Những vấn đề bị bỏ quên của điện ảnh Việt Nam
12:07' 19/02/2005 (GMT+7)

Thành công vang dội về doanh thu của các phim Việt Nam chiếu Tết vừa qua - Khi đàn ông có bầu và Nữ tướng cướp rõ ràng đã làm thay đổi một số nhận thức về thị trường điện ảnh, đồng thời làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm cho các nhà làm phim, nhà quản lý và phê bình.

Soạn: AM 279587 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phim chiếu Tết được giới thiệu rôm rả trên website của Công ty Điện ảnh TP. HCM

1. Nhu cầu của khán giả đối với phim trong nước sản xuất rất cao. Doanh thu hết sức khả quan của một loạt phim như Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài và nay là Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp... cho thấy rõ ràng phim VN có thị trường, thậm chí là một thị trường rất hứa hẹn và nhu cầu giải trí của khán giả luôn rất cao. Thật ra điều này đã có thể cảm nhận được khi trong mấy năm gần đây, lượng khách đến với tụ điểm ca nhạc, sân khấu hài và... cà phê luôn rất đông, chẳng lý do gì họ lại quay lưng với điện ảnh - môn giải trí hấp dẫn bậc nhất. Chẳng qua yếu tố khán giả lâu nay đã bị các nhà làm phim của chúng ta bỏ rơi và lãng quên mà thôi!

2. Vô cùng thiếu thốn rạp chiếu phim. Những ngày Tết, các rạp chiếu bóng ở TP.HCM luôn quá tải. Bà Yoon Ji-Sook, giám đốc cụm rạp do Hàn Quốc đầu tư Diamond Cinema tại TP.HCM vô cùng kinh ngạc khi thấy các phòng chiếu của mình mấy ngày qua đông nghẹt người xem. Bà cho biết, ngay tại Hàn Quốc, lượng khán giả của những phim ăn khách nhất thường cũng chỉ hơn nửa rạp là cùng. Nhưng khổ nỗi, Seoul có đến khoảng 300 rạp như Diamond Cinema, còn TP.HCM có số dân đông gấp đôi Seoul lại chỉ có... 3 rạp như Diamond, nghĩa là ít hơn tới 100 lần! Một thời gian dài chúng ta đã không tiên liệu được đầu ra của điện ảnh, nên đã không phát triển, thậm chí còn làm cho hệ thống rạp chiếu bóng èo uột đi. Tại Hà Nội và TP.HCM, không biết bao nhiêu rạp chiếu bóng đã biến thành quán cà phê, thành vũ trường, nơi tổ chức tiệc cưới..., chỉ khi khán giả ùn ùn kéo đến chúng ta mới thấm thía. Rõ ràng vấn đề sửa sang, xây mới rạp đang được khẩn cấp đặt ra.

3. Quảng cáo là không thể thiếu. Phim ảnh - như mọi loại hàng hóa khác hiện nay - muốn tiêu thụ được cũng cần phải quảng cáo, tiếp thị. Chúng ta không cổ vũ lối quảng cáo quá lố, giật gân, nhưng rõ ràng một bộ phim quảng cáo quá yếu kém rất ít có cơ may có lượng khách cao. Không thể phủ nhận rằng, thành công của Khi đàn ông có bầu và Nữ tướng cướp có đóng góp quan trọng của sự năng động trong tiếp thị của những nhà sản xuất tư nhân. Trong khi đó, rất nhiều người cho rằng Chiến dịch trái tim bên phải của Hãng phim truyện VN đáng lẽ đã có được một đời sống khả quan hơn trong rạp chiếu bóng nếu được chăm chút hơn về khâu giới thiệu.

4. Đội ngũ làm phim thiếu trầm trọng. Năm 2005 sẽ là năm bùng nổ phim tư nhân, với Sài Gòn tình ca, Áo lụa Hà Đông, Giọt mưa biến mất, Lấy chồng Đài Loan..., chưa kể hàng chục, hàng trăm tập phim truyền hình đang được thực hiện. Nhưng chưa khi nào các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, ánh sáng có chút tay nghề lại thiếu trầm trọng như hiện nay. Tất cả các đoàn phim đều "nháo nhào" săn đuổi những nghệ sĩ có chút "danh phận". Chúng ta cần nghiêm túc xem lại khâu tuyển chọn, giảng dạy và sử dụng, đừng để tình trạng "giật gấu vá vai", khủng hoảng về nhân sự diễn ra ngày càng trầm trọng.

5. Cần đánh giá một cách công bằng, khách quan đối với phim tư nhân. Một số người đã cảnh báo, với đà này Liên hoan phim VN sắp tới lượng phim do tư nhân sản xuất sẽ áp đảo cả về số lượng và có thể cả chất lượng. Nếu cứ xếp chúng vào "loại hai" trong những giải chính thức sẽ chỉ làm công chúng hoang mang và điện ảnh phân hóa thêm. Ngay trong đợt trao giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh sắp tới, theo chúng tôi được biết thì một số hãng phim tư nhân chưa chắc sẽ tham gia (!). Điều này rất cần được những người "cầm cân nảy mực" lưu tâm.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ai sẽ đăng quang tại Oscar 2005? (18/02/2005)
Lưu Đức Hoa tái ngộ fan VN với "Thiên hạ vô tặc" (17/02/2005)
Mỹ mua bản quyền ''Mê Thảo - Thời vang bóng'' (17/02/2005)
"39 độ yêu": Chưa chiếu tại VN đã "nhòm" thị trường ngoại (16/02/2005)
"Lấy vợ Sài Gòn" ăn khách ở các tỉnh (16/02/2005)
Audrey Hepburn - Nữ minh tinh có phong cách nhất (15/02/2005)
Phim Việt xông đất Tết Ất Dậu (10/02/2005)
"Săn" diễn viên điện ảnh (07/02/2005)
Những đề cử Oscar thắng lớn tại SAG Awards (06/02/2005)
Người Mỹ "Gặp gỡ thông gia" như thế nào? (03/02/2005)
Chỉ sợ ngoài đời có nhiều đàn ông mang bầu! (02/02/2005)
Điện ảnh Mỹ: Một tuần tưng bừng (01/02/2005)
"Nữ tướng cướp" sẽ nối gót thành công của "Gái Nhảy"? (31/01/2005)
Nghệ sĩ Phước Sang: Bầu sô, doanh nhân hay nghệ sĩ? (30/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang