Rạp phim, xây hay phá đều phí?
15:19' 23/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cần một sự an cư để lạc nghiệp, các đơn vị tư nhân đổ tiền xây rạp, trong khi "ông" nhà nước đi làm điều ngược lại.

Rạp phim tư nhân hiện đại vừa khai trương. Ảnh: V.T

Xây là chuyện của anh, phá là việc của tôi, chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng khổ nỗi hai hướng làm trái khoáy với nhau này lại diễn ra cùng thời điểm. Chứng kiến sự việc hai chiều như thế, người ta nghĩ ngay trong hai "ông" ắt phải có một "ông" đang đi trật hướng, hoặc cố tình không đi thẳng.

Kẻ xây...

Chúng ta hãy nhìn lối đi của "ông" tư nhân. Chưa phải lúc bàn đến chuyện to tát như "chúng tôi muốn người dân có chỗ xem phim, giải trí tốt nhất", vì việc xây rạp cũng chỉ là một nước đi bình thường trong hoạt động kinh doanh của tư nhân. Nó giống như một quầy, một sạp hoặc một cửa hàng để người ta bày sản phẩm của mình ra bán.

Nếu có khác thì đây là một cửa hàng rất lớn, kinh doanh không khéo lỗ chổng vó như chơi. Nhưng vì sao tư nhân lại mạo hiểm bỏ tiền tỷ ra để đầu tư xây rạp trong khi lượng người đến rạp quá "hẻo" như hiện nay? Vì họ thấy tiềm năng trong công chúng mê phim, chứ không chỉ đơn giản vì "dỗi" trước sự chèn ép của các ông chủ rạp nhà nước.

TP.HCM hiện có 10 rạp chiếu phim do Công ty Điện ảnh TP.HCM quản lý, 12 rạp của Fafilm Việt Nam, quận, huyện và tư nhân. Hệ thống rạp của nhà nước bình quân hàng năm phục vụ khoảng 80.000 suất chiếu, thu hút 1,5 triệu lượt người. Trong khi đó trước năm 1975, Sài Gòn có tới 50 rạp chiếu phim.

Đối với những công ty chuyên hoặc mạnh về sản xuất phim như Thiên Ngân, Phước Sang, Việt Phim, BHD..., thêm một lý do nữa để xây rạp là họ tin vào năng lực sản xuất phim của chính mình. Phim mình, rạp họ, muốn vào rạp phải "đấu" bằng bỏ phiếu như Tết vừa rồi thì cũng chẳng khác chi xin xỏ. Vào được rồi, doanh thu bị "chặt" đi một nửa thì còn gì mà xơi!

Cám cảnh, nhiều đơn vị tư nhân lặng lẽ thuê chỗ xây rạp. Thiên Ngân có tiềm lực mạnh nên kiếm được một mặt bằng ngay trung tâm TP.HCM (116 Nguyễn Du, Q.1) đất đắt hơn vàng. Những vị chậm chân hơn hoặc chưa đủ lực thì hướng đến địa bàn khác. Công ty văn hóa Phương Nam có dự án xây đến 8 rạp liên hoàn trong khu thương mại Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). Hoặc đi xa hơn như công ty BHD mở rạp ở Đà Nẵng, và cũng Phương Nam đã khai trương rạp tại Hà Nội...

Người phá

Gọi là rạp phim nhưng từ lâu đã trở thành một điểm tệ nạn. Ảnh: N.D.B

Thật ra không phải phá nhưng cũng chẳng khác gì phá, thậm chí về mặt tinh thần, đây là một cú đập vào những ai còn mơ mộng ra đường là... thấy rạp chiếu phim.

Mà có nhiều cú đập chứ không phải duy nhất. Thử tưởng tượng một thành phố đông dân nhất nước, các rạp phim lại co cụm ở khu vực trung tâm, nay bỗng dưng có tới 7 rạp bị "hóa phép" thành những cái tên xa lạ. Nếu tính cả Galaxy Cinema của Thiên Ngân vừa khai trương hôm 20/5, TP.HCM có tổng cộng 22 rạp chiếu phim, nhưng hầu hết trong số đó giống như những "con bệnh" ủ lâu ngày.

Theo cái nhìn của Tổng công ty văn hóa Sài Gòn đối với 10 rạp do công ty con của mình là Công ty Điện ảnh TP.HCM quản lý, chỉ có Thăng Long, Đống Đa và Toàn Thắng xứng đáng vẫn là... rạp chiếu phim, còn lại chuyển công năng thành mặt bằng khác để chúng đẻ ra nhiều tiền hơn. Ông chủ nhà nước này đã không muốn làm cái việc đập bỏ nhiều rạp để xây một rạp thật hiện đại. Điều mà các ông chủ tư nhân đang làm nhưng phải chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng.

Chọn phá hay xây?

Đạo diễn Lê Hoàng: Giả vờ bất cần nhưng thật ra rất quan tâm đến chuyện rạp: Làm phim ai cũng muốn có lãi để còn làm tiếp, nhưng muốn có lãi thì phải có rạp để chiếu. Số rạp trên số dân ở TP.HCM hiện nay quá ít, rạp đúng tiêu chuẩn còn ít hơn nữa. Nhiều rạp xây mới là tín hiệu vui đối với ngành điện ảnh.

TP.HCM mà thêm chừng 10 rạp nữa thì phim Việt Nam thu hồi vốn chỉ trong một tuần, chứ hiện nay phim chiếu cả tháng mà tôi vẫn cứ hồi hộp! Đầu ra không có hoặc ít thì phim có hay mấy cũng thua.

Cứ giả vờ bất cần chứ thật ra các nhà làm phim chúng tôi rất quan tâm đến việc rạp nào đang chuẩn bị, rạp nào đang xây. Vì đó là điều thiết thân đối với giới làm phim.

Mục đích xây rạp của tư nhân quá rõ. Nhưng còn việc chuyển đổi công năng rạp của đơn vị nhà nước? Việc có nên xây thêm ít nhất một rạp chất lượng sau khi đã bỏ nhiều rạp quá tệ, phụ thuộc vào tình hình thị trường điện ảnh. Nếu tư nhân thi nhau cất rạp như thế này, không cần nhà nước nhúng tay vào nữa. Nhưng nếu phim nhà nước bỗng dưng... hay hơn thì cần có chỗ để chiếu.

Thực tế, thị trường phim ảnh Việt Nam hiện nay chưa đủ sức hút nhiều khán giả vào rạp. Tình hình này thì xem ra phá cũng phí mà xây cũng phí! Có ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung xây dựng những rạp thật hiện đại ở khu vực trung tâm. Cũng có quan điểm cho rằng nên rải rạp phim đều ra các quận, huyện để thuận tiện cho đông đảo người dân. Phim thì... dở nhiều hơn hay, quản lý không tốt chỉ có nhanh chóng giúp các rạp biến thành điểm đen tệ nạn.

Đối với những rạp phim mà người ta có thể vào đó để... ngáy, hú hí, hút hít chứ chẳng có ma nào thèm xem phim ("nổi tiếng" nhất là rạp Vườn Lài, Q.10) thì rõ ràng đập bỏ cũng không có gì phải tiếc. Nhưng những rạp chiếu phim hiện đại, không chỉ vào để xem phim mà còn mua sắm, thư giãn, ăn uống... thì cũng hết sức cần thiết cho một sinh hoạt đời sống lành mạnh, văn minh. Nếu không xây rạp tốt, biết đâu sẽ có lúc xuất hiện cái cảnh phim của nhà nước lại đi xếp hàng xin vào rạp của tư nhân!

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Truyền hình có thêm một "ông kẹ"? (20/05/2005)
Chờ xem phim boxing "made in Việt Nam" (18/05/2005)
Chuột Mickey đã xuất hiện tại Việt Nam (17/05/2005)
VTV bắt tay với các hãng phim tư nhân (16/05/2005)
Hà Kiều Anh đóng "Đẻ mướn" (13/05/2005)
Phim không hay, "giờ vàng" cũng bó tay! (12/05/2005)
Peter Jackson: Ngôi sao quyền lực nhất Hollywood (11/05/2005)
ĐD Hà Sơn: "Cám ơn công chúng dù họ... chửi tôi" (11/05/2005)
Thôi, vào rạp mà làm gì?! (11/05/2005)
Cannes 2005: Sôi động từ vòng ngoài! (10/05/2005)
Tiana Thanh Nga về nhà (08/05/2005)
Yến Vi có bị các nhà làm phim lợi dụng? (07/05/2005)
Sắp khai trương rạp phim tư nhân đầu tiên tại TP.HCM (07/05/2005)
Trương Thanh Long: Đam mê-thời trang, điện ảnh-sở thích (06/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang