ĐD Judd Ne’eman:
Phim chiến tranh nói nhiều hơn sách sử
04:20' 27/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Judd Ne’eman, một trong những nhà làm phim tài liệu về chiến tranh, vừa đến VN để chuẩn bị cho bộ phim Documenting the Vietnam Wound (Vết thương VN). Phóng viên VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ngắn với GS. Judd Ne’eman. 

Đạo diễn Judd Ne'eman.

- Sinh ra tại Israel, vùng đất chiến sự liên miên, ông quan niệm thế nào về chiến tranh, và phim về chiến tranh? 

- Những bộ phim chiến tranh có thể nói với chúng ta rất nhiều điều không thể tìm thấy trong các cuốn sách lịch sử. Vì lẽ đó, những bộ phim truyện lịch sử đôi khi còn ý nghĩa hơn nhiều các phim tài liệu, đôi khi có cảm giác như những bộ phim đó giống thần thoại hơn. Bộ phim không chỉ dựa trên các sự kiện lịch sử có thật, mà còn tiết lộ những khía cạnh chưa từng được biết đến về cuộc chiến không bao giờ có trong các tài liệu lịch sử. Những bộ phim về chiến tranh không chỉ là một hình thức giải trí truyền thông đại chúng, mà chúng còn là phương tiện tuyệt vời cho chúng ta sự hiểu biết về chiến tranh và nhân tính.  

- Chắc hẳn ông đã có kế hoạch cụ thể cho quá trình thực hiện "Vết thương VN", mục đích chính của chuyến thăm VN lần này? 

- Tôi và các sinh viên đã dành trọn một học kỳ để học về lịch sử, và về những bộ phim về chiến tranh VN. Khi xem những bộ phim tài liệu đa dạng đó, chúng tôi có thể học được rất nhiều điều, và thảo luận về cách làm tốt nhất cho phim của mình. Nói chung, cuộc chiến tranh VN vẫn còn hiện diện rất sâu đậm trong ý thức của nhiều người Mỹ như là một sự kiện lịch sử quan trọng. Bộ phim chúng tôi đang triển khai lấy cảm hứng từ cuốn The Other Side of Heaven (Phía bên kia Thiên đường), tập hợp những câu chuyện nhỏ về chiến tranh do các cựu chiến binh VN và Mỹ viết. Nhà văn, đồng thời cũng là cựu chiến binh Mỹ, Wayne Karlin là một trong những nhân vật quan trọng tham gia thực hiện bộ phim này. Vết thương VN đi theo khá nhiều chủ đề và những mạch khác nhau. Bộ phim đầu tiên này của chúng tôi là ký ức chiến tranh trong mắt của các nhà văn cựu chiến binh và các nhà làm phim đã từng tham gia cuộc chiến ở cả hai bên chiến tuyến. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào cái nhìn, quan điểm, cũng như phác hoạ hình ảnh của thế hệ thứ 2, những người mà giờ đây chiến tranh là một hình ảnh xa lạ và mờ nhạt.  

- Sang VN lần này cùng các sinh viên của ông đến từ ĐH Tổng hợp New York, nhiệm vụ của họ là gì? 

- Tôi dùng từ "chúng tôi" vì bộ phim tài liệu này được thực hiện bởi một nhóm sinh viên và giáo viên. Chúng tôi hy vọng Vết thương VN sẽ phản ánh được nhiều chiều về cuộc chiến tranh ở VN. Đoàn làm phim sẽ làm việc theo nhóm, mỗi nhóm sẽ tập trung một cuộc phỏng vấn, các sinh viên sẽ được phát huy tối đa những gì họ đã được học, còn bản thân tôi cũng tham gia thêm với vị trí một người biên tập chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để "bắt" được những cảnh quay đẹp, và thực hiện những cuộc đối thoại có ý nghĩa với những nhân vật như: nhà văn cựu chiến binh Lê Minh Khuê, Dạ Ngân; nhà báo - dịch giả Phan Thanh Hảo; đạo diễn Trần Văn Thủy, đạo diễn sân khấu kiêm diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc. Về phía Mỹ cũng có sự góp mặt của các nhà văn cựu binh, nhà thơ và các sử gia được chúng tôi phỏng vấn tại New York.  

- Sắp tới ông có ý định tiếp tục làm việc tại VN? 

- Bản thân tôi cũng là một cựu chiến binh, và là một nhà làm phim đến từ Israel. Tôi đã từng làm nhiều bộ phim chiến tranh, và liên quan đến quân đội trước đây. Tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Vết thương VN. Cho dù đây có thể là dự án cuối cùng tôi làm tại đây, nhưng tôi hy vọng sẽ có cơ hội làm một bộ phim về VN hiện đại. 

- Xin cảm ơn ông!

Vài nét về đạo diễn Judd Ne'eman

Đạo diễn Judd Ne'eman là giáo sư giảng dạy về làm phim tài liệu tại ĐH New York. Ông là một trong những nhà làm phim hàng đầu Israel, và từng là người tiên phong trong việc hiện đại hóa nền điện ảnh nước này thập niên 70. Mối quan tâm đến điện ảnh chiến tranh và ảnh hưởng của chiến tranh tới văn hóa bắt nguồn từ những năm tháng đạo diễn Judd Ne'eman ở trong quân đội Israel. Áo dài (1970), Lính dù (1977) là hai bộ phim được đánh giá cao về sức sáng tạo thuộc chủ đề này. Chính Áo dài đã khiến các nhà phê bình phim coi ông là hình ảnh tiên phong trong trào lưu "Làn sóng mới" của điện ảnh Israel. Các phim tiếp theo của ông như: Seamen's Strike (1981), Fellow Travellers (1984), Streets of Yesterday (1989)... của Judd Ne'eman đều được đón nhận và khen ngợi. Judd Ne'eman là một trong những người sáng lập ra ngành nghiên cứu điện ảnh ở Israel. Ông cũng đã xuất bản nhiều bài báo và hiệu đính không ít sách về điện ảnh nước này, cũng như về mối quan hệ điện ảnh - chiến tranh. Ấn phẩm gần đây nhất của Judd Ne'eman là phần về điện ảnh Israel in trong cuốn Bách khoa hướng dẫn về điện ảnh Trung Đông và Bắc Phi (NXB Routledge - 2001)...

  • B.H (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cuộc "xâm lăng" của điện ảnh Châu Á (26/05/2004)
Võ thuật trong phim Lục Vân Tiên (25/05/2004)
''Nữ hoàng rắc rối'' đến VN (25/05/2004)
Cơ hội cho các "mầm non" điện ảnh (25/05/2004)
Hồ Xuân Hương lên sóng truyền hình trực tiếp! (24/05/2004)
''Người đàn bà mộng du'' sang Thượng Hải (21/05/2004)
Thêm một mùa "Sao Mai" lấp lánh! (20/05/2004)
Điện ảnh cho miền núi: thiếu và chưa phù hợp! (20/05/2004)
"VTV Bài hát tôi yêu" lần 3 có bớt hay? (20/05/2004)
LHP Nhật Bản tại Hà Nội (19/05/2004)
Vĩnh biệt đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích (18/05/2004)
"Dị nhân 2" đổ bộ rạp Hà Nội (18/05/2004)
Phim "Troy" thu 45,6 triệu USD sau ba ngày (17/05/2004)
Điện ảnh Việt Nam: Thiếu chuyên nghiệp hay thiếu...? (16/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang