Kỹ xảo trong phim Việt Nam: Tại sao không?
11:12' 26/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Kỹ xảo ư? Tốn kém lắm! Đó là câu cửa miệng và cũng là suy nghĩ của không ít đạo diễn. Đành là tốn kém nhưng sao người ta không nghĩ tới hiệu quả hình ảnh và âm thanh mà kỹ xảo mang lại cho bộ phim của mình?

Kỹ xảo: Anh ở đâu?

Một cảnh dùng kỹ xảo trong phim truyền hình "Những giấc mơ dài".

Rất tiếc, với nhiều người, việc thay đổi cách làm phim cũ là quá khó trong khi việc dùng kỹ xảo trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Không phải đợi đến bộ phim truyền hình nhiều tập Những giấc mơ dài của đạo diễn Đỗ Đức Thành người ta mới biết thế nào là kỹ xảo trong phim VN nhưng bộ phim này lại cho khán giả VN cái nhìn trực diện về kỹ xảo.

ĐD Đỗ Đức Thành đã tiếp cận, học hỏi và quyết định đưa kỹ xảo vào phim. Nhưng mọi sự thử nghiệm ban đầu đâu có dễ dàng như vậy: "Trong Những giấc mơ dài có nhiều đoạn nhà văn Nguyễn Thị Kim Huệ viết rất khó. Tôi có cảm giác như đánh đố đạo diễn vậy. Đó là cảnh nhân vật Phan đấu tranh nội tâm với những hình ảnh rất khác nhau của mình. Tôi đã dựng một cảnh Phan đánh nhau với chính bản thân anh ta trong trường quay và nhờ kỹ xảo can thiệp. Nó phần nào thể hiện được điều mà kịch bản muốn nói. Có nhiều đoạn trong Những giấc mơ dài cần phải làm đẹp, đẹp như mộng và điều đó cần được làm bằng kỹ xảo". 

IDS Media là một trong những nơi đầu tiên ứng dụng đưa kỹ xảo vào phim, kết hợp với các hãng phim truyền hình và phim nhựa làm kỹ xảo được 2 năm nay và được các đạo diễn tin tưởng giao phó đứa con tinh thần của mình. Sau màn ra mắt ấn tượng của IDS Media với Trò đùa của Thiên Lôi, bộ phim giả tưởng của ĐD Nguyễn Quang.

Cho dù chưa thực sự hài lòng với phần kỹ xảo thể hiện trong phim vì chưa được thoả sức sáng tạo nhưng dù sao cũng đã gạt phăng những lực cản vô hình mà kẻ khai phá mảnh đất kỹ xảo trong phim VN gặp phải. ĐD Đỗ Đức Thành ví mảnh đất làm kỹ xảo VN như một vạt rừng chưa có ai khai phá và anh tự nhận mình là người mở đường. "Trong quá trình mở đường đó, có thể ta chưa đi đúng đường, có thể ta đi rất chậm và có lúc chưa tìm được đường đúng nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến. Nếu ta sợ sai, không rút kinh nghiệm cho bản thân thì không thể làm phim kỹ xảo. Tôi không sợ mình sai, chỉ sợ mình không tìm được chỗ sai thôi".

Những lực cản không dễ vượt qua

Cảnh trong "Ma trận": một trong những bộ phim "đỉnh" nhất về ứng dụng kỹ xảo.

Trong cuộc hành trình chồng chất thách thức để gây dựng một nền kỹ xảo VN, những kẻ dám chấp nhận và thích sáng tạo đã có lúc nản chí vì đã vác trên vai một gánh nặng mà không thể bỏ giữa chừng. Ngoài việc chứng minh cho thiên hạ biết khả năng làm kỹ xảo của mình, họ còn muốn nhiều hơn thế, "chứng minh rằng VN hoàn toàn có thể làm được kỹ xảo".

