(VietNamNet) - Hãng phim lớn nhất phía Nam - hãng Giải phóng, gần đây đang xôn xao chuyện đi hay ở của những người có tên có tuổi trong làng phim...
|
ĐD Phạm Hoàng Nam (bìa trái) và êkíp làm phim Khi đàn ông có bầu. |
Việc thay đổi nhân sự là chuyện bình thường ở bất kỳ đơn vị nào. Nhưng ở đây, chuyện riêng của hãng Giải phóng được chú ý vì những người này đều có tên tuổi và vì sự rục rịch "đi - ở" của họ nằm trong bối cảnh "nhạy cảm".
Cho đến giờ này, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam và Trưởng phòng kinh doanh Trần Khải Hoàng chỉ mới nộp đơn xin nghỉ việc chứ chưa chính thức rời hãng, họa sĩ Mã Phi Hải thì mới chỉ đánh tiếng ra đi. Họ quyết bỏ hãng phim vì những lý do riêng nhưng mục đích thì giống nhau. Ngồi trong hãng phim Nhà nước với cái cơ chế ngột ngạt, già nua, họ nhìn ra bên ngoài các hãng phim tư nhân đang phơi phới sức trẻ; dù khẳng định chưa hẳn đã đầu quân về các hãng tư nhân nhưng không khí làm việc ấy cũng đủ làm họ ngán ngẩm khung cảnh mình đang có.
Anh Trần Khải Hoàng: Tôi đã 22 năm gắn bó với hãng Giải phóng, giờ ra đi cũng buồn. Nhưng buồn rồi sẽ nguôi trong khi tương lai của mình còn ở phía trước. Tôi năm nay đã 54 tuổi, sắp đến lúc về hưu. Ở nơi này tôi thấy mình già nhưng ở chỗ khác biết đâu tôi lại thấy mình trẻ? Chưa biết tôi sẽ làm cho hãng nào. Làm chủ nhiệm phim cho Khi đàn ông có bầu cho Công ty Phước Sang vừa rồi cho vui thôi(!), chỉ cộng tác chứ không gắn bó lâu dài. |
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet cách nay gần một năm, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam cũng đã đề cập chuyện làm phim thương mại nhưng bằng một cơ chế cũ kỹ của hãng Giải phóng. Và đến nay, sau gần 10 năm gắn bó, anh đã chính thức tuyên bố rời hãng vì chính cơ chế đó. Người ở "trong chăn" mới biết rận như thế nào, song người ngoài cuộc cũng có thể ít nhiều nhận thấy tình trạng chung hiện nay ở nhiều hãng phim Nhà nước là kế hoạch làm phim luôn thay đổi. Báo chí hôm nay đưa tin hãng sắp làm phim này nhưng tháng sau bấm máy lại là phim khác!
Đi vào sâu hơn một chút là chuyện kinh phí. Không kể kịch bản thế nào, tiền rót xuống gần như cùng một mức. Thế nên mới có chuyện lạ mà không lạ khi đạo diễn Vinh Sơn mới đây đã trả lại phim Trăng nơi đáy giếng cho hãng Giải phóng vì đòi hỏi về tài chính của anh không được đáp ứng. Đi sâu hơn nữa là chuyện dù đã xếp hàng nhưng chưa chắc được nhận phim vì lý do tế nhị...
Thật ra, việc đạo diễn, quay phim đến các thành phần khác của đoàn phim, tranh thủ những ngày "rách việc" ở hãng hợp tác thời vụ để làm phim cho đơn vị khác lâu nay không hiếm. Nơi thu hút các nghệ sĩ ăn lương Nhà nước nhất là các hãng phim truyền hình (đặc biệt là Hãng phim truyền hình TP.HCM). Chỉ tính riêng đạo diễn đã thấy những cái tên như Hồ Ngọc Xum, Vinh Sơn, Lâm Lê Dũng..., và mới đây nhất là Lê Hoàng đang làm phim cho Công ty Thiên Ngân, Phạm Hoàng Nam lần đầu tiên làm đạo diễn cho phim của Công ty Phước Sang.
ĐD NSƯT Lê Đức Tiến, GĐ Hãng phim Giải phóng: Tôi đang ở Viêngchăn (Lào), tôi đang đi công tác bên này nên không thể nói chuyện được. Xin hẹn tuần sau.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó GĐ: Hai cán bộ Phạm Hoàng Nam và Trần Khải Hoàng chưa chính thức rời hãng, Ban giám đốc cũng chưa họp hành quyết định gì cả. Chuyện thay đổi nhân sự cũng là bình thường. Nơi nào đất lành thì chim đậu. Nhưng qua sự việc để người của mình có ý định bỏ đi thế này, hãng cũng cần phải xem lại mình... |
Dân trong nghề biết những người kể trên đã có ý định rời hãng từ trước. Song đến thời điểm này, phim của các hãng phim tư nhân đã bắt đầu được công chúng "ghé mắt" đến, họ mới đủ cơ sở để "chuyển bến". Thực tế, đã có những nghệ sĩ hoạt động trong ngành điện ảnh khi bỏ ra ngoài làm trái nghề vẫn sống tốt như ai. Những người vẫn làm đúng nghề, trong môi trường mới thuận lợi cho sức sáng tạo, hẳn họ sẽ còn làm tốt hơn.
Một số ít người ra đi cũng chẳng ảnh hưởng ghê gớm đến hoạt động của những hãng phim có bề dày, song sự chia tay này ít ra cũng làm những người trong cuộc phải nhìn lại. Nhân đây, cũng cần nói đến những người ở lại. Có người vẫn quyết làm ở hãng phim Nhà nước vì cái tình, nhưng cũng có người sắp đến tuổi hưu, muốn yên chỗ để còn có chân trong chân ngoài, và có người không đủ năng lực để "chinh chiến" ở bên ngoài...
Có một điều dễ thấy, những cuộc ra đi như thế này giữa một bối cảnh mới, đã làm những người còn "kẹt" trong các hãng phim bao cấp nhấp nhỏm. Sẽ còn ai và còn những động thái gì nữa nếu các hãng phim Nhà nước không nhanh chóng đổi máu?
|