"Bill Clinton": Mối tình lãng mạn ở Đại học Yale
23:16' 30/08/2003 (GMT+7)

Thật khó mà quên được Bill Clinton của mùa thu năm 1970. Anh ấy xuất hiện ở khoa Luật của Đại học Yale, nhìn giống một gã cướp biển Viking hơn là một chàng sinh viên được nhận học bổng Rhode vừa trở về sau hai năm ở Oxford. Dáng người cao lớn, khuôn mặt điển trai thấp thoáng đằng sau bộ râu màu hung đỏ và mái tóc dài lượn sóng, ẩn chứa trong Bill là một sức sống mãnh liệt dường như lúc nào cũng sắp dâng trào.

Tôi nhìn thấy Bill lần đầu tiên ở đại sảnh của khoa Luật, khi anh ấy thao thao diễn thuyết trước một nhóm bạn học đang chăm chú lắng nghe. Lúc đi ngang qua, tôi nghe anh ấy nói “… không chỉ thế đâu nhé, dưa hấu ở quê mình cũng to nhất thế giới!”. Tôi hỏi một người bạn: “Chàng nào thế?”.

“À, đó là Bill Clinton”, bạn tôi đáp “Anh chàng quê ở Arkansas, lúc nào chả nói mãi về chuyện đó”.

Chúng tôi, người này vẫn thường chạm mặt người kia ở trường, nhưng mãi cho tới một tối mùa xuân năm sau ở thư viện Luật, hai người mới thực sự biết nhau. Lúc đó tôi đang ngồi học, còn Bill thì trò chuyện với một sinh viên khác tên là Jeff Gleckel ngoài đại sảnh. Jeff đang thuyết phục anh ấy viết bài cho tờ báo của khoa - Yale Law Journal. Để ý thấy anh ấy cứ liếc nhìn tôi suốt, tôi liền rời bàn học, bước tới chỗ Bill và nói: “Nếu bạn cứ nhìn mình mãi, và mình cũng nhìn lại như vậy, có lẽ bọn mình nên làm quen với nhau. Mình là Hillary Rodham”. Chuyện là như thế. Về sau Bill kể lại, khi đó anh ấy bối rối đến mức không nhớ nổi chính mình tên gì nữa.

Sau đó chúng tôi cũng không nói chuyện với nhau thêm lần nào, cho tới ngày cuối học kỳ mùa xuân năm 1971. Tình cờ, cả hai người rời khỏi lớp học môn Quyền Chính trị và Công dân của giáo sư Thomas Emerson cùng một lúc. Bill hỏi thăm tôi đang đi đâu, và khi biết tôi muốn qua phòng đào tạo để đăng ký lớp học cho kỳ sau, Bill nói rằng anh ấy cũng định tới đó. Vừa đi, Bill vừa tỏ ý khen chiếc váy dài thêu hoa của tôi. Khi tôi khoe rằng chiếc váy đó do mẹ tôi tự may, Bill chuyển sang hỏi thăm về gia đình tôi. Hai chúng tôi đứng xếp hàng đợi tới lượt mình. Cô nhân viên phòng đào tạo ngước mắt lên hỏi “Bill, em đăng ký rồi mà, còn đến làm gì nữa?”. Tôi bật cười khi nghe chàng thú nhận rằng chàng làm vậy chỉ vì muốn được ở bên tôi một lát, và thế là cả hai đi dạo cùng nhau thật lâu - đó chính là lần hò hẹn đầu tiên của chúng tôi.

Bọn tôi muốn đến xem buổi triển lãm của Mark Rothko ở phòng trưng bày nghệ thuật của Đại học Yale, nhưng vì có một cuộc đình công nên một số khu nhà của trường, trong đó có bảo tàng bị đóng cửa. Khi Bill và tôi đến nơi, anh ấy nói, nếu mình tình nguyện thu nhặt rác trong sân bảo tàng, có lẽ người ta sẽ cho mình vào trong. Đó chính là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở Bill tài năng thuyết phục người khác khi quan sát anh ấy xin họ cho hai đứa tôi vào xem. Cả bảo tàng chỉ dành riêng cho hai người chúng tôi. Hai đứa lang thang qua các phòng trưng bày, trao đổi về Rothko và nghệ thuật thế kỷ XX. Phải thừa nhận rằng tôi rất ngạc nhiên trước niềm đam mê và kiến thức của Bill về những vấn đề tưởng như xa lạ với một chàng Viking đến từ Arkansas. Dừng chân ở khuôn viên của phòng trưng bày, tôi ngồi trên nếp váy bức tượng Thiếu phụ mặc váy dài của Henry Moore và trò chuyện với Bill cho tới khi trời tối. Tôi mời Bill tới dự dạ tiệc của một cô bạn cùng phòng tên là Kwan Kwan Tan mừng ngày kết thúc học kỳ. Kwan Kwan là người Malaysia gốc Hoa theo học cử nhân luật khoa ở Yale, một người bạn rất dễ thương, đồng thời là một vũ công duyên dáng trong những điệu múa Malaysia. Đến bây giờ, hai vợ chồng Tan và Bill Wang (cũng là một bạn học cũ) vẫn là chỗ bạn bè thân thiết của tôi.

Bill đến dự tiệc trong im lặng, hầu như không nói một lời nào. Khi ấy, vì chưa hiểu rõ Bill, tôi nghĩ có lẽ anh ấy cảm thấy ngượng ngùng, khó hoà nhập, hoặc đơn giản chỉ là thấy không thoải mái lắm. Tôi cũng không nghĩ tới chuyện hai chúng tôi sẽ trở thành một đôi uyên ương. Hơn nữa thời gian đó tôi cũng đã có bạn trai, và chúng tôi dự định ra ngoại ô chơi vào cuối tuần. Khi trở lại Yale vào tối Chủ nhật, Bill gọi điện tới, nghe tiếng tôi húng hắng ho trong điện thoại - chả là tôi bị cảm lạnh sau chuyến đi chơi.

“Em ốm có vẻ nặng đấy”, anh ấy nói. Chừng ba mươi phút sau, Bill xuất hiện trên ngưỡng cửa phòng tôi, trên tay là bát xúp gà và ly nước cam. Anh ấy bước vào và bắt đầu nói chuyện cho tôi nghe. Bill có thể nói về mọi đề tài, từ chuyện chính trị ở châu Phi cho tới nhạc đồng quê và miền Tây. Tôi hỏi Bill vì sao trong buổi dạ tiệc tối đó anh ấy lại im lặng như vậy.“Vì anh muốn tìm hiểu nhiều hơn về em và các bạn của em”, anh ấy đáp.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng người đàn ông trẻ tuổi này phức tạp hơn nhiều so với những gì mà ấn tượng trong lần đầu gặp gỡ mang lại cho tôi. Cho đến tận bây giờ, Bill vẫn làm cho tôi ngạc nhiên mỗi khi dệt nên những mối liên hệ của ý tưởng và ngôn từ và thổi vào đó sự nhịp nhàng của âm nhạc. Và tôi vẫn luôn yêu thích cách tư duy và nhìn nhận vấn đề của anh ấy. Một trong những điều đầu tiên ở Bill khiến tôi để ý là đôi tay của anh. Cổ tay nhỏ, những ngón tay dài và thanh mảnh làm đôi bàn tay anh ấy giống như của một nghệ sĩ dương cầm hay một bác sĩ phẫu thuật. Bây giờ trên đôi tay ấy đã xuất hiện những vết hằn của năm tháng, sau hàng ngàn cái bắt tay, vô số lần chơi golf và biết bao chữ ký kéo dài hàng dặm. Cũng như chủ nhân của chúng, đôi bàn tay ấy đã trải biết bao phong trần, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn toát lên vẻ biểu cảm, quyến rũ và đầy cương nghị.

Không bao lâu sau lần Bill trở thành vị cứu tinh của tôi với bát xúp gà và ly cam vắt, chúng tôi không thể rời xa nhau nữa. Giữa khoảng thời gian nhồi nhét cho kỳ thi và kết thúc năm chuyên sâu thứ nhất về trẻ em của tôi, hai đứa thường đi lang thang hàng giờ trong chiếc Opel màu cam của anh ấy - một trong những chiếc xe xấu xí nhất trần đời, hoặc ngồi vơ vẩn ở căn nhà bên bờ biển ở Long Island Sound, gần Milford, Connecticut, nơi Bill sống chung với ba người bạn: Doug Eakeley, Don Pogue và Bill Coleman. Một tối, sau khi tan tiệc tại đó, tôi và Bill ngồi lại trong nhà bếp, thảo luận về chuyện hai đứa sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Tôi khi đó vẫn chưa biết mình sẽ sống và làm việc ở đâu, bởi ngành học của tôi là về bảo hộ trẻ em và quyền công dân, nên không có một định hướng nào cụ thể. Còn Bill thì đã có kế hoạch chắc chắn: anh ấy sẽ về mở văn phòng giao tế cộng đồng. Trong số bạn bè cùng lớp của tôi cũng có nhiều người tỏ ý muốn theo đuổi mục tiêu phục vụ cộng đồng, nhưng duy nhất chỉ có Bill là người các bạn biết chắc chắn sẽ lựa chọn con đường đó.

Tôi cho Bill hay tôi định tới làm thư ký cho Treuhaft, Walker và Burnstein, một công ty luật nhỏ ở Oakland, California trong mùa hè, và Bill nói anh ấy muốn đi California cùng tôi. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi biết trước đó anh ấy đã đăng ký tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của Thượng nghĩ sĩ George McGovern, và Gary Hart, người chỉ đạo chiến dịch đã đề nghị Bill đảm nhiệm miền Nam cho McGovern. Đối với Bill, viễn cảnh lái xe khắp miền Nam từ bang này tới bang khác để thuyết phục những người thuộc phe Dân chủ ủng hộ McGovern và phản đối chính sách của Nixon về Việt Nam thật là hấp dẫn.

Đành rằng ở Arkansas, Bill đã từng tham gia cuộc vận động tranh cử cho Thượng nghị sĩ J. William Fulbright và những nhân vật khác, ở Connecticut anh ấy cũng từng làm cho Joe Duffey và Joe Lieberman, nhưng một vị trí quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống thì quả là một cơ hội chưa từng có. Tôi cố gắng làm Bill ý thức được điều đó. Và tôi đã thật sự cảm động.

“Nhưng vì sao?” tôi hỏi “Vì sao anh lại từ bỏ một cơ hội mà anh say mê để theo em đi “Vì người anh say mê, đơn giản vậy thôi” Bill đáp lời tôi.

Bill thổ lộ với tôi, anh ấy đã xác định rằng bọn tôi sinh ra để dành cho nhau, và anh ấy nhất định không để tôi ra đi sau khi đã có được tôi.

Hai chúng tôi sống chung trong một căn hộ nhỏ gần một công viên rất rộng, cách phân khu Berkeley của Đại học California không xa. Công viên này chính là nơi khởi đầu cho phong trào Tự do Ngôn luận năm 1964. Tôi dành hầu hết thời gian cho các hoạt động nghiên cứu của Mal Burnstein, viết kiến nghị pháp lý và bản tóm lược về một trường hợp giám hộ trẻ em. Trong khi đó Bill lang thang tìm hiểu khắp Berkeley, Oakland và San Francisco. Cứ đến cuối tuần, anh ấy lại đưa tôi tới những chỗ mới khám phá, như một nhà hàng ở hay một cửa hàng quần áo danh tiếng trên đường Telegraph. Tôi dạy Bill chơi tennis, và cả hai cùng nhau học nấu ăn. Có lần tôi nướng một chiếc bánh nhân đào cho Bill, một món ăn gợi nhớ tới Arkansas, dù tôi chưa đến đó bao giờ. Mỗi khi mời khách, tôi và Bill vào bếp cùng nấu món cari gà khá ngon. Phần lớn thời gian, Bill đọc sách và sau đó chia sẻ với tôi những cảm nghĩ của mình về tác phẩm, ví dụ như cuốn Tới ga Phần Lan của Edmund Wilson. Mỗi lần đi dạo cùng nhau, Bill thường cất tiếng ngân nga khe khẽ một bài ca của Elvis Presley mà anh ưa thích.

Mọi người kể lại rằng hồi đó tôi nghĩ Bill sớm muộn sẽ trở thành Tổng thống, và sẵn sàng nói về điều đó với bất kỳ ai muốn nghe. Tôi không dám chắc hồi ấy mình có nghĩ vậy không, hay đó là chuyện của những năm về sau, nhưng tôi có một kỷ niệm rất đặc biệt trong một quán ăn nhỏ. Lần ấy tôi có hẹn với Bill, nhưng vướng nhiều việc quá nên đến muộn. Lúc tôi tới nơi, Bill không còn ở đó, tôi hỏi thăm người bồi bàn xem có thấy người đàn ông nào như thế không. Một khách hàng gần đó nói với tôi: “Anh chàng đó ngồi đây đọc sách rất lâu, nên tôi bắt chuyện với cậu ấy về sách vở. Tôi không biết chàng trai đó tên gì, nhưng một ngày nào đó, cậu ta sẽ trở thành Tổng thống”. “Chắc vậy rồi bác ạ”, tôi đáp “Nhưng bác có biết anh ấy đi đâu không?”.

Cuối hè năm đó, chúng tôi trở lại và thuê một căn phòng ở tầng trệt, số 21 đường Edgewood với giá 25 đô la một tháng. Với mức giá đó, chúng tôi có một phòng khách có lò sưởi, một phòng ngủ nhỏ, một căn phòng nữa vừa làm phòng học vừa làm phòng ăn, một nhà tắm bé xíu và một căn bếp đơn sơ. Nền nhà dốc tới mức nếu không kê mấy mảnh gỗ dưới chân bàn ăn cho cân thì bát đĩa sẽ trôi tuột xuống. Gió lùa qua những khe hở trên tường được che sơ sài bằng những tờ giấy báo. Mặc dù vậy, tôi vẫn rất yêu tổ ấm đầu tiên của hai chúng tôi. Đồ đạc trong nhà, bọn tôi đều mua ở cửa hàng Goodwill & Salvation Army, và rất lấy làm hãnh diện vì phong cách trang trí đậm màu sắc sinh viên của mình.

Căn hộ của chúng tôi chỉ cách quán ăn trên phố Elm một dãy nhà. Đây là nơi chúng tôi thường lui tới vì quán này mở cửa cả đêm. Dưới phố là một lớp dạy Yoga mà tôi theo học. Bill đồng ý học cùng tôi nhưng với điều kiện là tôi không được tiết lộ với ai. Anh ấy thường tới Nhà thờ Sweat, trung tâm thể thao có kiến trúc theo kiểu gothic của Đại học Yale, ung dung chạy vòng quanh hành lang. Anh ấy là thế, một khi đã xuất phát là sẽ không dừng lại. Tôi thì không được như vậy.

Chúng tôi thường dùng bữa ở một quán ăn Hy Lạp rất ngon. Đi xem phim ở một rạp chiếu bóng nho nhỏ tên Lincoln ở trên khu dân cư cũng là một thú vui của hai đứa. Một tối nọ, khi bão tuyết vừa dứt, hai chúng tôi quyết định đi xem phim. Đường vẫn chưa được dọn quang, nên cả khi đi và về bước chân của cả hai ngập sâu trong lớp tuyết dày, nhưng trong lòng lại tràn đầy tình yêu và sức sống.

Cả hai chúng tôi đều phải làm việc để trang trải chi phí theo học ngành Luật, cũng để thêm vào khoản vay dành cho sinh viên mà chúng tôi đã chi tiêu hết. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có thời gian dành cho hoạt động chính trị. Bill quyết tâm dùng tiền túi thuê nhà và mở một văn phòng vận động cho McGovern. Đa số những người tình nguyện tham gia đều là sinh viên và cán bộ của trường Yale, vì Arthur Barbieri, lãnh đạo của Đảng Dân chủ ở khu vực lại không ủng hộ McGovern. Bill thu xếp một cuộc gặp gỡ với ông Barbieri tại một nhà hàng Italia. Trong bữa trưa hôm đó, Bill cho biết anh ấy có trong tay tám trăm tình nguyện viên sẵn sàng tiến hành cải tiến cơ cấu hoạt động của Đảng tại địa phương. Sau cùng Barbieri đồng ý ủng hộ cho McGovern. Ông ấy mời chúng tôi tới dự một buổi gặp mặt ở câu lạc bộ Melebus của người Ý tại địa phương, nơi ông ta sẽ tuyên bố hậu thuẫn cho McGovern. 

Tuần sau, chúng tôi lái xe tới một khu nhà chẳng có gì đặc biệt, bước qua một cánh cửa và những bậc thang dẫn xuống dãy phòng ở tầng hầm. Khi Barbieri đứng lên phát biểu ở đại sảnh, ông ta thu hút sự chú ý của những thành viên trong hội đồng hành chính địa phương đang có mặt - mà hầu hết là nam giới. Barbieri bắt đầu nói về vấn đề chiến tranh Việt Nam và nêu tên những thanh niên đang tại ngũ và những ai đã hy sinh. Rồi ông kết luận “Cuộc chiến này không đáng để chúng ta hy sinh thêm bất kỳ ai. Vì vậy hãy ủng hộ George McGovern, người mong muốn đưa con em chúng ta trở về!”. Vào thời điểm ấy, quan điểm này chưa trở nên phổ biến, nhưng trong suốt buổi tối đó, ông ấy rất cố gắng thuyết phục mọi người, và cuối cùng có được số phiếu áp đảo. Barbieri cam kết ủng hộ McGovern ở cấp bang và trong cuộc bầu cử Tổng thống. Trên thực tế, New Haven là một trong số ít những vùng đã bỏ phiếu cho McGovern chống lại Nixon.

Sau lễ Giáng sinh, Bill tới và ở chơi với gia đình tôi trong vài ngày. Cha mẹ tôi đều đã gặp Bill từ hè năm trước, nhưng tôi vẫn rất lo lắng, vì cha tôi xưa nay rất thẳng thừng phê phán những bạn trai của tôi. Tôi băn khoăn không biết ông sẽ nhận xét thế nào về một gã trai ủng hộ đảng Dân chủ và có tóc mai để dài kiểu Elvis Presley. Mẹ tôi từng nói, trong mắt ông không có một chàng trai nào xứng đáng với con gái mình. Bà rất mến Bill vì phong cách của anh ấy cũng như chuyện Bill nhiệt tình giúp bà rửa bát. Bill thực sự chiếm được cảm tình của mẹ tôi khi anh ấy thảo luận với bà về một cuốn sách triết học trong giáo trình ở trường của bà trong suốt một giờ liền. Về phần bố tôi, ban đầu mọi chuyện diễn ra chậm chạp, nhưng ông trở nên niềm nở hơn sau khi chơi bài và xem trận bóng bầu dục trên TV. Mấy đứa em trai tôi cũng mến Bill, bạn bè tôi cũng vậy. Tôi giới thiệu anh với cô bạn Betsy Johnson, và khi chúng tôi ra về, bác Roslyn, mẹ cô ấy kéo tôi vào một góc và nói: “Bác không biết cháu sẽ làm như thế nào, nhưng đừng để anh chàng này tuột khỏi tay. Cậu ấy là người duy nhất mà bác biết có thể làm cháu cười”.

Sau khi ra trường vào mùa xuân 1972, tôi trở lại Washington làm việc cho Marian Wright Edelman, còn Bill chính thức làm việc cho chiến dịch tranh cử của McGovern. 

Công tác đầu tiên của tôi hè năm 1972 là thu thập tư liệu về việc chính quyền Nixon không áp đặt lệnh cấm miễn thuế đối với những trường tư thục mọc lên như nấm. Các trường học này biện hộ rằng họ được thành lập theo mong muốn của phụ huynh mở trường tư, hoàn toàn không liên quan tới quyết định về hoà hợp cộng đồng ở các trường công lập. Tôi tới Atlanta để gặp gỡ các luật sư và những người hoạt động vì quyền công dân đang thu thập bằng chứng cho thấy rằng các trường tư thục được thành lập thuần tuý với mục đích tránh thực hiện sắc lệnh hợp hiến theo phán quyết của Toà án tối cao, khởi đầu là vụ việc của Brown và Bộ Giáo dục.

Tôi tới Dothan, Alabama để tiến hành điều tra, giả làm một người mẹ trẻ mới chuyển tới đây và muốn tìm cho con mình một trường tư thục chỉ dành riêng cho trẻ em da trắng. Trước tiên tôi ghé lại ăn trưa với cộng tác viên ở khu dành cho người da đen ở Dothan. Vừa ăn bánh hamburger và uống trà đường, họ vừa cho tôi biết, ở đây người ta đang chuyển sách vở và phương tiện học tập từ nhiều trường công lập sang cho cái gọi là trường tư thục dành riêng người da trắng. Tôi hẹn gặp người phụ trách một trường tư ở địa phương và trao đổi về việc đăng ký cho đứa con ảo vào học. Đóng vai của mình khá đạt, tôi tìm hiểu về lý lịch và thành phần học sinh. Người ta đảm bảo với tôi là trường sẽ không có một học sinh da đen nào.

  • Trang Hải
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên (30/08/2003)
"Chúng tôi muốn mang đến cho độc giả Mỹ món ăn mới lạ" (26/08/2003)
Sách lậu càng nhiều, tiến trình hội nhập quốc tế càng chậm (26/08/2003)
Phê bình còn là một sân chơi thiếu luật (21/08/2003)
Hoàng Trần Cương viết tộc phả thành thơ (23/07/2003)
Vì sao hoạt động xuất bản liên tục gặp “sự cố”? (17/07/2003)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết hồi ký (17/07/2003)
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó 'quất' cho mình vài roi" (06/07/2003)
Cần phải hiểu đúng bài thơ "Tràng Giang" (05/07/2003)
Nhà văn Võ Thị Hảo với Giàn thiêu (03/07/2003)
''Thơ ca tạo một thế giới bên cạnh chúng ta...'' (03/07/2003)
Thực tế buồn về văn học Việt Nam được dịch ở Pháp (02/07/2003)
"Tôi thấy Hồ Xuân Hương đã bị oan!'' (01/07/2003)
''Một thiên nằm mộng'' - đánh thức những điều giấu kín (30/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang