(VietNamNet) - Xem xong phim, có người nói đùa: Những cô gái chân dài sẽ "nuốt chửng" Gái nhảy về độ "sốc" và cả tiêu thụ vé.
|
Một cảnh trong phim. |
Có nhiều cơ sở để tin điều đó, nhất là nếu nó thừa hưởng được từ "Gái nhảy" kiểu... tiếp thị truyền khẩu tự phát. Diễn viên đẹp, chân rõ...dài, và diễn xuất không khô cứng. Câu thoại nghe "đời" chứ không đầy đủ chủ vị ngữ như những câu vẫn thường nghe thấy trong nhiều bộ phim kể cả mì ăn liền và "lương khô". Vấn đề phim đề cập được giới trẻ cực kỳ quan tâm: đời sống của những cô gái "váy ngắn chân dài" và những chàng trai mắc bệnh đồng tính.
Hóm hỉnh, sống động!
Câu chuyện từ ước mơ của một cô gái thôn quê (Anh Thư đóng), lên thành phố và chẳng mấy chốc "lột xác", hòa mình vào thế giới của các người mẫu và không nằm ngoài quy luật đào thải khắc nghiệt của nó. Sự nổi tiếng mà cô đạt được đã phải đánh đổi nhiều thứ: sự ngây thơ trong trắng, lòng tin, tình yêu đầu tiên và cả tình cảm chị em ruột thịt. Đồng thời, thế giới phức tạp của ánh đèn sân khấu và môi son má phấn cũng nhanh chóng biến cô thành một kẻ cơ hội, chụp giật. Cuộc sống đã đổi màu khi cô chợt nhận ra tất cả những điều mình mơ ước không thể đạt được một cách hoàn hảo nếu chỉ dựa vào một đôi chân dài và khuôn mặt đẹp cùng với những thứ tình cảm tầm thường. Rồi cô nuối tiếc: cuộc sống còn cần có sự yêu thương! Phim kết có hậu, cô người mẫu đã nổi danh chấp nhận rũ bỏ hết những thứ danh lợi phù phiếm, quay trở lại với hình ảnh và cuộc sống đơn sơ, lại được sống trong tình yêu trong sáng đã có lần tuột mất.
Nội dung cơ bản chỉ có vậy. Những cô gái chân dài còn được đặc biệt quan tâm bởi sự thể hiện của một "tay" đạo diễn trẻ cả về tuổi đời lẫn nghề tự dưng được báo chí liên tục nhắc tên: Vũ Ngọc Đãng. Xem phim, có thể nhận thấy ngay sự "thân thiết" của Đãng và một vốn hiểu biết không nhỏ của anh với giới người mẫu. Nếu biết anh đã từng là nhiếp ảnh gia của báo Mốt từ nhiều năm nay và quen tên trong giới chụp ảnh thời trang thì chắc sẽ chép miệng "thảo nào!". Càng thấy diễn viên trong phim "y chang" ngoài đời hơn nếu biết ít nhiều trong số họ (tất nhiên không phải là Trương Thanh Long trong vai gay và nhiếp ảnh gia Hải Đông (vai Đông Hải) chuyên cặp bồ với người mẫu ảnh. Những người mẫu vào vai khá "ngọt" - đáng ngạc nhiên và hoàn toàn không đáng bị gọi là những "bình hoa di động" như đã có lần bị gọi thế. Ngoại trừ một số cảnh anh chàng nhân viên quảng cáo và người bạn gái trò chuyện đột nhiên có những tràng cười nắc nẻ không đâu vào đâu hoặc khán giả tự hỏi "tại sao các người mẫu đang biểu diễn lại bị công an bắt", thì bộ phim đã tương đối "nuột nà". Có những trường đoạn được các người mẫu diễn xuất rất tự nhiên, đôi khi sự hóm hỉnh đã khiến khán giả bật cười thích thú và cũng có khúc làm nên không khí trầm tư.
Một điều dễ nhận thấy, hầu hết những vai diễn trong phim đều được "bê nguyên" nhân vật ngoài đời vào: người mẫu "xịn" trong vai người mẫu, có cô để nguyên tên thật (Xuân Lan, Ngọc Nga), có người "cải biên" một chút; Hải Đông vẫn đảm nhận vai nhiếp ảnh và thêm vai trò lăng-xê người mẫu; "chủ lò" luyện thi hoa hậu đất cảng Hải Phòng Hoàng Ngọc Sự được dịp thể hiện tài năng huấn luyện người mẫu trong vai "bầu sô thời trang" - cũng tên Sự, chuyên gia trang điểm Nguyễn Hùng dù chỉ xuất hiện ít phút cũng được nhắc tên thật và trang điểm cho người mẫu; đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cũng chỉ trỏ "như thật"... Chuyện hậu trường của người mẫu, sự ganh đua từ trang phục diễn, ghen tức, đố kị và hám danh khá phức tạp trong giới này đã được phần nào "phanh phui" trên màn ảnh. Cuộc sống thường nhật và những hoàn cảnh, tâm tư khác nhau của nhiều cô gái trẻ ước mong sự nổi tiếng cũng được đề cập tới. Nhưng nếu mục đích của phim là để người xem có cái nhìn thiện cảm hơn, nâng niu hơn về giới người mẫu thì hình như chưa đạt tới.
Sẽ kín rạp nhờ những "chiêu" độc!
Hôm qua, trước ngày chính thức công chiếu ở Hà Nội, Công ty Thiên Ngân - Nhà sản xuất đã tổ chức một buổi chiếu ra mắt báo giới. Rạp Tháng 8 toàn... chân là chân! Những Poster đẹp nhất được tuyển chọn từ cuộc thi "Thiết kế Poster cho phim đã được dán khắp rạp, khá nổi bật. Đài Truyền hình Hà Nội - thời gian trước giờ chiếu phim có hơn 1 phút để quảng cáo cho bộ phim với những cảnh "nóng bỏng" nhất. Vé được tiếp thị tới tận từng công ty với mức giá chỉ bằng một bữa cơm trưa văn phòng.
Không dùng những mỹ từ hoa lá hay những ý tưởng nghệ thuật chơi vơi, với Vũ Ngọc Đãng, làm phim Những cô gái chân dài ngoài sự yêu thích điện ảnh và muốn khẳng định mình còn có mục đích thương mại hết sức rõ ràng: "Tìm đúng thị hiếu và đáp ứng nhu cầu của khán giả, và đạt mức doanh thu cao". Một cách làm phim mới, dám thử nghiệm và được hậu thuẫn từ A đến Z như Những cô gái chân dài cùng những bước đi tiên phong trong chuyện chuyên nghiệp hóa cách tiếp thị phim đã thực sự làm khán giả chú ý. Chắc cũng chẳng ngẫu nhiên, ngay sau Những cô gái chân dài, Công ty Thiên Ngân lại tiếp tục đặt hàng Vũ Ngọc Đãng một kịch bản phim... kinh dị.
|