(VietNamNet) - Sáng 20/5, Vụ Văn hoá dân tộc phối hợp cùng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT) đã tổ chức cuộc hội thảo "Đẩy mạnh hoạt động Điện ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
|
Vợ chồng A Phủ, một trong những phim truyện nổi tiếng về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số. |
Cuộc hội thảo này nhằm tìm ra cơ sở vững chắc về lí luận cũng như thực tiễn cho Đề án đẩy mạnh công tác Điện ảnh phục vụ đồng bào miền núi dân tộc thiểu số mà Bộ VHTT đang xây dựng. Tham dự có ông Vi Trọng Toán - Thứ trưởng Bộ VHTT, Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Cục trưởng Cục Điện ảnh VN, ông Ngô Quang Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc cùng đại diện Trung tâm phát hành phim của nhiều tỉnh miền núi và các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số. 15 tham luận đã được trình bày tại cuộc hội thảo nêu rõ những bức xúc của công tác điện ảnh miền núi cũng như kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục vấn đề này.
Không cần phải nói cũng có thể hình dung được hoạt động điện ảnh ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do địa hình núi cao, đây chính là những "vùng lõm" mà phát thanh truyền hình chưa đến được với người dân, hoặc chỉ đến được với một bộ phận rất nhỏ và rất mờ nhạt.
Mặc dù được Nhà nước bao cấp 100% kinh phí hoạt động chiếu phim; và đã cố gắng rất nhiều nhưng hiện nay, mỗi tháng chỉ có 1đến 2 chương trình băng hình tổng hợp được thuyết minh hoặc lồng tiếng dân tộc. Phim về đề tài miền núi hoặc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ là "ăn theo" và không vượt quá 10% tổng số lượng phim hằng năm.
Việc sản xuất phim phục vụ đồng bào miền núi được chính Thứ trưởng Vi Trọng Toán thừa nhận: "dù có nhiều cố gắng song vẫn còn ở trong tình trạng phổ biến là vừa thiếu, vừa yếu lại chưa thật sự phù hợp". Chất lượng chưa cao, đề tài phiến diện, mảng phim về bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc thiểu số là mảng cần thiết thì lại thiếu trầm trọng. Các chương trình chuyên đề dành riêng cho đồng bào không đến nỗi thiếu, song nội dung lại chưa thật phù hợp với từng vùng và chưa thật sự hấp dẫn đồng bào. Một vấn đề lớn nữa là sự yếu kém trong khâu lồng tiếng dân tộc vào phim. Mảng phim hoạt hình, phim ca nhạc thì hầu như trống trải hoàn toàn.
Khâu phát hành phim còn ở trong tình trạng bê bối hơn. Tất cả dường như chỉ trông chờ vào... đội chiếu bóng lưu động, hệt như trong thời bao cấp. Chưa hết, có khi cả đội chỉ có 3,4 người và thiết bị thì chỉ có màn hình ti vi để phục vụ cho cả đám đông. Có được một chiếc máy chiếu video 100 inch đã được coi là may mắn, nhưng dân phải đợi dài cổ mới được một lần xem chiếu bóng trên một màn hình đã nhoè nhoẹt vì hầu hết máy chiếu đã dùng quá thời hạn cho phép. Ông Lê Tiến Dũng (Văn phòng Bộ VHTT) nêu lên một thực tế buồn: phương tiện chiếu bóng lưu động lại lạc hậu hơn các phương tiện nghe nhìn của đồng bào.
Làm gì để phát triển Điện ảnh miền núi? - Các đại biểu đều có chung ý kiến là trước hết phải kiện toàn trang thiết bị cho các đội chiếu bóng lưu động ở mỗi huyện (máy chiếu phim 35 ly, máy quay phim nhựa, mỗi tỉnh có phòng thu lồng tiếng dân tộc...). Quan trọng hơn nữa, Cục Điện ảnh, Trung tâm Điện ảnh băng hình, Công ty FaFilm VN cần cung cấp đủ phim cho các đội chiếu bóng lưu động, đồng thời hằng năm có kế hoạch làm phim nhựa về đề tài miền núi. Cuối cùng, cần có một chính sách đãi ngộ phù hợp cho những người làm công tác chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào dân tộc và miền núi.
|