(VietNamNet) - Như một đối ngược với vài ý kiến hoài nghi trên một số tờ báo, bộ phim Vua bãi rác của Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã được BM Films International (Canada) mua bản quyền. Trước niềm vui này, đạo diễn đã có cuộc trò chuyện với báo chí về chất liệu anh tâm đắc: rác.
|
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn |
- Một lần nữa xin chúc mừng anh về bộ phim Vua bãi rác. Bản quyền bộ phim đã được bán cho Công ty BM Films International (Canada). Anh có cảm tưởng gì khi bộ phim ''ăn khách'' ngoại quốc?
- Xin cám ơn anh đã có lời khen. Khi mang phim sang Mỹ chiếu, tôi rất bất ngờ khi bộ phim ấy thuyết phục được rất nhiều đối tượng, từ người Việt cho tới người Mỹ, từ dân thường, sinh viên cho tới giáo sư, những người trong nghề, đạo diễn, các nhà sản xuất... Nó tạo cho tôi một cảm xúc sáng tác.
Hai nữa, khi biết bộ phim được chiếu ở tuần lễ phim VN tại Đức gây được ấn tượng mạnh nhất trong chùm phim mang sang, điều đó củng cố thêm rằng sức thuyết phục của bộ phim khá là phổ biến.
Thứ ba, đặc biệt những người thích phim của tôi, qua trò chuyện, hoặc các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, hay địa phương, thì tôi thấy họ thích phần lớn là những nội dung nhân văn và yếu tố nghệ thuật trong đó. Hầu như không có ý kiến nào liên quan đến chính trị, thậm chí người ta còn khen bộ phim này hoàn toàn không có ý hướng chính trị, không nhắm tới nói một vấn đề tiêu cực của xã hội VN, mà nó nói một cái gì rất đẹp. Điều đó khiến tôi rất tâm đắc, và tin thêm ở con đường mà mình đã chọn, hướng tới những vấn đề nhân văn, thẩm mỹ.
Tuy nhiên nói ''ăn khách'' ở nước ngoài thì cũng được, nhưng không phải như thế là trong nước nó ''kén khách''. Lâu nay trên một số bài báo có cho rằng Vua bãi rác ''kén khách''. Nhưng không phải. Thực tế Vua bãi rác đã được Phát hành phim quân đội mua tới 8 copi, chiếu rộng rãi cho khắp các đối tượng... Và với một tiếp đón thế nào đó thì lượng copi mới lên đến 8 bản. Vậy có thể nói Vua bãi rác đã thuyết phục được khán giả trong và ngoài nước.
- ''Nhuận bút'' của anh có được tăng thêm khi bộ phim được chiếu rộng rãi ở nước ngoài?
- Mỗi ngày làm phim, đạo diễn được nhận 50 ngàn nhuận bút. Vấn đề nhuận bút bọn tôi không bao giờ đặt ra cả. Bởi nếu đặt ra thì không ai có thể làm phim được, mà sống nhờ những khoản thu nhập khác, từ những việc khác. Lúc làm phim thì cũng có tiền để sống, nhưng trong giai đoạn chờ phim thì không có tiền để sống.
Một phần do giá thành bộ phim thấp. Khi sang Mỹ chiếu, lúc đầu họ hỏi tôi giá thành, tôi nói thật. Sau người đi cùng họ khuyên là anh đừng nói thật, bởi giá đó không chính xác. Giá của các anh nằm trong hệ thống bao cấp, có rất nhiều thứ cấp không, nhiều thứ nhờ vả và nhuận bút cũng không chính xác, không đúng với lao động. Ở Santa Monica khi các nhà sản xuất, các hãng phim tới hỏi mua, theo lời cố vấn kia tôi đã nói cao lên gần chục lần, là 500 ngàn USD (Cười...). Họ rất ngạc nhiên sao phim lại rẻ thế mà chất lượng nghệ thuật lại cao thế... Nhuận bút cũng gắn liền với giá thành phim.
Khi bán phim này thì cũng không có thêm đồng nào nhuận bút cả. May chăng họ có nghĩ đến công lao tôi thiết kế cái hợp đồng này, họ thưởng thế nào thì tôi chưa biết, có thể có, có thể không. Nhưng tiền nhuận bút thêm thì không có.
- Theo anh thì cái gì đã khiến bộ phim Vua bãi rác ''vượt được biên giới''?
- Trước hết là vì nó đi vào những vấn đề nhân văn. Thứ hai nó đề cập đến một vấn đề đặc biệt của văn hoá VN, tức là tình người. Lòng tự trọng, khát vọng vươn lên của một con người dù ở nơi thấp hèn nhất, người ta vẫn không có mặc cảm, tự ti, vẫn muốn vươn đến đỉnh cao nhất, vẫn muốn hiện đại hoá. Khát vọng hiện đại hoá nó len lỏi đến tận đáy sâu nhất của những thân phận con người. Và thông điệp về cái khát vọng này là cái phổ biến, dó đó ở xã hội nào người ta cũng có. Thêm nữa, nó được trình bày qua cái sắc thái riêng của VN. Thứ ba là qua những tìm tòi nghệ thuật mà tập thể đoàn làm phim chúng tôi đã nỗ lực thể hiện để cho nó đạt đến tầm quốc tế. Tất cả yếu tố đó tổ hợp làm nên sức thuyết phục của bộ phim, làm cho nó đến được với khán giả nước ngoài.
- Với tư cách là một khán giả chứ không phải đạo diễn, anh thử đưa ra một vài phân tích về giá trị nghệ thuật bộ phim trên của chính anh?
- Anh hỏi câu này khó quá. Nhưng tôi có thể nói một số ý như sau. Thứ nhất bộ phim này đã chọn được chất liệu độc đáo, đó là rác rưởi. Và rác rưởi không chỉ về vật chất cụ thể, nó còn là những con người bị vứt bỏ, những biển hiệu lỗi thời, thậm chí những giai điệu không ai hát, những giai điệu thoang thoảng, dường như chúng không chịu làm rác, vẫn cố sống, hay cái cầu Long Biên chả ai đi, hay cái tầu điện vứt chỏng chơ trong bãi rác... Thì cái rác ấy nó vừa cụ thể, vừa khái quát, nó như một cái bảo tàng văn hoá của cả một cái xã hội. Do chất liệu đặc biệt này mà nó có sức xuyên thấu, tạo cho bộ phim có sức gợi.
Thứ hai, khi xây dựng nhân vật chúng tôi cố gắng tạo ra những quan hệ nhân văn, những quan hệ làm cho người xem có thể cảm xúc, chứ không thiên về luận đề, không nhấn vào triết lý, tất cả để làm sao cho các nhân vật rất tự nhiên. Khi chiếu ở Mĩ, người ta khen các diễn viên diễn rất tự nhiên. Chúng tôi cho rằng, điều đó là do chúng tôi đã cố gắng trình bày sao cho các nhân vật không một chiều, nhiều biến chuyển, nhiều góc cạnh, không áp đặt.
Thứ ba, trong quá trình kể chuyện, chúng tôi cố gắng tổ chức sao cho logic nghệ thuật và logic cuộc sống nương tựa vào nhau, thậm chí chông chênh giữa hai logic đó tạo nên độ bảng lảng của thơ ca.
Thứ tư, khi mà quay phim chúng tôi cố gắng tạo nên cái chất hội hoạ. Khi xây dựng bối cảnh, chúng tôi đã tạo nên những hình khối mang tính thẩm mĩ, những tầu điện, máy trộn bê tông, xe cũ... là những hình khối nền tảng cho nghệ thuật sắp đặt. Khi xây dựng cái nhà của Trọng - vua bãi rác, chúng tôi đã chọn ít nhất là ba, bốn loại chất liệu, gạch xỉ, gạch thường, giấy dầu, cửa ôtô, tủ lạnh... các loại rác chắp vá vào nhau tạo nên chất hội hoạ rất đẹp... Tất cả những nỗ lực đó đã làm nên chút gì đó gọi là thành công.
- Xin cám ơn đạo diễn!
- Hàn Thuỷ Giang (thực hiện)
|