(VietNamNet) - Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: "... Chúng ta dành riêng cho họ một nhà thơ, để vì họ giải giùm những nỗi uất ức bao nhiêu năm như nghẹn ngào trên núi sông này. Vong linh nòi giống đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên dầu không phải là người họ Chế, Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành...".
|
Nhà thơ Chế Lan Viên và tác phẩm "Điêu tàn", NXB Văn học. |
Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một "niềm kinh dị" rồi cuối cùng, Hoài Thanh đã hạ bút: "Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật". Với Điêu tàn, Chế Lan Viên đã là một nhà thơ thực thụ ở cái tuổi tân trưởng thành. Và bất cứ một nhà nghiên cứu, phê bình văn học... đều khẳng định một phong cách đứng riêng một cõi của Chế Lan Viên qua Điêu tàn.
Trong Lời tựa "Điêu tàn", Hàn Mạc Tử đã viết: "Làm thơ tức là điên!". Chế Lan Viên đã lớn lên ở Bình Định, xưa kia từng là kinh đô của nước Chàm, với những ký ức về Chế Bồng Nga, nàng Mỵ Ê, thành Đồ Bàn... Cảnh tang thương dâu bể ở những nơi xưa kia huy hoàng, tráng lệ thật dễ não lòng: Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước/ Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương (Thời oanh liệt).
"Đó là nỗi "buồn hiện tại" chung của thơ mới, tự giác hay không cái buồn của thân phận người dân mất nước, tuy không trực tiếp nói ra... Ta không quên Điêu tàn nằm trong dòng chảy của thơ mới lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn vốn ghét cái thường tình, cái thông tục, mà so với các nhà thơ đương thời, Chế Lan Viên là người ít chịu đựng cái lẽ thường hơn ai hết, hơn cả Hàn Mạc Tử là người đã cùng Chế Lan Viên khởi xướng nên trường thơ Loạn... Người đọc kinh ngạc không phải vì sự điêu tàn của một dân tộc mà vì tác giả đã gắn liền nó với những: Cái sọ người, Đầu rơi, Xương vỡ máu tràn, Những nấm mồ...".(Theo Lê Đình Kỵ - Thơ Mới - Những bước thăng trầm. NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993).
Nhà thơ Hoài Anh nhận định: "Nếu tập thơ Điêu tàn đến với người đời như một niềm kinh dị pha chút sợ hãi, thì tập thơ Ánh sáng và phù sa đến với chúng tôi như một niềm kinh ngạc xen lẫn hân hoan, hào hứng xúc động trước hiệu năng kỳ lạ của thơ đó là một cái bình dung tích rất lớn, chứa thứ rượu cất ủ lâu năm, có khi chỉ uống một chén móng đã đủ say".
Xuân Diệu đã gọi Chế Lan Viên là người: "Làm thơ tứ tuyệt tinh vào bậc nhất".
Riêng Nguyễn Quốc Khánh trong bài: "Tính hiện đại trong thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên" đã viết: "Chỉ tính riêng về số lượng, qua thống kê 809 bài thơ (trong Tuyển tập Chế Lan Viên tập 1 và 3 tập thơ Di cảo), số bài tứ tuyệt chiếm tới 295 bài (36,5%) đã đủ nâng Chế Lan Viên lên hàng vô địch về sáng tác tứ tuyệt trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam.
Đặc biệt là ở ba tập thơ “Di cảo” (có 205 bài tứ tuyệt/ 566 bài thơ (36%), thì đã quá nửa số bài viết vào khoảng thời gian cuối đời (1985 – 1988). Đó là những bài thơ lấy cảm hứng chủ yếu từ đời thường, từ cá nhân và mang đầy những nỗi niềm suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm.
Thế giới nghệ thuật thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên là thế giới riêng của nhà thơ, là thế giới được nhìn từ bên trong tâm hồn, gắn liền với những suy tư, chiêm nghiệm lâu dài hay những khoảnh khắc bất chợt. Từ một điểm nhìn bao quát, Chế Lan Viên không chỉ chú ý đến chiều rộng, chiều sâu của hiện thực đời sống mà còn đặc biệt chú ý đến chiều mơ hồ khó nắm bắt của tâm linh sâu thẳm trong con người nhà thơ. Chế Lan Viên đã từng tâm niệm:
Phát giác sự việc ở bề chưa thấy Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa
|
Nhà thơ Chế Lan Viên và tác phẩm "Điêu tàn", NXB Hội Nhà văn. |
Cái nhìn đa diện khiến cho tứ tuyệt Chế Lan Viên không chỉ được nhìn nhận, cảm xúc từ các góc độ công dân, chiến sĩ, nghệ sĩ, tình nhân, triết nhân… mà còn được tái hiện trong các mối quan hệ: xưa - nay, trách nhiệm - hưởng thụ, hiện thực - lý tưởng, tục - tiên, cao sang - hèn hạ, hữu hạn - vô cùng, sống - chết, thật - ảo, tốt - xấu…
Tứ tuyệt của Chế Lan Viên đã thể hiện sự đa dạng, phong phú, nhiều chiều của cái tôi trữ tình bằng sự phân thân nhưng không tách bạch hai con người thể xác và tinh thần riêng biệt. Bởi giữa chúng bao giờ cũng có sự tương hỗ, bổ sung qua lại. Mọi cố gắng của con người này cũng là nhằm để tương xứng theo kịp con người kia, để hoàn thiện một con người có ý thức rất cao về nhân cách. Vì vậy ta hiểu vì sao cái sân bay của tâm hồn Chế Lan Viên chính là để “Đôi khi để từ mình bay cho đến được mình thôi”. Ta cũng hiểu vì sao Chế Lan Viên đã ví mình như một tháp Bayon mà ba phần còn chìm ẩn tận trong sâu thẳm con người tinh thần đa diện mà chính mình cũng thật khó lý giải, nhận diện:
Anh là tháp Bayon bốn mặt Dấu đi ba còn lại đấy là anh Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
(Tháp Bayon bốn mặt)
Trong bài "Điêu tàn", Chế Lan Viên bộc lộ tính nhân bản với nỗi buồn cho số phận những trẻ lang thang, khi mọi người sum họp thì các em là những kẻ bất hạnh nhất đứng ngoài cuộc chơi mà đáng ra mình là người trong cuộc "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa", vì dẫu sao ở Tiếng hát con tàu là khát vọng hướng tới tương lai, dẫu có khó khăn vẫn có chút tình người, tình đời.
Lấy cái vui của cuộc đời đánh bạt mọi đau thương. Đó là chủ đạo thể hiện nhiều nhất trong thơ Chế Lan Viên một người "hoài cổ".
Vài nét về tiểu sử:
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920 và mất ngày 19/6/1989. Quê quán ở Quảng Trị. Lớn lên đi học và làm thơ tại Bình Định. Cùng nhóm thơ với Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Yến Lan. Tham gia kháng chiến chống Pháp. Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI và tham gia các diễn đàn quốc tế tại Liên Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ... Ngoài sáng tác thơ còn viết bút ký, tiểu luận phê bình.
Tác phẩm chính:
Về thơ: Điêu tàn, 1937; Gửi các anh, 1954; Ánh sáng và phù sa, 1960; Hoa ngày thường, Chim báo bão, 1967; Những bài thơ đánh giặc, 1972; Đối thoại mới, 1973; Hoa trước lăng Người, 1976; Hái theo mùa, 1977; Hoa trên đá, 1984...
Về Văn xuôi: Vàng sao, Phê bình văn học, Suy nghĩ và bình luận, Bay theo đường dân tộc đang bay, Từ gác Khuê văn đến quán Trung tân, Nghĩ cạnh dòng thơ... |
|