Chỉ 4 ngày đóng phim cho Đới Tư Kiệt (Dai Sijie), NSƯT Như Quỳnh đã được đạo diễn người Pháp gốc Trung Quốc này đánh giá cao.
|
Đạo diễn Đới Tư Kiệt (người đứng, chỉ tay) chỉ đạo diễn xuất |
Vừa kết thúc cảnh quay cuối cùng Hai cô gái con ông chủ vườn thảo dược Trung Hoa của đạo diễn Đới Tư Kiệt, NSƯT Như Quỳnh lại lặn lội từ Ninh Bình về Đồng Văn đóng Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của đạo diễn Quang Hải. “Có thể cuối năm nay tôi sẽ tham gia phim của một đạo diễn Việt kiều Mỹ, không phải tuýp phụ nữ đau khổ, nhẫn nhịn mà là một má mì!”.
Chị có nhớ đây là phim ngoại thứ mấy mình tham gia?
Chưa đến chục. Khoảng năm 1986 - 1987 tôi đóng một phim hợp tác với Đức, một phim với Nhật, rồi Đông Dương, Xích - lô, Mùa hè chiều thẳng đứng và nay là phim của Đới Tư Kiệt.
Cái “duyên” nào đưa chị đến với đạo diễn Đới Tư Kiệt?
Anh Tuấn (nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, anh chồng NSƯT Như Quỳnh - PV) đã quen Đới Tư Kiệt từ thời làm phim Người thừa. Nay Hãng phim truyện VN lại là nơi cung cấp dịch vụ cho Hai cô gái con ông chủ vườn thảo dược Trung Hoa, anh Tuấn phụ trách nhóm làm việc phía VN, còn chồng tôi (nhiếp ảnh gia Hữu Bảo - PV) thì phụ trách chụp ảnh cho đoàn.
Đới Tư Kiệt cũng đã xem phim của Trần Anh Hùng ở Pháp (có tôi đóng), muốn mời một phụ nữ đứng tuổi có ngoại hình giống người Trung Quốc và có nghề diễn.
4 ngày quay, vai của chị chiếm vị trí thế nào trong phim?
Chỉ vai thứ nhưng là nhân vật gần như mở đầu và kết phim. Tôi đóng bà giám đốc cô nhi viện nơi đã nuôi nấng Minh và cử cô đến vườn thảo dược của ông Trần để học nghề thuốc, sau đó Minh cưới con trai ông Trần.
Đây là vai ít đất diễn nhưng có dấu ấn, 2 đoạn diễn khó nhất là cảnh bà giám đốc nhận được thư của Minh thông báo cô đã bị kết án tử hình vì giết người, máy quay cận cảnh đọc thư và đoạn kết: Theo ước nguyện của Minh, bà giám đốc mang tro của cô về rắc lên dòng sông quê hương. Máy quay đặt trên thuyền, trong một không gian lớn, vừa diễn tả cảm xúc lẫn phối hợp hình thể...
Ngày đầu tiên tôi hơi căng thẳng vì mọi khâu chuẩn bị của đoàn rất tốt và đầy đủ, nếu diễn hỏng thì e cả đoàn phải làm lại rất mệt. Một đặc điểm của phim ngoại là không tính đúp quay, quay đến bao giờ đạo diễn, diễn viên và cả chuyên gia âm thanh (thu thanh đồng bộ) bảo được mới thôi.
Mỗi lần diễn xong tôi phải ngồi nghỉ một thời gian lâu mới trở lại bình thường. Xong cảnh đọc thư, đạo diễn chạy lại chúc mừng tôi, mặt ông lộ vẻ hài lòng.
Phim xoay quanh 4 nhân vật chính: Ông Trần, con trai, con dâu và con gái của ông Trần, mỗi người có đời sống tâm tư, những mâu thuẫn, xúc cảm rất tinh tế.
Nghe nói đạo diễn rất tinh tế, dù ở Pháp ông nổi tiếng là tiểu thuyết gia hơn là nhà làm phim?
Đây là kịch bản rất hay của Đới Tư Kiệt, và từng làm nhiều phim nhưng ông coi Hai cô gái... mới chính là phim ông cảm hứng nhất. Đới Tư Kiệt tính rất dễ chịu, ông không để diễn viên bị ức chế trong lúc diễn dù diễn đạt hay chưa đạt.
Nhìn chung đây cũng là phong cách của các đạo diễn nước ngoài: Quay một lần không đạt thì trao đổi với diễn viên để quay lần thứ hai, lần hai chưa xong lại trao đổi, cứ thế cho đến khi được thì thôi. Đặc biệt các bối cảnh ông chọn ở VN đều rất đẹp.
Lại ước bao giờ đạo diễn của ta...
Đạo diễn phải là người tinh tế, nhưng ngoài sự sắc sảo nghề nghiệp ra thì làm phim còn phải có tiền nữa. Đới Tư Kiệt có quay phim người Canada, đội ngũ hoạ sỹ người Trung Quốc vừa giỏi vừa chi tiết, cảnh quay đám cưới của con trai ông Trần, nhìn anh hoạ sỹ buộc đèn lồng, tết dây nơ đỏ trên những tán cây thế là đã lên màu đặc trưng của Trung Quốc.
Ngoài ra các diễn viên Trung Quốc diễn rất nhạy cảm, đặc biệt là người đóng vai An - con gái ông Trần biết tận dụng mọi ưu thế để đứng trước ống kính. Và đạo diễn để các diễn viên diễn xuất với mặt thật, không son phấn.
Trần Anh Hùng từng nói chọn diễn viên như chọn một tờ giấy trắng sau đó mới đưa nhân vật vào diễn viên đó. Đới Tư Kiệt cũng vậy thôi, ông bảo “đừng có diễn tình cảm gì cả” như thế có nghĩa là không phải cứ cố diễn tả tình cảm trên gương mặt mà hãy đọc kịch bản rồi cảm nhận, phải có tình cảm trong lồng ngực trước đã, rồi điều đó sẽ được thể hiện ra gương mặt.
Vừa làm phim nội vừa làm phim ngoại, chị thấy phong cách của 2 loại phim khác nhau thế nào?
Nhìn chung thì cung cách làm phim của ta vẫn là được chăng hay chớ, ngay việc lên một tờ lịch làm việc hàng ngày như giờ nào xuất phát, quay ở đâu, có diễn viên nào, quần áo ra sao... để phát cho từng người cũng không có. Kiểu của ta thường cứ à uôm, bảo hôm nay quay, ra hiện trường thì lại bảo thôi, xin lỗi để bữa khác!
Cô con gái Đan Huyền 20 tuổi đang học chuyên ngành Ngôn ngữ ở Trung Quốc của chị vừa được đạo diễn Bá Vũ mời đóng phim kinh dị Khách sạn không đèn, chị thấy thế nào?
Bá Vũ nói dứt khoát mời em Huyền đóng vai ma, không phải nói gì cả, chỉ đi đi lại lại (cười)... Tôi bảo ừ, nếu hè em nó về rỗi rãi thì tham gia cho biết thế nào là làm phim. Nhưng tôi không khuyến khích con theo nghề, nếu có làm thì làm nghiệp dư thôi chứ như tôi không thể sống được bằng nghề diễn viên.
Còn ý tưởng gia đình chị sẽ thành lập một hãng phim tư nhân?
Chúng tôi cũng có ý định ấy, nhưng còn phải cân nhắc nhiều yếu tố lắm, khó khăn ở khâu duyệt kịch bản hiện nay chẳng hạn.
Xin cảm ơn chị.
KBH (Tiền Phong)
|