Thơ xứ ta lắm chuyện...
16:52' 27/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chưa bao giờ nhân viên lưu chiểu của thư viện lại đau khổ mệt mỏi như những năm vừa qua. Họ thường kêu lên với người của các nhà xuất bản: ''In thơ vừa thôi, thư viện hết chỗ chứa rồi...''. Tất nhiên, đó chỉ là câu nói nửa đùa nửa thật. Nhưng quả tình, nhìn đống thơ tích dồn theo năm tháng, ai có lương tâm mà không lắc đầu cám cảnh.

Thơ ơi! Về đi...

Chuyện thật như thật...

Bạn đang là người bình thường, nghề nghiệp có, công việc dù ổn định hay không, cũng đủ ngày hai ba bữa. Gặp bữa mưa chiều gió sớm, mây lam nước tía, cô bạn đồng nghiệp, hay nàng hàng xóm, hay cô hướng dẫn viên du lịch... tình cờ nhìn bạn có lâu hơn những cái nhìn công vụ một chút, thế là như một hòn sỏi nhỏ ném xuống mặt ao tù bấy lâu nay im tăm lặng sóng. Bạn có thể làm một công việc rất thiện lành lắm chứ, ấy là nhả ra vài câu có những âm vận nối quện nhau. Lúc đầu bạn còn băn khoăn không biết đấy có là thơ không nhỉ, không sao, cứ chép vào sổ tay cái đã, chỉ để cho mình thôi mà.

Tiếc thay chuyện không chỉ dừng ở đó. Chúng ta hãy bắt đầu với những câu chuyện kiểu ''thơ trên bàn biên tập''. Một người viết thơ (ông này trong vòng hai ba năm đã làm nên tên tuổi chỉ vì tên xuất hiện quá dồn dập), có lần viết một câu đại ý thế này: Trái bưởi (hay cam, chanh gì đó) đu đeo giữa trời... Biên tập viên giật bắn mình, một Hồ Xuân Hương nữa đã tái thế trong hình hài một gã đàn ông phương phi béo tốt và hói đầu chăng? Hay hay không thì chưa biết, nhưng lỡ bộ phận chế bản cho thêm một hai cái dấu sắc vào, rồi ông đọc mo-rat ẩu thì toi chứ chả chơi. Liền hì hụi tìm từ thay. 

Nhưng tuyệt nhất là sáng hôm sau, lúc đem nộp bản thảo thì đã thấy lù lù bản can rồi. Và chữ đu đeo rất chuẩn xác. Hoá ra nộp bản thảo chỉ làm phép, ông ta đã tự cho ra bản can để in rồi. Một cái hay nữa của thi sĩ này là, ông ta có thể xúc động hàng chục lần với một địa danh như Sa Pa hay Lào Cai hay Tam Đảo, kiểu Sa Pa I, II, III... cho đến X, XI, XII. Cái chính là lần xúc động này có thể đổi sang lần xúc động khác cũng chả hại gì đến nội dung các bài thơ cả. Thảo nào trong vòng có hai ba năm ông đã có gần chục tập thơ dày như sách hướng dẫn du lịch.

Tiếp theo chuyện đu đeo là chuyện nhà thơ M.T. Ông này, trong một lần cao hứng, đã ví một vị vua có nhiều chiến công quân sự như một Đấng Cứu Thế. Biên tập viên nhã nhặn góp ý rằng, không nên ví von như thế. Ông sửng cồ lại rằng, với tôi (ông nhấn mạnh lắm) ông vua đó là một Đấng Cứu Thế. Thực ra, từ Đấng Cứu Thế trong tiếng Việt là để chỉ một Con Người đã có công giúp đưa nhận thức của nhân loại lên một tầm cao mới. Con Người đó cứu thế gian qua con đường cứu chuộc những tội lỗi của nhân loại, chứ không phải qua các con đường khác như quân sự, kinh tế hay ngoại giao... Nhưng ai mà cãi nổi với ông cơ chứ? Kết quả câu thơ ví von trên vẫn được in ra, mà còn in chữ in hoa nữa chứ.

Cách đây không lâu, trên Báo Văn Nghệ có in bài kiểu hồi kí của một nhà thơ kể rằng, hồi tác giả này mới làm thơ, có đem vài bài đến cho nhà thơ Xuân Diệu xem hộ. Chúng ta đều biết, nhà thơ Xuân Diệu vốn nổi tiếng là người kĩ tính và kĩ chữ, ngoài ra ông cũng hay viết sách dạy bảo cách làm thơ cho thế hệ sau ông. Nhà thơ lão thành bèn góp ý chân tình với nhà thơ trẻ kia rằng, em không nên dùng từ lặp lại trong một câu thơ. Nhà thơ trẻ kia tủm tỉm bảo, thế mà em thấy có người làm thế đấy, chẳng hạn: '' thi sĩ nghĩa ru với gió...''. Ai chả biết câu này của chính Xuân Diệu. Qua đó ta mới thấy cái láo nháo của cái việc gọi là dạy làm thơ. Trách nào thơ xứ ta...

Và vài chuyện thật như đùa...

Thứ nhất phải nói đến chuyện thơ Tết tuôn ra từ mùa hè. Ôi cái nóng chảy mỡ mà cũng có hoa đào nở. Nhưng có thế thì Tết đến mới đủ bài mà chạy sô chứ. Thiên hạ vô địch đệ nhất nhân cũng đạt đến cỡ chục triệu nhuận bút đấy. 

Một nhà thơ trẻ mới vào làng văn, một Tết đến thăm một nhà thơ lão thành. Nhà thơ lão thành hất hàm hỏi rằng, Tết này cậu in được mấy bài? Tớ thì được 6 bài. Cậu không được bài nào à, kém thế, mùa xuân là mùa thiêng liêng của đất trời, phải có thơ chứ. Nhà thơ trẻ tự ái, sang năm bèn dụng công sáng tác, và cố in được khoảng 6,7 bài. Sáng sớm mồng Một, anh này mang đến khoe với nhà thơ lão thành. Nhà thơ lão thành càu nhàu vì bị đánh thức sớm quá, thơ thẩn gì, mùa xuân là mùa người ta đi chơi, mùa vạn vật hoan lạc, mùa trai gái ấy nhau, dở hơi mới đi làm thơ (?).

Tiếp theo là một chuyện doạ tự tử tại toà soạn. Có một tác giả, hình như ở B.Đ, gửi vô vàn là thơ đến toà soạn. Chàng biên tập viên phải nhắn tin trên mục Hộp thư bạn đọc như sau: Chúng tôi đã nhận được một chùm thơ về bố bạn. Sau đó chúng tôi đã nhận được một chùm thơ về mẹ bạn. Tiếp theo chúng tôi đã nhận được một chùm thơ về vợ bạn. Gần đây nhất chúng tôi đã nhận được một chùm thơ về con bạn. Nhưng để tôn trọng tính riêng tư cá nhân, chúng tôi quyết định không in một chùm nào. Thế là cái gì đến đã đến. Một buổi sáng, một người đàn ông trông mệt mỏi vì đường sá xa xôi khoác ba lô đến gõ cửa toà báo. Ông ta đặt phịch cái ba lô xuống nói rằng, hôm nay là ngày quyết tử. Ba lô này là toàn bộ sáng tác của tôi, gia tài của tôi, nếu bản báo không in thì tôi sẽ chết tại đây, ngay hôm nay. Đoạn kết không ai biết, vì tất cả chạy đều chạy bán xới.

Hóm hỉnh và đầy nữ tính hơn nữa, kiểu ''Em ngồi tôm cá bày ra cả...'', là chuyện một nhà thơ nữ sang Úc thăm con gái. Khi về chị cho đăng trên báo V.N một bài thơ tả lại chuyện hai mẹ con nhổ tóc sâu cho nhau. Hình như chị muốn cả nước phải biết sự kiện này thì phải, bởi vì trong bài thơ kém cỏi đó, người đọc chẳng thu lượm được gì ngoài sự kiện trên.

Khao khát tên tuổi hơn nữa là một người rất đặc biệt mà chúng tôi có lần trực tiếp chứng kiến. Ông chìa cho xem một mảnh giấy được ép plastic cẩn thận. Đó là một mẩu cắt ra từ báo, có in lời nhắn tin của toà soạn kiểu: Tuần qua chúng tôi có nhận được tin bài cộng tác của A, B, C... Về thơ của X, Y, Z... Rất mong các bạn tiếp tục cộng tác... Và tên ông ta là Z trong danh sách trên.

Thôi bài đã dài, còn nhiều chuyện nữa kiểu như chuyện Tôi là chủ tịch thơ Đường của tỉnh đây! nhưng hẹn bạn đọc dịp khác. Chỉ xin mượn lời của nhà văn Vũ Bằng nói đại ý: Người làm văn học phải chịu đau khổ và bất hạnh, bất công mới làm nên văn học, để kết thúc. Sống đầy đủ, thêm tí xúc động thì không có gì nên thơ cả.

  • Nguyễn Phúc
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tác giả Harry Potter giao lưu với độc giả "nhí" (27/06/2003)
Về "đầu máy" nào đây cho "cỗ xe phê bình văn học"? (26/06/2003)
Các nhà sách ở TP.HCM: Cần thay đổi phương thức hoạt động (26/06/2003)
Sách cho thiếu nhi - thiếu hay thừa ? (25/06/2003)
Vài mẩu chuyện về nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình? (19/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức (17/06/2003)
ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” (13/06/2003)
Hồi ký của Hillary Clinton bán chạy như tôm tươi (12/06/2003)
Dịch giả Kato Sakae: "Cần những tác phẩm mọi dân tộc đều chia sẻ được" (10/06/2003)
Chuyện về những cây bút phê bình văn học trẻ (06/06/2003)
Dịch giả Đoàn Tử Huyến ''muốn tạo ra một sân chơi" (04/06/2003)
Ông Trần Mạnh Hảo nên đọc kỹ Nguyễn Tuân (03/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang