Sẽ có một "mùa" phim lịch sử Việt Nam?
10:44' 09/01/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hôm qua, 8/1, tại 12 Lê Lai, Hà Nội, đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi sáng tác kịch bản phim tuyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nhiều nhà quản lý văn hoá, những nhà làm phim... đã đến tham dự và ai cũng hy vọng: Sẽ có một mùa phim lịch sử Việt Nam; thế hệ trẻ của chúng ta sẽ không chỉ rành... lịch sử Tàu mà còn hiểu biết và tự hào về lịch sử dân tộc Việt...

Soạn: AM 240457 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Thứ trưởng Bộ VHTT Tiến Thọ trao giải cho tác giả Thiên Phúc  và tác giả Nguyễn Quang Lập. Ảnh: Nguyễn Tiến

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử, phim truyện truyền hình nhiều tập và phim hoạt hình do Uỷ ban Nhân dân Thành phố, Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức từ năm 2002 đến 2004, đã thu hút nhiều kịch bản của đông đảo các nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước. Đạo diễn, NSND Hải Ninh - Đại diện Hội đồng tư vấn cuộc thi đã cho biết: "Có những tác giả nhiệt tình đến mức mà viết những kịch bản xuyên thế kỷ, suốt từ thời cổ đại cho tới tận thời kỳ hiện đại. Nhiều kịch bản dài từ 2 đến 14 tập. Thậm chí như tác giả Lê Khôi (Đà Nẵng) đã gửi dự thi 4 kịch bản dài viết về cả ba triều đại Trần - Hồ - Lê...".

"42 tác phẩm dự thi của các tác giả đều đã khơi lại sức mạnh cội nguồn, làm sống lại thời kỳ lịch sử vẻ vang, những anh hùng dân tộc, những chiến công hiển hách của cha ông ta" - trích báo cáo tổng kết - "Trong các thời kỳ lịch sử trung đại, cận đại, đương đại thì phần lớn các kịch bản viết về thời kỳ trung đại - các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê". Riêng triều đại nhà Lý đã có tới 8 kịch bản, trong đó có 4 kịch bản viết về Lý Công Uẩn ở các thời kỳ khác nhau, hoặc có rất nhiều tác giả cùng viết về người anh hùng Lý Thường Kiệt. Với vị kiến trúc sư của Triều đại nhà Trần - Trần Thủ Độ đã có tới 8 kịch bản dành cho ông (Tác phẩm "Trần Thủ Độ và người tình" của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn (TP.HCM) đã đạt giải C - kịch bản được đầu tư trực tiếp).

Bên cạnh các tác giả tham gia "Cuộc thi tự do" - để đảm bảo cho chất lượng kịch bản có được những tác phẩm hay, xứng đáng với tầm vóc 1000 năm Thăng Long, Hà Nội - Ban tổ chức còn mời 15 nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn có tên tuổi tham gia viết kịch bản (sau khi xét đề cương chỉ có 6 tác giả lọt vào vòng sau để viết kịch bản hoàn chỉnh). Mặc dù là "2 dòng" nhưng mục đích cuối cùng là để có được những kịch bản thực sự xuất sắc...

Tuy nhiên, nhìn tổng quát, với cuộc thi tự do, mặc dù có rất nhiều các tác giả hưởng ứng tham gia  nhưng "vẫn chưa có đỉnh". Có rất nhiều tác giả viết rất công phu, chứng tỏ lượng kiến thức sâu rộng và phải bỏ nhiều công sức khảo cứu, phát hiện, sưu tầm sử liệu, kết hợp được những tư liệu quý của dòng chính sử, truyền thuyết và những chất liệu dân gian. Nhưng những tác phẩm thế này, rất tiếc, lại chưa được coi là một kịch bản điện ảnh phim truyện hoàn chỉnh đúng nghĩa. Bởi để đánh giá một kịch bản phim truyện ngoài những tiêu chuẩn về nội dung tư tưởng, tính chân thật lịch sử, giá trị nghệ thuật còn phải có những nét đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh.

Đạo diễn Ngô Thanh Vân có mặt tại Lễ trao giải cũng cho biết: "Tôi mới chỉ được xem hai tác phẩm trong cuộc thi này, đó là tác phẩm của anh Nguyễn Quang Thân và Nguyễn Quang Lập, và chúng đã mang lại cho tôi nhiều hứng thú. Tôi biết, khi dựng một bộ phim lịch sử thì đối với Việt Nam là điều hết sức khó khăn. Thậm chí khi nói là "nhiều khó khăn" thế này nhưng vẫn chưa hình dung đủ hết những khó khăn sẽ diễn ra. Vấn đề đầu tiên bao giờ cũng là kinh phí, chưa kể tới trường quay, trang phục... Nhưng tôi nghĩ mọi khó khăn sẽ được giải quyết khi có một chủ trương mang tầm vĩ mô của những nhà quản lý điện ảnh khi họ xác định làm phim lịch sử cho một thế hệ mới không thuộc sử Tàu hơn sử Việt!"

Danh sách những tác giả đoạt giải:

Những kịch bản phim lịch sử được đầu tư trực tiếp và tác giả đoạt giải thường:
Giải A, trị giá 30 triệu đồng: Tác phẩm: "Hội thề" - tác giả: Nguyễn Quang Thân (Hà Nội).
Giải B, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng: Tác phẩm: "Thái tổ Lý Công Uẩn" - tác giả: Đinh Thiên Phúc; tác phẩm: "Lý Thường Kiệt" - tác giả: Nguyễn Quang Lập (Hà Nội).
Giải C, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng: Tác phẩm: "Càn khôn một gánh" - tác giả: Chu Lai (Hà Nội); tác phẩm "Trần Thủ Độ và người tình" - tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn (TP.HCM).
Giải khuyến khích, trị giá 2 triệu đồng: tác phẩm: "Thái hậu Ỷ Lan" - tác giả: Nguyễn Xuân Khánh (Hà Nội)

 

  • Thục Nhi

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ấn Độ cấm hôn trên màn ảnh! (08/01/2005)
"Sát nhân bí ẩn", phim hành động pha ca múa (08/01/2005)
Điểm mới trong LH truyền hình toàn quốc 2005 (07/01/2005)
Thanh Thúy: "Tôi không đòi mà người ta tự tăng cát xê" (06/01/2005)
Chờ xem... ma trong phim kinh dị Việt Nam (06/01/2005)
Năm 2005 và những cơn bão Gameshow? (05/01/2005)
TV3 Malaysia: Khởi quay trò chơi truyền hình ngoài trời tại VN (04/01/2005)
Giải Triển vọng ĐA&TH: Bao năm qua chưa "phóng" nổi ai! (04/01/2005)
Triển vọng Điện ảnh Truyền hình 2004: Mai Mai giành giải nhất (31/12/2004)
Thị trường phim Tết: Chiếc bánh đã chia năm xẻ bảy (31/12/2004)
Mở thêm lối đi cho Hoạt hình Việt Nam (30/12/2004)
Cuộc đối đầu giữa hai người đẹp (30/12/2004)
Lam Trường: Tôi bắt đầu thấy thích điện ảnh rồi! (28/12/2004)
Hồng Ánh giã từ nghề diễn viên? (28/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang