Như Quỳnh: Nuôi dưỡng tính chuyên nghiệp bằng lãng mạn
16:55' 10/07/2005 (GMT+7)

Cô Nết- chị Hai quan họ của thời Đến hẹn lại lên - dường như không có tuổi. Thật khó ngờ được người phụ nữ Hà Nội bé nhỏ, lịch lãm và quyến rũ này đã ở tuổi ngũ tuần.   

Soạn: AM 477249 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Như Quỳnh (bìa phải) cùng Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê trong Mùa hè chiều thẳng đứng

Bất chấp sự đào thải nghiệt ngã và vô tình của ánh đèn trường quay, nghệ sĩ ưu tú Như Quỳnh vẫn có những vai diễn thật ấn tượng trong những bộ phim có yếu tố “ngoại”: phim của đạo diễn nước ngoài hoặc của nhà sản xuất nước ngoài.

Lý do mà các đạo diễn nổi tiếng của nước ngoài chọn chị thật giản dị - như đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng nói ngắn gọn: “Như Quỳnh rất VN và rất chuyên nghiệp”.

Chuyên nghiệp

Trong Mùa hè chiều thẳng đứng người xem tinh mắt có thể nhận thấy cảnh quay nội thất nào có nhân vật Sương - cô chị cả, do Như Quỳnh thủ vai - đều có một bình hoa tường vi thật to và thật đẹp.

Hỏi Trần Anh Hùng, anh chỉ cười: “Hoa tường vi hợp với chị Quỳnh”. Như Quỳnh thì kể: “Đi trên phố Hà Nội, thấy hoa bằng lăng Trần Anh Hùng hỏi hoa gì mà hay thế, tôi lẩn thẩn thế nào lại trả lời: tường vi đấy. Hùng hỏi người ta có thích tường vi không, tôi hát luôn: “Một đêm bước chân về phố nhỏ, chợt thấy đóa hoa tường vi”.

Anh chàng khoái chí lắm. Sau tôi phải đính chính lại bằng cách chỉ tường vi thật cho Hùng nhưng cái tên hoa tường vi cùng âm hưởng của nó đã ám ảnh mãi trong đầu óc Hùng. Thế là cảnh quay nội nào của tôi cũng có hoa tường vi”.

Một chuyện thật nhỏ nhưng để thấy nếu không phải là Như Quỳnh không thể “ám” đạo diễn một cách vô tình mà hiệu quả đến thế. Xung quanh chị, cả bầu không khí và những vật vô tri đều phản chiếu sự ấm áp và duyên dáng mà người phụ nữ này tỏa ra.

Điều này không dễ nhận ra nhưng hơn ai hết các đạo diễn nước ngoài luôn biết và muốn có không khí ấy trong phim của mình. Nên hầu hết những đạo diễn đến VN làm phim là hỏi ngay Như Quỳnh.

Phim lớn đầu tiên của nước ngoài mà chị tham gia là Đông Dương của đạo diễn Regine Wagnier. Một vai nhỏ, xuất hiện trên màn ảnh khoảng ba lần, tổng cộng chừng 5-7 phút. Bên cạnh một Catherine Deneuve chói lòa và một Linh Đan trẻ trung tràn đầy sức sống, bà Sao - người đàn bà VN quyết chạy trốn khỏi sự tối tăm, đói khát mà số phận định sẵn để đi tìm một cuộc sống mới - qua diễn xuất của Như Quỳnh đã gây một ấn tượng đặc biệt, trước hết với đạo diễn sau đó với khán giả và các nhà làm phim phương Tây đến sau.

Lúc ở trường quay chị cũng là diễn viên VN duy nhất “bướng” với ông đạo diễn lừng danh người Pháp: cảnh gia đình bà Sao cùng Camile (Phạm Linh Đan) chạy trốn lên đến đèo Hải Vân, bà Sao nhìn qua màn sương mù biết sắp thoát nạn, biết phía trước là một chân trời mới; đạo diễn muốn bà Sao quay sang chia sẻ sự vui sướng với cô gái Camile cùng đi (vì cô là nhân vật chính), nhưng Như Quỳnh kiên quyết: “Người phụ nữ Á Đông, nhất là ở thời kỳ ấy, bao giờ cũng chỉ hướng đến chồng con và nếu có gì để chia sẻ thì người đầu tiên nghĩ đến là chồng”. Đạo diễn suy nghĩ một hồi rồi cũng phải đồng ý, và sau đó còn cảm ơn Như Quỳnh.

