(VietNamNet) - T.A, cô gái cao ráo trắng trẻo, xinh xắn, tốt nghiệp PTTH năm 2001 nhưng thi trượt Đại học nên ở nhà bán hàng với mẹ. Hiện giờ, cô đang háo hức trong công cuộc chuẩn bị đăng kí lớp học diễn viên truyền hình (DVTH) do Hãng phim truyền hình tổ chức. Cùng đi nộp hồ sơ thi tuyển với T.A, tôi mới thấy được thế nào sức hấp dẫn của nghề "nghệ thuật thứ bảy" này đối với lớp trẻ hiện đại.
Nô nức đi tuyển diễn viên truyền hình
Những ngày này đang là giai đoạn cuối để hoàn tất nộp hồ sơ thi tuyển DVTH nên phòng tiếp quản hồ sơ nằm ngay cổng Hãng phim truyện Việt Nam lúc nào cũng đông vui tấp nập các nam thanh nữ tú. Từ trong phòng thu hồ sơ ra đến tận cổng phía ngoài đường đông nghịt người. Phải vất vả lắm tôi mới len lỏi vào được chiếc bàn trong cùng, nơi có 3 nhân viên một nữ, hai nam đang ngồi, họ đều còn rất trẻ, hành động của họ toát lên cho mọi người thấy họ đang ở một nơi mà bất cứ ai cũng ao ước trở thành thành viên nơi này. Tiếng ghi chép rào rào của những bạn trẻ khai hồ sơ tại chỗ, tiếng hỏi han râm ran, thỉnh thoảng lại có tiếng quát tháo của một trong số các nhân viên khi có người khai sai chi tiết. Hồ sơ dự tuyển gồm: 1 sơ yếu lí lịch có xác nhận của địa phương, một đơn xin dự tuyển, giấy chứng nhận sức khoẻ ảnh (chân dung, bán thân và toàn thân) và 10.000đ, nhưng không phải ai cũng biết cách làm hoàn chỉnh.
|
Chen chúc xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển |
Thời tiết những ngày này ở Hà Nội nóng trên 30 độ, nhưng ai cũng nhẫn nại: nào là xếp hàng chờ đợi đến lượt nộp hồ sơ, nào là tỉ mẩn viết lại đơn xin dự tuyển, có phải chạy đi chụp lại ảnh...), phải nhẫn nại chứ, cơ hội để trở thành người nổi tiếng mà. Thậm chí, mỗi khi có diễn viên quen thuộc nào đó đi lại qua cổng thường trực, lập tức các ánh mắt đổ dồn vào đầy ngưỡng mộ, có những ánh mắt ngời lên như báo hiệu mình rồi sẽ là một "ngôi sao màn ảnh".
Tôi lại gần hai cô cậu đứng ở góc sân, trông vẻ mặt hết sức lo lắng đang cầm tập hồ sơ. Cô bé trông xinh xắn và hết sức dễ thương vội hỏi tôi về thủ tục làm hồ sơ và phân trần: "Em vừa trải qua kì thi đại học, xong là vội vàng lo làm thủ tục xin dự tuyển vào đây nên không được tìm hiểu được kỹ lắm. Chị cho em biết xem những tấm ảnh này có đủ tiêu chuẩn không, em in nó nhỏ quá, lại là ảnh chụp nghệ thuật, đến đây thấy các bạn đều gửi ảnh thường nên lo quá, đi chụp lại thì không kịp, mà cũng tốn gần 300 ngàn cho chuyện ảnh này rồi". Cô bé là Hồng Trang ở Phủ Lý (Nam Hà), lên Hà Nội thi Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng do làm mất giấy báo thi nên không tham gia kì thi vừa qua được, bây giờ em ở lại Hà Nội, thuê nhà để chờ làm thủ tục đăng kí thi tuyển vào lớp DVTH. Còn cậu bạn là người Thái Nguyên, cũng thi Đại học SKĐA nhưng không trúng (trường này báo luôn kết quả), nên đặt hết niềm hy vọng vào lớp tuyển DVTH này vì "em yêu thích nghề diễn viên từ nhỏ, nhưng tiếc là do sơ suất trong vòng thi năng khiếu nên em thiếu điểm, hôm báo điểm ở trường các thầy cũng khuyên em nên tham gia kỳ thi này vì em cũng có tố chất của một diễn viên". Ở góc sân bên cạnh, một nhóm mấy cô cậu đang hí húi cùng nhau viết hồ sơ, một cô bé trông rất "sành điệu": quần soóc, áo bo, máy di động thời thượng trên tay đang hướng dẫn cho một cô bạn người Gia Lâm cách viết đơn xin dự tuyển. Thấy tôi quan tâm, em rất nhiệt tình thổ lộ: "Em là Anh Thư, sinh năm 1981, nhà ở Tràng Tiền, hai năm thi ĐH SKĐA và Cao đẳng nghệ thuật nhưng đều không trúng, em đã từng tham gia một số lớp học về nghệ thuật ở Cung văn hoá, lần này em hi vọng mình sẽ may mắn trúng tuyển vào lớp học DVTH này vì em cũng có nhiều kinh nghiệm hơn so với các bạn ở đây". Cô bạn gái ở Gia Lâm tròn xoe mắt khi nghe Anh Thư giới thiệu, cô dè dặt cho biết hiện mới đang học lớp 11 trường PTTH Cao Bá Quát nhưng rất muốn được theo học lớp DVTH, em dấu bố mẹ, đi xe buýt đến đây đăng ký, thủ tục thì chưa xong, đang lo hết giờ xe buýt thì không biết về nhà bằng cách nào...
Gần cuối giờ chiều, tôi mới chen được đến được chỗ chị Thanh (nhân viên tiếp nhận hồ sơ), số hồ sơ lúc này đã lên tới 1.912 bộ (chưa kể số chưa hợp lệ phải khai lại). Các bạn trẻ tham gia đăng ký còn rất trẻ (đa số sinh năm 1980-1986), nhiều bạn tốt nghiệp PTTH, có bạn chỉ mới học xong cấp 2. Không hiểu với tuổi trẻ và lượng kiến thức như vậy thì các em sẽ học làm diễn viên như thế nào?
Mặc dù phần lớn số người nộp hồ sơ là trẻ tuổi, thậm chí rất trẻ, nhưng giới hạn tuổi tham gia từ 16-30 (có thể sau này sẽ mở những lớp đào tạo diễn xuất cho những người lớn tuổi lớn hơn nữa) đã tạo điều kiện cho một số bạn đang là sinh viên, có người đã đi làm cũng tham gia đăng ký dự tuyển với rất nhiều lí do khác nhau. Hà Minh Phương (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hoá), sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Luật, hiện đang làm ở Công ty TNHH Anh Linh, nhưng khi được biết về cuộc thi này, Anh Phương đã hồ hởi tham gia với sự ủng hộ của cơ quan. Phương tâm sự: "Ước mơ từ bé của em là được làm diễn viên, nhưng do nhiều điều kiện mà em không đi theo con đường đó được. Nay biết có cuộc thi này, em phấn khởi và tự tin tham gia. Nếu trúng tuyển, em vừa có thể theo học mà vẫn làm việc bình thường, nếu không trúng tuyển thì thật tiếc nhưng nó cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại của em".
Đây là lần đầu tiên Hãng phim Truyền hình Việt Nam mở lớp đào tạo DVTH. Mục đích của việc đào tạo này là để tạo nguồn và nâng cao chất lượng các vai diễn, hình thành một đội ngũ diễn viên mới với những phong cách diễn xuất mới. Những điều kiện tham gia khoá đào tạo DVTH rất thuận lợi cho các em, nhưng không biết có dễ giúp các em trở thành những "diễn viên triển vọng" như bản thân các em và Hãng phim mong đợi hay không? Trong khi các diễn viên được đào tạo chính quy nhiều người còn ở trong tình trạng không có đất diễn. T.H, một diễn viên tốt nghiệp Đại học SKĐA năm 2001 cho biết: "Cho đến nay mình vẫn chưa có vai diễn chính nào, chỉ đóng một số vai phụ và cũng chẳng trực thuộc cơ quan nghệ thuật nào!". Đó là một thực tế không chỉ với T.H mà còn với phần lớn diễn viên được đào tạo chính quy.
Cứ học sẽ thành diễn viên, nhưng điều kiện cần là phải ...đẹp!
Gần 2.000 em trong thời điểm hiện tại, và chỉ ngay ngày mai con số này còn tăng lên hơn thế, nhưng con số bị loại sẽ lớn hơn hàng chục lần số trúng tuyển. Sự cạnh tranh là tất yếu, nhưng nhiều em tham gia đăng kí dự thi vẫn chưa nắm rõ được điều kiện tuyển dụng, cứ thấy thích thì đăng kí, cứ thấy thi thì tham gia. Một đạo diễn trong Hãng phim cho tôi biết, yếu tố hình thức chiếm vai trò vô cùng quan trọng, điều này không có nghĩa là coi nhẹ yếu tố tri thức (nghề nghiệp nào cũng đều coi trọng tri thức), người diễn viên đẹp đồng thời có kiến thức về mỹ học, văn học, nghệ thuật và có nội tâm để hoá thân vào nhiều dạng nhân vật. Lần tuyển chọn DVTH này, tạo điều kiện cho những chàng trai cô gái đẹp, có năng khiếu diễn xuất có thể tham gia nghiệp dư, bởi vì thực tế nhiều diễn viên có năng khiếu nhưng ngoại hình chưa đẹp nên bị hạn chế trong việc lựa chọn vai diễn. Trong số các em đến nộp hồ sơ, quả thực có nhiều em (thật tội!) xấu, thậm chí rất xấu (lùn, béo, khuôn mặt không được mịn màng...) mà vẫn hồ hởi tham gia đăng kí dự tuyển. Nhiều khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ đã khéo léo gợi ý một số em không nên tham gia đăng kí do không đạt yêu cầu, chưa đủ điều kiện về mặt này, mặt khác - nhưng nhiều em tỏ ra rất tự tin và hi vọng khả năng diễn xuất của mình sẽ "cứu cánh".
Hiện nay, số người đăng kí tham gia dự tuyển chủ yếu đang sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, còn lại là ở các tỉnh (sẽ thi tuyển làm hai đợt: một dành cho những thí sinh tại Hà Nội, một dành cho các thí sinh ngoại tỉnh). Tỷ lệ nam nữ cũng chênh lệch nhau khá lớn, nữ chiếm tới 60-70%. Trình độ của đa số thí sinh đăng kí dự tuyển chủ yếu là PTHH, một số chỉ học hết cấp 2. Theo ông Phần thì số hồ sơ sau khi được lựa chọn sẽ được chia ra để 3 Hội đồng giám khảo tuyển chọn, mỗi Hội đồng giám khảo sẽ tuyển khoảng 80 em/ ngày, và với số lượng hơn 2000 em thi sẽ phải mất khoảng 10 ngày. Như vậy, thời gian khai giảng lớp học dự kiến vào 1/8 sẽ phải lui lại do số người sơ tuyển quá cao.
Số học viên được tuyển qua hồ sơ khoảng 200 em tham gia (kiểm tra ngoại hình và vốn hiểu biết nghệ thuật), vào vòng chung tuyển các em sẽ phải thể hiện năng khiếu của mình là vào vai theo yêu cầu của ban giám khảo và đóng một tiểu phẩm tự chuẩn bị), từ đó chọn ra 60 em cho hai lớp ngoài giờ và trong giờ hành chính (tuỳ theo từng điều kiện, hoàn cảnh). Thời gian học chỉ vẻn vẹn 3 tháng với số tiền học phí là 600 ngàn đồng (200 ngàn đồng/tháng). Ở Trường Đại học SKĐA sinh viên được đào tạo trong vòng 4 năm với khoảng 20 môn học bắt buộc, tạo ra một nền tảng kiến thức chung rất tốt cho các em. Nhưng khoá đào tạo 3 tháng này do hạn chế về thời gian nên chỉ tập trung dạy kỹ thuật diễn viên, học chuyên môn là chính (theo lối kèm cặp nghề), các thầy giáo sẽ hướng dẫn các em tự bổ sung kiến thức bằng cách cần phải đọc gì, học gì, tham khảo cái gì... (vì ngay cả các diễn viên chuyên nghiệp cũng phải luôn luôn tự bổ sung kiến thức). Trong tổng số 320 tiết được đào tạo của lớp học DVTH, có 40 tiết học lí thuyết chung (ngôn ngữ điện ảnh, quy trình sản xuất phim, vai trò vị trí của từng thành phần, đặc trưng diễn xuất... Còn lại là các em sẽ được học thực hành trên máy quay, được tham gia làm việc cùng với nhiều người (ánh sáng, quay phim, đạo diễn...), học cách diễn xuất thực sự của người diễn viên theo những đề tài cụ thể.
Khi dạy chuyên môn ở trường Đại học là phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên rồi từ đó phát triển lên (sinh viên tự nghĩ ra tiểu phẩm và giáo viên sẽ uốn nắn theo sở trường của từng sinh viên) nhưng với khoá đào tạo DVTH này thì ngược lại, sẽ có bài học cụ thể để diễn viên phải đóng được (tức là học từ bắt chước đến sáng tạo). Mục đích là kích động những năng khiếu được phát huy thông qua sự kèm cặp, truyền nghề và giảng dạy của các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên ưu tú (Lê Đăng Thực, Khải Hưng, Nguyễn Hữu Phần, Thanh Quý, Như Quỳnh, Hoàng Dũng, Trần Đức...) với những kinh nghiệm nghề nghiệp vô cùng quý báu của họ.
Học để làm diễn viên nghiệp dư - nên hay không?
Anh bạn tôi làm thường trực ở cổng Đài Truyền hình Việt Nam kể: "Thời điểm này, một ngày có tới hàng chục em đến cổng đài (184 La Thành) hỏi về cuộc thi tuyển DVTH, thành ra nhiều lúc các anh bảo vệ ở cổng Đài THVN lại có thêm một "nhiệm vụ không tên" vì phải hướng dẫn cho các em đến mệt nhoài những thông tin rất đơn giản như: đường đến Hãng phim THVN (dù chỉ cách đó vài số), hồ sơ gửi cho ai, số điện thoại liên lạc với Hãng phim... Anh bạn tôi lắc đầu chán ngán: "Mình thử hỏi vài cháu xem nó có hiểu gì về phim truyền hình không? có biết người diễn viên phải cần những yếu tố gì không?... đứa thì trả lời linh tinh, đứa thì chả biết gì. Mình đùa bảo vài đứa là làm diễn viên phải biết càng nhiều càng tốt, ví dụ như ở Hà Nội quán ăn nào ngon nhất không, có nơi hát Karaoke nào hiện đại mà rẻ nhất không, chỗ giải trí nào thú vị nhất không... thế mà nhiều đứa lại trả lời vanh vách. Nhiều đứa đi thi tuyển DVTH như thế đấy!"
|
Tất cả đều tự tin: mình sẽ thành diễn viên |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - một trong những người trực tiếp tham gia tuyển sinh và giảng dạy cho lớp DVTH đã từng trả lời rất chi tiết và cụ thể về cuộc thi tuyển DVTH trên VietNamNet, nhưng hàng ngày ông vẫn phải trả lời nhiều câu hỏi rất "bí" xung quanh việc thi tuyển DVTH này như: có cách nào "chạy chọt" để được qua vòng sơ tuyển không? con em trong ngành có được ưu tiên không?, "thậm chí có trường hợp - đạo diễn kể - có em ở tận Cà Mau gửi mail về cho tôi tha thiết xin được dự tuyển và sẽ khắc phục mọi điều kiện về ăn, ở, đi lại ở Hà Nội để theo học, nhưng tôi đã phải khuyên em ấy nên để sau, vì em ấy cũng đang học chưa xong cấp 3, chắc định bỏ học phổ thông để đi học diễn viên?! Như tôi đã nói, chúng tôi đào tạo hoàn toàn nghiệp dư, không có một sự ràng buộc nào, vậy nên không ai dại gì mà "chạy chọt" để theo học, như thế thật vô lí!".
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì cái được ở loại hình đào tạo DVTH này là sẽ phá hiện ra những diễn viên mới, khi đạo diễn làm việc với họ sẽ có nhiều cảm hứng, có nhiều mới lạ để thay đổi chi tiết diễn xuất, và quan trọng là từ đó người xem không bị nhàm chán. Tuy nhiên, không thể không nói rằng lớp diễn viên này chênh lệch nhau cả về lứa tuổi, trình độ, các mối quan hệ khác nhau, thời gian học ngắn nên chưa chắc đã đạt kết quả cao. Ông Phần nói: "Tôi hy vọng trong khoá đào tạo này sẽ có khoảng 15/60 em xuất sắc, số còn lại sẽ bổ sung vào đội ngũ diễn viên quần chúng, phục vụ lồng tiếng hoặc chuyển sang lĩnh vực khác".
Tham gia học DVTH, các em cũng có những quyền lợi nhất định như: sẽ trở thành đội ngũ diễn viên chuyên cộng tác với Hãng, được tạo điều kiện thường xuyên đóng phim và hưởng chế độ theo vai diễn, một số diễn viên xuất sắc sẽ được ký hợp đồng trách nhiệm (không trả lương), Hãng sẽ tạo điều kiện cho diễn viên được hoạt động nghề nghiệp ít nhất trong vòng 3 năm vì thực ra tuổi nghề của diễn viên đỉnh cao nhất cũng chỉ năm, ba năm. Nghiệp diễn viên là nghiệt ngã, không phấn đấu hết mình cho nó sẽ nhanh chóng bị loại. Ngay cả các diễn viên được đào tạo qua trường đại học sau đó cũng về các nhà hát, các đoàn kịch... lúc đó việc đóng phim lại trở thành nghiệp dư (một vòng tròn luẩn quẩn giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư!). Một số diễn viên quan niệm nghề này cũng chỉ giới hạn trong một khoảng đời chứ không phải là mãi mãi nên phải làm việc hết mình trong những năm tháng đẹp nhất, từ đó làm bàn đạp để đến với những nghề khác (thư kí, trợ lý, văn phòng...) khi tuổi đời đã "đuổi tuổi nghề"!.
Hiện nay, nhiều người vẫn cứ thắc mắc phim Hàn Quốc nội dung cũng bình thường nhưng tại sao lại thu hút khán giả Việt Nam đến thế? Câu trả lời không thể phủ nhận được là một trong những yếu tố tạo ra sự hấp dẫn đó chính là đội ngũ diễn viên dù trẻ hay đã có tuổi của Hàn Quốc đều đẹp và "có nghề". Một trong những việc góp phần tạo nên sự hấp dẫn trong phim Hàn Quốc là họ có hẳn một trường dân lập chỉ chuyên đào tạo diễn viên đủ các lứa tuổi (từ 3-60 tuổi). Có thể ví trường này như một "ngân hàng diễn viên", chính vì vậy mà Hàn Quốc luôn có những gương mặt diễn viên mới, vừa đẹp, vừa tài. Một đạo diễn Việt Nam đang hoàn tất bộ phim về môi trường đào tạo diễn viên này của Hàn Quốc và sắp tới sẽ công chiếu tại Việt Nam như một "tài liệu để tham khảo" về một cách thức đào tạo diễn viên có hiệu quả.
Ở nước ta, đây là một mô hình đào tạo diễn viên theo hình thức xã hội hoá đầu tiên (do Nhà nước và Đài THVN thực hiện). Hi vọng lớp DVTH mới này sẽ thực sự góp phần làm rạng rỡ nền nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật giải trí ngày càng cao của khán giả Việt Nam.
|