Ông Nguyễn Cừ: Giá sách quá cao do phí phát hành!
15:07' 08/04/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Như dư luận từng nhiều lần lên tiếng, tình hình xuất bản hiện nay khá lộn xộn, do sự cạnh tranh hỗn loạn, các qui định thiếu đồng bộ, và cũng có cả những nguyên nhân khách quan như chuyện bản quyền... Để tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi có trao đổi với ông Nguyễn Cừ - Phó Giám đốc NXB Văn học.

Ông Nguyễn Cừ

- Xin ông cho biết về tình hình xuất bản, tái bản sách văn học dịch mấy năm gần đây, những vấn đề về bản quyền trong nước, ngoài nước, cũng như sự cạnh tranh với những người làm sách (thuộc cả khu vực nhà nước và tư nhân)?

Ông Nguyễn Cừ: - Những năm gần đây sách văn học dịch có ít hơn, bởi vì thực tế văn học dịch bị mắc vào mấy việc khó khăn. Thứ nhất là chuyện bản quyền. Hiện nay ở nước ta vấn đề bản quyền đang được triển khai. Thông tin để xin bản quyền đối với các nước là rất phức tạp, việc thực hiện bản quyền với văn học dịch chưa thống nhất và triển khai chưa đồng bộ, có người quan niệm thế này, có người quan niệm thế kia.

Theo các nhà xuất bản, hiện nay, riêng đối với hai nước Mỹ và Thuỵ sĩ (là những nước chúng ta đã ký kết về bản quyền) thì vấn đề bản quyền được thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc. Nhưng trên thực tế sách của Mỹ vẫn in và bán tràn lan, đấy là chưa kể những sách được dịch trước khi ký với Mỹ. Trong những năm vừa qua (từ 1999 tới nay), sách dịch mới ít, chủ yếu là sách dịch cũ và tái bản lại. 

Đối với NXB Văn học, một NXB tầm vóc quốc gia thì từ những thập niên 60, 70, 80 đã có một đội ngũ dịch và biên dịch rất mạnh. Lúc ấy có rất nhiều thuận tiện, chúng ta chưa bị va chạm về bản quyền, quan hệ với các sứ quán, rồi nhiều người mang sách về... Các tác phẩm văn học Pháp, Trung Quốc, rồi Nga Xô Viết thời đó được giới thiệu rất nhiều. Chúng ta cứ thấy trên báo chí khen cuốn nào thì dịch cuốn đó, hoặc thông qua sứ quán, mà thông qua sứ quán lại được họ cấp sách cho. Hiện nay dịch có ít đi một phần là do những tác gia lớn, những dòng văn học lớn chúng ta đã giới thiệu tương đối chu đáo. Với chúng ta hiện nay thì mới là những tác phẩm thuộc văn học Mỹ, Tây Ban Nha, rồi một số nước châu Á... nhưng ta lại vấp chuyện bản quyền, và nếu bỏ tiền ra dịch thì phải tính đến chuyện bán được hay không bán được.

Một vấn đề nữa là sự lộn xộn trong lĩnh vực sách dịch. Lộn xộn cũng vì chuyện bản quyền.NXB Văn học là nơi đã xuất bản hầu hết những tác phẩm hay, những tác giả lớn, có uy tín trên thị trường, nhưng khi thực hiện bản quyền thì có một số tư nhân và một số cơ quan phát hành mang tiền đến mua dịch giả bản thảo đó, và quan niệm rằng đấy là tác quyền, nhưng thực ra tác quyền còn thuộc về NXB Văn học. 

Ví dụ bộ Chiến tranh và hoà bình ra đời, NXB Văn học phải biên tập kết hợp cùng dịch giả trong vòng 6 năm, nhưng Công ty Phát hành sách TP.HCM lại mua của ông Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành... rồi xin giấy phép nơi khác. Việc này cần được chấn chỉnh bởi họ có thể mua, nhưng khi lấy giấy phép họ nên qua NXB Văn học.Nhưng họ đã không làm thế. Thực hiện bản quyền không chỉ với những tác phẩm dịch mới, mà còn phải phân định quyền lợi ở nhưng tác phẩm đã xuất bản, quyền lợi của NXB đến đâu, của người in lần thứ nhất thế nào, lấy giấy phép ở đâu cho đúng chức năng. Cục Xuất bản nên làm trọng tài trong việc này.

- Các cơ quan phát hành, theo chức năng Nhà nước giao, là người làm công việc hậu kỳ của xuất bản. Thế nhưng có vẻ như các công ty phát hành lại trở thành đầu nậu, sai khiến xuất bản, góp phần tạo ra sự lộn xộn, theo ông có hiện tượng đó không?

- Có gây ra lộn xộn. Trước đây phát hành chỉ quản phát hành. Bây giờ họ trở thành đối tác để xuất bản, tức là người ta tự tổ chức bản thảo, tìm mua bản dịch... sau đó đến nhà xuất bản xin giấy phép. Chính giá sách quá cao là nguyên nhân từ đây. Phát hành tư nhân hiện chiếm 70% phát hành cả nước, đã khống chế và làm cho thị trường sách lộn xộn như in trùng, in nối bản, giá cả, chỗ này bán trừ phần trăm cao, chỗ kia trừ thấp hoặc không trừ... Phát hành nên quay về vị trí cũ là chỉ phát hành, chỉ lo làm sao sách đến tay bạn đọc, không chỉ bạn đọc thành phố, mà còn bạn đọc vùng sâu vùng xa, như thế thì mới giúp lĩnh vực xuất bản hoàn thành nhiệm vụ.

- Theo ông giá sách cao hiện nay có bao nhiêu nguyên nhân, và làm thế nào để khắc phục?

- Giá sách hiện nay quá cao, ai cũng dễ nhận thấy, so với mặt bằng lương. Nguyên nhân phải kể đến giấy, công in cao. Giấy tăng do chúng ta không nhập giấy, muốn để giấy nội phát triển. Mà giấy Bãi Bằng nhiều khi không đáp ứng được, nên tăng giá, và các NXB cũng phải tăng theo. Hai năm trước giá in khoảng 11-12đ/trang, giờ lên đến 17-19đ/trang. 

Thứ nữa là phí phát hành quá cao. Những năm trước đây là trừ 26%, bây giờ thậm chí đến 55-60%. Một cuốn bán ra 10.000đ, nếu trừ 60% thì phát hành được hưởng 6.000đ, người làm sách sẽ bị lỗ, buộc phải đẩy giá lên cao.

Biện pháp tốt nhất để khắc phục, theo tôi là các NXB đủ tiền, đồng bộ cùng làm sách. Các NXB sẽ tính được chính xác giá sách, kể cả phí phát hành (khoảng 30%), và phát hành chỉ lo việc bán sách, xuất bản chỉ lo làm sách, định giá sách. Bộ Tài chính hay Uỷ ban Vật giá nên định khung giá trang in, từ đó giám sát được giá sách. Nếu ai bán giá cao hơn có thể bị phạt, thu giấy phép...(?)

- Nhân buổi gặp gỡ hôm nay, được biết NXB Văn học chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, đồng thời sẽ đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, xin ông điểm lại một số thành tựu gần đây?

- NXB Văn học cho đến tháng Tư này là tròn 55 năm. Đó là một chặng đường rất dài, NXB cũng đã được tặng thưởng huân chương Lao động các loại, huân chương Độc lập hạng ba rồi hạng nhì hồi kỷ niệm 50 năm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nxb đã đứng vững trong cơ chế thị trường, không chạy theo thứ thị hiếu tầm thường, sách không có vấn đề về nội dung tư tưởng. Nxb đã ra được những bộ sách lớn như bộ toàn tập của các nhà văn Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Tản Đà, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyễn Công Hoan...

Bộ sách thứ hai đáng chú ý là Văn học Việt Nam thế kỷ 20, triển khai năm 1999, đến giờ đã ra được 16 tập. Đây là bộ sách rất lớn, được xếp như một bộ tùng thư nếu như ra hết 70 tập vào năm 2007 hay 2008. Hầu như các giá trị của văn học Việt Nam thế kỷ 20 đều nằm ở đây. Cái mới ở bộ sách này không chỉ là những tác phẩm đã được công bố, mà còn phải nhìn lại các tác phẩm viết ở đô thị Hà Nội trước năm 1954, ở đô thị miền Nam trước 1975, đặc biệt là đóng góp của những cây bút ở nước ngoài viết theo tinh thần hoà hợp dân tộc...

- Xin cám ơn ông.

  • Hàn Thuỷ Giang (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NXB Trẻ mua toàn bộ tác quyền của nhà văn Sơn Nam (07/04/2003)
Nhà văn Pháp Morgan Sportés: ''Điều tôi quan tâm hơn cả là lịch sử Việt Nam'' (01/04/2003)
Giới thiệu thơ ca Việt Nam tại Pháp (24/03/2003)
Xuất bản cuốn "Tố Hữu sống mãi trong lòng nhân dân và đất nước" (24/03/2003)
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: ''Tôi muốn đồng hành với cuộc sống'' (23/03/2003)
Toàn tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan ra mắt độc giả (20/03/2003)
Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ (14/03/2003)
Một hành trình văn học (11/03/2003)
McEwan đoạt giải tiểu thuyết hay nhất (28/02/2003)
''Thơ tình tặng vợ'' - cuốn sách cần cho mọi gia đình (27/02/2003)
Sách văn học cho tuổi mới lớn đã bắt đầu được trân trọng (26/02/2003)
Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...'' (25/02/2003)
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang