Gần đây, một số tập thơ của các nhà thơ trẻ như Người đi chăn sóng biển (Văn Cầm Hải), Nằm nghiêng (Phan Huyền Thư), Chợ tình yêu (Vũ Thị Tú Anh)... đã gây được sự chú ý của khán giả, đặc biệt là trong giới văn chương. Ý kiến về những tập thơ này không giống nhau, đôi khi còn trái ngược. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo và nhà phê bình Lê Thành Nghị xung quanh vấn đề thơ trẻ.
- Thưa các ông, trên văn đàn bấy lâu người ta thường nói về cuộc chuyển giao thế hệ, hay nói như một nhà thơ đã từng tuyên ngôn: thơ ca Việt Nam đã đến phiên ''đổi gác''... theo các ông có hay không chuyện ''đổi gác'' hay chuyển giao thế hệ?
- Nhà phê bình Lê Thành Nghị: Tôi không tin có một cuộc ''chuyển giao thế hệ'' hay ''thay phiên đổi gác'' nào rạch ròi của văn học nói chung cũng như của thơ ca nói riêng. Không ai, không thế hệ nào đứng ra ''bàn giao'', đổi phiên gác cho ai, cho thế hệ nào cả. Văn học là một tiến trình không ngừng, Người đến trước là trước của người đến sau, nhưng lại là sau của người đến trước hơn. Tất cả cùng đồng hành sáng tạo trong một dòng chảy chung.
- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Đối với khoa học cứ 28 năm thì được chia thành một thế hệ, nhưng với văn học tôi nghĩ già hay trẻ chỉ là sự phân biệt lứa tuổi. Tất nhiên văn học cũng có các thế hệ, mỗi thế hệ hình thành trong một thời đại, mang những tư tưởng riêng với thi pháp riêng... Các thế hệ ấy kế tiếp nhau kéo dài, không phân định mốc nào, năm nào thì xuất hiện thế hệ mới.
- Nhà thơ Bằng Việt: tôi lại cho rằng khái niệm ''chuyển giao thế hệ'' có chính xác hay không thì còn phải bàn lại. Tôi nghĩ trong thơ ca cũng như trong văn học nói chung các thế hệ nối tiếp hữu cơ, liền mạch như một cuộc chạy tiếp sức. Các thế hệ đi trước cứ viết cho đến khi không viết được nữa tự khắc thế hệ trẻ sẽ chiếm lấy văn đàn cũng như công chúng...
- Trong thời gian gần đây những tìm tòi trong một số tập thơ của những người viết trẻ như Người đi chăn sóng biển của Văn Cầm Hải, Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư... đã gây được nhiều chú ý, tạo được dư luận. Theo các ông liệu những người viết trẻ đã tạo nên một thế hệ mới cho thơ ca Việt Nam?
- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Chưa đủ để tạo nên một thế hệ mới nhưng những người viết trẻ cách khoảng từ 15 đến 35 tuổi đã tạo nên một lớp sóng mới cho thơ ca. Những sáng tác của họ đã hình thành một cách nói, một cách nghĩ mới và khác so với thế hệ chống Mỹ chúng tôi mà nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đấy là tư duy lập trình. Tôi đã nhìn thấy ở Văn Cầm Hải một giọng thơ khá lạ của thứ ngôn ngữ hậu siêu thực, trừu tượng, phức điệu và đa chiều. Còn Nằm nghiêng có thể nói đấy là tập thơ đầu tay của một ả Thị Mầu đời mời, vừa chua cay nhưng vừa khao khát những giá trị mới của Phan Huyền Thư... Dù hơi nôn nóng nhưng những cách tân, tìm tòi của họ đã cất lên được một tiếng kêu cho đổi mới thơ ca.
- Nhà thơ Bằng Việt: Sau 1975 có tới 3 lứa thơ trẻ nối tiếp nhau nhưng họ chưa tạo thành 3 thế hệ hay một thế hệ nhất quán. Nhìn lại thế hệ thơ mới, thế hệ chóng Pháp và chống Mỹ, thế hệ nào cũng hình thành một lực lượng nhà thơ đông đảo, đồng đều, mỗi người một phong cách, một khía cạnh bổ sung cho nhau... tạo thành một thế hệ nhất quán, rõ rệt. Còn những người viết trẻ hiện nay dù họ đã hình thành một lực lượng người viết, có tiếng nói mới nhưng thành tựu cũng như bản lĩnh, sự đồng bộ... của họ chưa đủ để tạo ấn tượng, niềm tin về một thế hệ có thể đi xa hơn, có thể cất lên một thông điệp mới khẳng định họ là ai, thi pháp của họ là gì, họ đã giải đáp được những câu hỏi nào cho xã hội ngày nay... Có thể họ chưa đến độ chín?
- Lại nói về phê bình - người bạn tri âm của những người sáng tác. Đáng lẽ trong tình trạng ''người người in thơ, ngành ngành in thơ'' đang làm loạn thơ cũng như làm danh hiệu nhà thơ trở nên mất thiêng như trước hơn bao giờ hết thơ ca cần sự thẩm định, lên tiếng của các nhà phê bình. Nhưng dường như ''nàng thơ'' đã ngóng trông bấy lâu mà ''người bạn tri kỷ'' vẫn biệt tăm biệt tích ở nơi đâu mà chưa thấy tới.
- Nhà thơ Bằng Việt: Đúng là hiện nay thơ ca đang phát triển phong phú mà phê bình thì vẫn chưa theo kịp. Phê bình không cầm trịch được thơ nên độc giả bây giờ phải tự đọc thơ, tự chọn thơ. Nhưng vàng thau thì lẫn lộn, để phân biệt được rành rẽ rạch ròi đâu phải dễ. Trước một mớ thơ lẫn lộn như vậy người đọc đâm hoang mang cũng phải. Đã thế trong phê bình hiện nay có hiện tượng nhiều khi khen nhau vài bài báo vì vui vẻ, cảm tình, hiếu hảo hơn là vì một cái gì đó đích thực cho thơ ca.
- Nhà phê bình Lê Thành Nghị: Phê bình văn học, phê bình thơ là ý thức của văn học, của thơ ca. Vì thế việc khen chê là việc làm không dễ, cần hệ trọng. ''Lăng xê'' một cây bút, một cuốn sách đúng thì không sao, nhưng không đúng thì thực là một tai hoạ. Tự nhà phê bình sẽ đánh mất uy tín với bạn đọc có tri thức, sẽ làm hỏng thẩm mỹ của người đọc đang cần sự định hướng.
- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Thực ra thời nào mà chẳng cần những nhà phê bình, thẩm định thơ. Ở Trung Quốc có kim Thánh Thán, Viên Mai nhưng những hộ pháp của thi vương, thi bá một thời. Việt Nam ta cũng đã có một Hoài Thanh trong thời đại thơ mới. Chính họ là những người lôi kéo độc giả về hướng nhìn của họ... Còn bây giờ có quá nhiều nhà phê bình nhảm nhí, tâng bốc lẫn nhau vì động cơ cá nhân hoặc vì ý thích cá nhân mà chưa có đủ tri thức văn hoá về thơ ca. Quả thực thơ ca đang thiếu một con mắt xanh, đặc biệt trong thơ trẻ.
(Theo Văn Hóa) |