(VietNamNet) - Từ khi có những cuộc ra mắt phim chuyên nghiệp của tư nhân, người ta mới thấy phim nhà nước ra mắt sao mà buồn tẻ đến thế!
Buổi lễ ra mắt một bộ phim không phải là chuyện có thì tốt không có cũng chẳng sao, mà là một khâu hết sức quan trọng. Đó là thời điểm để bộ phim xuất hiện một cách ấn tượng nhất. Là nơi để công chúng nhìn ngắm, ngưỡng mộ những con người đã làm nên một tác phẩm điện ảnh, để những cặp tình nhân thật hoặc giả mới "ra lò" từ phim xuất hiện nhằm khơi gợi sự chú ý...
|
Phim nhà nước ra mắt... |
Giá vé cắt cổ 500 USD để tham dự buổi lễ ra mắt phim Star Wars mới đây ở Mỹ là một ví dụ cho sức thu hút của những cuộc đình đám dạng này.
Dự buổi ra mắt bộ phim 39 độ yêu của Công ty BHD và Hãng TFS hồi đầu tuần tại Diamond Cinema, nhiều người ngạc nhiên vì nó gây ấn tượng bằng một phong cách rất... đơn giản. Chưa nói đến việc cho khán giả xin chữ ký, chụp ảnh với diễn viên thoải mái, chỉ cần người ta sắp xếp diễn viên và công chúng không cách xa nhau tưởng chừng... cả cây số như thường thấy, buổi ra mắt đã rất gần gũi, tự nhiên.
Một ngày sau, bộ phim nhà nước Chiến dịch trái tim bên phải cũng ra mắt ở một rạp khác. Không một diễn viên, không thấy đạo diễn, nhà sản xuất cũng vắng bóng. Mọi việc ký thác cho vài cán bộ của Công ty Điện ảnh TP.HCM đứng ra cáng đáng. Cùng đề tài, cùng chiếu trong hè này nhưng ra mắt giống ''đem con bỏ chợ'', nhà sản xuất tự tin vào chất lượng của Chiến dịch trái tim bên phải quá chăng?
|
... và buổi ra mắt của phim tư nhân. Ai hấp dẫn hơn? Ảnh: VT |
Không phải đến khi tư nhân bắt tay sản xuất phim mới có những buổi ra mắt chuyên nghiệp. Ngay với những cuốn phim nhập ăn khách cỡ Anh hùng, Thập diện mai phục, Anh hùng thành Troy..., các công ty Thiên Ngân, BHD... cũng đã dàn dựng các cuộc ra mắt khá tốn kém.
Nhìn sang những buổi ra mắt của Ký ức Điện Biên, Giải phóng Sài Gòn... ôi thôi mà buồn! Kinh phí làm phim trị giá trên chục tỉ đồng nhưng chỉ giới thiệu eo sèo lấy lệ. Ngay cái cách dắt đứa con ruột của mình ra giới thiệu với thiên hạ còn không bằng cách tư nhân đối đãi với đứa con nuôi của họ thì làm sao dám so sánh xa xôi hơn nữa. Khác biệt giữa cách làm của tư nhân và nhà nước còn thấy trong các vấn đề khác như phương cách, địa điểm tổ chức, cả những chi tiết nhỏ như chiếc vé mời, quà tặng...
Trong số những vị khách có mặt tại các buổi ra mắt phim khá bài bản của tư nhân, thường xuyên có nhiều chức sắc của các hãng phim nhà nước. Kẻ ngoại đạo cũng có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa năng động và trì trệ trong công tác này, huống chi họ là những người trong nghề.
Chả trách phim nhà nước đã thường xuyên dở, lại càng không kéo được khách. Do không biết cách "câu", hoặc câu bằng mồi dỏm!
|