Thế nhưng, tìm được những chuyên gia có thể làm được kỹ xảo với vốn kiến thức và kinh nghiệm kha khá trong tay đâu có dễ, nhất là khi tại VN chưa có bất cứ trường lớp đào tạo chính quy nào về kỹ xảo. Trong khi đó muốn làm kỹ xảo cho phim khó hơn kỹ xảo 3D ứng dụng cho những lĩnh vực khác rất nhiều. Điều đó đòi hỏi những người làm kỹ xảo phải từ học hỏi và tái đào tạo. Anh Nguyễn Hồng Quân, GĐ IDS Media cho biết để làm kỹ xảo ra hồn, ngoài việc đầu tư cho máy móc với những RAM lên đến hàng chục GB với số tiền lớn, người ta còn phải chịu khó đầu tư cho con người và phần mềm, không mua được thì xin phần mềm thử nghiệm từ chính hãng do chi phí quá lớn.

Tuấn Linh, nhà phát triển trong cộng đồng 3DVN cho rằng do những giới hạn về phần cứng, phần mềm, con người nên ứng dụng của kỹ xảo trong điện ảnh ít người dám làm. "Ở VN kỹ xảo chưa có đất để phát triển. Cái chúng ta thiếu là chưa được đầu tư lớn vì nghĩ đến kỹ xảo người ta nghĩ đến những dàn máy khủng khiếp và những con người có kỹ năng tốt".

Khó khăn là vậy nhưng Giám đốc IDS Media vẫn nuôi hy vọng vào triển vọng công việc của mình: "Việc chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực kỹ xảo có hai lý do. Thứ nhất, dù là IDS Media hay bất cứ công ty nào có khả năng làm dược kỹ xảo thì đây là cơ hội rất lớn vì các nhà làm phim VN cũng đã bắt đầu để ý đến lĩnh vực này. Thứ hai, có rất nhiều mảng có thể ứng dụng được kỹ xảo trong đó có kinh dị, sử thi... Đó là tiềm năng, cơ hội lớn. Tuy nhiên sẽ cần phải 3-5 năm nữa vì đây là ứng dụng công nghệ cao và cần đầu tư rất nhiều. Mảng kỹ xảo, truyền hình, kiến trúc đều cần sự hỗ trợ của kỹ xảo... Cuối cùng, lý do đơn giản tôi muốn chứng minh là VN cũng có thể làm được kỹ xảo".

ĐD Đỗ Đức Thành chia sẻ: "Tôi hy vọng VN sẽ sớm có một đội ngũ làm kỹ xảo chuyên nghiệp cho phim truyền hình và hy vọng việc làm kỹ xảo được coi như một phần không thể thiếu được của điện ảnh cũng như truyền hình. Người ta cảm thấy chán nản khi phải nhìn thấy mớ hình ảnh như đã thấy cách đây vài chục năm. Tôi hy vọng việc làm kỹ xảo được nhìn nhận một cách công minh hơn, được sự khuyến khích của những người đầu tư vì kinh phí chưa biết lấy ở đâu ra và cũng chưa có tiền lệ đầu tư làm kỹ xảo cho phim, trừ phim đặt hàng".

  • B.H
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dự thảo Luật điện ảnh: Chậm 100 năm mà vẫn... hỏng! (24/05/2005)
Phim Oan hồn... chấp nhận may rủi? (24/05/2005)
Time bình chọn 100 phim hay nhất mọi thời đại (23/05/2005)
Rạp phim, xây hay phá đều phí? (23/05/2005)
Truyền hình có thêm một "ông kẹ"? (20/05/2005)
Chờ xem phim boxing "made in Việt Nam" (18/05/2005)
Chuột Mickey đã xuất hiện tại Việt Nam (17/05/2005)
VTV bắt tay với các hãng phim tư nhân (16/05/2005)
Hà Kiều Anh đóng "Đẻ mướn" (13/05/2005)
Phim không hay, "giờ vàng" cũng bó tay! (12/05/2005)
Peter Jackson: Ngôi sao quyền lực nhất Hollywood (11/05/2005)
ĐD Hà Sơn: "Cám ơn công chúng dù họ... chửi tôi" (11/05/2005)
Thôi, vào rạp mà làm gì?! (11/05/2005)
Cannes 2005: Sôi động từ vòng ngoài! (10/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang