(VietNamNet) - Chỉ còn hơn vài ngày nữa, Lễ trao giải Oscar lần thứ 77 sẽ tìm ra chủ nhân của những bức tượng vàng. Năm 2005 là kỳ Oscar hứa hẹn những cuộc chiến nảy lửa. Thử gặp gỡ những ứng viên có nhiều khả năng chiến thắng nhất.
Có một điều dễ nhận thấy là những bộ phim dẫn đầu đề cử Giải thưởng Hàn Lâm Mỹ năm nay ở mức độ nào đó đã được dự đoán chiến thắng tại những giải thưởng tiền Oscar như: Quả cầu vàng, Giải Viện phim Hoa Kỳ - AFI, Giải thưởng tôn vinh các diễn viên điện ảnh - SAG, Giải thưởng Hội các đạo diễn Mỹ - DGA... Song điều đó cũng không làm cho Oscar năm nay kém hấp dẫn bởi lẽ những bất ngờ luôn xảy ra vào phút chót. Hãy cùng điểm những cái tên rất có khả năng bước lên bục nhận giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh lần thứ 77.
Phim hay nhất: "The Aviator" chưa hẳn giành thế thượng phong
Tính đến thời điểm này, The Aviator vẫn đang là "ông lớn" trong cuộc chiến vòng ngoài. Có trong tay 11 đề cử, bằng số đề cử mà Titanic và Chúa nhẫn 3 (Lord of the Rings: Return of the King) giành được tại các kỳ Oscar trước. Nhưng chưa có gì bảo đảm cho siêu phẩm của Martin Scorsese sẽ lặp lại chiến thắng lịch sử của Chúa nhẫn 3 tại Oscar 2004. "The Aviator" được coi là ứng viên nặng ký nhất do danh hiệu Phim hay nhất bởi lẽ tại Quả cầu vàng, giải thưởng có ảnh hưởng lớn tới Oscar, "The Aviator" cũng đã giành 3 giải trong đó có hạng mục Phim hay nhất. Trước đó không lâu, nó cũng đã được Viện phim Hoa Kỳ (AFI) trao giải Phim hay nhất năm 2004. Bộ phim dài 168 phút về nhà tỉ phú Howard Hughes này cũng đã kịp có tên trong danh sách 10 phim xuất sắc nhất năm của Hội các nhà phê bình quốc gia Mỹ (NBR) hồi cuối năm 2004.
|
"Million Dollar Baby" sẽ vượt mặt "The Aviator"? |
"The Aviator" đang chiếm thế thượng phong nhưng chưa có thể đoán định điều gì bởi lẽ Million Dollar Baby, Finding Neverland, Ray và Sideways cũng tràn đầy thành tích. Sideways từng dẫn đầu đề cử Quả cầu vàng 2005, giành giải Phim hay nhất (thể loại nhạc kịch), có 5 đề cử Oscar trong tay và được rất nhiều tổ chức phê bình phim, hiệp hội các nhà làm phim và đạo diễn Mỹ chọn là một trong những phim hay nhất năm 2004. Trong khi đó, Finding Neverland đã được AFI chọn là Phim hay nhất 2004 còn Ray, bộ phim về huyền thoại Ray Charles, một hiện tượng của Grammy 2005 cũng đã được đưa lên hàng phim hay nhất năm của NBR và đang sở hữu 6 đề cử Oscar. Còn một ứng viên "nặng ký" khác mà không ai dám coi thường là Million Dollar Baby của Clint Eastwood.
Đạo diễn xuất sắc nhất: Martin Scorsese sẽ không lỗi hẹn cùng Oscar?
Martin Scorsese năm nay 63 tuổi và đã 6 kỳ Oscar ông phải cay đắng ra về. Năm 2003, Gangs of New York, một siêu phẩm của vị đạo diễn danh tiếng này rất được chờ đợi sẽ làm nên chuyện với 10 đề cử nhưng lại ngậm ngùi ra về không một tượng vàng trên tay. Tại Quả cầu vàng vừa rồi Martin Scorsese đã phải nhường chỗ cho Clint Eastwood. Liệu ông có vượt qua nổi Clint tại Oscar năm nay bởi đến giờ Martin mới chỉ giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Critic's Choice Awards nhờ The Aviator. Trong khi đó, Clint Eastwood đã kịp giành danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 2005, giải thưởng của Hội các đạo diễn Mỹ, DGA và gần như đã chắc 1 chân tại Oscar bởi lẽ đã có 51/57 lần những đạo diễn đăng quang tại DGA Award đều lặp lại thành tích tại Oscar. Clint cũng đã nhận tượng vàng từ năm 1993 với "Unforgiven". Cơ hội cũng sẽ được chia đều cho Taylor Hackford (Ray), Mike Leigh với Vera Drak và đặc biệt là Alexander Payne của Sideways, người đã giành Quả cầu vàng 2005 cho Kịch bản hay nhất, được đề cử nhiều lần cho danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng chưa lần nào gặp may.
|
ĐD Martin Scorsese (trái) đang chỉ đạo 1 cảnh quay trong "The Aviator". |
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Leonardo DiCaprio hay Jamie Foxx?
Cho dù đã nổi danh ở Hollywood với Titanic, Catch Me If You Can và Gangs of New York nhưng chỉ qua The Aviator, Leo mới thực sự được xếp vào hàng những ngôi sao hạng A. Leo và Martin Scorsese quả thực kết hợp với nhau rất ăn ý từ Gangs of New York đến The Aviator, hai bộ phim gây chú ý tại Oscar 2003 và 2005. Quan trọng hơn, vai Howard Hughes do Leo đảm nhận trong The Aviator đã mang về cho anh vầng hào quang rực rỡ với đề cử Oscar 2005 và danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 2005 và SAG Awards. "Bố già" Clint Eastwood cũng đang nhòm ngó tượng vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất với vai một huấn luyện viên đấu bốc trong bộ phim do chính ông đạo diễn, "Million Dollar Baby". Ngoài Don Cheadle (Hotel Rwanda) và Johnny Depp trong Finding Neverland, Jamie Foxx cũng sẽ là đối thủ cân sức cân tài với Leonardo DiCaprio nhờ vai diễn để đời trong phim Ray. Trong số 5 gương mặt sáng giá cho danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc nhất trong năm thì Jamie Foxx đang có nhiều thành tích nhất với giải Nam diễn viên xuất sắc nhất Quả cầu vàng 2005 (thể loại Nhạc kịch), giải SAG Awards và NBR 2005 cho Nam diễn viên xuất sắc nhất cũng với hình tượng Ray Charles trong Ray. Gần như hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar 2005 chỉ là cuộc so găng giữa 2 người: Leonardo DiCaprio và Jamie Foxx.
|
Leonardo DiCaprio đang tiến dần đến giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. |
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Cơ hội chia đều cho 5 người
Hilary Swank đang rất được ưu ái vì dù gì thì cô cũng đã có trong tay giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng vừa qua và gần đây nhất là SAG Awards danh tiếng nhờ Million Dollar Baby. Hilary Swank từng giành giải Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất với Boys Don’t Cry. Năm 2005, Million Dollar Baby đã mang về cho cô danh hiệu cao nhất cho một nữ diễn viên của Hội các nhà phê bình phim New York, Los Angeles Film, Chicago và Broadcast Film Critics. Annette Bening cũng đã giành Quả cầu vàng 2005 cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất (thể loại nhạc kịch) và đang đuổi theo Hilary Swank sát nút vì không muốn nhìn tượng vàng về tay người khác như chuyện American Beauty bị Boys Don't Cry vượt mặt trước đây. Ngoài Imelda Staunton (Vera Drake), Catalina Sandino Moreno (Maria Full of Grace), Hilary Swank và Annette Bening cũng sẽ phải đánh bại Kate Winslet trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind nếu muốn đứng lên vị trí cao nhất của hạng mục này tại Oscar 2005.
|
Annette Bening sẽ tiếp tục chói sáng với "Being Julia"? |
Hiệu quả hình ành đẹp nhất: Địa phận của phim giả tưởng
Năm ngoái Chúa nhẫn 3 đã nẫng gọn giải này. Oscar năm nay sẽ chỉ có 3 cái tên nhưng việc chiến thắng không hề đơn giản vì đây đều là những phim "đỉnh" nhất của thể loại giả tưởng và xây dựng chủ yếu bằng kỹ xảo. Harry Potter and the Prisoner of Azkaban ghi điểm bởi một thế giới phù thuỷ với những phép thuật và những hình ảnh chỉ có thể tạo nên được từ kỹ xảo hiện đại nhất. Trong khi đó, I, Robot lại là cuộc chiến giữa người và những người máy tương lai khi người máy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Spider-Man 2 thì khỏi phải bàn vì danh hiệu một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất năm đã minh chứng cho sức hút của bộ phim.
|
"Harry Potter and the Prisoner of Azkaban", thành công lớn về hiệu quả hình ảnh. |
Thiết kế trang phục đẹp nhất: Không có kẻ thắng người bại
Chúng ta có 5 cái tên sáng giá cho giải Thiết kế trang phục đẹp nhất. Đáng chú ý là 5 phim được đề cử đều là những phim không có bối cảnh hiện đại. Khó, tốn kém nhưng cũng dễ được nhìn nhận. "The Aviator" là câu chuyện diễn ra tại Hollywood trong thời điểm cuối những năm 1920 đến hết những năm 1940. Finding Neverland chọn bối cảnh London vào năm 1904 với cuộc hành trình của "cha đẻ" Peter Pan, J.M. Barrie. Trang phục trong phim Ray thì miễn chê vì nó vẽ lên một cách chân thực cuộc đời của huyền thoại nhạc Soul mới qua đời, Ray Charles với những trang phục đặc trưng của nửa đầu thế kỷ 20. Trong khi Lemony Snicket's A Series of Unfortunate Events chọn những trang phục hơi cổ quái thì Troy lại là chuẩn mực về cách thiết kế trang phục mang tính sử thi để phù hợp với bối cảnh năm 1193 trước công nguyên. Mọi sự suy đoán về các giải thưởng sẽ được khép lại bằng đêm trao giải 27/2 (tức 28/2 giờ VN).
|
"Troy", ứng viên số 1 của hạng mục Thiết kế trang phục đẹp nhất. |
Những câu nói hay nhất qua các kỳ Oscar |
Các lễ trao giải Oscar luôn là nơi để người ta "cống hiến" những câu nói để đời cho Hollywood. Đôi khi là những câu nói thú vị, sâu cay, lúc lại ngô nghê và nực cười. Hãy cùng điểm lại những lời thú vị nhất tại các kỳ Oscar. "Nếu đó là thứ duy nhất một diễn viên biết thì vũ khí huỷ diệt hàng loạt không phải là thứ duy nhất tốt cho diễn xuất" - Sean Penn nói một cách khó hiểu trong lễ trao giải Oscar 2003. Trong khi đó, Johnny Carson lại đùa cợt trong Oscar 1979: "Chào mừng đến với lễ trao giải Viện hàn lâm, sự kiện dài 2 giờ đồng hồ và có thể kéo dài đến 4 tiếng. Nếu thu hình bằng băng Betamax, bạn phải cẩn thận".
|
Rất nhiều nghệ sĩ đã phấn đấu cả đời vẫn không được tượng vàng. |
Billy Crystal, cây hài có tiếng vẫn chứng minh được khả năng của mình tại Oscar 2003 với tư cách là MC: "Mặc cho tờ Nhật báo phố nói gì đi nữa thì giải thưởng của chúng ta vẫn là bí mật được giữ kín nhất tại nước Mỹ ngoại trừ khả năng ông George W. Bush 70 tuổi". Cây đại thụ của điện ảnh Mỹ Bob Hope rất có lý khi phát biểu tại Oscar 1986: "Tôi nghĩ mình xứng đáng được nhận 1 tượng vàng Oscar vì đã có mặt tại đây". Trong khi đó, Humphrey Bogart lại cống hiến một cách chọn diễn viên khá thú vị tại lễ trao giải Oscar 1951, năm ông giành danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc nhất cho The African Queen: "Cách tốt nhất để chọn ra diễn viên xuất sắc nhất là cho tất cả mọi người đóng vai Hamlet và chọn ra kẻ giỏi nhất".
Lâu lắm mới có một người dám "chê bai" Oscar danh giá như Frank Capra, Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất năm 1936 cho Mr Deeds Goes To Town: "Oscar là phần thưởng quý giá nhất nhưng lại chẳng đáng 1 xu". Và đây là tâm trạng chung của những người từng 1 lần nắm bức tượng vàng: "Tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc, hài lòng, và vô cùng tỉnh táo!", Maureen Stapleton phát biểu khi nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với một vai diễn trong Reds... 3 cảm xúc đầu thì đúng nhưng sự tỉnh táo khi tên mình được đọc lên tại lễ trao giải Oscar thì quả là chuyện hiếm. |
|