bài 5: Đạo diễn không chỉ cầm và chia tiền? (19/03/2003)
Pierce Brosnan làm mới mình (19/03/2003)
'Lưới trời' và 'Của rơi' tìm cách thu hút công chúng (19/03/2003)
Bài 4: Lý luận điện ảnh - Xin ảnh và nhả... tơ (15/03/2003)
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay" (13/03/2003)
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang