(VietNamNet) - Sidecar, thứ xe lai ô-tô và xe máy to tổ chảng song vẫn có khối người mất ăn mất ngủ vì nó. Loại xe này rất kén người chơi nhưng vẫn tồn tại qua năm tháng nhờ những kẻ đam mê cảm giác mạnh và ham thích khám phá.
Có tiền cũng không mua được...
|
Sidecar: Niềm đam mê khám phá của một bộ phận thanh niên. |
Sidecar được dùng chủ yếu trong quân đội, công an và ngành thể dục thể thao (TDTT) nên chẳng có mấy người dùng. Một phần vì không được phép đăng ký, phần vì quá kềnh càng.
Mặc dù vậy, những người có của ăn của để và có sở thích khác người ở Hà Nội tìm cách "chui" vào CLB Mô-tô Hà Nội thuộc Sở TDTT để có quyền sử dụng loại "xe hiếm" ấy. CLB này có khoảng 100 thành viên nhưng chỉ có khoảng 10 người chơi xe Sidecar với vài chiếc được sử dụng thường xuyên, do giá cả của nó không "bèo" chút nào. Một chiếc xe mới dao động từ 5.000-10.000 USD, có chiếc lên đến 20.000 USD. Hiện giá bán đấu giá một chiếc Harley Davidson sản xuất năm 1942 trên mạng Ebay khởi điểm là 13.000 USD. Ural Bavarian Classic 750 sản xuất năm 2002 có giá khởi điểm 7.750 USD. Chiếc Dnepr MT 11 của BMW giá khởi điểm là 2.800 USD. Xe GL1500 Aspencade của Honda sản xuất năm 1995 cũng có giá chừng 7.000 USD... Chỉ những người an tâm về chuyện tiền bạc mới nghĩ đến việc “tậu chơi” một chiếc mới.
Nổi tiếng nhất trong giới chơi sidecar Hà Thành là anh Nguyễn Đức Hiếu. Nhắc đến biệt danh Hiếu "3 bánh" dân chơi mô-tô Hà Nội đều “ngã mũ khâm phục”. Ngay từ thời xe đạp cực thịnh và thời tem phiếu, Hiếu đã có những chiếc xe đạp ngang tầm với Peugeot. 30 năm chơi xe, hàng trăm chiếc đã qua tay Hiếu toàn loại "độc", loại hiếm mới chết! Những năm 1970, Hiếu chơi xe Lid (Honda), Peugeot... những thứ mà dân Hà Nội lúc đó chỉ vài người có. Bắt đầu chơi xe ba bánh từ năm 1996, đến giờ Hiếu đã có hai chiếc Dnepr khiến dân mê Sidecar "thèm thuồng". Lai lịch của chúng cũng rất đặc biệt...
Một chiếc đã chạy được 500 cây số, Hiếu phải dò dẫm lên Vĩnh Phú để mua lại. Đây là chiếc Sidecar của một ông bạn trong đội vì túng tiền nên đành chia tay với chiếc xe ba bánh dù đã nhiều lần nhờ nó mà được mọi người... hâm mộ.
Chiếc còn lại thì cũng "ly kỳ" chẳng kém: Những năm đầu thập kỷ 1990, mua phụ tùng thay thế của xe Sidecar cho dân trong đội Mô-tô Hà Nội rất khó nên anh phải mò mẫm đến các đơn vị quân đội nhờ giúp đỡ mua lại những hàng thanh lý để lấy phụ tùng. Có lần, bắt gặp một chiếc Sidecar két bụi, sẵn máu của người chơi xe, Hiếu đánh liều hỏi mua, không ngờ lại thành công vì đơn vị đó cũng chẳng biết làm gì với cái đống sắt vụn ấy. Sau khi khuân về, Hiếu mới biết đó là chiếc SideCar chưa chạy một cây số nào và được Liên Xô (cũ) sản xuất trên dây chuyền của hãng BMW (Đức). Số là Sidecar được hãng BMW của Đức sản xuất dùng cho Chiến tranh Thế giới lần II vì có độ bền cao, thích hơp với mọi địa hình, công suất lớn, khả năng chuyên chở tốt, tốc độ 120km/giờ và đi rất an toàn. Khi phát-xít Đức bại trận, toàn bộ dây chuyền sản xuất của hãng BMW thuộc về Hồng quân Liên Xô (cũ) như một chiến lợi phẩm. Sau đó, những chiếc xe Sidecar loại M66, M67, Dnepr, Ural lần lượt ra đời tại Liên Xô (cũ) trên dây chuyền của BMW… Chỉ có ngành quân đội và công an mới được quyền đăng ký xe Sidecar. Thêm nữa, loại xe này đi qua đường viện trợ nên hầu hết dân nghiền Sidecar chỉ dùng đồ cũ chứ nói gì đến của hiếm. Thế là nghiễm nhiên Hiếu "3 bánh" có trong tay hai chiếc Sidecar mà theo đánh giá của dân chuyên về xe ba bánh thì đó là hai "quả" độc nhất vô nhị và đắt nhất ở Việt Nam!
Rất nhiều người đề nghị Hiếu bán lại với "bất cứ giá nào" nhưng nhất định anh không bán. Khác với những người chơi xe cũ và thay đổi các chi tiết theo ý tưởng của họ, xe đã vào tay Hiếu phải sẵn sàng chạy tốt chứ không chỉ để ngắm. Với anh, "đắt rẻ không thành vấn đề, miễn là đáp ứng được yêu cầu". Để có chỗ chứa hai chiếc SideCar và một chiếc ô-tô ba bánh tự chế, Hiếu phải "gửi" trong ga-ra của ông bạn có "miếng" đất 10.000m2 tại bãi Phúc Xá.
Hiếu "3 bánh" mua hẳn hai chiếc Sidecar không phải tham cho mình mà là để dành cho con trai và rất muốn lôi con vào sở thích này. "Hổ tử" tên Nguyễn Hoàng Hiển, sinh viên năm thứ hai Học viện Ngân hàng, lại chỉ chấm chiếc màu đen và cũng rất phục tài bố. Mỗi tuần, hai bố con dành một buổi cùng lái xe và bàn tán về Sidecar rất hào hứng.
Trẻ hơn, lãng mạn hơn là một hoạ sĩ đại diện cho lớp trẻ sành điệu: Trần Nhật Thăng. Với mái tóc dài, cổ tay đầy vòng bạc, bề ngoài có phần lập dị, việc Thăng "chơi" luôn một chiếc xe ba bánh loại công an phường thường dùng chẳng có gì là lạ. Năm 2000, Thăng "vớ" được chiếc Ural sản xuất năm 1982 với "giá rẻ không": 6 triệu đồng. Anh không ngần ngại bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sửa chữa, "mông má" theo ý mình. Thỉnh thoảng Thăng mới lôi ra đi, còn không thì phủ bạt để đầu ngõ mà chẳng lo mất cắp. Thăng vốn thích đi xe to, mô-tô càng phân khối lớn càng khoái. Tuy nhiên, chỉ loại xe ba bánh 650 phân khối này mới thực sự chinh phục được chàng hoạ sĩ vẽ bằng tay này. Mê đến nỗi, tiền trao chưa ráo tay, chưa cần hỏi cách lái xe thế nào, Thăng đã nhảy lên chiếc Ural chạy từ phố Phủ Doãn về nhà, báo hại "liên tục đâm lên vỉa hè". Để thoả mãn sở thích khác người này, Thăng bị khá nhiều người nói mình chơi trội. "Bạn bè thì cũng khá thích thú nhưng người lớn thì nói tôi "hâm", rồi thế này thế kia vì không phải ai cũng thích và hợp với xe này." - Thăng kể.
Ám ảnh Sidecar
|
Anh Hiếu và con trai trên chiếc Sidecar cổ. |
Nhưng sự khác người của họ cũng mang lại khá nhiều điều thú vị. Và tất nhiên chủ nhân của chúng cũng có khối chuyện để tự hào. Với một người có nhiều năm gắn bó và đam mê Sidecar như Hiếu "3 bánh" thì có cả một núi chuyện để "lên mặt". Nó không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống mà còn là niềm đam mê vô tận của Hiếu. "Hồi trước, cứ khoảng 4-5 giờ chiều, tôi hay để xe trước cửa nhà ở mặt đường phố Huế. Một lần, có chiếc Mercedes biển ngoại giao dừng lại ngay sau chiếc Dnepr đó. Người đàn ông mặc bộ vest đen vô cùng lịch sự bước xuống xe, quỳ hẳn xuống đất và ngắm nghía từng chi tiết trong chiếc xe một cách mê mẩn. Có những người thích đến mức tôi phải mời họ lên xe cho một vòng phố cổ. Những lần chạy xe áp tải đoàn đua đi xuyên Việt, anh em trong đội bỏ hết, chỉ có tôi theo. Thỉnh thoảng, các đạo diễn mượn xe của tôi để đưa vào phim".
Còn Thăng cũng có rất nhiều kỷ niệm với chiếc xe ba bánh kềnh càng này, nhất là chẳng bao giờ quên những lúc "bị" tưởng nhầm là... cảnh sát hình sự: "Lúc đầu, tôi cũng cảm thấy hơi ngại, thậm chí có lúc theo phản xạ chống chân xuống như đi xe máy bình thường nhưng sau đó thì quen dần. Khi đi trên đường, có rất nhiều người ngạc nhiên vì trông nó hơi đồ sộ và vì chỉ có công an phường mới dùng. Ngay cả chính tôi, khi đi trên đường thấy ai đi xe Sidecar vẫn có thể nhìn một cách thích thú. Thường người ta sẽ nói vì tôi là hoạ sĩ, hơi khác người một chút nên chơi ngông. Biết chắc người ta sẽ nói vậy nên tôi không ngạc nhiên vì phần đông họ không hiểu lắm về loại xe này nên thiếu sự thông cảm. Chỉ những người sành sỏi và yêu mến Sidecar, nhất là người nước ngoài, mới có thể chấp nhận nó dễ dàng. Tôi mê xe này đến mức khi mới mua xe cứ mất ăn mất ngủ vì nó. Đêm nghĩ thì thấy rất đẹp nhưng bị ám ảnh như mọi người, nhìn thấy chiếc xe đó quá đồ sộ nên cũng... hơi ngại".
Chàng trai có bề ngoài rất "chịu chơi" này kể tiếp: "Cách đây chừng hai năm, tôi và một người bạn đi Bắc Ninh. Đến đoạn đường 5 rẽ vào Bắc Ninh thì xe hỏng. Tôi bỏ lại xe bên lề đường và nhờ người dân quanh đó trông giúp. Người ta thương lắm và tỏ vẻ rất thông cảm với sự vất vả của các chú hình sự. Ba hôm sau, tôi mới quay lại vì phải liên hệ với thợ sửa chữa và đưa ông ấy về tận nơi để chiếc xe. Không những không kể công mà họ còn mời chúng tôi uống nước vì mấy ngày để xe ở đó, bọn... nghiện ngập chạy hết (!). Chiếc xe này có đặc điểm này để đâu cũng không sợ mất và cũng chẳng có cái gì để tháo cả. Tôi đã dùng chiếc Ural này đón dâu cho ba đám. Có một đám cưới của chú rể người Anh và cô dâu Người Nhật khá đặc biệt, cách đây một năm. Những người tham dự đi toàn xe Minsk, còn xe của tôi dành cho cô dâu chú rể. Họ tỏ ra rất kiêu hãnh và thích thú. Mấy tháng sau, khi đang ở Ăng-co-vát, có một em đầm vồ lấy mình để nói chuyện. Mãi sau mới biết cô ta đã ngồi trên xe ba bánh của tôi trong một đám cưới người bạn chung. Nhiều khi nhờ chiếc xe này mà nhiều người nhớ đến mình. Nếu bố tôi không phản đối, trong lễ kết hôn của mình, tôi sẽ dùng chiếc Ural này để đón dâu"!
Kiếm thợ sửa chữa: Khó hơn lên trời!
|
Còi hơi chuyên dụng cho Sidecar: Không phải ai cũng có! |
Lẽ dĩ nhiên, cứ sinh ra xe cộ là phải có người chuyên sửa chữa, thay thế. Với Sidecar, thường những thợ sửa xe mô-tô địa hinh thường kiêm luôn chức danh môi giới và buôn bán. Cường Min là thợ chuyên sửa xe Minsk cho khách nước ngoài ở phố Tạ Hiện. Một công đôi việc, ngoài chuyện sửa xe kiếm cơm hàng ngày, Cường Min nhập vào cả SideCar và Minsk bán lại cho Tây. Cách đây chưa đầy một tháng, anh bán được tới sáu chiếc với giá cắt cổ trong khi có mối mua vào với giá "bèo", lãi to! Mảnh đất kiếm ăn của Cường Min chẳng bao giờ hết màu mỡ vì Sidecar không chỉ dành cho khách Tây mà còn được một số khách ta ưa chuộng. Không chỉ có dân Hà Nội mà khách Tây chơi Sidecar rất nhiều, đơn giản vì nó hợp với thể chất, điều kiện của họ.
Người chơi Sidecar đã ít, kiếm được người sửa chữa Sidecar lại càng khó. Cả Hà Nội đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ vài ba người thợ ở phố Phủ Doãn là “xử lý” được loại này. Nhưng cao thủ hơn cả vẫn là ông Quế ở Cống Mọc, được dân sành chơi tín nhiệm bởi mới ngoại tứ tuần song ông đã có 21 năm chuyên “đặc trị” Sidecar. Xe đã khó kiếm, phụ tùng thay thế lại càng hiếm hơn, ngoại trừ lốp có thể tự cung cấp. Thế nên "đại ca" Quế lại càng đắt khách. Nếu chỉ gặp ông Quế ngoài đường, ít ai có thể biết ông là người thợ có đôi bàn tay vàng bởi gương mặt chất phác và ăn mặc rất nông dân, với giọng miền Trung đặc sệt.
Hiện ông Quế công tác ở một đơn vị hậu cần của ngành công an - nơi chuyên lắp ráp, cung cấp và sửa chữa xe ba bánh cho ngành. Hơn 90% lượng xe này ở Hà Nội, với chừng 700 chiếc, đã qua tay ông. Tuy nhiên, có bất cứ khách “ngoại đạo” nào nhờ vả "mông má" lại xe cho họ, ông Quế đều "OK". Nổi tiếng đến độ có anh chàng người Pháp nhà ở ngõ Huế, thành viên của đội Mô-tô Hà Nội mua đâu được chiếc sidecar Ural đen đã nát, không còn hình xe nữa nhưng cứ mang đến nằn nì ông sửa. Lúc đầu cũng ngại vì xe nát quá, không lẽ lại bỏ! Cũng phải mất kha khá thời gian để gò, hàn, sơn lại rất công phu, "tân trang" lại máy. Riêng cái khoản này, ông Quế phải mày mò vẽ lại, thức trắng một đêm để làm cho kỳ được. Hôm nhận xe, anh chàng nguời Pháp cứ ngẩn ra vì cái xe trông khác quá, đẹp như “nguyên bản” vừa được xuất xưởng...
Vài nét về Sidecar |
Sidecar có xuất xứ từ xứ sở sương mù với cái tên Solo Bike và phát triển mạnh thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới lần II. Hầu hết các nhãn hiệu sản xuất xe máy hàng đầu như BMW, Harley Davidson, Gold Wing, Kawasaki, Yamaha... đổ xô vào sản xuất dòng xe đang thống trị này, song chỉ có hai đại gia BMW và Harley Davidson là được tín nhiệm nhất, cả về kiểu dáng và chất lượng. |
Qua câu chuyện, ông Quế cho biết thêm: "Những năm gần đây, xe ba bánh ít dần vì lực lượng công an chuyển sang dùng ô-tô. Từ năm 2002 trở về trước, mỗi năm tôi có thể làm đến gần 100 chiếc vì loại xe ba bánh này chỉ năm ngành được sử dụng: Quân đội, Công an, Hải quan, Thuế, và TDTT. Những dân chơi ở Hà Nội muốn sở hữu loại xe này nhất nhất phải là thành viên CLB Mô-tô thuộc Sở TDTT. Đăng ký xe Sidecar rất khó, phải qua rất nhiều thủ tục với ý kiến của Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Chính… nên phần lớn xe của thành viên CLB là xe cũ vào Việt Nam đã hàng chục năm. Thế nhưng xe Sidecar cổ của nước ngoài có những chiếc có giá lên đến cả chục ngàn "đô", như Harley Davidson, BMW...".
Là người cả đời gắn bó với nghiệp sửa xe Sidecar nhưng ông Quế lại không có ý định môi giới và buôn đi bán lại. Theo ông, việc sở hữu một chiếc vẫn chỉ là kế hoạch của tương lai, bởi: "Tôi chỉ sửa chữa chứ không buôn bán dù nhiều người hỏi. Niềm yêu thích xe ba bánh đã ngấm vào máu thịt, nếu gặp chiếc có đăng ký thì mua liền". 21 năm, đủ để niềm đam mê xe ba bánh ngấm vào máu thịt ông: "Mê lắm! Nếu đã nhận xe của khách thì phải làm bằng được, làm cả đêm, chưa có chiếc nào tôi chịu thua. Tôi rất tiếc khi loại xe này không còn được sử dụng nhiều như trước. Bây giờ chuyển sang sửa chữa và lắp ráp ô-tô nhưng có khách gọi, tôi vẫn đi. Trước đây, đi xe ba bánh ra đường, người ta chỉ nghĩ đó là quân đội hay công an, còn bây giờ thì khác. Những người bình thường, có chút dư giả cũng có thể sở hữu một chiếc".
|
Anh Nguyễn Đức Hiếu và chiếc Sidecar số một Hà Nội. |
Khó có thể bắt gặp hình ảnh một nhóm người nước ngoài đi chừng gần chục chiếc Sidecar để râu quai nón, buộc khăn, đeo kính đen rú ga trên đường phố Hà Nội như những hình ảnh quen thuộc tại Pháp, Đức hay Mỹ... Dù sao, cũng có không ít người nước ngoài sống ở Việt Nam chọn Sidecar là phương tiện đi lại yêu thích tại Hà Nội. David Williams là chuyên gia đào tạo kỹ thuật viên máy tính của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Trong thời gian sinh sống làm việc tại Hà Nội (2002-6/2004), ông chọn chiếc Sidecar làm phương tiện đi lại. Ôngi để xe trước Đại sứ quán trên đường Láng, và thường xuyên gửi nhờ dưới hầm xe của khách sạn Hilton Hà Nội. Trước cửa khách sạn đẹp nhất nhì Hà Nội này thường xuyên để hai chiếc Sidecar trắng mà ngay cả Hiếu "3 bánh" cũng phải mê mẩn vì thể hiện gu không thường chút nào của chủ nhân: Một của giám đốc khách sạn Hilton tại Hà Nội, chiếc còn lại của một bảo vệ khách sạn - bạn của David Williams thời gian ở Việt Nam.
Sở dĩ Sidecar được ưa chuộng vì có độ chắc chắn, ổn định, dã chiến. Thêm nữa, vì lái loại xe này tương đối khó nên nó còn là thú chinh phục của những người mê mô-tô ba bánh cũng như ở chính sự chiêm ngưỡng của mọi người. "Khi người ta chiêm ngưỡng chiếc xe, mình cũng được chiêm ngưỡng oan", một tay chơi xe ba bánh sành sỏi ở Hà Nội tự hào nói. Có vẻ người chơi Sidecar thể hiện khá rõ tính cách của mình: mạnh mẽ, ngang tàng, có phần hơi gàn những cũng không kém phần lãng tử. Tuy nhiên, do môi trường sống nên cách chơi Sidecar của dân hai miền Nam-Bắc cũng rất khác nhau. Hà Nội chơi xe đẹp, hào hoa, còn dân Sài Gòn chọn những chiếc tốt, kinh tế và có vẻ thực dụng.
|
Sidecar suất xưởng năm 2004 | |
|
Harley Police 1942 | |
|
BMW 1945 | |
|
Đèn thuyền của Sidecar | |
|
Đồng Hồ Harley 1942. | |
|
Đồng hồ xe BMW 1945. | |
|
Đồng hồ của xe Sidecar 1945. | |
|
BMW nhin từ phía sau. | |
|
Đầu xe Sidecar BMW. | |
Bích Hạnh Ảnh: Minh Nguyên |