LHP Cannes 2004: Một năm tốt lành cho điện ảnh TG?
12:31' 14/05/2004 (GMT+7)

Vậy là liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 57 đã được khai mạc “hoành tráng” tại thành phố du lịch thơ mộng phía Nam nước Pháp vào ngày 12/5 và sẽ kéo dài tới tận 23/5/2004. Giống như Oscar của Mỹ, Cannes không chỉ bó hẹp trong phạm vi E.U mà nó còn lan tỏa khắp nơi trên bản đồ điện ảnh thế giới. Cannes 2004 được sự quan tâm của mọi giới và riêng quốc tịch của cánh phóng viên có đăng ký chính thức Ban tổ chức đã là 71…

Áp phích Cannes 2004.

Cũng giống như lễ trao giải Oscar của Mỹ sau vụ khủng bố kinh hoàng năm 2001, Cannes 2004 đã thiết lập một hệ thống an ninh ở mức độ an toàn nhất sau vụ nổ bom ở Madrid 2 tháng trước đây. Trong thời gian tới, châu Âu sẽ lại có những lễ hội rất quan trọng như “Rock in Rio” và Cúp bóng đá châu Âu tại Bồ Đào Nha nên lần này các nhà tổ chức Cannes đã phối hợp với cơ quan an ninh nhiều nước để đối phó kịp thời với nạn khủng bố nhằm không muốn biến mình thành một Madrid thứ 2 và cũng từ đó để các nước láng giềng bên bờ Địa Trung Hải rút ra được những kinh nghiệm cho mình.

Ban giám khảo Cannes 2004.

Không khí trước và hiện tại của buổi lễ diễn ra rất khẩn trương, không những lo về mặt an ninh, kỹ thuật, người ta còn thấy đạo diễn người Mỹ Quentin Tarantino (Chủ tịch Ban giám khảo) chạy show liên tục khi phải ra bắt tay và chào đón thượng khách. Bên cạnh đó, bộ phim “2046” của đạo diễn người Hong Kong Vương Gia Vệ (người đã từng đoạt giải Cannes năm 2000 với “In the mood of love”) cũng đang phải chạy đua với thời gian, ông đang cố gắng biên tập thật nhanh cho bộ phim này để kịp thời tham dự buổi chiếu vào ngày mai nếu không công sức 4 năm trời của ông sẽ không còn được trọn vẹn.

3 người đẹp cùng sánh bước: Củng Lợi, Aishwayra Rai, L.Casta.

Khi mà Oscar của người Mỹ ngày càng tỏ rõ tính thương mại và mang tính “quảng bá” khắp toàn cầu thì Cannes của châu Âu ở mãi bên này Địa Trung Hải vẫn luôn đi theo tiêu chí “nghệ thuật” ngay từ buổi sơ khai của mình. Và cho đến bây giờ, ở liên hoan lần thứ 57 này, Cannes đã vượt qua mọi giải liên hoan phim khác để trở thành một đối trọng ngang ngửa với Oscar về mọi mặt, cả khía cạnh thương mại lẫn chiều sâu nghệ thuật. Ít có giải liên hoan điện ảnh nào mà một bộ phim của Hong Kong, Bosnia… với số vốn khiêm tốn lại có thể cạnh tranh ngang bằng với bộ phim mà số vốn lưng chừng vài trăm triệu USD của Hollywood, và cũng ít thấy những ngôi sao thượng thặng như Tom Hanks, Nicole Kidman… lại đứng thảm đỏ tươi cười cùng với những diễn viên mà sự nổi tiếng mới chỉ trú ngụ trong biên giới nước mình... Nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa lắm vì tiêu chí của Cannes là đặt giá trị nghệ thuật lên hàng đầu sau đó mới nâng dần giá trị thương mại cũng như đánh bóng tên tuổi. Cũng chính nhờ vào giá trị nghệ thuật mà Cannes cổ súy nên người ta mới biết nhiều đến những Gael García Bernal, Elia Kazan, Aki Kaurismaki, Vương Gia Vệ, Lương Triều Vĩ, Củng Lợi, Trương Nghệ Mưu… những người mới thành danh ở quốc gia mà họ đang sinh sống nhưng nếu được cọ xát ở một môi trường như Hollywood thì tài năng của họ không hề thua kém bất cứ ngôi sao nào tại vương quốc điện ảnh này.

Emmanuelle Beart, nữ diễn viên gạo cội người Pháp, người sẽ ngồi ở Ban giám khảo kỳ liên hoan này.

Điều này cũng dễ hiểu, Pháp nói riêng hay các nước Tây Âu nói chung từ trước đến nay vẫn hấp thụ nền văn hóa đa sắc tộc, sự trộn lẫn nhiều nền văn hóa cũng tạo ra một lối sống cũng như cảm nhận “đa văn hóa”. Bên cạnh đó, họ cũng chấp nhận sống chung với văn hóa Mỹ. Nhưng sống chung không đầy nghĩa là chấp nhận cả về mặt tư tưởng. Mỹ có Boeing, châu Âu có Airbus, Mỹ đưa Elvis Presley lên làm vua thì châu Âu cũng có 1 huyền thoại Beatles hay hoàng tử Johnny Hallyday… Mỹ cấm Tây Âu xuất khẩu chuối, thép vào mình, E.U đưa luôn Bill Gates và Microsoft ra tòa vì chuyện độc quyền… Và Mỹ có Oscar thì châu Âu có một Cannes đang ngày càng mạnh mẽ là điều khá dễ hiểu. Và bây giờ nếu bạn nghe được thông tin nhiều ngôi sao Hollywood đã tỏ ra bực bội vì không được mời dự Cannes thì cũng không nên ngạc nhiên lắm vì với chiều dài lịch sử cũng như quyết tâm đi theo tiêu chí đề ra ban đầu của mình, Cannes đã thực sự trở thành một nhãn hiệu có giá trị và nếu người nào đính trên người mình nhãn hiệu ấy thì những bộ phim của họ thành công là điều không tránh khỏi.

Đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar trên thảm đỏ Cannes.

Không giống như Oscar với chỉ một đêm “đế vương”, Cannes là một lễ liên hoan thực sự, được kéo dài hơn 10 ngày với những giai điệu được tuôn về từ 4 phương trời. Những bộ phim của nhiều quốc gia thuộc nhiều châu lục được gửi về và trình chiếu. Có những bộ phim trình chiếu để dự thi và cũng có bộ chỉ chiếu để phục vụ nhưng bù lại người dân sẽ được thưởng thức những sản phẩm văn hóa mà họ chưa hề nghe tới hoặc nếu có cũng chỉ qua sách báo. Xông đất Cannes năm nay là đạo diễn đến từ Tây Ban Nha, quốc gia vừa hứng chịu thảm cảnh khủng bố tại Madrid, đạo diễn Pedro Almodovar. Ông mang đến Cannes bộ phim “Bad Education” với những tinh thần ly kỳ kiểu Hitchcock. Và cũng nhờ bộ phim này mà chàng trai người Mexico Gael García Bernal lần đầu dạm ngõ Cannes và cũng được hứa hẹn sẽ là một trong những ngôi sao sáng nhất tại liên hoan lần này. “Bad Education” sẽ trình chiếu mở màn trong ngày 12, những ngày kế tiếp sẽ là trình chiếu liền mạch tại 3 rạp trung tâm. Người ta đang chờ đón “Nobody knows” (của Koreeda Hirokazu), “Consequences of love” (của Paolo Sorrentino” , “Lady killer” (của Ethan Cohen), “Fahrenheit 9/11” (của Michael Moore), Notre Musique (của Jean-Luc Godard)… những bộ phim hứa hẹn làm bùng nổ Cannes. 19 bộ phim dự thi chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất cho nhiều hạng mục, tuy tính cạnh tranh không cao bằng Oscar nhưng tính nghệ thuật được nâng cao.

57 năm cho một nhãn hiệu toàn cầu.

Lịch sử của Cannes được tính từ 1946, một năm sau thế chiến đệ nhị nhưng thật ra nó đã được tổ chức từ 9/1939 với điều kiện Hitler đừng đánh Ba Lan ngay sau đó. Trải qua bao nhiêu năm tháng, kể cả không đủ kinh phí để tổ chức nhưng Cannes vẫn duy trì được vị thế của mình để đến hôm nay nó trở thành niềm tự hào của người Pháp và cả châu Âu. Những ngôi sao Hollywood muốn thâm nhập vào châu Âu cũng đều phải đi qua ngõ này và cũng chính từ đây, nhiều tên tuổi thuộc nhiều châu lục được biết đến và làm bệ phóng cho tên tuổi mình bay mãi. Không những thế, nhiều nền điện ảnh khác muốn phô trương thanh thế của mình cũng phải cậy Cannes như trường hợp mới nhất của Bollywood. Cannes càng ngày càng nổi tiếng với sự trân trọng của nhiều nhà đánh giá, ít ra cũng không phải ở bề ngoài.

Dưới đây là 10 bộ phim đáng xem nhất của Cannes dưới cái nhìn của tạp chí Guardian (trong ngoặc là tên đạo diễn)

1. Bad Education (Pedro Almodovar)

2. Fahrenheit 9/11 (Michael Moore)

3. Michelangelo's Gaze (Michelangelo Antonioni)

4. 2046 (Wong Kar-Wai)

5. The Motorcycle Diaries (Walter Salles)

6. Hotel (Jessica Hausner)

7. Notre Musique (Jean-Luc Godard)

8. The Life and Death of Peter Sellers (Stephen Hopkins)

9. The Assassination of Richard Nixon (Niels Mueller)

10. I Am a Murderer (Thomas Vincent)

 

  • M.C (tổng hợp)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Họ sẽ làm nên "bản hùng ca"? (14/05/2004)
Đạo diễn Israel làm phim về chiến tranh Việt Nam (13/05/2004)
Hugh Jackman - người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (12/05/2004)
Ấn tượng châu Phi qua những thước phim (12/05/2004)
Phim rùng rợn mê hoặc khán giả Mỹ (10/05/2004)
ĐD Lâm Lê Dũng: Phim thiếu nhi càng khó, càng thích... (09/05/2004)
Phim chỉ trích TT sẽ không được chiếu tại Mỹ? (07/05/2004)
Cá Nemo ''nói tiếng Việt'' sắp ra mắt! (07/05/2004)
"Những cô gái chân dài" chơi nổi? (05/05/2004)
Ngày mai, công chiếu "Ký ức Điện Biên" (05/05/2004)
"Agent Cody Banks", điệp viên nhí siêu hạng (04/05/2004)
''Người tình tổng thống'' hấp dẫn, vì sao? (02/05/2004)
Đại lộ danh vọng "kết nạp" hai thành viên "nhí" (30/04/2004)
"Cầu ông Tượng": Thêm một bộ phim được tài trợ tiền tỉ (30/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang