"Thay máu" kỹ thuật làm phim: Đừng để ai phải kinh hãi!
05:55' 10/06/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau những lời chê bai kỹ thuật phim Việt Nam "như con nít", đã có những cuộc thay máu "rỉ rả" suốt thời gian qua...

Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong khu vực phim truyền hình qua những chuyến "tầm sư học đạo" của Hãng phim truyền hình TP.HCM từ khi hãng này có vị giám đốc mới. Liên tiếp trong hai năm 2003 - 2004 hãng phim này có rất nhiều chuyến cử người (chủ yếu là đạo diễn, quay phim) đi Thái Lan học công nghệ làm phim hiện đại.

Soạn: AM 434895 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chuyển phim kỹ thuật số thành phim nhựa. Cẩn thận!

Sau đó không lâu, họ lại đem về từ Hàn Quốc công nghệ làm phim sitcom. Về kỹ thuật, bài học từ hai "ông thầy" Thái và Hàn giống nhau ở chỗ đều thu tiếng trực tiếp và quay cùng lúc nhiều máy. Công nghệ hiện đại đối với ta chứ với người đã là... "trung đại". Nhưng vẫn hơn cái kiểu làm phim từ thời "cổ đại" của mấy anh nhà mình.

Trong lúc đó, do không chịu được sự lạc hậu, do những lỗi kỹ thuật ngớ ngẩn, thậm chí do theo "mốt", nhiều ông chủ hãng phim dần có thói quen cứ quay xong phim là đem tuốt qua Thái Lan, Australia, Trung Quốc... làm hậu kỳ. Khó thể kể hết ra đây số đầu phim Việt Nam có ghi tên các hãng làm hậu kỳ nước ngoài.

Và mới đây, lại rộ lên hiện tượng "tuyên bố" phim Việt Nam khỏi cần phải lặn lội đem đôla đến xứ người. Công ty chuyên làm hậu kỳ của Singapore, Digipost dù chưa có giấy phép để ra mắt chính thức nhưng với cơ sở vật chất đang được xây dựng tại TP.HCM, đơn vị này tỏ rõ tham vọng giữ được chân các nhà làm phim Việt Nam.

Chột dạ trước sự xuất hiện của đối thủ, sốt ruột khi thị trường phim bắt đầu sôi động, một số hãng chuyên hậu kỳ khác bấy lâu ẩn mình ở TP.HCM cũng đã xuất đầu lộ diện. Hãng Digital Video Solutions tung tin có thể làm được một bộ phim nhựa 90 phút có kỹ xảo với chi phí dưới 90.000 USD. Hãng Fanatic thì bỏ tiền tỉ mua cả xe màu của truyền hình để làm phim...

Chưa thể tin kỹ thuật mới

Những tuyên bố của Digipost VietNam hay Digital Video Solutions chưa được xác nhận vì họ... chưa làm. Nhưng với bộ phim đang chiếu trên truyền hình Vòng xoáy tình yêu có sự tham gia của Fanatic, và 39 độ yêu đang chiếu ngoài rạp có sự góp sức của công ty mẹ của Digital Video Solutions, thì người ta đã có dịp kiểm chứng.

Chất lượng còn kém... kịch Trong nhà ngoài phố của Vòng xoáy tình yêu không phải lỗi kỹ thuật. Nhưng với 39 độ yêu thì thấy rõ. Chất lượng hình ảnh của bộ phim truyền hình này đem chiếu trên màn ảnh lớn đã không như mong đợi (vỡ, mất nét) dù có một chuyến phù phép ở tận Hong Kong với "thầy phù thủy" - hãng Digital Magic.

Soạn: AM 434897 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hàng giữa: 39 độ yêu (hai ảnh đầu) đã được thử nghiệm, sắp tới sẽ là Đẻ mướn (ảnh cuối)?

Với ví dụ "sinh động" Vòng xoáy tình yêu, rõ ràng chuyện kỹ thuật hiện đại quay nhiều máy, thu tiếng trực tiếp chỉ có thể giúp phim hoàn thành nhanh hơn, chứ chất lượng không hẳn được bảo đảm. Cùng nằm trong "chiến dịch" tăng thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên sóng Đài truyền hình TP.HCM, dù chưa hẳn đã xuất sắc nhưng chẳng ai dám bảo Dốc tình (làm theo lối truyền thống) dở hơn Vòng xoáy tình yêu!

Còn với cú vấp ngã khá đau của 39 độ yêu, chuyện áp dụng kỹ thuật mới như Digital Video Solutions tuyên bố chưa được nhiều người tin tưởng, thậm chí còn dè chừng. Sẽ khó nhận được nhiều sự ủng hộ khi việc quay kỹ thuật số, video rồi chuyển sang phim nhựa mà giá thành vẫn không hạ mấy so với việc làm một cuốn phim nhựa chính hiệu.

Cảm nhận chung của nhiều người trong giới làm phim mà VietNamNet đã tiếp xúc là bán tín bán nghi với chuyện kỹ thuật làm phim mới. Người hồ hởi cho rằng cần phải áp dụng ngay, người thận trọng hơn bảo phải học cái đã, và có người xua tay. Trong số những người hồ hởi có đạo diễn Lê Bảo Trung với bộ phim sắp tới của mình dự kiến quay bằng kỹ thuật số (tất nhiên sau đó chuyển sang nhựa).

Sự thành bại của một bộ phim không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật, nhưng cũng chẳng ai muốn vì nó mà phim mình thêm... dở. Sau bài học của 39 độ yêu, người ta mong những ai còn tiếp tục tiến vào cuộc chơi này gặp ít sự cố nhất. Để khi nghĩ đến những cuộc thay máu kỹ thuật làm phim, giới làm phim không còn phải kinh hãi!

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Phim Việt Nam làm quen với công nghệ mới
Bài cuối: Một "núi thóc" trơ xương chờ... gỉ!
CÁC TIN KHÁC:
Như Quỳnh đóng phim của Đới Tư Kiệt (09/06/2005)
Chiếu "Thời xa vắng" ở TP.HCM, "Mùa len trâu" ở Hà Nội (08/06/2005)
Trần Anh Hùng sẽ làm phim trinh thám (08/06/2005)
Huyền thoại Anne Bancroft qua đời (08/06/2005)
Nhà sản xuất phim: Anh là ai? (06/06/2005)
"Mùa len trâu": Muốn dự Oscar nhưng chưa được chiếu trong nước? (04/06/2005)
Điện ảnh VN trước "miếng mồi" công nghệ số (01/06/2005)
Sắp công chiếu "Chiến tranh giữa các vì sao III" tại VN (01/06/2005)
Phim mới của tư nhân: "1735 km"! (28/05/2005)
Vương Phi giã từ sân khấu (27/05/2005)
Ra mắt phim kiểu nghiệp dư, như đi câu bằng mồi rởm! (27/05/2005)
Nicole Kidman: Làm việc để khoả lấp nỗi cô đơn (26/05/2005)
Kỹ xảo trong phim Việt Nam: Tại sao không? (26/05/2005)
Dự thảo Luật điện ảnh: Chậm 100 năm mà vẫn... hỏng! (24/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang