“Tác gia kịch nói và kịch thơ” – chân dung nghệ sĩ Sân khấu của Hoài Anh
11:03' 08/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ở Lời bạt, Hoài Anh viết: “Nhằm mục đích thúc đẩy việc nâng cao tính văn học của sân khấu, trong cuốn sách này, tôi tập trung viết về một số tác giả kịch nói, kịch thơ nhằm gợi lên đôi nét về tiến trình lịch sử văn học kịch nói, kịch thơ thế kỷ 20”.

Bìa tập sách Tác gia kịch nói và kịch thơ.
 

Mấy năm trở lại đây,  nhà thơ Hoài Anh đã bỏ công nghiên cứu và viết những trang văn về “Chân dung văn học” (tập 1), dày 1.500 trang và được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2002. Nay ông tiếp tục thể hiện “liên tài” qua Tác gia kịch nói và kịch thơ - “Công trình kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 – 2002)” dày gần 1.000 trang viết.

 

Lời Nhà xuất bản mở đầu tập sách đã viết: “Với một tư liệu được sưu tầm, tích lọc phong phú, với sự từng trải, quảng giao lịch lãm, với tình cảm trân trọng, tác giả Hoài Anh đã dựng lại sinh động chân dung của những nhà sân khấu đã từng được nhiều người hết sức yêu mến. Những gì tác giả đem đến trên trang viết là những điều có thể tin cậy. Từ cuốn sách này, người đọc có dịp nhìn lại một cách tổng quan sự nghiệp của nhiều nhà viết kịch, hoạt động sân khấu. Đồng thời cũng hiểu thêm được nhiều nét riêng tư thú vị, cảm động của đời họ”.

 

Thật vậy, chỉ với 23 chân dung từ Nguyễn Văn Vĩnh đến Lưu Quang Vũ, ông điểm xuyết, tổng kết nghiệp sân khấu nói chung và sáng tạo văn chương nói riêng tạo nên chuyện đời - chuyện nghề của họ, gắn liền với nhân vật, vở diễn và tác phẩm như: Nguyễn Văn Vĩnh – Dịch giả và diễn viên kịch Molière; Phạm Quỳnh - Dịch giả kịch Corneille và nhà lý luận sân khấu; Vũ Đình Long với chén thuốc độc Tòa án lương tâm; Nguyễn Hữu Kim và ban kịch Hội Uẩn Hoa; Tương Huyền với những vở hài kịch phê phán phong tục; Nam Xương và vở Ông Tây An Nam; Vi Huyền Đắc và vở Kim Tiền - ngọn gió đông thổi dậy phong trào kịch nói; Đoàn Phú Tứ với chặng đường từ Mơ hoa đến đứng trước Ngã ba của kịch nói Việt Nam; Thế Lữ - “Người thơ” đến với sân khấu; Phan Khắc Khoan với vở kịch thơ đầu tiên trên sân khấu Việt Nam; Hoàng Cầm - người tạo nên một phong cách kịch thơ riêng; Nguyễn Huy Tưởng - người đắp nền móng cho sân khấu cách mạng; Học Phi với những vở kịch về Đảng về cách mạng; Lộng Chương (vừa mới mất) - nhà viết hài kịch xuất sắc; Bửu Tiến với cống hiến liên tục, bền bỉ cho nghệ thuật kịch; Trúc Đường - nhà viết kịch lịch sử giàu tâm huyết; Kính Dân – Với công lao đóng góp nhiều mặt cho sân khấu; Vương Lan - Nhà viết kịch về người công nhân; Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ) - nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu; Hoài Giao - nhà viết kịch thử sức trong nhiều lĩnh vực; Xuân Trình - người dự báo thời tiết ngày mai; Tất Đạt - nhà viết kịch sung sức và chịu tìm tòi; Lưu Quang Vũ - nhà viết kịch nhạy bén, đa dạng, giàu chất thơ và chất triết lý.

 

Mỗi chân dung hiển hiện bằng một phong cách sáng tạo độc đáo và riêng biệt. Mặc dù từ trước đến nay, viết chân dung nghệ sĩ hay chân dung văn học để khắc họa về một con người, nhằm tổng kết đời và nghiệp của một tác giả - nghệ sĩ … rất khó. Không thể sơ lược hay khái quát mà phải bằng một trực quan sinh động giàu chất nhân văn mới chuyển tải đến người đọc những đồng cảm trên con đường đi tìm cái đẹp, cũng chính là hành trình đi tìm tri âm để lại hậu thế bằng những nhận định, đánh giá khách quan của những nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình… Công việc đòi hỏi sự công tâm hàng đầu. Nhà thơ Hoài Anh vốn là người vào nghiệp bằng sân khấu và đã có giải thưởng về Sân khấu với vở Xe pháo mã, 1961 nên ông đã có cảm thụ rất tinh tường về các nghệ sĩ sân khấu.

 

Cán bộ tuyên huấn khu ủy Trị Thiên - Huế họp mặt với văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Trần Hoàn (thứ 3 hàng đứng từ trái sang). Nhà văn Học Phi (thứ 6 hàng ngồi từ trái sang).
 

Đáng chú ý và xúc động nhất là bài viết về Lưu Quang Vũ - người bạn cùng thời với ông qua cảm nhận từ những vở kịch hiện đại của Vũ như Hồn Trương Ba - da hàng thịt; Tôi và chúng ta; Tin ở hoa hồng… đang được các sân khấu ở Sài thành dựng lại và gây được sự chú ý của dư luận bởi nó còn nguyên giá trị thời sự: “Những người trẻ tuổi trong kịch của anh biết nhìn nhận, phê phán những hạn chế của lớp già. Người sống trong kịch của anh không thôi nhớ về người người chết và người chết biết mình đang sống trong cõi nhớ của người sống… Đôi lúc, lối trình bày nội tâm nhân vật của anh có vẻ như khách quan nghiệt ngã, thậm chí như chế giễu, nhưng không phải để phủ định mà với tinh thần trân trọng con người, muốn hoàn thiện con người, hoàn thiện cuộc sống”. Cuối cùng, Hoài Anh xúc động viết: “Cái chết đột ngột đã cướp đi một tài năng thực sự đang độ sáng tạo sung sức. Khi anh mất, trên các sàn tập, nhiều đoàn còn dựng một loạt vở mới của anh… Có một vở kịch mới phác thảo, cái tên thì đã có rồi. Lúc đầu, Vũ đặt tên là Con sâm cầm đã chết. Về sau bạn bè bàn lại nghe cái tên đã thấy sai sái thế nào, nên Vũ đổi lại là Chim sâm cầm không chết. Nhưng tất cả đã theo anh ra đi...”.

 

Thời gian gần đây, số lượng các nhà phê bình sân khấu không trẻ hóa cũng chính vì sự cảm nhận chưa sâu sắc và có thể là chưa qua trường lớp đào tạo… Do vậy cuốn sách này ra đời giúp độc giả, khán giả hiểu và biết thêm về những nghệ sĩ sân khấu, những người mà để hiểu và biết về họ, còn quá ít thông tin.

  • Cam Linh 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2002- 2003 (05/12/2003)
"Mr. Peabody's Apples" của Madonna đứng đầu Top cuốn sách bán chạy nhất (03/12/2003)
Nguyễn Văn Hầu và "Diện mạo Văn học dân gian Nam bộ" (01/12/2003)
465 người thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh (29/11/2003)
Trao giải thưởng cuộc thi viết ''Vì biển xanh quê hương'' (26/11/2003)
Viết văn và làm khoa học vì người nghèo (26/11/2003)
Thầy, cô qua những trang văn (18/11/2003)
Các cây viết trẻ TP.HCM nghĩ gì? (15/11/2003)
“Thi pháp truyền Kiều" mang lại điều gì mới mẻ? (07/11/2003)
Nhà văn trẻ với cuộc chiến mưu sinh (06/11/2003)
Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương” (06/11/2003)
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Chương trình văn học truyền hình cần được củng cố (30/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang