(VietNamNet) - Một phương thức làm phim tài liệu mới nhưng không lạ vừa được thầy Pháp chuyển giao cho trò Việt qua khóa học Varan. Vài phim thực hành vừa được chiếu ra mắt. Thấy gì?
Varan là gì?
|
Logo của chương trình. |
Đây là tên gọi một chương trình đào tạo làm phim tài liệu của Pháp. Được tổ chức tại Pháp và nhiều nước khác, chủ yếu là tại các quốc gia đang phát triển, Varan giảng dạy, hướng dẫn cho học viên tất cả các khâu trong việc làm ra một cuốn phim tài liệu theo lối thu âm ghi hình đồng bộ, trực tiếp. Cách làm phim này xuất phát từ thực tế những năm Thế chiến thứ hai khi người làm phim cần phải thao tác nhanh các công đoạn trong thời gian ngắn nhất.
Thế nhưng phải đến thập niên 1960, dòng "điện ảnh trực tiếp" này mới thực sự ra đời với những thiết bị ghi hình, thu thanh gọn nhẹ. Theo đó, năm 1981, chương trình Varan chính thức ra mắt. Những giảng viên của chương trình này đã đến Việt Nam và tuyển 13 học viên để truyền đạt một phong cách làm phim mới mẻ. Trong một tháng, học viên phải vừa học lý thuyết, vừa xem, phân tích phim, chọn đề tài làm phim, và hai tháng còn lại phải lao ra đường thực hiện đề tài.
Một thể loại khó
|
Nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê. |
Kiểu làm phim này đòi hỏi người thực hiện phải theo sát nhân vật và diễn tiến của câu chuyện. Đấy là khó khăn bậc nhất nhưng lại là cái mang đến sự chân thực, bám sát tưởng chừng đến cả hơi thở của nhân vật. Đoàn Gia Mẫn, phóng viên Đài Truyền hình Thừa Thiên - Huế, tham gia khóa học này, tâm sự: "Làm sao để nhân vật của mình không sợ máy quay là khó khăn lớn nhất của tôi. Không chỉ nhân vật chính mà cả những người cùng cảnh ngộ xung quanh anh ta cũng rất sợ máy quay phim. Tôi đã mất 10 ngày để tiếp xúc làm quen với họ. Rất tiếc nhân vật của tôi không xem được phim tôi làm nên không biết phản ứng của anh như thế nào".
Cha đã về của Đoàn Gia Mẫn là một câu chuyện trần trụi nhưng xúc động về những người đàn ông nông thôn lên Hà Nội lấy cơ bắp của chính mình để mưu sinh, đổi lấy những đồng bạc lẻ của người thành thị. Và một người thành thị, một sinh viên với khát khao làm giàu trong Đường xa của Đoàn Hồng Lê cũng hiện lên thật sống động. Chị kể: "Trong vòng nửa tháng, nhân vật đi đâu tôi theo đó, để anh và cả những người xung quanh quen với máy quay. Đến lúc họ đã quen thì, thậm chí, cô bạn gái của anh còn thể hiện tình cảm trước máy rất tự nhiên. Họ đã để cho tôi ghi lại những giây phút riêng tư nhất của họ với nhau".
|
Đạo diễn trẻ Đoàn Gia Mẫn. |
"Cách làm này giúp phim gần gũi, sát với thực tế, thậm chí nhà làm phim có thể hóa thân vào nhân vật, vào phim để kể về cuộc đời nhân vật, cuộc đời mình. Các giảng viên không đi cùng học viên mà để họ tự quay, xoay xở, khó khăn thì tự giải quyết. Khi họ đã quay xong, giảng viên mới xem, phân tích, phê bình" - ông André Van In, giảng viên của khóa học này, cho biết. Không một lời bình, hình ảnh tự nhiên, âm thanh được chăm chút kỹ lưỡng là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Với lối làm phim tài liệu này, theo ông André Van In, "nó trực tiếp khơi gợi những cảm xúc thực sự trong lòng khán giả. Cảm xúc ấy giúp họ khám phá những câu chuyện của nhân vật trong phim, hiểu được những người xunh quanh mình sống như thế nào và như thế cảm xúc của họ lại tiếp tục được vun đắp".
Nhìn xa hơn
Tuy thừa nhận vui vẻ rằng ngay chính mình cũng còn "chóng mặt" khi xem lại phim của mình vì những góc quay động, âm thanh gần như không "biên tập", song các đạo diễn trẻ đều thừa nhận đây là một cách làm phim hiện đại, trung thực. "Là một phóng viên truyền hình, thỉnh thoảng tôi cũng làm dạng phóng sự người tốt việc tốt nhưng cách làm cũ không thể nào tiếp cận được nhiều mặt tốt lẫn xấu của nhân vật. Tôi rất thích thú khi tiếp cận nhân vật theo kiểu này" - Đoàn Hồng Lê (Đài Truyền hình Đà Nẵng) hồ hởi. Cách làm phim thoạt nhìn cứ như một tay máy nghiệp dư thực hiện này quả thực chưa được các nhà làm phim Việt Nam sử dụng. Không dàn dựng, sắp đặt như vẫn thấy trong nhiều phim tài liệu nhưng vẫn có cảm giác kịch tính có thể xảy ra bất ngờ trong những phim dạng này. Bởi nó cứ mặc sức "lia" theo đời sống, mà đời sống thì vốn dĩ lắm khúc quanh bất ngờ.
Chương trình Varan không chỉ giúp đào tạo mà còn mang thiết bị kỹ thuật đến để hỗ trợ việc tác nghiệp cho học viên, sau đó tất cả thiết bị đều được để lại nước sở tại. Ông Alain Millot, Tùy viên hợp tác văn hóa Pháp tại Việt Nam "dọa": "Các giảng viên sẽ trở lại Việt Nam lần hai, lần ba để "kiểm tra" xem học trò của họ đã làm được gì và củng cố những gì". Và ông cũng hứa hẹn giúp giới thiệu những bộ phim này đến các liên hoan phim quốc tế: "Tại sao lại không nghĩ đến việc chúng được chiếu ở các liên hoan phim, đặc biệt là Liên hoan phim ngắn Clermont Ferrand?". Nhìn xa hơn ai cũng muốn nhưng nhìn lại, liệu những nhà làm phim trẻ khi về đơn vị của mình, có còn được áp dụng những gì đã học vào thực tế? Liệu phong cách làm phim trực tiếp ngồn ngộn hơi thở cuộc sống này có được thừa nhận, tiếp thu và phổ biến rộng rãi?
|