(VietNamNet) - Đến Hội chợ phim Hongkong có thể mua hoặc bán từ thượng vàng đến hạ cám: phim hay, phim dở lẫn phim tàm tạm... thế nhưng phim Việt Nam thì vẫn không được ai ngó ngàng tới!
Đi chơi chợ phim?
|
Gian hàng Việt Nam tại chợ phim Hongkong 2003. |
Với việc tham dự hội chợ phim Hongkong từ 23 đến 26/6 tới, dân trong ngành điện ảnh truyền hình Việt Nam lần thứ ba kéo nhau sang chợ xứ người mua bán phim. Những người đã đi chợ phim lần trước (năm 2002; 2003) kể lại rằng: gian hàng của Việt Nam khi ấy rất khiêm tốn, các đơn vị cùng đi phải chen chúc nhau mới tìm được...chỗ đứng! Được biết năm nay bộ mặt gian hàng của ta đã khá hơn: rộng rãi và được thiết kế hấp dẫn hơn.
Các cá nhân, đơn vị trong nước tham gia hội chợ được Công ty BHD lo giùm từ việc thiết kế trình bày các sản phẩm đến quảng bá thương hiệu, thậm chí giúp luôn khâu giao dịch mua bán. Vì thế họ chỉ chuẩn bị những chuyện bên nhà, còn khi đã sang đến chợ, gần như không phải động tay động chân. Nhưng vẫn không tránh được những bỡ ngỡ, vì thực tế trong ba lần tham gia kể trên, không phải đơn vị nào cũng dự đủ cả ba, trong khi hội chợ phim Hongkong thì đã có chừng 30 năm tuổi. Ông Nguyễn Khải Hoàng, Trưởng phòng kinh doanh HP Giải phóng, lý giải: "Người ta tham gia liên tục trong nhiều năm nên đã quen và có "sạp hàng" riêng của mình tại chợ, cứ thế đến hẹn lại lên. Còn chúng tôi thì chỉ có một "sạp" gọi là tương đối tươm tất kể từ lần thứ hai năm 2003".
Họ sẽ lên đường vào ngày 22/6. Lần đi chợ này, người đi đã đông hơn, không chỉ các hãng phim (HP) Nhà nước mà còn có các đơn vị nhập phim, HP tư nhân. Fafilm Việt Nam, Fafilm Việt Nam tại TP.HCM, Công ty Phát hành phim và chiếu bóng TP.HCM đi để mua phim về chiếu; HP Truyện Việt Nam, HP Truyện 1, HP Giải phóng, HP Truyền hình TP.HCM (TFS), HP Trẻ, Phương Nam phim thì chủ yếu đi để bán phim. Thế nhưng...
Chỉ biết làm, chưa biết buôn bán phim!
Trong hành trang của các đoàn, nhiều nhất là TFS (5 phim dài tập, 2 phim lẻ) và Phương Nam phim (với loạt phim cổ tích Việt Nam, phim du lịch Việt Nam), còn các đơn vị khác chỉ từ một đến ba phim. Cho rằng việc mua bán một cuốn phim không phải như chuyện mua con cá, mớ rau, ông Nguyễn Việt Hùng, GĐ Hãng TFS, người đã đi hội chợ phim này nhiều lần, nói: "Chuyện mua bán chưa phải là nhu cầu bức xúc. Lâu nay thiên hạ chưa biết đến ta, muốn họ dùng sản phẩm của mình thì mình phải trưng thương hiệu đó ra. Đây coi như là một bước tập dượt, tiếp cận đưa sản phẩm của mình ra". Thế nhưng nếu biết rằng hội chợ phim Hongkong thực sự như một cái chợ đúng nghĩa thì lập luận trên của ông Hùng chưa phải đã thỏa đáng. Hội chợ này mua bán từ thượng vàng đến hạ cám, phim hay, phim dở lẫn phim tàm tạm đều có đủ, thế thì tại sao phim Việt Nam không được ai ngó ngàng tới?
|
Phố Hoài, phim của Hãng TFS bán cho Malaysia. |
Hạn chế về mặt kỹ thuật không phải là nguyên nhân bao trùm của sự ế ẩm này như lâu nay người ta vẫn nói. Có chăng là chúng ta thiếu các chiêu thức tiếp thị quảng bá để hấp dẫn công chúng, ít ra cũng phải kéo được chân họ ghé đến gian hàng của mình, không mua lần này rồi lần sau có thể sẽ mua. Thực tế là nhờ xuất hiện tại hội chợ phim Hongkong năm ngoái, Hãng TFS sau đó đã bán được vài phim (Giữa dòng, Phố Hoài, Cầu thang tối) cho đối tác Malaysia thông qua Công ty BHD. Ông Nguyễn Việt Hùng thừa nhận: "Sản phẩm của mình có hay, có tốt mấy mà người ta không biết thì cũng không thể nào bán được. Vì thế chúng tôi phải cho phim của mình xuất hiện thường xuyên trong chợ để khách hàng quen dần. Tiếng tăm mà được lặp đi lặp lại thì sẽ có tác dụng thôi".
Phó GĐ HP Giải phóng, ông Nguyễn Thái Hòa cho rằng: "Phim ảnh của chúng ta chưa vượt được biên giới của mình, chưa biết kinh doanh sòng phẳng. Những chợ phim như thế này là một hướng để đưa phim ra bên ngoài". Tuy nhiên, dường như tự ti với chất lượng hàng hóa của mình nên các nhà sản xuất Việt Nam hầu hết đều nói rằng "đi chủ yếu để làm quen". Khá hơn là "đi để học cách buôn bán của thiên hạ". Thậm chí có ý kiến rằng "ta chưa đủ khả năng để bán được phim"! Nằm trong vòng tự cung tự cấp lâu nay, các nhà sản xuất trong nước bị "ngợp" khi tiếp cận với cung cách làm ăn sòng phẳng, cạnh tranh ở bên ngoài.
Đi để bán phim thì khó khăn hơn nhiều so với công việc của các đơn vị đi mua phim. Lâu nay các HP vẫn phó thác sản phẩm của mình cho đơn vị xuất nhập khẩu phim, giờ đã tự lo liệu và đến chợ biết có người mua, có kẻ cần bán. Thế nhưng đi chợ mà lại như đi chơi, chưa thiết tha lắm chuyện bán được hàng thì đến bao giờ chúng ta tiến đến mục tiêu xa hơn, rằng một ngày nào đó phim Việt Nam được mua bán một cách thường xuyên, bình thường?
|