|
Nhà văn Hoàng Quốc Hải. |
(VietNamNet) - Sau hơn 30 năm cầm bút, Hoàng Quốc Hải đã gặt hái thành công ở thể loại tiểu thuyết lịch sử. Mới đây, Nhà xuất bản Phụ nữ đã in trọn bộ tiểu thuyết lịch sử của ông về triều đại nhà Trần, và sáng ngày 18/10 vừa qua, tuần báo Văn Nghệ có tổ chức cuộc hội thảo về bộ sách này.
- Thưa nhà văn, được biết ông vừa mới xuất bản một bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ. Xin ông giới thiệu đôi nét về bộ sách này?
- Tôi vừa in trọn bộ, bộ tiểu thuyết lịch sử viết về thời đại nhà Trần gồm 4 tập: Bão táp cung đình - Thăng Long nổi giận - Huyền Trân công chúa - Vương triều sụp đổ. Trước đây, cứ viết xong tập nào, in luôn tập đó. Sau hơn chục năm mới hoàn thành. Và lần đầu tiên in trọn bộ, với độ dài hơn 2.000 trang.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, sinh ngày 13/8/1938 tại Kim Thành - Hải Dương. Thuở bé học ở trường làng, nhưng lớn lên học ở Hải Phòng.
Ông tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường Báo chí Trung ương. Sau ra làm báo rồi viết văn. Từ 1970 ông về công tác tại Bộ Văn hoá, chuyên kho về văn hoá phong tục. Cũng từ đó, như cái duyên, ông chuyển hẳn sang viết về đề tài lịch sử. |
- Sáng 18/10 vừa qua tuần báo Văn Nghệ có tổ chức một cuộc hội thảo về bộ sách này?
- Đây là cuộc trao đổi giữa một số nhà văn, nhà phê bình, độc giả, một số giám đốc thư viện trên tinh thần bạn bè, đồng nghiệp, vui vẻ và thẳng thắn. Còn nội dung trao đổi có lẽ tuần báo Văn nghệ sẽ làm tường thuật trong số tới.
- Lý do vì sao nhà văn lại chọn viết về “lịch sử” suốt con đường sự nghiệp của mình?
- Tôi viết nhiều thể loại, kể cả tiểu thuyết đề tài đương đại. Nhưng sau đó rẽ sang nẻo lịch sử. Có lẽ do duyên nghiệp chăng.
- Quan niệm của nhà văn về lịch sử như thế nào?
- Theo tôi, lịch sử là một bản lý lịch của một dân tộc, một quốc gia. Nó đồng thời là “giấy thông hành” để các dân tộc, các quốc gia liên kết với nhau trong một cộng đồng lớn mà ta thường gọi là thế giới.
- Còn người viết sử?
- Đó là lĩnh vực của các nhà khoa học lịch sử, có lẽ bạn tìm câu trả lời nơi họ sẽ thoả đáng hơn. Nhưng theo tôi, người viết lịch sử phải khách quan, trung thực và rõ ràng chứ không thể mập mờ được.
- Là một nhà văn chuyên viết về lịch sử, ông cho biết quan niệm của mình về “tiểu thuyết lịch sử”. Ông chủ trương “tái hiện lại lịch sử theo đúng là nó” hay viết về lịch sử theo “cái nhìn” hiện tại?
- Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thì tái hiện lịch sử chính là chức năng thứ nhất của văn học. Tuy nhiên, nếu chỉ tái hiện không thôi, thì đúng như Karl Marx nói là “Triệu về những bóng ma của quá khứ’'. Cái đó không giúp ích gì cho người đọc. Cho nên phải có chức năng thứ hai nữa, là thông qua lịch sử để giải quyết những vấn đề của hôm nay. Thiếu thông điệp đó, người đọc sẽ từ chối tác phẩm của nhà văn.
- Có một số nhà văn viết về lịch sử cũng được chú ý, nhưng theo một phong cách hoàn toàn khác. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp thường “nhìn’’ nhân vật ở góc độ “đời thường”, còn cây bút trẻ Lưu Sơn Minh thì lại thích “nhìn” lịch sử với một chút gì đó mang tính huyền thoại. Ý kiến của ông ra sao?
- Có nhiều cách tiếp cận lịch sử. Đó cũng là một trong những cách mà giới sáng tác xưa, nay thường dùng. Theo tôi, văn học nên có nhiều phong cách, nhiều khuynh hướng nghệ thuật. Và chỉ có nhiều khuynh hướng mới nảy sinh các trường phái. Một nền văn học chưa tạo dựng nổi trường phái, vẫn là một nền văn học chưa đạt tới đỉnh cao của sự phát triển nghệ thuật. Rõ ràng là một nền văn học hướng thượng, phải là một nền văn học đa khuynh hướng.
- Gần đây có một số tiểu thuyết lịch sử gây chú ý như: “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác, “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh. Ông đánh giá thế nào về những tác phẩm này?
- “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác và “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, là hai phương thức tiếp cận lịch sử khác nhau, và họ viết với các bút pháp khác nhau, nhưng cả hai ông đều thành công. Nhân đây, tôi xin chúc mừng những thành công đáng trân trọng của hai tiểu thuyết gia lịch sử đó. Và tôi rất mong hai ông vẫn tiếp tục con đường này. Bởi ở nước ta, số lượng các nhà văn viết về lịch sử quá khiêm nhường.
- Theo ông, viết về lịch sử nên trung thành với sự kiện, văn hoá tập tục hay...
- Nếu tiểu thuyết được coi là tiểu thuyết lịch sử, mà không trung thành với sự kiện lịch sử, sẽ phá vỡ niềm tin của người đọc, và như vậy thì nó không còn là tiểu thuyết lịch sử nữa. Ngoài ra những gì gọi là văn hoá và tập tục, nếu thiếu nó, tiểu thuyết không có linh hồn.
- Để kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long”, Thủ đô ta có cuộc vận động viết về “Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Xin ông cho biết cảm nghĩ của mình về vấn đề này?
- Đó là việc nên làm, cần làm và phải làm cho nghiêm túc.
- Ông có tham gia?
- Tôi tham gia một cách hào hứng và nghiêm túc. Cụ thể là bộ tiểu thuyết lịch sử vừa in. Tôi cũng đã viết được một kịch bản điện ảnh và đang tiếp tục viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Lý.
- Trong suốt quá trình từ khi thành lập đến nay, Hội nhà văn đã bao giờ mở cuộc vận động viết về đề tài lịch sử?
- Nếu tôi nhớ chính xác thì Hội nhà văn Việt Nam chưa có cuộc vận động nào như thế.
- Hiện nay ra sao?
- Hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam hình như đang chú trọng tới đề tài lịch sử. Bằng chứng là Hãng phim truyện của Hội vừa hoàn thành bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong”. Và nữa, bộ tiểu thuyết của tôi vừa xuất bản, nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng thư ký hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ đã mở luôn một cuộc trao đổi bàn tròn khá sinh động.
- Những cây bút trẻ có nên “thử” ở lãnh địa khó khăn này không? Và nếu muốn thì họ cần phải có những điều kiện gì?
- Nếu những nhà văn trẻ không lãnh nhiệm công việc này thì ai có thể thay thế họ. Vâng, đúng là một thứ công việc đầy nhọc nhằn, nhưng lại khó có thể đem lại kết qủa như ta mong muốn. Nếu các nhà văn trẻ định đi về mảng đề tài này, thì nên tự hỏi xem mình đã yêu nó đến độ chưa, lại có dám vì nó mà dấn thân không, và có bền bỉ thuỷ chung với nó không? Tôi nghĩ, đó chính là các điều kiện cần (tất nhiên là chưa đủ) đối với người viết tiểu thuyết lịch sử.
- Xin cảm ơn nhà văn.
|