Đông Dương đoạt Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm đó và nó cũng là một tấm giấy thông hành mở ra cho Như Quỳnh những cơ hội mới, vượt khỏi những khuôn sáo của các bộ phim bao cấp VN.

Không phải lúc nào cũng có những vai diễn lớn nhưng những vai nhỏ trong các phim hợp tác hoặc phim nước ngoài quay tại VN như Bé Đa (làm chung với Hàn Quốc), Ngọn tháp Hà Nội (với Đức), Người thừa (với Pháp), bao giờ Như Quỳnh cũng nhiệt tình và nghiêm túc trong tư thế của một diễn viên chuyên nghiệp có đẳng cấp ngang hàng với các ngôi sao nước ngoài. 

“Visa” của chị vì thế ngày càng dày lên trong mắt các đạo diễn nước ngoài vào VN. Có khi, do tình cờ, một vai diễn quan trọng tưởng dành cho người khác cuối cùng lại như “đo ni đóng giày” cho chị. Đó là vai bà chủ trong phim Xích lô của Trần Anh Hùng. Dù đạo diễn đã được giới thiệu một diễn viên khác nhưng một hôm khi ghé cà phê Quỳnh (khi ấy Như Quỳnh và chồng chị - nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo - còn là chủ một quán cà phê nhỏ trên phố Bát Đàn, cũng là một “địa chỉ văn hóa” của người Hà Nội), uống cà phê và trò chuyện với bà chủ, Trần Anh Hùng đột ngột đề nghị: “Chị vào vai bà chủ cho phim của Hùng đi!”.   

Như Quỳnh hơi “choáng”: bà chủ trong kịch bản là chủ của một băng đảng đâm thuê chém mướn, lại ôm một mối tình cuồng nhiệt, dữ dội, thậm chí đậm chất bạo lực với nhà thơ (ngôi sao Hong Kong Lương Triều Vỹ), trong khi từ trước đến nay Như Quỳnh trên màn ảnh nhất mực dịu dàng, đoan trang trong con mắt của tất cả các đạo diễn VN và hàng triệu khán giả. Nhưng rồi tất nhiên chị vẫn nhận vai. Còn cơ hội nào tốt hơn để tự làm mới mình và tự vượt qua chính mình. Giải Sư tử vàng LHP Venise dành cho Xích lô có đóng góp không nhỏ của chị.

Phải lãng mạn mới diễn được

Soạn: AM 477247 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cảnh trong Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa (ảnh trên)

Trong Mùa hè chiều thẳng đứng có những cảnh quay thật đẹp: khi ba chị em Sương, Khanh, Liên gội đầu, ba chị em làm gà để cúng trong ngày giỗ, ba chị em nằm nói chuyện về đàn ông và hạnh phúc…

Nhiều người ca ngợi sự tinh tế của Trần Anh Hùng nhưng ít ai biết được ông đạo diễn trẻ này đã tìm thấy và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng về những vẻ đẹp Hà Nội xưa qua những bữa ăn ở nhà Như Quỳnh, những lúc nhìn chị đi chợ về, làm cơm, sắp một mâm cơm tiếp khách.

Những ngõ phố đẹp, những quán cà phê nho nhỏ, ngồ ngộ cũng được Trần Anh Hùng “qui chiếu” từ không gian đầy những nón quai thao, tù và, bình gốm mộc, kén tằm và hoa sen trong cà phê Quỳnh dạo ấy.

Cũng chính Như Quỳnh và lối sống của gia đình chị đã khơi gợi cảm hứng cho Trần Anh Hùng viết kịch bản Mùa hè chiều thẳng đứng, nhân vật Sương cũng là viết dành riêng cho chị Quỳnh. Khi đạo diễn hỏi chị: có thích để nguyên tên Quỳnh không (trong phim Lê Khanh lấy luôn tên Khanh, Liên là tên ở nhà của Trần Nữ Yên Khê), Như Quỳnh lắc đầu: “Cuộc đời là cuộc đời, phim là phim”. 

Như Quỳnh vừa quay xong hai phim, đều mang yếu tố “ngoại”: Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa của đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Hoa Đới Tư Kiệt và Tiếng đàn môi qua bờ rào đá của đạo diễn trẻ Quang Hải với quay phim người New Zealand, cả hai vai một chính, một phụ đều được dành cho Như Quỳnh từ trong kịch bản.   

Như Quỳnh nhận xét: “Làm phim với Đới Tư Kiệt để được học cái tư duy đơn giản mà sâu sắc của một đạo diễn tầm cỡ. Đạo diễn của ta nhiều người hay thích tư duy những vấn đề thật to tát, trong phim thể nào cũng có vài câu thật lập ngôn, vài cảnh thật dữ dội, cuối cùng thì chả giải quyết được gì, chả đi đến đâu. Còn phim của nước ngoài thì chỉ qua một chuyện hết sức vớ vẩn, một tâm trạng vẩn vơ mà thu hết được nhân tình thế thái, với loại phim này để quay hai ngày phải đọc kịch bản cả tháng, thức hàng chục đêm”.

Vậy chị làm thế nào để “diễn” được, khi cuộc sống và suy nghĩ của chị nghiêm túc như thế?

Như Quỳnh: - Phải lãng mạn thì mới diễn được chứ. Lãng mạn hình như bây giờ đang bị lãng quên, bị cho là “sến” hay sao ấy. Làm một phim về miền núi mà trên đường đi quay, nhìn thấy những triền đồi rực nắng, những vách núi xanh ngắt sừng sững, những thung lũng bình yên trong tiếng mõ trâu mà không thấy đẹp, chỉ mải buôn điện thoại với đánh bài tá lả thì làm sao lên đến trường quay nhập vai cho đẹp được.

Không nuôi dưỡng những rung động bé bé ấy trong tâm hồn mình, thường xuyên tưới tắm nó, chăm sóc nó thì chắc chắn không thể là một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Một buổi sáng mùa đông nhiều sương đi chợ sớm, mua thêm vài bông hoa về cắm, vào Vạn Phúc mua lụa may áo xin thêm vài cái kén tằm vàng óng về để trong một cái bát con con thỉnh thoảng ngắm, có chương trình hòa nhạc nào mới cũng cố gắng kiếm vé cho cả nhà đi xem… những niềm vui bình dị ấy có giá trị lắm cho cái sự “diễn”, cho cái sự “chuyên nghiệp” của mình. Tôi ý thức điều đó và cố gắng sống như thế để chờ đợi những vai diễn càng ngày càng chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Soạn: AM 477245 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Với đạo diễn Đới Tư Kiệt (bìa phải) trên trường quay

Hình như chị lại đang có một đạo diễn ngoại nữa chào mời?

Như Quỳnh: - Đúng rồi, Othello Khanh, một đạo diễn Việt kiều Mỹ, người tự nhận là rất mê truyện Kiều, vừa được thông qua kịch bản để làm phim ở VN, đã mời tôi đóng một vai trong phim Kiều của anh ta. Biết là tôi được mời vào vai gì không? Vai tú bà (!).

Vậy anh ta có biết là cả chị và mẹ chị (nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân), thời còn hát cải lương đã lần lượt nổi tiếng với vai Kiều không?

Như Quỳnh: - Chắc là không biết, nhưng không sao, tôi cũng đang chờ đợi để thấy mình một lần nữa khác xa sự tưởng tượng của chính mình và người xem.

(Theo Tuổi trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Choi Ji-woo lần đầu tiên sang Nhật đóng phim (06/07/2005)
Khi đạo diễn phim nhà nước... "ngoại tình" (06/07/2005)
Nghệ sĩ Quốc Tuấn và lý do để giã từ sân khấu (05/07/2005)
Thuý Hường: "Tôi đã khóc nấc lên với cuộc đời mình" (28/06/2005)
Diễm My trở lại phim trường (22/06/2005)
Màn bạc và những câu nói hay nhất mọi thời đại (22/06/2005)
"Sút và Hét" trong rạp (21/06/2005)
Duy Mạnh: "Tôi đóng phim không phải vì cát-sê"! (20/06/2005)
Thời xa vắng đoạt giải thưởng tại LHP quốc tế Thượng Hải (20/06/2005)
Oprah Winfrey: Ngôi sao quyền lực nhất thế giới (17/06/2005)
"Đẻ mướn" ra mắt cả chùm sao! (16/06/2005)
Hãng phim Việt: Bị "đánh" cũng vẫn làm kiểu... "39 độ yêu"! (15/06/2005)
80% phim VN đang sử dụng ''diễn viên đường phố''! (14/06/2005)
Bollywood Oscar 2005: Khi điện ảnh sưởi ấm chính trị (13/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang